Đức Tin Kitô Giáo Các Chiều Kích và Đặc Tính Quy Kitô

160

Đức Tin Kitô Giáo Các Chiều Kích và Đặc Tính Quy Kitô

Bài viết này thể hiện mong muốn đáp lại lời Đức Giáo Hoàng Bênêđettô mời gọi các tín hữu gia tăng “suy tư về chính hành vi đức tin” (Porta Fidei, 9). Có nhiều vấn đề cần phải đào sâu để hiểu hơn về đức tin như: đức tin là ân sủng nhưng đồng thời cũng là hành vi nhân linh, đức tin là chắc chắn nhưng cũng gắn liền với “đêm tối”, tính cá vị và tính cộng đoàn của đức tin, diễn tả đức tin bằng ngôn ngữ và bằng hành động, v.v… Với đề tài được đưa ra là nói về đức tin Kitô giáo trong tương quan với Đức Kitô – Đấng là nền tảng và điểm quy chiếu của đức tin đó – người viết bài này chỉ xin trình bày ba chiều kích liên hệ tới lý trí, tâm cảm và thực hành (nói tắt và nôm na là biết, cảm, sống) của đức tin và cho thấy Đức Kitô là nguyên lý của đức tin Kitô giáo thế nào trong ba chiều kích đó.

Việc chọn trình bày ba chiều kích trên của đức tin phát xuất từ thực tế là đa số tín hữu Việt Nam gặp khó khăn trong việc xác định thế nào là đức tin đích thực. Phải chăng việc ta học thuộc các kinh, nắm vững các giáo lý là dấu chỉ cho thấy đức tin của ta đã mạnh mẽ rồi? Phải chăng ta có thể yên tâm về đức tin của mình khi ta dạt dào cảm xúc yêu mến Chúa hay có thể khóc vì nhận ra tình yêu của Ngài? Hoặc ngược lại, phải chăng việc giữ đạo quan trọng là ở cái tâm, chỉ cần có cái tâm ngay thẳng, bác ái là đủ, việc đi nhà thờ, đọc kinh, học giáo lý chỉ là hình thức bên ngoài, thậm chí là còn có ảnh hưởng xấu là làm cho người ta “chấp nê” mà quên đi cái cốt lõi?

Việc chưa hiểu rằng đức tin bao gồm cả ba chiều kích biết, cảm, sống còn được thể hiện qua khoảng cách thường thấy giữa việc tin và sống theo những gì mình tin. Tại sao có người đi nhà thờ thường xuyên, đọc thuộc nhiều kinh mà về nhà lại là hung thần của gia đình và của hàng xóm? Tại sao trong kỳ tĩnh tâm, tôi cảm thấy dạt dào lòng yêu mến Chúa và quyết tâm cách rất xác tín mà sau kỳ tĩnh tâm tôi mắc lại các thói xấu và không thể kiểm soát những cảm xúc tiêu cực như tham lam, ganh ghét, nóng giận của mình? Nên chăng tôi chỉ cố gắng sống công bình, bác ái, dấn thân vào các hoạt động xã hội là đủ, mà không cần hoặc lơ là việc đi lễ, đọc kinh và học giáo lý?

Bài viết sẽ cố gắng trả lời các vấn nạn đó bằng cách chỉ ra, trong phần I, rằng đức tin không chỉ là hoạt động của lý trí (theo kiểu “tôi tin là ngày mai trời mưa”) hay của tâm cảm (theo kiểu “tôi thấy rất tin tưởng anh”), mà bao gồm cả hai, cùng với chiều kích thực hành.

Trong phần II, bài viết sẽ trình bày Đức Kitô cung cấp nét độc đáo cho đức tin Kitô giáo như thế nào trong ba chiều kích nói trên.

I. Ba chiều kích của đức tin Kitô giáo

Thông thường, chúng ta hay quan niệm rằng đức tin là tin một điều gì đó, tức giới hạn đức tin vào hoạt động của tâm trí mà thôi. Quan niệm này không sai, nhưng chưa đủ, và vì thế có thể gây ra một số lệch lạc trong việc sống đạo. Nếu đức tin chỉ là tin một điều gì đó thì để trẻ em hoặc người tân tòng có đức tin, chỉ cần dạy họ thuộc kinh hoặc biết các chân lý đức tin là đủ. Thông truyền đức tin dưới dạng kiến thức dẫn đến tình trạng là tín hữu biết các điều Giáo Hội dạy nhưng chưa hẳn là yêu mến những giá trị của chúng. Họ xem những điều dạy đó chủ yếu như là luật lệ và cố gắng tuân giữ, nhưng cảm thấy như gánh nặng. Thực hành tôn giáo vì thế được gói gọn trong việc chu toàn nghĩa vụ cách sáo rỗng và vụ hình thức.

Để hiểu đức tin là gì, ta cần đặt đức tin trong tương quan với Mặc Khải. Vì đức tin là hành vi đón nhận Mặc Khải, nên ta chỉ hiểu đức tin là gì nếu ta có quan niệm đúng đắn về bản chất của Mặc Khải. Công đồng Vatican II nói về Mặc Khải như sau:

Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho biết mầu nhiệm của ý muốn Ngài (x. Ep 1,9);… Vậy qua việc mặc khải này, Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15; 1 Tm 1,17), do tình thương chan hòa của Ngài, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu (x. Xh 33,11; Ga 15,14-15) và liên lạc với họ (x. Br 3,38) để mời gọi họ và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài[1].

Như vậy, Mặc Khải trước hết và trên hết là việc Thiên Chúa đi bước trước đến với con người, ngỏ lời và trao ban chính Mình để thiết lập tương quan bằng hữu với họ; cùng với món quà “Tự Thân” đó là các chân lý diễn tả ý muốn cứu độ của Ngài.

Công đồng cũng nói về đức tin như sau:

Phải bày tỏ “sự vâng phục bằng đức tin” (Rm 16,26; x. Rm 1,5; 2 Cr 10,5-6) đối với Thiên Chúa, Đấng mặc khải. Nhờ sự vâng phục đó, con người tự do ký thác mình trọn vẹn cho Thiên Chúa bằng cách “dâng lên Thiên Chúa, Đấng mạc khải, sự quy phục trọn vẹn của lý trí và ý chí” [5], và bằng cách tự ý ưng thuận mặc khải Ngài đã ban[2].

Vậy đức tin trước hết là phó thác bản thân mình cho Thiên Chúa và sau đó là tự do chấp nhận những điều Ngài truyền dạy.

Một cách nôm na, có thể mô tả Mặc Khải như hành vi và tiến trình Thiên Chúa “tặng quà” cho con người và đức tin là hành vi và tiến trình con người “nhận quà” từ Thiên Chúa[3]. Khi phân tích hiện tượng trao tặng và nhận quà, chúng ta thấy rằng hiện tượng này luôn hàm chứa một tương quan liên vị. Một vật chỉ là quà tặng khi ở trong một mối tương quan liên vị giữa người tặng và người nhận[4]. Người tặng quà, qua món quà, mà thường thì có ý nghĩa biểu trưng lớn hơn chức năng hữu dụng, trước hết muốn diễn tả tâm hồn mình và khao khát muốn thiết lập tương quan yêu thương với người được tặng. Nói cách khác, món quà biểu trưng cho việc người tặng quà muốn trao ban chính tâm hồn mình. Tuy nhiên, món quà cũng đóng vai trò quan trọng vì là một sự diễn tả không thể thiếu của tấm lòng người tặng. Không ai có tấm lòng ưu ái với người khác mà không tự nhiên bộc lộ ra hay tìm những cách thế khác nhau để diễn tả tấm lòng đó[5].

Người nhận quà cũng vậy, khi quyết định nhận món quà là đã quyết định nhận tấm lòng của người tặng và do đó cũng đã mở lòng mình ra, chấp nhận thiết lập tương quan với họ, tức chấp nhận cho họ đi vào cuộc đời mình. Như vậy, người nhận quà cũng thực sự đã mở ra và cho đi – cho đi chính tâm hồn mình. Người không muốn cho đi không thể nhận quà. Tương tự như đối với người tặng, món quà cũng rất quan trọng đối với người nhận. Người nhận chỉ thực sự đón nhận tấm lòng người tặng nếu chấp nhận đón lấy món quà. Khi họ chấp nhận tương quan với người tặng thì họ cũng chấp nhận món quà người ấy tặng. Món quà trở nên biểu tượng thiết yếu của tương quan giữa họ với nhau[6].

Để có một cái nhìn loại suy về đức tin như hành vi “nhận quà”, chúng ta tóm kết lại các đặc tính của tiến trình nhận quà như một hiện tượng nhân sinh: người nhận quà, khi nhận món quà (2), phải mở lòng mình ra để đón nhận tấm lòng của người tặng (1); sau khi nhận quà, người đó được biến đổi nên khác (3), vì cuộc đời họ không như xưa nữa mà đã có sự hiện diện của và tương quan ở cấp độ mới với một nhân vị mới.

Ta cũng có thể tìm thấy ba đặc tính trên nơi hành vi đức tin của Kitô hữu (các đặc tính được đánh số 1,2 và 3 lần lượt tương ứng với chiều kích tâm cảm, lý trí và thực hành của đức tin). Trở lại đối chiếu với định nghĩa của công đồng Vatican II về Mặc Khải và về đức tin, ta có thể nói rằng đức tin trước hết là mở lòng mình ra đón nhận quà tặng là chính Thiên Chúa trao ban chính Mình, tức sẵn lòng đi vào trong tương quan mà Thiên Chúa thiết lập và mời gọi con người có với Ngài. Một cách loại suy, có thể nói, như trong trường hợp quà tặng, chỉ có đức tin khi có tương quan liên vị giữa Thiên Chúa và con người[7]. Việc mở lòng, chấp nhận đi vào trong tương quan liên vị với Thiên Chúa như thế mang đồng thời ba chiều kích tương ứng với ba đặc tính nêu trên của việc nhận quà.

1. Chiều kích tâm cảm

Đặc điểm dễ thấy nhất của tương quan liên vị là có một mối thân tình giữa những người liên quan, họ mở lòng, đón nhận và tin tưởng nhau. Đức tin, trong bối cảnh tương quan liên vị giữa Thiên Chúa và con người, cũng mang đặc tính này. Tín hữu cảm nghiệm thấy được Thiên Chúa ngỏ lời mời gọi thương yêu và tin tưởng và vì thế đáp lại bằng tâm tình phó thác yêu thương.

Đức tin trong chiều kích này có thể được diễn tả bằng hai chữ “tin vào”. Như trong tương quan giữa người với người, khi tin vào ai, chúng ta cảm thấy an toàn khi ở bên họ, đức tin trong chiều kích này làm cho con người “tìm đến nương ẩn” bên Thiên Chúa (Tv 7,1; 31,1), giao phó bản thân “trong vòng tay Ngài” (x. Lc 23,46; Lời cầu nguyện của Charles de Foucauld).

Đây là lý do truyền thống gọi đức tin là nhân đức đối thần. Vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể là đối tượng của đức tin trong chiều kích này, mới đáng là Đấng để ta tin vào và đặt để đời mình trong tay Ngài mà chắc chắn không bị thất vọng. Kinh Tin Kính đã diễn tả điều này khi dùng động từ “tin vào” (credo in) cho các tín khoản liên quan tới từng Ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa, không như các tín khoản khác vốn dùng động từ “tin có” (credo) hoặc “tuyên xưng” (confiteor), “trông chờ” (expecto).

2. Chiều kích lý trí

Nhưng việc phó thác bản thân cho Thiên Chúa hàm chứa việc biết Thiên Chúa là Đấng thế nào (yêu thương, đáng tin, v.v…) và xác nhận Ngài là Chủ Tể của vạn vật và của đời mình. Không ai có thể đặt niềm tin tưởng vào Đấng mà họ không biết. Vì thế, đức tin luôn mang chiều kích lý trí. Khi tin, chúng ta luôn chấp nhận một điều gì đó khách quan – một sự kiện hoặc một ý nghĩa – là đúng.

Hơn nữa, cũng như khi tin tưởng ai thì ta cũng tin những điều họ nói là đúng, việc phó thác bản thân cho Thiên Chúa luôn hàm chứa và đi đôi với việc chân nhận những điều Ngài truyền dạy là chân lý. Đức tin không chỉ là cảm xúc mơ hồ không có hoặc không thể được diễn tả bằng một nội dung khách quan. Đức tin cũng không chỉ là chuyện riêng tư, bên trong tâm hồn mỗi người mà, vì có nội dung khách quan, cần được “tuyên xưng, cử hành, sống và cầu nguyện” (Porta Fidei, 9).

Chính vì điều này mà các giáo phụ nói về “kho tàng đức tin” hay “quy luật đức tin”[8]. Kho tàng hay quy luật này được tìm thấy trong Thánh Kinh, trong giáo lý và đời sống của Giáo Hội, có thể được lưu truyền, công bố, giảng dạy và học hỏi. Cũng như món quà là biểu tượng thiết yếu của tương quan giữa người tặng và người nhận, kho tàng đức tin được lưu truyền và diễn tả bằng ngôn ngữ, cử hành và các hình thức tổ chức trong đời sống Giáo Hội đóng vai trò không thể thiếu trong tiến trình đức tin. Kho tàng này chứa đựng những “món quà” thiết yếu cho mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người. Con người không thật sự đón nhận Thiên Chúa, không thật sự tin tưởng và phó thác bản thân cho Ngài nếu không đón nhận những “món quà” khách quan này.

3. Chiều kích thực hành

Cuối cùng, đức tin đích thực luôn có và phải có chiều kích thực hành. Đức tin không chỉ là hoạt động của tâm trí hay rung cảm của tâm hồn, mà là hành vi nhân linh liên hệ tới toàn bộ con người. Liên quan tới chiều kích này, chúng ta thường hiểu cách đúng đắn rằng đức tin đích thực phải dẫn tới việc sống đức tin đó cách cụ thể trong đời sống. Nhưng ở đây chúng ta cũng cần phải xác định xa hơn rằng chính hành động cụ thể góp phần vào việc hình thành và củng cố đức tin, bằng cách cộng tác với ơn Chúa, chứ không chỉ là hệ quả của đức tin.

Karl Rahner có thể giúp ta hiểu hơn điều này khi ông nói về ý chí. Khi ta thực hiện điều ta muốn thì ý chí được diễn tả chính nó và trở thành xác định. Vậy điều ta thực hiện đó không chỉ là kết quả của ý muốn mà còn là nguyên nhân sinh ra ý muốn đó. Bởi vì ý muốn đó sẽ không tồn tại cách nghiêm túc và bất khả thu hồi nếu nó không được thực hiện[9]. Nói cách khác, ta chưa thật sự muốn một điều gì đó nếu chưa thực hiện điều đó.

Tương tự, hành vi đức tin chỉ thực sự xác định và chín muồi khi được thực hành trong cuộc sống. Các tri thức học được về đạo, các tâm tình sốt mến chỉ đạt được độ chín muồi khi chúng được kéo dài và diễn tả trong cuộc sống. Nói cách khác, chúng ta chỉ thực sự biết Chúa và chỉ thực sự yêu Ngài khi sống theo lời Ngài dạy. Như vậy, hành vi đức tin diễn ra không chỉ khi ta đọc kinh hoặc cầu nguyện sốt sắng, mà cả khi ta thực hành những quyết định cụ thể. Việc cố gắng giữ mình khỏi lỗi phạm một điều Chúa dạy là sự kéo dài tâm tình của giờ cầu nguyện trước đó và có giá trị tương đương như một lời cầu nguyện.

Tóm lại, nếu hiểu hành vi đức tin bao gồm đồng thời cả ba chiều kích biết, cảm, sống thì ta sẽ hiểu tại sao học thuộc giáo lý mà thiếu tâm tình yêu mến Chúa (chiều kích 1) thì cũng chưa phải là có đức tin đích thực. Tương tự, dạt dào cảm xúc yêu mến mà chưa thực hiện điều Chúa dạy (chiều kích 3) thì cũng chưa thực sự yêu mến Chúa trong đức tin, mà chỉ mới yêu Chúa với cảm xúc nhân loại chóng qua. Và cuối cùng, việc có cảm xúc dạt dào hoặc thực hành đúng đắn lời Chúa dạy không miễn cho ta khỏi phải học hỏi các chân lý đức tin và tham gia vào đời sống Giáo Hội (chiều kích 2), mà ngược lại, luôn giả định, đi đôi và dẫn đến điều đó[10].

II. Đức Kitô – căn tính độc đáo của đức tin Kitô giáo

Những điều nói ở trên liên quan đến hành vi con người đáp lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa là những đặc tính chung của nhiều hình thức đức tin kể cả ngoài Kitô giáo, nên chưa nói gì về tính độc đáo của đức tin Kitô giáo.

Chúng ta chỉ có thể nhìn rõ căn tính độc đáo của đức tin Kitô giáo và nhờ thế hiểu hơn về đức tin đó nếu nhìn vào Đức Kitô. Trong phần này chúng ta sẽ tìm hiểu Đức Kitô cung cấp căn tính cho đức tin Kitô giáo như thế nào bằng việc khảo sát vai trò độc đáo của Ngài liên quan tới ba chiều kích nói trên của đức tin.

1. Chiều kích tâm cảm – Đức Kitô làm cho đức tin khả dĩ xảy ra

Trong hành vi đức tin, cũng như các tín hữu của các hình thức đức tin khác, Kitô hữu yêu mến phó thác bản thân mình cho Thiên Chúa; nhưng khác với quan điểm và tâm tình của họ, Kitô hữu tín thác vào một Thiên Chúa hiện thân nơi Đức Kitô. Thiên Chúa của Kitô giáo không chỉ là một thực tại siêu việt, huyền bí và nội tại trong cõi sâu thẳm của lòng người nhưng còn làm người trong lịch sử, nơi Đức Kitô Giêsu thành Nagiaret. Vì thế, đức tin Kitô giáo, trong chiều kích tâm cảm, không chỉ là phó thác thân phận thụ tạo giới hạn của mình cho Đấng Toàn Năng Siêu Việt ở ngoài thế giới này, mà còn là chấp nhận đi vào trong tương quan cá vị, là yêu mến và phó thác bản thân cho Đức Kitô – một Đấng đã sống trong lịch sử nhân loại, đã chết và đang sống trong vinh quang Phục Sinh.

Điều này nói lên căn tính độc đáo của đức tin Kitô giáo, vì Đức Kitô, tuy là một Ngôi Vị Thiên Chúa, có thể tương quan với con người trong mức độ nhân loại. Ngài đến với chúng ta trong tư cách là Thiên Chúa nhưng cũng là một con người. Ngài yêu chúng ta bằng tình yêu Thiên Chúa nhưng với một trái tim nhân loại và Ngài cũng có thể là đối tượng của tình cảm nhân bản của chúng ta, cũng như của những tiếp cận trên bình diện lịch sử của chúng ta.

Hệ quả là, đức tin Kitô giáo, trong chiều kích tâm cảm, tự bản chất hàm chứa một mối căng thẳng và liên hệ biện chứng giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu nhân loại. Thiên Chúa đã làm người để có thể yêu chúng ta bằng một trái tim nhân loại, nên đã làm cho tình yêu nhân loại của chúng ta có khả năng hướng tới Thiên Chúa và tham gia vào tính chất thần linh của tình yêu của Ngài. Điều này thật sự khả dĩ và đã xảy ra nơi Đức Kitô. Trong nhân tính của mình, Ngài đã yêu mến Cha bằng trái tim nhân loại, và vì thế, đã thăng hoa tình yêu đó, làm cho nó tham dự vào mối Hiệp Thông thần linh giữa Ba Ngôi.

Vì thế, khi yêu mến Đức Kitô trong đức tin, chúng ta không yêu Ngài như yêu một Siêu Ngã, nhưng cũng không đơn thuần như một người khác. Tình yêu nhân loại của chúng ta dành cho Ngài, trong đức tin, đã được nâng lên một tầm cấp khác, có khả năng trở thành “đối tác”, đáp lại Tình Yêu đi bước trước của Thiên Chúa. Điều này giải thích khả thể của đức tin nói chung và của đức tin Kitô giáo nói riêng. Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người nơi Đức Kitô đã cung cấp câu trả lời cụ thể dứt khoát cho câu hỏi “Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt trong khi con người là thụ tạo giới hạn, làm sao mà con người có thể trở thành ‘đối tác’ của Thiên Chúa trong hành vi đức tin được?”

2. Chiều kích lý trí – Đức Kitô quy định nội dung và hình thức diễn tả đức tin

Trong chiều kích lý trí, đức tin Kitô giáo nhận biết Thiên Chúa là ai và chấp nhận những điều Ngài dạy bảo, nhưng tất cả những điều đó phải có nội dung như Đức Kitô đã mặc khải bằng lời dạy và lối sống của Ngài. Mà nội dung của lời dạy và lối sống của Đức Kitô thì có thể được xác định khá rõ ràng và cụ thể: Ngài hiện thực hoá và rao giảng về Nước Trời, Ngài tương quan với Thiên Chúa như Cha của Ngài, Ngài sống một cuộc sống vị tha mà tột đỉnh là cái chết trên thập tự giá. Như vậy, nội dung đức tin Kitô giáo không bắt nguồn từ một hệ thống suy lý nào, cũng không được rút ra từ một nguyên lý phổ quát nào, nhưng bị quy định, một cách “võ đoán”, bởi chính lời dạy và lối sống đặc thù của Đức Kitô[11].

Nội dung đặc thù này của đức tin Kitô giáo luôn cần phải được diễn tả trong tuyên xưng, cử hành và cầu nguyện, và chính Đức Kitô cũng cung cấp tiêu chuẩn cho việc diễn tả này. Mọi khẳng định cũng như tuyên bố thần học, mọi cử hành phụng vụ và cả các hình thức cầu nguyện đều lấy Đức Kitô làm trung tâm và bị quy định bởi lời dạy và lối sống của Ngài.

Để thấy rõ Đức Kitô quy định các hình thức diễn tả đức tin Kitô giáo thế nào, chúng ta chỉ cần xét vấn đề về vai trò của ngôn ngữ trong kinh nghiệm đức tin. Theo Gadamer, ngôn ngữ là trung gian của kinh nghiệm và là phương tiện để chúng ta hiểu thế giới[12]. Vậy kinh nghiệm đức tin luôn phải mang chiều kích ngôn ngữ. Hay nói cách khác, chúng ta luôn cần tới ngôn ngữ để có thể có kinh nghiệm đức tin đích thực, đó là chưa đề cập đến việc phải diễn tả và truyền thông kinh nghiệm đó cho người khác. Vấn đề đặt ra là chúng ta dùng thứ ngôn ngữ nào trong kinh nghiệm của đức tin. Chính ở đây mà chúng ta thấy vai trò thiết yếu của Đức Kitô – Đấng là Ngôi Lời – đối với kinh nghiệm đức tin Kitô giáo.

Ngôn ngữ con người mang tính lịch sử và bị ảnh hưởng – kể cả theo nghĩa xấu, tức bị nhuốm bẩn, trở nên hàm hồ, thô tục – bởi não trạng văn hoá và các cảnh huống xã hội. Vì thế, nếu kinh nghiệm đức tin được tiếp cận và diễn tả qua trung gian một thứ ngôn ngữ hàm hồ, mang nặng ảnh hưởng của tội thì chính kinh nghiệm đức tin cũng bị bóp méo và tha hoá. Ngôn ngữ con người có thể là biểu hiện của cái tôi đầy tham vọng bá chủ và ước muốn vận dụng, điều khiển những cái khác ngoài mình. Chính Đức Kitô – Lời đích thực – sẽ cung cấp cho kinh nghiệm đức tin một ngôn ngữ tinh tuyền, phù hợp và xứng đáng với kinh nghiệm đó. Ngài là Ngôn Ngữ của Thiên Chúa đã “hoá ra không” (Pl 2,7) để “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Ngài là hiện thân cho ngôn ngữ của tương quan liên vị, yêu thương và cho đi.

3. Chiều kích thực hành – Đức Kitô chịu đóng đinh là lý tưởng cốt lõi của đời sống đức tin

Đức tin Kitô giáo nhất thiết phải được diễn tả, không chỉ trong thần học, tuyên xưng, cử hành và cầu nguyện mà còn trong cuộc sống. Vậy đâu là những đặc tính của lối sống Kitô hữu? Có sự khác biệt thiết yếu nào giữa Kitô hữu và tín hữu các đạo khác không? Phải chăng Kitô hữu cũng giống các tín hữu theo các niềm tin khác trong việc “ăn ngay ở lành” mà thôi?

Chúng ta phải khẳng định rằng lối sống của con người có sự khác biệt tuỳ thuộc vào việc họ tin hay không tin vào Đức Kitô. Và chúng ta chỉ thấy được sự khác biệt đó khi ý thức về tầm quan trọng của Đức Kitô đối với đức tin Kitô giáo.

Trước hết, lối sống Kitô hữu được rập khuôn theo lối sống đặc thù của Đức Kitô, Đấng đã sống trong lịch sử này. Ngài không chỉ luôn sống vì người khác – như bao vị thánh nhân khác trong lịch sử loài người – nhưng còn luôn vâng phục Ý Cha. Toàn bộ cuộc sống, mọi ý nghĩa và hành vi của Ngài được nuôi sống và thúc đẩy chỉ bởi một động lực duy nhất là Thánh Ý của Thiên Chúa mà Ngài tương quan như Cha. Chính vì vâng phục Cha mà Ngài sống xả thân vì người khác và vì nhân loại nói chung. Tình yêu thương đồng loại của Đức Kitô có nguồn gốc và động lực thần linh, bắt nguồn và tham dự vào Tình Yêu vĩnh cửu giữa Cha với Ngài.

Chính vì thế mà lối sống Kitô hữu, vốn cũng được đóng ấn bằng tình yêu thương nhân loại, mang một nét rất độc đáo, vì có nguồn gốc và động lực thần linh: chúng ta yêu thương người khác là bởi vì chúng ta yêu mến Đức Kitô và vì họ là hình ảnh của Ngài (Mt 25, 31-46). Tình yêu thương phải mang đặc nét này thì mới được gọi là tình yêu thương Kitô giáo. Câu hỏi được đặt ra là, khi yêu thương người khác vì Đức Kitô như vậy thì ta có yêu thương họ thật sự vì lợi ích của chính họ không hay chỉ dùng họ như bình phong để yêu mến Đức Kitô? Câu trả lời đã được gợi ý trong phần nói về vai trò của Đức Kitô đối với đức tin Kitô giáo trong chiều kích tâm cảm. Tình yêu thương Kitô giáo không mâu thuẫn, bóp méo hay lạm dụng tình yêu thương nhân loại, mà ngược lại, làm cho nó đích thực hơn, và hơn nữa, nâng nó lên một cấp độ mới hoàn hảo và có giá trị hơn gấp bội. Làm sao ta biết ta yêu thương một người cách hoàn toàn tự do, vô vị kỷ và mang lại lợi ích cho họ[13]? Chính tình yêu đối với Đức Kitô sẽ làm cho tình yêu đồng loại của chúng ta tinh tuyền hơn, thoát khỏi những toan tính của cái tôi quy kỷ và tội lỗi. Tình yêu đối với Đức Kitô cũng bảo đảm rằng khi yêu đồng loại, chúng ta làm điều tốt cho họ và dẫn đưa họ tới hạnh phúc. Vì tình yêu trong đức tin đối với Đức Kitô là tình yêu đã được ân sủng Thiên Chúa nâng lên, được tham dự vào mối Hiệp Thông tràn đầy hạnh phúc, niềm vui và bình an giữa Ba Ngôi Thiên Chúa (x. 1Ga 1,3).

Thứ đến, cũng chính động lực vâng phục Thánh Ý Cha đã mặc cho lối sống của Đức Kitô một hình thức độc nhất vô nhị. Lối sống vì người khác của Ngài không thể được xếp vào bất cứ phân loại nào mà người thời nay có kinh nghiệm. Ngài đã không chữa lành người ta như một bác sĩ, đã không giúp đỡ người nghèo như một nhà làm công tác xã hội, đã không cải hoá xã hội như một nhà cách mạng, đã không chết một cái chết già bình thường, nhưng chết trẻ cách tức tưởi như một tội nhân. Vì vâng phục Cha mà Ngài không chỉ sống vì người khác cách chung chung, nhưng thể hiện lối sống đó bằng những hình thức đặc thù của sự “hoá ra không” (kenôsis – x. Pl 2,7) của Mầu Nhiệm Làm Người: nghèo khó, khiêm hạ, khiết tịnh và đặc biệt là cái chết nhục nhã trên thập tự giá.

Mầu nhiệm “hoá ra không” mà đỉnh cao là cái chết trên Thập Giá làm nên căn tính độc đáo của lối sống Đức Kitô cũng như lối sống Kitô hữu. Kitô hữu không đơn thuần chỉ là những người “ăn ngay ở lành”, mà là những chứng nhân có lối sống được đánh dấu bởi Thập Giá. Làm chứng tá, ngay cả bằng cái chết tử vì đạo (martyr – chứng tá) là tiêu chuẩn không thể thiếu của đời sống đức tin Kitô giáo[14]. Hơn bao giờ hết, trong thời đại trần tục hoá và đa nguyên tôn giáo này chúng ta cần phải ý thức sâu xa hơn đặc nét này của đời sống đức tin Kitô giáo. Kitô hữu khi tìm cách hoà nhập vào xã hội họ đang sống, có nguy cơ bị “hoà tan” đến nỗi hạt muối đức tin của họ không còn mặn nữa (x. Mt 5,13) nếu họ quên đi dấu ấn của Thập Giá trên cuộc sống mình. Chỉ khi ý thức mình là những môn đệ đi theo bước chân của Đức Kitô vác thập giá và chịu đóng đinh thì Kitô hữu mới có đủ động lực và can đảm chịu dèm pha, chịu gạt ra lề để sống sự khác biệt của lối sống Kitô giáo. Chỉ khi đó Kitô hữu mới xác định chắc chắn được căn tính của mình để có thể đi vào cuộc đối thoại đích thực, chân thành và bình đẳng với các tín hữu của các tôn giáo khác.

Cuối cùng, phải nói rằng, lối sống của Đức Kitô độc đáo không chủ yếu ở hình thức, mà do chính Ngôi Vị Ngài. Không phải cái chết trên Thập Giá làm cho lối sống Đức Kitô trở nên độc đáo, mà ngược lại, chính Ngài – với tư cách là Con Thiên Chúa – làm cho cái chết trên Thập Giá mang đặc tính độc nhất vô nhị – là biến cố qua đó Thiên Chúa cứu độ con người. Như vậy, đời sống Kitô hữu có giá trị, trước hết không phải là vì mang những hình thức giống với lối sống của Đức Kitô, mà là vì được Đức Kitô bảo đảm cho có giá trị độc đáo. Kitô hữu là chi thể của Nhiệm Thể Đức Kitô, nên cuộc sống của họ là cuộc sống của Nhiệm Thể, được Đức Kitô đảm nhận, thánh hóa và làm cho có giá trị cứu độ.

Kết luận

Có nhiều cách để tìm hiểu và nhận ra vai trò thiết yếu của Đức Kitô đối với đức tin Kitô giáo. Chúng ta đã làm điều đó bằng cách phân tích ba chiều kích tâm cảm, lý trí và thực hành của đức tin Kitô giáo. Lựa chọn này phát xuất từ mong muốn giải đáp những vấn nạn và hiện trạng thực tế của đời sống Kitô hữu Việt Nam liên quan tới đức tin, cầu nguyện và thực hành đức tin.

Hiểu thấu đáo về ba chiều kích của đức tin sẽ giúp Kitô hữu sống đức tin cách hội nhất và toàn diện hơn. Họ được mời gọi tiếp cận với Chúa cách cá vị hơn, tham gia tích cực và toàn diện hơn vào đời sống và các hoạt động học hỏi, cầu nguyện, phượng tự của Giáo Hội, và cuối cùng là nối dài tâm tình đức tin ra cuộc sống hằng ngày, với xác tín của một môn đệ làm chứng tá cho Đức Kitô chịu đóng đinh.

Tìm hiểu vai trò thiết yếu của Đức Kitô đối với đức tin, Kitô hữu nhận ra căn tính độc đáo của mình cả trong tâm tình tôn giáo, lẫn trong tuyên xưng cũng như cử hành tôn giáo để từ đó có xác tín và can đảm thể hiện lối sống độc đáo của đức tin Kitô giáo trong thực tế xã hội đa tôn giáo và đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi trào lưu trần tục hoá.

 

03.06.2012

Nguyễn Hai Tính, SJ

 

[1] Hiến Chế Tín Lý về Mặc Khải của Thiên Chúa, 1.

[2] Sđd, 5.

[3] Đây là ý tưởng của Stephen B. Bevans trong cuốn An Introduction to Theology in Global Perspective, New York 2009, xin xem đặc biệt từ trang 23 tới trang 32.

[4] Cũng vật đó, dù được gói gém cẩn thận và đẹp mắt, nhưng khi được chưng trên kệ để bán thì chưa được gọi là quà tặng, mà vẫn chỉ là hàng hóa. Nó chỉ trở thành quà tặng khi có ai đó trao nó cho một người khác như một món quà.

[5] Ví dụ, không ai yêu thật sự mà chỉ để ở trong lòng, mà không có những biểu hiện như ánh mắt, sự ân cần, một bó hoa, v.v…

[6] Ví dụ, không ai chấp nhận lễ hỏi mà từ chối trầu cau.

[7] Như vậy, một cách chính yếu, đức tin không phải là một “kho” mà tín hữu có thể lấy và tích trữ cho mình, mà không cần phải có tương quan cá vị với Thiên Chúa. Nói cách cụ thể, việc học thuộc các chân lý trong kho tàng đức tin mà chưa có tương quan với Chúa trong đời sống thiêng liêng thì chưa được coi là dấu chỉ của đức tin đích thực.

Ở đây cũng cần phải nói thêm rằng tương quan liên vị giữa Thiên Chúa và con người – vốn chỉ có Thiên Chúa đi bước trước và tạo điều kiện khả dĩ cho con người đáp lại – không hoàn toàn giống như tương quan liên vị giữa người với người, vốn mang tính hai chiều. Theo Karl Rahner, Thiên Chúa đến với con người, tự trao ban Chính Mình không chỉ như một món quà, mà còn như một điều kiện cần thiết để làm cho việc con người đón nhận món quà đó có thể xảy ra (X. Foundations of Christian Faith, London 1978, 128).

[8] Thánh Irênê, chẳng hạn, đề cập đến các khái niệm này trong cuốn Adversus Haereses III, ii & iv.

[9] X. K. Rahner & K.H. Weger, Our Chritian Faith, London 1980, 116.

[10] John A. Hardon cho rằng việc học giáo lý là nền tảng cho việc sống chứng tá đức tin cách anh hùng (X. “The Deposit of Faith and the Catechism” trên trang Web The Real Presence Association. http://www.therealpresence.org/archives/Catechism/Catechism_008.htm truy cập ngày 29.05.2012).

[11] Một ví dụ điển hình là nội dung giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong khi các triết gia Hy Lạp cho rằng Thiên Chúa phải là Đấng duy nhất, vì, một cách suy lý, tự khái niệm Thiên Chúa cho thấy Ngài phải là Đấng duy nhất, nếu không ta sẽ có một khái niệm tự mâu thuẫn nội tại. Á Đông thì dựa vào kinh nghiệm khá phổ quát rằng mọi vật đều được sinh ra từ hai vật khác mang tính âm dương bổ túc cho nhau, nên rút ra kết luận rằng hai Nguyên Lý Âm Dương là nguồn gốc của vũ trụ và mọi loài. Trong khi đó, giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi chẳng khớp với nguyên tắc suy lý nào, cũng chẳng phù hợp với kinh nghiệm phổ quát nào, mà có vẻ “võ đoán”. Tại sao Thiên Chúa lại là Ba Ngôi mà không phải là bốn hay năm ngôi? Tính chất “võ đoán” này phát xuất từ chính kinh nghiệm và lời dạy của Đức Kitô về Thiên Chúa. Nói cách đơn giản, chúng ta tin Thiên Chúa là duy nhất và là Ba Ngôi trước hết là vì chính Đức Kitô đã kinh nghiệm, đã dạy như thế và làm cho ta có kinh nghiệm đó về Thiên Chúa. Suy tư và diễn giải thần học có thể cho thấy kinh nghiệm này phủ hợp với cấu trúc của thực tại hay của lịch sử, nhưng luôn phải khởi đi từ kinh nghiệm này.

[12] X. Hans-Georg Gadamer, Truth and Method, New York 1975, 432.

[13] Kinh nghiệm nhân sinh cho ta thấy động lực của tình yêu rất phức tạp. Chúng ta rất nhiều khi yêu thương người khác không phải vì họ, mà vì sắc đẹp, tiền tài,… và phổ thông nhất là vì chính mình.

Xét về việc tình yêu có nhất thiết mang lại lợi ích cho người đựơc yêu, các bậc cha mẹ cũng có kinh nghiệm là không phải cứ yêu thương mà chiều chuộng con thì sẽ có lợi cho sự giáo dục của con. Bậc cha mẹ phải biết lựa chọn cách thức yêu thương thì mới có thể mang lại lợi ích cho con cái được.

[14] Đây là tư tưởng của Hans Urs von Balthasar, được Eamon Conway đề cập đến trong cuốn The anonymous Christian – a relativised Christianity? Frankfurt am Main 1993, 68.