Tin Mừng Thánh Marcô: Tin vào Tin Mừng
Chúng ta bắt đầu với điều khác thường đầu tiên: “tin” là một trong những từ đầu tiên mà Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng Thánh Marcô. Ông viết: “Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: ‘Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’”. (Mark 1:14-15). Ai đáp trả lại lời Chúa Giêsu mời gọi đức tin này? Những người hiểu biết đều gọi Tin Mừng Marcô “Tin Mừng của sự mâu thuẫn”. Điều mâu thuẫn ở đây là không phải chính các môn đệ đã được Chúa Giêsu kêu gọi bên bờ hồ (1, 16-20) hay trên núi (3, 13-19) trở thành gương mẫu đức tin, nhưng chính những người chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong Tin Mừng Marcô và rồi không nghe nói gì về họ nữa. Sự đáp trả của họ có thể nói cho chúng ta nhiều điều trong Năm Đức Tin này.
Marcô dùng từ “đức tin” (pistis) 4 lần. Lần thứ nhất dành cho bốn người khiêng đã dỡ mái nhà để thả bệnh nhân bất toại xuống với Chúa Giêsu. Vì “đức tin” của họ, Chúa Giêsu đã tha tội cho người bệnh (2, 5). Cách sử dụng đầu tiên của từ này nhắc chúng ta rằng đức tin được biểu lộ qua hành động. Thánh Phaolô nhấn mạnh điểm này khi viết cho tín hữu Galat: “đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5, 6). Lưu ý rằng mỗi khi nhìn thấy đức tin của ai đó thì Chúa Giêsu luôn công bố rằng tội lỗi họ đã được tha.
Lần thứ hai, Chúa Giêsu dùng từ này để nói với các môn đệ. Trên chiếc thuyền ra giữa dòng hồ Galilê, họ gặp bão và hoảng sợ vì nghĩ mình sắp chìm. Chúa Giêsu sai khiến bão tố im lặng và nói với các môn đệ: “Các con vẫn chưa có đức tin sao?” (4, 40). Mặc dù trước đấy họ đã chứng kiến quyền năng của Chúa Giêsu khi chữa lành bệnh tật và khi tranh luận, họ nghe giáo huấn đầy thẩm quyền của Ngài, nhưng họ lại thất vọng khi gặp khủng hoảng. Cũng như ở những nơi khác trong Tin Mừng Marcô, thái độ của các môn đệ ở đây cho chúng ta một lời cảnh báo hơn là một mẫu gương. Chỉ có niềm tin vững chắc mới giúp người tín hữu đối phó với những cơn bão trong cuộc đời.
Lần thứ ba từ “đức tin” xuất hiện trong Tin Mừng Marcô là khi Chúa Giêsu nói với người phụ nữ vừa được chữa lành. Căn bệnh của bà kéo dài đã 12 năm. Bà được chữa lành qua hai giai đoạn. Đầu tiên bà tìm cách chữa bệnh bằng cách chạm vào Chúa Giêsu, thế nhưng điều này chỉ đưa bà đến chỗ “sợ hãi và run rẫy”. Chỉ sau khi phủ phục trước Chúa Giêsu và nói với Ngài “tất cả sự thật” thì lúc ấy bà mới thấy mình được khỏi bệnh và Chúa Giêsu nói với bà: “Này con, đức tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh (5, 34). Từ câu chuyện của bà, chúng ta biết rằng đức tin tăng trưởng như thế nào, nó bao hàm mối liên hệ cá nhân với Chúa và tin cậy vào Thiên Chúa.
Lần thứ tư từ “đức tin” xuất hiện trong Tin Mừng Marcô là trình thuật chữa lành anh Bartimê. Anh là người mù ăn xin nghe thấy Chúa Giêsu đi ngang qua. Ba lần anh van xin Chúa Giêsu thương xót và chữa cho anh được sáng mắt. Lời cầu xin của anh được chấp nhận, Chúa Giêsu nói với anh cũng bằng những lời nói với chị phụ nữ trước đấy: “Hãy đi đi, đức tin của anh đã chữa anh” (10, 52). Và thật mâu thuẫn, Bartimê không hiểu được lời căn dặn của Chúa Giêsu là “Hãy đi đi”, thay vào đó anh lại “đi theo” Ngài cho đến Giêrusalem, thành phố mà Chúa Giêsu phải chịu chết. Đức tin của anh được biểu lộ qua lời cầu xin liên tục và kiên trì, mặc những lời can ngăn của đám người chung quanh. Anh làm gương cho chúng ta phải kiên trì khi cầu nguyện với Chúa Giêsu. Đức tin cổ vũ thói quen cầu nguyện kiên trì và thường xuyên. Truyền thống Kitô giáo Hy Lạp rất quý trọng lời cầu xin của Bartimê, ‘Lạy Chúa Giêsu, con vua Đavít, xin thương xót tôi” (10, 47); các tu sĩ thường lập lại lời nguyện này khi mỏi mệt lê bước làm việc trên cánh đồng.
Cuối cùng, Chúa Giêsu nói về “đức tin” với các môn đệ khi thấy cây vả mà Ngài nguyền rủa ngày hôm trước đã chết khô. Ngài bảo họ “Hãy tin vào Thiên Chúa” (11, 22), và dạy họ một bài học về cầu nguyện. Đây là lời dạy dài nhất về cầu nguyện trong Tin Mừng này vì không có “Lời cầu của Chúa” (Kinh Lạy Cha) trong Tin Mừng Marcô. Lời dạy chỉ vỏn vẹn trong 3 câu nói mà 2 câu là những đại ngôn có tính ngôn sứ hơn là thực tại thường ngày. Thực sự chúng ta không trông mong gì lời cầu của mình chuyển núi dời non hoặc mỗi lời cầu đều được chấp nhận, nhưng lời cầu nguyện phải xuất phát từ trái tim, phải tin tưởng và phó thác, và phải bao gồm cả sự tha thứ lẫn nhau. Như trong câu chuyện anh Bartimê, chúng ta nhận thấy có mối liên hệ giữa cầu nguyện và đức tin.
Nhưng có lẽ câu nói mâu thuẫn đáng ghi nhớ nhất về đức tin trong Tin Mừng Marcô là câu nói của một nhân vật phụ. Từ ngữ được dùng ở đây không phải là “đức tin” (pistis) mà điều ngược lại: “sự không tin” (apistia). Người cha của thằng bé bị động kinh, người mà các môn đệ của Chúa Giêsu không thể chữa trị được, đã kêu xin Chúa Giêsu: “Tôi tin. Xin hãy giúp cho sự không tin của tôi” (9, 24). Đây là một trong những lời cầu được khuyến khích trong Năm Đức Tin này.
Tin Mừng Matthêu: Đức tin non yếu của bạn
Tin Mừng Matthêu gần như là một bản tu chỉnh của Tin Mừng Marcô, ta hãy xem Matthêu nói về “đức tin” như thế nào. Trong Tin Mừng Matthêu, những lời nói đầu tiên của Chúa Giêsu không có từ “đức tin”. Ngài chỉ kêu gọi sám hối (Mt 4, 17). Từ “đức tin” đầu tiên mà Ngài sử dụng là trong trình thuật chữa người đầy tớ của viên bách quan: “Ta không thấy một người nào trong dân Israel có lòng tin như thế”(8, 10). Chúa Giêsu đang làm việc với người dân ngoại và điều này nhắc nhở chúng ta rằng, ngay từ những trang đầu của Matthêu, đức tin đã hiện diện nơi những người ngoài cuộc. Khởi đầu Tin Mừng Matthêu, các đạo sĩ ngoại giáo là những người đầu tiên đến thờ lạy con trẻ Giêsu (2, 11) và Tin Mừng kết thúc với lời của một viên bách quan khác đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa (27, 54). Những bản văn như thế khích lệ chúng ta nên tìm kiếm những dấu hiệu đức tin hiện diện ở bên ngoài cộng đoàn chúng ta.
Giống như Marcô, Thánh Matthêu dùng từ “đức tin” cho những người mang kẻ bại liệt đến với Chúa Giêsu (9, 2) và trong một dị bản ngắn gọn hơn, Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ bị bệnh đã 12 năm rằng: “Đức tin của chị đã cứu chữa chị” (9, 22). Trong một đoạn văn gần giống với câu chuyện người mù Bartimê trong Tin Mừng Marcô, khi chữa lành hai người mù, Chúa Giêsu nói: “Đức tin các anh thế nào thì được như vậy” (9, 29). Trong trình thuật này và câu nói trong trình thuật chữa lành người phụ nữ xứ Canaan: “Này chị, đức tin của chị mạnh thật (15, 28), Thánh Matthêu nối kết việc chữa lành của Chúa Giêsu với đức tin của người cần được chữa lành.
Điều đặc biệt trong Tin Mừng Matthêu là có một thuật ngữ được dùng đến 4 lần: từ Hy Lạp oligopistos, dịch đúng là “người kém tin”. Trong trình thuật cơn bão trên biển hồ, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!” (8, 26). Ngài nói từ này một lần nữa khi họ hiểu nhầm lời Ngài nói về men phái Pharisiêu và Sađucêô với men bánh thường: “Sao anh em lại nghĩ đến chuyện không có bánh, người đâu mà kém tin vậy?” (16, 8). Trong trình thuật của Thánh Matthêu về đứa trẻ bị động kinh, Chúa Giêsu không đề cập đến đức tin của cha đứa trẻ như trong Marcô, Ngài chỉ nói rằng sở dĩ các môn đệ không thể chữa lành đứa trẻ được là vì “đức tin yếu kém” của họ (17, 20). Ngài cũng nói với họ bằng những từ này trong Bài giảng trên Núi: “Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!” (6, 30). Cuối cùng, Chúa Giêsu bảo Phêrô rằng chỉ vì “đức tin yếu kém” nên ông phải chìm xuống nước khi cố đi trên mặt hồ (14, 31).
Các nhà chú giải Tin Mừng Matthêu cho rằng các môn đệ trong Tin Mừng này đại diện cho các thành viên trong Giáo hội của Thánh Matthêu. Trong Năm Đức Tin này, Thánh Matthêu thách thức Giáo hội ngày nay nhận biết về “đức tin yếu kém” của mình, như Chúa Giêsu đã làm khi các môn đệ không tài nào chữa lành đứa bé bị bại liệt: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia! ” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được” (17, 20). Một câu nói tương tự về đức tin có thể chuyển núi dời non là trình thuật của Thánh Matthêu về cây vả bị nguyền rủa mà ông lấy lại của Tin Mừng Marcô (Mt 21, 21). Một lần nữa, đức tin và cầu nguyện đi đôi với nhau.
Tin Mừng Luca: gia tăng Đức Tin
Thoạt nhìn, Thánh Luca chỉ thêm thắt chút ít vào những gì chúng ta đã ghi nhận trong Tin Mừng Marcô và Matthêu. Một lần nữa, từ đức tin được dùng cho những người mang kẻ bại liệt đến với Chúa Giêsu (Lc 5, 20) và viên bách quan có người đầy tớ được chữa lành (7, 9). Nhưng trái ngược với 2 lần trong Thánh Marcô và Matthêu, chúng ta thấy Thánh Luca dùng đến 4 lần lối nói: “Đức tin của con đã chữa con”. Chúa Giêsu không chỉ nói điều này với người phụ nữ bị băng huyết (8, 48) và anh mù mà Marcô gọi đích danh là Bartimê (18, 42), nhưng Ngài cũng nói với chị phụ nữ là “người tội lỗi trong thành phố” (7, 37.50) và người phong hủi quay trở lại để ca tụng Thiên Chúa (17, 19). Ơn cứu rỗi là chủ đề của Thánh Luca, cũng như Gioan đã loan báo khi rao giảng: “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu rỗi của Thiên Chúa” (3, 6). Chỉ trong Tin Mừng Luca Chúa Giêsu mới được gọi là Đấng cứu độ như các thiên thần đã loan báo cho mấy mục đồng (2, 11).
Trong khi Thánh Matthêu thách thức cộng đoàn của mình về “đức tin yếu kém” của họ thì Thánh Luca dường như có vẻ dịu dàng với các môn đệ của Chúa Giêsu hơn người đi trước mình. Khi kể lại câu chuyện bão tố trên biển hồ, Chúa Giêsu chỉ hỏi các môn đệ rằng: “Đức tin các con ở đâu?” (Lc 8, 25), trái ngược với lời lẽ nặng nề “không có đức tin” của Thánh Marcô và “đức tin yếu kém” của Thánh Matthêu. Khi tiến gần đến Giêrusalem, các môn đệ xin Chúa Giêsu “gia tăng đức tin” (17, 5), cũng như trước đấy họ xin Ngài dạy họ cầu nguyện (11, 1). Ngài đã kể cho họ dụ ngôn bà góa khẩn cầu ông quan tòa bất chính. Câu kết của Ngài là một lời than vãn, “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (18, 8). Tại Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, Chúa Giêsu cầu nguyện cho Phêrô để ông “khỏi mất đức tin” (22, 32). Một lần nữa, chúng ta thấy có sự liên kết giữa đức tin và cầu nguyện.
Các bản văn của Thánh Gioan: Chinh phục thế gian
Trong khi Tin Mừng Thánh Gioan chẳng thấy có danh từ “đức tin” nào thì lại chứa đến hàng trăm trường hợp cách dùng động từ “tin” (pisteuo). Chúng ta gặp thấy ở đây điều khác thường thứ hai. Cụ thể là một mối phúc mà Chúa Giêsu nói với ông Tôma nghi ngờ và với hết những ai nghe Tin Mừng này: “Phúc cho ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29). Tuy nhiên, danh từ “đức tin” được sử dụng một lần trong thư Thánh Gioan: “vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta. Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa?” (1 Ga 5, 4-5). Đây quả thực là điều khích lệ trong Năm Đức Tin này! Xin cho đức tin của chúng ta chinh phục được thế gian!
Tăng trưởng trong đức tin
Từ các Tin Mừng Matthêu, Marcô và Luca, chúng ta biết rằng mình càng nhận biết về lòng nhân hậu và tình yêu của Thiên Chúa thì mình càng tăng trưởng trong đức tin. Đây phải là niềm hy vọng của chúng ta trong Năm Đức Tin này. Lần cuối cùng Chúa Giêsu dùng từ pistis (đức tin) là những lời nói thẳng thừng nhất với các kinh sư và biệt phái: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisiêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và lòng tin” (Mt 23, 23). Mong sao Chúa Giêsu đừng bao giờ phải chua chát như thế về chúng ta!