Đừng bán rẻ linh hồn cho những thứ không thuộc về mình.

224

Tôi thực sự cảm nhận được rất nhiều bài học hay khi đọc cuốn tiểu thuyết Suối Nguồn của nhà văn nữ Ayn Rand. Nó làm nảy sinh trong tôi về một ý nghĩ: chọn lựa và sống trong đời của một con người, để không rơi vào cạm bẫy của thế lực gian tà và có nguy cơ: “Bán Rẻ Linh Hồn Cho Những Thứ Không Thuộc Về Mình”.

Tôi muốn chia sẻ ý tưởng này, trước hết cho chính bản thân tôi, để tôi có chọn lựa đúng đắn về cách sống, hành trình tôi đang đi sẽ phù hợp với ơn gọi và căn tính của mình, hơn nữa tôi cũng muốn gửi tới những người thân yêu của tôi những chia sẻ này cùng tất cả những ai đang khao khát đi tìm Chân – Thiện – Mỹ cách chân thành. Mong rằng khi đọc được những suy tư còn non yếu và hạn hẹp của tôi, phần nào mọi người sẽ có thêm những câu trả lời riêng cho câu nói trên theo như cảm nhận riêng của mỗi người và tìm ra ý nghĩa mới, những đường hướng mới cho một cuộc chọn lựa đầy thách thức trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Trước hết, tôi xin chia sẻ về câu hỏi:

Linh hồn là gì? Tại sao không nên bán rẻ linh hồn?

Tôi có đọc thấy có rất nhiều quan điểm khác nhau trong cách nhìn nhận về khái niệm linh hồn theo triết học, khoa học, tôn giáo… Nhưng tôi xin được trình bày theo quan điểm niềm tin của tôi đó là:

Theo Giáo lý Hội Thánh Công giáo: Linh hồn là cái làm cho ta thành một con người. Nó là nguyên lý linh thiêng của sự sống, và là cái sâu thẳm nhất trong con người. Linh hồn làm cho thể xác vật chất trở nên thân xác sống động của con người. Nhờ linh hồn, con người có thể xác nhận cái “Tôi” của mình, và đứng trước Thiên Chúa như một cá thể không ai thay thế được. [362-365, 382]. Vì thế, linh hồn con người là do Thiên Chúa trực tiếp dựng nên, chứ không phải sản phẩm bởi “cha mẹ” [366-368, 382]. Đây là lý do mà tôi suy nghĩ con người không có quyền để bán rẻ linh hồn.

Tiếp đó: Cái gì là cái không thuộc về mình?

Khi suy nghĩ cho vấn đề này tôi cho rằng: những cái không thuộc về mình thì hẳn ai cũng có thể trả lời một cách đơn giản. Nhưng có phải những thứ mình không sở hữu thì mới không thuộc về mình chăng? Bạn có nghĩ rằng có những thứ dường như hoàn toàn thuộc về mình, cái ta cầm chắc trong tay, cái ta nhìn thấy được, đụng chạm và cảm nhận được như thân thể, tài năng, công việc, gia đình,vật dụng tài sản hằng ngày của ta… nó cũng không hẳn thuộc về ta không? Tôi xin đưa ra một vài ý tưởng của tôi về những điều tôi vừa nêu trên. Vậy cái gì thuộc về ta mà ta không nên bán rẻ để đánh đổi lấy cái không thuộc về mình?

Sống trong một thế giới mà rất rất nhiều sự cạnh tranh có thể nói là khốc liệt để có thể sinh tồn với những khắc nghiệt từ ngoại cảnh. Vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng: muốn có được hạnh phúc thì phải có những đánh đổi cần thiết. Khi chúng ta nỗ lực sống tốt, làm điều tốt, phấn đấu để học hỏi, để tìm kiếm một cuộc sống đúng nghĩa và hạnh phúc thật sự thì đó hiển nhiên là việc làm tốt và không có gì sai trái với lẽ tự nhiên. Chẳng ai cổ xúy một lối sống bần hàn, túng thiếu, và dốt nát. Nhưng cái làm cho ta có thể lâm vào màn bi kịch của sự dữ và tuột dốc sai trái là lòng tham, ích kỷ, nghi ngờ, ghen tỵ… Người ta thường nói: người nghèo thì có giới hạn còn người tham lam thì không có giới hạn. Khi ta chỉ nghĩ cách hạn hẹp để thu thém, lượm lặt, tìm kiếm lợi nhuận cho bản thân, tìm lợi ích riêng cho một tập thể của mình, mà ít quan tâm tới nhu cầu của người bên cạnh, ta không có tiêu chuẩn cụ thể cho những giới hạn của tham vọng thì đâu là điểm dừng? Tôi có thể chưng dẫn một vài ý tưởng của tôi về những thứ mà bản chất của nó vốn không xấu, nhưng lại rất dễ là cớ cho mọi người có thể mất phương hướng và khó kiểm soát mình, để rồi chúng ta có những hoán đổi chênh lệch vị trí về bản chất thật vốn có của bản thể. Chẳng hạn:

Tiền là vật ngang giá chung có tính thanh khoản cao nhất dùng để trao đổi lấy hàng hóa và dịch vụ, chúng ta cần có tiền để phục vụ nhu cầu của cuộc sống thường ngày nhưng nó sẽ có nguy cơ làm cho con người phụ thuộc và rơi vào cái bẫy để ta dễ bán rẻ linh hồn cho những thứ không thuộc về mình” khi chúng ta tôn thờ đồng tiền như ông chủ của mình, khi chúng ta kiếm tiền và sống trên mồ hôi nước mắt của người khác đó gọi là đồng tiền bất lương. Khi sống trong cái gọi là hạnh phúc giả tạo mà ta có được từ bàn tay và mồ hôi lao nhọc của người khác thì nó có hoàn toàn thuộc về ta? Một tấm bằng, một tác phẩm nghệ thuật, một tư tưởng từ người khác nhưng chúng ta khôn khéo, biến nó thành của mình thì đó gọi là gì? Khó có thể có một khái niệm hay cho nó một tên gọi chính xác nhưng chắc chắn nó không phải của ta. Chúng ta sẽ thật sự bất hạnh khi ta sống ký gửi, sống nhờ hay vay mượn của người khác mà như thể là cái của mình? Chúng ta sẽ không thực sự hạnh phúc đâu, sau cái hào nhoáng của thành công ấy, đằng sau là cả một không gian rộng lớn trống trải nội tâm ta phải chiến đấu, giằng co quyết liệt, đằng sau đó quả là cả một sự trống rỗng rất lớn. Nó làm ta mất bình an.

Ngay cả khi chúng ta hoàn toàn làm ra chúng bằng những giọt nước mắt chân chính thì cũng không hẳn là của ta. Hãy coi đó là một phần khích lệ chính đáng ta được nhận, nhưng đừng lấy đó để quên thực tại đời ta. Ta hẳn từng biết và tin rằng: chúng ta chỉ là những quản gia được ông chủ trao phó tài sản vào tay để ta quản lý và sinh lợi một thời gian. Khi đến thời đến buổi ông chủ sẽ gặp ta để thanh toán sổ sách (x. Lc 19, 11-28).

Danh là cái mà làm cho ta không còn thực sự là mình khi chúng ta cần được chú ý, cần lời khen, ta sống dựa vào những dư luận, mà quên và không biết mình là ai và mình sống vì ai? Đó là lúc chúng ta đánh mất chính mình chỉ vì cái danh hư hảo. Hay khi tìm mọi cách để lật lọng cho mình có được danh vọng hay vị trí mà ta muốn mình đứng vào xứng đáng thì nó lại hoàn toàn không thuộc về ta chỉ là trên danh nghĩa vay mượn. Đó là hình thức bán rẻ lương tâm để có được những thứ chả liên quan tới mình.

Quyền chúng ta hẳn sẽ rất hãnh diện và tự hào về tài năng của mình khi thấy bản thân thật vĩ đại vì có thể “hô mưa, gọi gió” với tất cả mọi người. Nhưng tôi lại nhận thấy mặt trái của quyền lực là làm tổn thương người khác. Hơn nữa, ta lẽ nào quên mất lời dạy của Chúa Giêsu rằng: Anh em đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. (Mt 23, 9).Con người càng làm lớn thì càng trở nên người phục vụ mọi người. Phục vụ tha nhân đó là cái quyền mà có thể ai muốn là môn đệ của Đức Kitô cũng sẽ nằm lòng với bài học này.

Con người toàn thể: Xác và Hồn là thể thống nhất để chúng ta sống đúng phẩm giá của chúng ta một cách bình đẳng với hết mọi người. Một thứ không thể là cao nếu chúng ta có thể với tới nó, nó không vĩ đại nếu người ta có thể tranh cãi về nó, nó không sâu nếu người ta có thể nhìn thấy đáy (Suối Nguồn- Ayn Rand). Nhưng với một con người thống nhất thì bên trong và ngoài là một, ta có thể thấy và cảm nhận rõ ràng. Đừng cầm tù chính mình, đừng tự khóa chặt mình trong không gian chật hẹp những thứ tội ác của tham vọng, cái tôi vị kỷ, đừng đánh đổi hay bán rẻ chính mình. Hãy mở ra cho mình một lối thoát, để linh hồn tìm thấy tia sáng hy vọng phía trước.

Tắt một lời chúng ta hãy tự hỏi: Được cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích chi? Hay bán rẻ linh hồn cho những thứ phù phiếm chẳng không sinh ích cho Linh hồn mình thì có nghĩa lý gì không? Đây cũng là câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ cho từng ngày sống của tôi trong ơn gọi thánh hiến.

Têrêsa Hoàng Ngoan, Học viện MTG Thủ Đức