VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN VĂN HÓA Đức Tin và Thể Thao

Đức Tin và Thể Thao

Đúng 2 giờ sáng (giờ Việt Nam) ngày 14-7-2014, những người hâm mộ túc cầu sẽ được chứng kiến trận tranh tài quyết liệt giữa hai đội túc cầu xứng đáng nhất, và có thể biết được đội nào là đội vô địch giải World Cup 2014, diễn ra tại sân vận động Rio de Janeiro (Brazil).

World Cup (Cúp Thế Giới) là sự kiện thể thao lớn của hành tinh chúng ta. Thể thao và Đức Tin có liên quan gì với nhau?

Đức Tin và Thể thao xem chừng “ngược chiều” nhau, vì một bên là tâm linh và một bên là thể lý. Thế nhưng lại không hề có gì đối lập với nhau. Thật kỳ lạ!

Thể dục là dạng vận động nhẹ. Thể thao là dạng vận động mạnh. Thể dục và thể thao có hai dạng: Thể lý và tinh thần. Với các Kitô hữu, thể thao còn có một dạng khác “cao cấp” hơn, đó là thể thao tâm linh. Dạng nào cũng cần khổ luyện mới có thể đạt được mức cao nhất.

Thể thao là hoạt động thể chất hoặc kỹ năng dành cho mục đích giải trí, thi đấu, mong đạt đến “đỉnh cao”, chủ yếu rèn luyện bản thân, tăng cường sức khỏe. Trong đời sống xã hội hiện đại, thể thao là yếu tố quan trọng không chỉ để giữ gìn sức khỏe mà còn là phục vụ các mục đích hữu ích khác.

Để tăng cường sức khỏe, có một số môn thể thao được nhiều người cho là giúp chống lại các loại bệnh tật, tạo sức chịu đựng dẻo dai. Ví dụ, chạy bộ theo mức độ tăng dần có thể giảm khả năng mắc các bệnh về tim mạch lúc về già. Đối với trẻ em trong độ tuổi đang lớn, thể thao giúp phát triển thể chất và làm tăng chiều cao.

Ngoài phạm vi sức khỏe, các môn thể thao đồng đội cũng rèn luyện cho tinh thần đoàn kết, kỹ năng hợp tác. Trong bất kỳ môn thể thao đồng đội nào, yếu tố đoàn kết là quan trọng nhất để giành chiến thắng. Ví dụ, trong môn túc cầu (bóng đá), các cầu thủ phải hiểu ý nhau trong lúc chuyền bóng để ghi bàn. Nhược điểm (điểm yếu) của các đội túc cầu dễ bị đối phương lợi dụng là sự thiếu đoàn kết, lo “miếng” riêng cho cá nhân. Trong môn đua xe đạp cũng vậy. Vì thế, một trong các cách rèn luyện tinh thần đồng đội là chơi các môn thể thao đồng đội.

Thế Vận Hội (Olympic, Đại hội Thể thao Thế giới) là cuộc tranh tài trong nhiều môn thể thao giữa các quốc gia trên toàn thế giới. Thế Vận Hội gồm Thế Vận Hội Mùa Hè và Thế Vận Hội Mùa Đông được tổ chức xen kẽ nhau hai năm một lần (vào các năm chẵn). Đây là một đại hội thể thao không chỉ là đua sức về thể lực mà còn mang ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần đoàn kết và hòa bình của nhân loại.

Thế Vận Hội bắt nguồn từ các cuộc thi đấu thể thao thời Hy Lạp cổ đại có từ năm 776 trước công nguyên cho đến khi Hoàng đế La Mã là Theodosius I cấm (năm 394 trước công nguyên). Thế Vận Hội hiện đại được Nam tước Pière Frèdy de Coubertin tổ chức lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XIX. Ủy Ban Olympic Quốc Tế (IOC – International Olympic Commitee) đã trở thành cơ quan chủ quản của Phong trào Olympic, với Hiến chương Olympic xác định cấu trúc và cơ quan có thẩm quyền.

Thế Vận Hội Mùa Hè được diễn ra (bốn năm một lần) từ năm 1896, trừ những năm xảy ra thế chiến (như thế chiến II). Thế Vận Hội Mùa Đông được thành lập vào năm 1924. Mới đầu nó được tổ chức cùng năm với Thế Vận Hội Mùa Hè, nhưng từ năm 1994, Thế Vận Hội Mùa Đông và Thế Vận Hội Mùa Hè diễn ra xen kẽ nhau hai năm một lần.

Chúng ta còn có Á Vận Hội (Asiad hoặc Asian Games, Đại hội Thể thao Á châu), tổ chức bốn năm một lần, với sự tham dự của các đoàn vận động viên thuộc Á châu. Giải thể thao này do Hội Đồng Olympic Á châu (OCA – Olympic Council of Asia) tổ chức, dưới sự giám sát của Ủy ban Olympic Quốc tế, và được coi là sự kiện thể thao lớn thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Thế Vận Hội.

Có nhiều môn thể thao (bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội, ném dĩa, cử tạ, marathon,…), nhưng có lẽ hấp dẫn nhất vẫn là môn túc cầu, hấp dẫn cả người chơi lẫn người xem – dù là xem qua màn ảnh nhỏ. Có lẽ vì thế mà môn túc cầu được mệnh danh là môn thể thao vua. Ở đây, chúng ta cũng chỉ đề cập môn túc cầu. Thật vậy, túc cầu có nhiều người yêu thích tới mức cuồng nhiệt như các tín đồ tôn giáo, và người ta vui đùa gọi họ là “tín đồ của túc cầu giáo”.

Trong các giải túc cầu, nổi bật nhất là giải World Cup. Brazil là quốc gia tổ chức World Cup lần thứ 20 của FIFA vào mùa hè năm 2014, diễn ra từ 12-6 tới 13-7-2014, với các đội bóng của 32 quốc gia tham dự, trong đó có 13 quốc gia thuộc Âu châu. Tất cả có 64 trận đấu. Brazil cũng là nước đăng cai World Cup năm 2007 sau khi FIFA quyết định tổ chức tại Nam Mỹ lần đầu tiên từ năm 1978 tại Argentina.

Có 12 thành phố được chọn để tổ chức các trận đấu lần này: Belo Horizonte, Brasilia, Cuiaba, Curitiba, Fortaleza, Manuas, Natal, Porto Alegre, Recife, Salvador, Sao Paulo và Rio de Janeiro, nơi trận chung kết sẽ thi đấu tại sân vận động Estádio Mário Filho, thường được gọi là Maracanã. Sân vận động này đã diễn ra trận chung kết World Cup năm 1950. Cả 4 trận chung kết World Cup trước đều diễn ra tại Nam Mỹ – Uruguay năm 1930, Brazil năm 1950, Chile năm 1962, và Argentina năm 1978. Các đội vô địch cũng thuộc châu lục đó.

Nói đến quốc gia Brazil, chắc hẳn chúng ta còn nhớ vua bóng đá Pelé (Edson Arantes do Nascimento, sinh 23-10-1940), một trong những cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất trong lịch sử của bộ môn này, đặc biệt là cú sút lọt lưới “độc nhất vô nhị” từ giữa sân (60m). Được phát hiện từ khi còn rất trẻ, Pelé bắt đầu chơi cho Câu lạc bộ Santos Futebol khi mới 15 tuổi, vào đội tuyển quốc gia khi 16 tuổi và lần đầu đoạt World Cup khi mới ở tuổi 17. Dù có nhiều lời mời từ các câu lạc bộ của Âu châu, Pelé vẫn rất trung thành với câu lạc bộ của mình và đã chơi cho câu lạc bộ này trong suốt hai thập kỷ cho đến năm 1975, khi ông từ giã sân cỏ.

Ông là cầu thủ ghi được nhiều bàn thắng nhất cho Đội tuyển Túc cầu Quốc gia Brasil và ông cũng là người duy nhất trong lịch sử môn thể thao vua giành được 3 World Cup dưới cương vị một cầu thủ. Ông cũng là cầu thủ duy nhất ghi được gần 1300 bàn thắng trong suốt sự nghiệp cầu thủ. Cụ thể là 1281 bàn thắng trong 22 năm thi đấu.

Chiếc áo số 10 nổi tiếng của Pelé đã trở thành chiếc áo truyền thống của các tiền vệ (trung phong) và tiền đạo có lối chơi tấn công kỹ thuật và sáng tạo. Từ đó, đã có không ít cầu thủ ngôi sao của xứ sở Samba khoác lên mình chiếc áo số 10 kỳ diệu.

Thể thao có vài dạng: Thể thao thể lý, thể thao trí tuệ, thể thao tâm linh. Thể thao nào cũng cần có niềm tin mãnh liệt. Có tự tin thì mới khả dĩ chiến thắng. Thể thao (nói chung), túc cầu (nói riêng), quan trọng là có TINH THẦN TẬP THỂ, TINH THẦN THƯỢNG VÕ và TINH THẦN ĐOÀN KẾT. Trong môn túc cầu, mỗi đội có 11 cầu thủ luôn phải chung một nhịp, phải đồng tâm nhất trí, dù mỗi người có bổn phận khác nhau – người tấn công, người phòng thủ, người giữ khung thành. Đó là thể hiện niềm tin lẫn nhau, và cũng cần niềm tin tâm linh nữa.

Nếu để ý, chúng ta có thể nhận thấy rằng, khi ra sân cỏ để thi đấu, một số cầu thủ đã thể hiện Đức Tin Công giáo của mình. Cầu thủ Park Ji Sung (Hàn quốc) đã làm dấu Thánh Giá, còn cầu thủ Wayne Rooney (Anh quốc) đeo chuỗi Mân Côi. Rất tiếc là chẳng thấy cầu thủ người Việt nào có động thái thể hiện Đức Tin như vậy!

Ngay trong thời gian thi đấu, một số cầu thủ vẫn thể hiện niềm tin Kitô, biết tín thác vào Thiên Chúa, thật tuyệt vời biết bao! Đó là những tấm gương sáng để chúng ta noi theo, dù ở nơi đâu và lúc nào thì chúng ta vẫn luôn cần Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu đã xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).

Có lẽ Kinh Thánh chỉ nhắc tới từ “thể thao” một lần: “Trong cuộc đại hội thể dục thể thao, tổ chức bốn năm một lần ở Tia, có nhà vua hiện diện, ông Gia-xon, một người đê tiện đã cử một phái đoàn khán giả với tư cách là những người phò vua An-ti-ô-khô từ Giê-ru-sa-lem đến mang theo ba trăm quan tiền để dâng lễ kính thần Hê-rắc-lê. Nhưng các người mang tiền xin đừng dùng số bạc ấy để tế lễ, vì việc đó không thích hợp, mà lại xin dùng vào một khoản khác. Vậy số bạc ấy lẽ ra phải được dùng vào vào việc dâng lễ kính thần Hê-rắc-lê, theo ý người gửi, nhưng do lời yêu cầu của những người mang tiền, người ta lại đem dùng vào việc đóng tàu chiến” (Mcb 4:18-20).

Kinh Thánh cho biết Đại hội Thể dục Thể thao được tổ chức bốn năm một lần, phải chăng các giải thể thao ngày nay cũng tổ chức theo cái “khoảng thời gian” đó? Thiết tưởng là rất có thể lắm!

Thánh Phaolô không nói về thể thao trần gian nhưng nói về thể thao tâm linh, dù không nói rõ là thể thao: “Ngày đời tôi trôi nhanh hơn kẻ chạy đua, nó qua mau, mà không thấy hạnh phúc” (G 9:25). “Chạy đua” là một dạng thể thao. Thánh Phaolô còn nói về thể thao theo dạng khác: “Trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cảmọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1 Cr 9:24-27).

Phàm việc gì cũng cần khổ luyện, đặc biệt là thể thao. Chúng ta thấy các vận động viên có sức dẻo dai, nhưng chúng ta có biết đâu rằng họ phải ngày đêm khổ luyện mới có sức khỏe như vậy. Và Đức Tin cũng vậy, không thể một sớm một chiều mà có được Đức Tin vững mạnh và sâu sắc, mà Đức Tin đó phải được tôi luyện hằng ngày qua nhiều thử thách gay go lắm. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Và Đức Tin cũng vậy, nếu không thì Đức Tin đó sẽ èo uột, dễ bị đuối sức, dễ bị hoang mang, dễ bị rạn nứt,… thậm chí là có thể bị mất Đức Tin!

Chúa Giêsu cũng không hề nói về thể dục hoặc thể thao, nhưng Ngài có cách nói rất đặc biệt, vừa như lời khuyên vừa như mệnh lệnh: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Ngài bảo chúng ta phải “hoàn thiện như Cha” là Ngài bảo chúng ta không ngừng “chạy đua”, là kiên tâm “thi đấu”, để cuối cùng ai cũng phải đạt được chiến thắng là “Giải Trường Sinh”, là “Chiếc Cúp Nước Trời”.

Chúng ta đang thuộc Giáo hội chiến đấu trên cuộc lữ hành trần gian về Thiên Quốc, cuộc chạy marathon này dài hay ngắn tùy mỗi người phải chạy trong bao nhiêu năm theo Thánh Ý Chúa. Có người chỉ chạy 1 ngày, có người chạy vài tháng, có người chạy vài năm, có người chạy vài chục năm, có người chạy cả trăm năm. Nhưng mục đích cuối cùng vẫn chỉ là Siêu Cúp Cứu Độ mà chính Đức Giêsu Kitô trao cho mỗi người.

Ước mong rằng, khi vui mừng giải trí và tận hưởng không khí sôi nổi của World Cup 2014, mỗi chúng ta cũng được nhắc nhớ về cuộc đua tâm linh trên Hành Trình Đức Tin Công giáo. Hãy ngước nhìn lên Biểu Tượng Đức Tin, Biểu Tượng Chiến Thắng và Biểu Tượng Hằng Sinh của chúng ta là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, đồng thời có thể xác định như Thánh Phaolô: “Vinh quang của tôi là Thập Giá Đức Kitô – MEA GLORIA EST CRUX CHRISTI (Gl 6:14).

Đây là “nước tăng lực” mà Thánh Phaolô cho chúng ta uống: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn” (2 Cr 4:17-18).

Sân cỏ cũng tương tự sân đời, cam go lắm! Trong một chương trình của Đài Chân Lý Á Châu (Philippines) có phát sóng bài thơ “Bóng đá và Cuộc đời”, trong đó có bốn câu cuối như sau:

Con chạy hàng tiền đạo

Chiến đấu với trần gian

Xin Chúa làm hậu vệ

Che chắn khung-thành-con (*)

Vâng, chúng ta rất cần có Chúa, không chỉ vì chúng ta không biết theo ai nếu chúng ta bỏ Ngài (x. Ga 6:68), mà còn vì chúng ta chẳng làm được gì nếu không có Ngài (x. Ga 15:5).

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết không ngừng trau dồi “sức khỏe Đức Tin” để thi đấu kiên trì và không biết mệt mỏi. Xin Ngài thương giúp chúng con nên thánh hằng ngày để xứng đáng lãnh nhận Phần Thưởng Hằng Sinh. Xin Đức Thánh Maria, Đức Thánh Giuse, chư thánh và các linh hồn cầu thay nguyện giúp. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Nghe ca khúc “Bóng Đá và Cuộc Đời” của Ns Sơn Vinh tại http://www.baicamoi.com/?p=56856.

Exit mobile version