Đức tin – Vấn đề của tình cảm hay lý trí?

156

Đức tin được là niềm tín thác vào Đức Giêsu Kitô. Đức tin cũng được coi là một dạng kiến thức – tức là tin những điều gì đó, như tin có sự sống lại của người chết hoặc sự cần thiết của Bí tích Thánh Tẩy.

Đối với chúng ta, các tín nhân muốn nghĩ về niềm tin và hiểu biết hơn về đức tin, có vẻ có sự lầm lẫn cần làm cho rõ ràng. Đa số có nguyên nhân từ các trường hợp thuộc lịch sử. Khi ly khai với Giáo Hội, Martin Luther đã không đặt nặng vấn đề đức tin là niềm tin cá nhân. Ông muốn đức tin làm công việc của những gì người Công giáo hiểu đúng đắn là đức cậy và đức mến. Đối với ông, đó là tất cả đức tin – một cách kết hợp nguy hiểm về các nhân đức đối thần, trở thành sai lầm nghiêm trọng của sự cải cách.

Về phương diện Công giáo, cách định nghĩa của Thánh Thomas Tiến Sĩ về đức tin có vẻ theo chiều ngược lại, với cách hiểu đức tin là sự hiểu biết. Ở đây đức tin được định nghĩa là hành vi của trí tuệ thuận theo sự thật thuộc về chuyển động của ý chí, chính nó được di chuyển bằng ơn Chúa. Đó vẫn là cách định nghĩa cổ điển về đức tin từ nhiều thế kỷ, và cũng là cách mà Bách Khoa Công Giáo đã định nghĩa về điều đó. Nhưng từ Công Đồng Vatican II, nó trở nên rất phổ biến trong giới Công giáo khi nói về đức tin trong mối quan hệ với Đức Kitô.

Một số câu Kinh Thánh có vẻ ủng hộ quan điểm trí tuệ về chính đức tin. Có lẽ nổi tiếng nhất là câu của Thánh Giacôbê: “Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ.” (Gc 2:19) Ngoài ra, cũng có các câu kinh điển như câu này: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16)

Vậy đức tin có phải là niềm tin cá nhân hoặc trí tuệ thuận theo sự thật được thiên khải? Có lẽ là cả hai.

Thứ nhất, chúng ta làm rõ những điểm chính. Đối với phạm vi mà người Công giáo chúng ta có thể xác định đức tin là niềm tin cá nhân, không có nghĩa là chúng ta chấp nhận cách hiểu của Luther về đức tin là gộp chung cả hai nhân đức đối thần khác. Phải loại bỏ cách hiểu méo mó này của Luther.

Thứ nhì, mặc dù có cách hiểu trí tuệ hơn, vẫn cần nói rõ: đức tin của chúng ta ở trong con người cao hơn hết, không là một ý tưởng, một nguyên tắc, hoặc một vật. Chúng ta tin vào chính Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải chính Ngài một cách trọn vẹn nhất nơi một Con Người – Đức Giêsu Kitô. Tương tự, điều này có nghĩa là chúng ta cũng tin những điều Ngài dạy chúng ta. Do đó đức tin bao gồm việc đồng thuận với những điều xác định, bắt đầu với những điều trong kinh Tin Kính về Phép Rửa và sự sống đời đời. Cho nên mặc dù chúng ta nhấn mạnh phương diện cá nhân, nó vẫn đòi hỏi lý trí.

Rất đáng lưu ý rằng Thánh TS Thomas Aquinas xác định vấn đề này. Nhưng chúng ta vẫn phải trả lời vấn đề quan trọng của chúng ta: Làm sao đức tin có thể vừa là sự hiểu biết vừa là sự tin tưởng?

Chúng ta có cách giải quyết đúng khi vấn đề có vẻ bắt đầu. Xem lại cách định nghĩa cổ điển của Công giáo về đức tin làm cho nó có vẻ liên quan trí tuệ. Thánh Thomas thực sự xác định đó là hành vi của lý trí. Nhưng chúng ta hãy đọc kỹ lưỡng và cẩn thận hơn: Đức tin là hành vi của lý trí đồng thuận với sự thật thuộc về chuyển động của ý chí, chính nó được di chuyển nhờ ân sủng của Thiên Chúa.

Thứ nhất, cần biết rằng chúng ta có quy trình riêng khi làm việc. Theo định nghĩa đó, chính Thiên Chúa tác động trong chúng ta bằng ân sủng của Ngài. Thứ nhì, ân sủng di chuyển ý chí tự do, ý chí này di chuyển trí tuệ tới hành vi đồng thuận. Như vậy đức tin cũng liên quan ý chí theo cách này.

Hơn nữa, điều này có nghĩa là đức tin có mối quan hệ đặc biệt với đức cậy. Theo một nghĩa nào đó, đức tin liên quan trí tuệ mà hy vọng liên quan ý chí. Đức tin là tin những gì không thấy, như Thánh Phaolô nói: “Chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa.” (2 Cr 5:7). Trong lĩnh vực ý chí, nhân đức kèm theo là đức cậy. Bởi vì Thánh Thomas cho biết: “Người ta không hy vọng điều người ta đã có, mà hy vọng điều người ta chưa có.”

Mối quan hệ thân thiết này được phản ánh trong công thức cổ điển: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” (Dt 11:1) Theo Thánh Thomas, điều này có nghĩa là đức tin “bao gồm mọi điều chúng ta hy vọng.” Nói cách khác, nhờ đức tin mà chúng ta biết rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ, và chúng ta được tiền định để hưởng hạnh phúc đời đời. Chúng ta cũng bắt đầu hy vọng những điều này. Nhưng trước tiên chúng ta phải biết những điều đó. Mặt khác, làm sao chúng ta có thể hy vọng các điều đó? (Đó là điều mà Thánh Thomas đã đề cập trên đây).

Niềm tin cũng là bản chất của niềm hy vọng không chỉ trong ý nghĩa đó mà còn bao gồm nội dung của sự hy vọng. Hiểu niềm tin là sự hiểu biết cũng có nghĩa là niềm hy vọng như vậy có nền tảng vững chắc. Hy vọng không có niềm tin sẽ rất yếu, hầu như là thực sự vô vọng. Nếu tôi bị mất phương hướng ngoài biển khơi và tôi chưa bao giờ nghe nói tới người cứu hộ, nhưng tôi vẫn hy vọng được cứu, người ta có thể nói rằng niềm hy vọng của tôi là ảo tưởng, vô ích. Nhưng nếu tôi đã nghe nói tới người cứu hộ thì niềm hy vọng của tôi có nền tảng hợp lý – hoặc có thể nói là “bản chất” nào đó.

Đó là lý do rất quan trọng mà chúng ta duy trì cách hiểu cổ điển về đức tin như sự hiểu biết. Cách này nhắc chúng ta rằng đức tin liên quan các sự thật khách quan mà chúng ta có thể tin bằng sự hiểu biết và sự hiểu biết đáng tin này bênh vực niềm hy vọng của chúng ta. Nếu chúng ta loại bỏ cách định nghĩa này, cách hiểu của chúng ta về đức tin có nguy cơ trở thành quá chủ quan.

Dĩ nhiên, chúng ta không muốn làm nổi bật mối quan hệ của đức tin với sự thật khách quan quá mức đến nỗi chúng ta quên yếu tố chủ quan hoặc cá nhân. Cách định nghĩa cổ điển tránh cái bẫy này bằng cách hợp tác với yếu tố tin tưởng cá nhân nhưng theo mức độ riêng – để nhận biết rằng đó là ý chí di chuyển trí tuệ và ý chí được Thiên Chúa di chuyển. Vì “mối quan hệ” này với ý chí, đức tin cũng tác động với đức mến và qua đức mến, một nhân đức đối thần khác, kết hợp với ý chí, ngoài đức cậy.

Theo ý nghĩa nào đó, mối quan hệ này theo kiểu mối quan hệ giữa đức tin và đức cậy. Chúng ta cần đức tin để hy vọng đúng đắn, thế nên đức tin cũng “đến trước” theo nghĩa mà chúng ta cần hành vi của đức tin để “biết” cái gì đó mà yêu thương. Thánh Thomas cho biết: “Ý chí cần có trước khi tin, nhưng không phải là ý chí được đức ái thúc đẩy. Hành vi sau giả định là niềm tin, bởi vì ý chí không thể hướng về Thiên Chúa với tình yêu hoàn hảo, trừ phi trí tuệ sở hữu niềm tin đúng đắn về Ngài.”

Thế nhưng đức tin được “thúc đẩy” nhờ đức mến – có thể nói rằng đức tin phát triển mạnh mẽ trong đức mến. Thánh Thomas viết: “Đức ái được so với nền tảng hoặc cội rễ mà các nhân đức khác thu hút dưỡng chất từ đó.”

Thánh Thomas nói rằng tình yêu hình thành và làm hoàn hảo niềm tin. Bằng cách “định dạng” đức tin, đức ái hướng tới tận cùng, đó là kết hiệp với Thiên Chúa. (“Hoàn hảo” ở đây có nghĩa là hoàn hảo theo nghĩa làm cho cái gì đó thành hoàn toàn và hoàn tất).

Bây giờ chúng ta đã đi xa vấn đề chính. Chúng ta hãy trở lại: Đức tin là hành vi của ý chí đồng thuận với sự thật của Thiên Chúa. Nhưng sự đồng thuận này được di chuyển nhờ ý chí, nhẹ nhàng nhích tới bằng ân sủng của Thiên Chúa. Thế nên có yếu tố tin tưởng cá nhân trong cách hiểu truyền thống cho rằng đức tin là hành vi của trí tuệ.

Tuy nhiên, hãy bỏ qua vấn đề trí tuệ, và đức tin mất tính khách quan của nó như sự hiểu biết vững vàng. Điều này ảnh hưởng đức cậy và đức mến. Giống như những nốt nhạc, đức tin, đức cậy, và đức mến phải được hiểu rạch ròi để biết cách chúng hoạt động rất hài hòa với nhau mà sản sinh sự hài hòa tuyệt vời này của linh hồn, và chúng ta gọi đó là sự cứu độ.

STEPHEN BEALE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)