ĐỨC TIN HỘI NHẬP VĂN HÓA HAY ĐỒNG DẠNG VỚI VĂN HÓA?
Thời sự Thần học – Số 5 – Tháng 8/1996
Ai đã từng theo dõi những cuộc thảo luận về tiến trình hội nhập văn hóa trong những năm qua, sẽ phải lưu ý đến vấn đề căn bản: trong lúc khai triển đức tin được hội nhập văn hóa đúng mức hoặc xây dựng một nền thần học địa phương, cần chú trọng đến động lực của đức tin đang trong tiến trình hay chú trọng đến những động lực của nền văn hóa địa phương?
Các tài liệu của Giáo Hội – khởi đi với việc thảo luận về văn hóa trong Gaudlum et Spes của Vatican II và tiếp tục với những bài viết của Đức Gioan Phaolô II – đều đã nhấn mạnh đến vai trò của đức tin đang gặp gỡ văn hóa. Trong khung cảnh đó, Tin Mừng đã đi vào nền văn hóa và xem xét cẩn thận: khẳng định điều gì tốt đẹp, chân thực và đến lượt mình nâng điều tốt đẹp và chân thực đó lên một tầm mức cao hơn, song vẫn thách đố và chỉnh đốn điều gì xấu xa tội lỗi để thanh luyện nền văn hóa. Cũng phải luôn luôn ghi nhớ điều này, là đang khi Tin Mừng thực sự hội nhập văn hóa nơi mỗi hoàn cảnh nhân gian nào, thì Tin Mừng lại cũng siêu việt mọi nền văn hóa. Tin Mừng không bị mắc nợ, hay bị đóng khung bởi bất cứ một nền văn hóa nhân loại nào. Ngay cả những nền văn hóa đã nhận biết Tin Mừng và sống đức tin từ bao đời (trường hợp các nền văn hóa Âu Châu) cũng không thể tự xưng là sở hữu của chủ Tin Mừng.
Đường lối này thì khẳng định tiềm năng của văn hóa và (đặc biệt trong những phát biểu của Đức Gioan Phaolô II) thừa nhận quyền lợi của văn hóa, nhưng một mực cương quyết đề cao quyền lực tối thượng của Tin Mừng hành động tự do và độc lập trong việc biến đổi văn hóa qua tiến trình hội nhập đức tin vào văn hóa. Cần ghi nhận rằng việc đó phải được nhấn mạnh hơn là việc thẩm quyền Giáo Hội thi hành trách nhiệm của mình để bảo vệ đức tin: nó bắt nguồn từ thần học mạc khải nhất quán chủ trương rằng lời Chúa gắn bó mật thiết với tạo vật nhưng luôn luôn siêu việt trên tạo vật.
Đương lối khác lại ưa nhấn mạnh đến những động lực của văn hóa, coi đó như điểm xuất phát. Không chối bỏ tính chất siêu việt của Tin Mừng hay chuyện đức tin có quyền phê bình và biến đổi văn hóa, đường lối này cũng chia sẻ một nhiệt tinh thần học như lập trường thứ nhất. Tuy nhiên nó đặt dấu hỏi liệu việc Tin Mừng hoạt động đối nghịch văn hóa có thực sự đem lại điều cần thiết liên quan đến việc đức tin hội nhập văn hóa hay không. Nó nhấn mạnh rằng Tin Mừng không bao giờ đi vào nền văn hóa trong một hình thức nguyên tuyền; nhưng luôn luôn trong tình trạng đã hội nhập văn hóa – đã gắn chặt trong nền văn hóa của người loan báo Tin Mừng. Thứ đức tin đã được hội nhập văn hóa đó hẳn là sẽ nhấn mạnh một số khía cạnh của sứ điệp và nhất định bỏ lơ những khía cạnh khác.
Hơn nữa, việc đề xuất một thứ Tin Mừng làm việc với cung cách độc lập đối nghịch với văn hóa xem ra đã không hiểu được những động lực dẫn đến liên đới giữa các nền văn hóa. Nó giả định rằng một sứ điệp được loan báo bởi ai đó thuộc một nền vănn hóa thì sẽ được đón nhận và am hiểu bởi một người thuộc nền văn hóa khác theo đúng lề lối mà người loan báo ước định. Không có gì đảm bảo cho chuyện đó – trên thực tế, có thể là người ta đã tin tưởng vào một giải pháp thông giao kém cỏi, mà lý do chính là vì những khung cảnh văn hóa của người giao và người nhận sứ điệp luôn luôn có những dị biệt. Ngay cả những cách thức loan báo Tin Mừng được trau chuốt hết sức cẩn thận vẫn luôn luôn thất bại trong mức độ nào đó. Không thể tuyệt đối có một lối trình bày Tin Mừng đầy đủ và nguyên tuyền.
Vả lại, người loan báo Tin Mừng không ý thức việc Tin Mừng bám rễ trong nền văn hóa của mình như thế nào, nên khó mà đạt được trọn vẹn mối thôn giao hữu hiệu – từ đó có việc hội nhập văn hóa. Do đó, để cho việc hội nhập văn hóa được tốt đẹp, người ta cần bắt đầu với nền văn hóa sắp đón nhận Tin Mừng, và ước lượng một khảo hướng có tính biện chứng hơn nữa cho mối tương quan giữa Tin Mừng và nền văn hóa trong đó việc trình bày Tin Mừng phải từng bước rũ bỏ những gốc rễ của nền văn hóa xưa trước và mang những sắc thái khác lạ phù hợp với môi trường văn hóa mới.
Nhưng, lập trường thứ nhất phản công, một thứ đường tối như vậy lại không dẫn đến một thái độ quá đồng hóa Tin Mừng với văn hóa, và thế là có nguy cơ làm tan loãng hoặc đổi thay sứ điệp Tin Mừng sao? Dựa vào tiêu chuẩn nào mà ta cho rằng việc hội nhập văn hóa mới mẻ đó là biểu lộ trác tuyệt của Tin Mừng chứ không phải là thông chuyển sai lầm Sứ điệp Tin Mừng? Đường lối kiểu đó lại đã không chuyển giao một thứ Tin Mừng bất lực trong việc xét xử tội lỗi của môi trường, bởi lẽ đã đòi hỏi một sự đồng dạng triệt để Tin Mừng với văn hóa đó sao? Đường lối đó đã chẳng hun đúc một thứ hỗn hợp nguy hiểm sao? Rất dễ dàng nêu lên những ví dụ của sự đồng dạng cực độ dẫn đến việc trình bày sai lạc sứ điệp Tin Mừng: có lẽ trường hợp những Kitô hữu Đức thời Quốc Xã tại nước Đức vào năm 1930 là ví dụ rõ rệt nhất.
Làm thế nào để dung hòa hai lập trường trên? Mỗi bên đều khẳng định một điểm quan trọng: – Tính ưu việt của Tin Mừng; – Tính phức tạp của những nền văn hóa nhân loại. Và mỗi lập trường đều biết đến hiệu lực của những điều mà phía kia quan tâm. Thế nhưng chẳng một lập trường nào có thể trả lời vấn nạn của bên kia: làm thế nào mà lập trường thứ nhất quả quyết được rằng phương pháp hội nhập văn hóa của mình không phải là một hình thức bá quyền văn hóa? Làm thế nào nó trả lời được vấn nạn cho rằng hình thức Kitô hóa đó thực chất chỉ là Tây phương hóa? Và khi nào thì lập trường thứ hai đưa ra được tiêu chuẩn để bảo đảm rằng việc đồng dạng triệt để với nền văn hóa thì không dẫn đén một sự hội nhập giả tạo Tin Mừng vào văn hóa?
Khuôn khổ hạn hẹp của một bài báo không cho phép trả lời thỏa đáng những vấn nạn trên: và có lẽ ngay đến nhiều cuốn sách cũng chănge làm được chuyện đó. Lý do thì rất nhiều. Trước hết, vì chúng ta vẫn còn chưa hiểu thấu đáo tiến trình hội nhập văn hóa. Tiếp đến, càng ngày ta càng biết thêm rằng những kiểu mẫu tiến trình hội nhập văn hóa khác nhau thì có thể giải đáp vấn nạn một cách khác nhau. Thứ ba, trong những cuộc thảo luận trên vẫn chưa có được câu định nghĩa mà mọi người đều đồng ý về “đức tin” hoặc “văn hóa”.
Giờ đây xin nêu lên một ít suy tư về cách thức xử lý những phức tạp chung quanh những vấn đề trên. Khởi đi bằng việc nhắm vào những định nghĩa đúng đắn nhất về dức tin và văn hóa. Sau đó xét coi những loại hoàn cảnh nào có thể khiến cho lập trường này hay lập trường kia được coi là biện pháp hội nhập văn hóa hữu hiệu hơn cả. Sau cùng là vắn tắt điểm qua vấn đề tiêu chuẩn để nhận định đâu là cuộc hội nhập văn hóa đích thực.
II. Hình ảnh đức tin, hình ảnh văn hóa
Chìa khóa để dung hòa vấn đề về hội nhập đức tin vào văn hóa hay là đồng dạng với văn hóa là ta hiểu thế về “đức tin” – tứclà điều cần phải được hội nhập văn hóa – và về “văn hóa” – tức là khung cảnh diễn ra việc hội nhập văn hóa. Cách hiểu đức tin sẽ ảnh hưởng đến điều mà ta coi như cần được hội nhập văn hóa, đến điều mà không thể thay đổi nét cơ bản, và đâu là giới hạn được phép đổi thay.
Không dễ mà vạch ra được ranh giới của điều cần hội nhập văn hóa như lúc mới thoạt nhìn đầu. Người ta không muốn qua tỉ mỉ trong chuyện này, và nguyên việc chúng ta nắm vững phẩm trật các chân lý đã loại trừ thứ lập trường khái quát không tiêu chuẩn phê phán. Những tranh luận quanh cuốn sách Gíao Lý Công Giáo lưu ý đến việc khó mà khoanh vùng niềm tin Kitô giáo.
Nguy hiểm lớn nhất có lẽ là khởi đi với việc cụ thể hóa ý nghĩa đức tin – cho rằng đức tin là một chuỗi những mệnh đề cần được chuyển giao. Chính lối suy tư theo mệnh đề đã là một thực hành hướng về văn hóa. Và đang khi có thể giúp soi sáng vấn đề giữa khung cảnh một nền văn hóa cá biệt, nó lại thường không đi xuyên suốt những nền văn hóa, dù là ở cùng thời kỳ lịch sử. Những cuộc tranh luận lớn về Kitô học trong thời đầu lịch sử Giáo hội cho ta một ví dụ rõ rệt. Lối suy nghĩ như vậy cũng không lưu ý đến chuyện ngôn ngữ của chúng ta không bao giờ nắm bắt đầy đủ mầu nhiệm về Thiên Chúa hoặc những gì mà Thiên Chúa ban cho ta trong Đức Kitô. Truyền thống thần học phong phú của Giáo Hội cho ta một chứng từ về mật độ đa nghĩa (polysemic) của Đức Kitô giáo.
Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa rằng ta không thể định nghĩa điều gì cả. Nhưng thấy lại kinh nghiệm của Giáo Hội thời sơ khai nơi những tranh biện Kitô học – mà thường là những tranh luận về ý nghĩa của từ ngữ vốn đã ăn sâu trong những nền văn hóa dị biệt – người ta có thể hình dung một bộ quy tắc giải nghĩa thực sự hữu dụng để hiểu về đức tin một khi nó xuyên qua biên giới văn hóa. Cũng như các Giám Mục tại các công đồng thời xưa phải miễn cưỡng khai triển những công thức bao hàm đức tin, thì cũng vậy có lẽ chúng ta lại đi theo sự hướng dẫn của các Ngài khi cố gắng định nghĩa đức tin bằng cách coi những phát biểu đó mang tính ách tiêu cực, nghĩa là giới hạn ngôn ngữ về điều không được phép nói lên.
Một đường lối như vậy có thể được xem như nỗ lực cấp thời để bảo vệ chuẩn mực đức tin (regula fidei) đang khi đó vẫn không làm mất đi mật độ của ý nghĩa mà đức tin đem lại cho ta. Như vậy giáo huấn của Giáo Hội được coi như không phải là trình bày quá thấu đáo về một vấn đề đặc thù mà đúng hơn là cấp thời baỏp vệ tính nguyên vẹn của đức tin và phân ranh giới dức tin với điều không được phát biểu.
Một đức tin không được nhìn trong cách thức cụ thể, điều này đòi hỏi một sự hiểu biết phức tạp hơn bao gồm tín điều, nghi lễ và luân lý. Đức tin phải được coi như một con đường đồng thời như là một nhân sinh quan. Sự hiểu biết phức tạp trên là cần thiết, không hcỉ vì chính đức tin là một thực tại phong phú mà còn vì việc thông giao trong nhiều đường lối và đa phương tiện làm tăng thêm khả năng hiểu biết xuyên qua các biên cương văn hóa.
Cách thức chúng ta giải thích đức tin có ảnh hưởng đến điều ta mong chờ thấy nó được tái hiện trong khung cảnh vừa mới hội nhập văn hóa. Đó phải chăng là chuyện dùng đúng từ? Hay đó là chuyện ban hành tín điều? Là tái tạo một số giá trị? Hay là trình bày câu truyện về Chúa Kitô? Cảm thức của chúng ta về nhân tố khiến cho việc hội nhập văn hóa thành hữu hiệu và chấp nhận được sẽ nói nhiều về điều mà ta gọi là “đức tin”.
Tương tự như vậy, cách thức mà ta hiểu về văn hóa sẽ tác động sâu xa đến tiến trình hội nhập văn hóa. Không có câu định nghĩa được mọi người thừa nhận về văn hóa, vậy là mỗi lối nhìn văn hóa đều cho một kết quả khác biệt. Nếu văn hóa được coi là hệ thống toàn cầu về những qui luật điều khiển cách ứng xử, thì bây giờ đức tin phải dấn thân vào hệ thống đó. Còn nếu văn hóa được coi như một nhóm các giá trị cung ứng những lời khuyên để người ta ra quyết định, thì lúc đó đức tin đia vào văn hóa như là những giá trị cần được giữ gìn hay là những nhân đức cần phải được thực thi. Cả hai đường lối tổng quát trên đều coi văn hóa cách khái quát như là một hệ thống nhân thức, và gợi lên một cơ cấu nhân thức tương tự từ đức tin. Đó là những lối hiểu truyền thống hơn về văn hóa.
Những lý thuyết mới mẻ hơn nhấn mạnh đến hành động và trình diễn như là những kiểu mẫu để am hiểu văn hóa. Chẳng hạn, văn hóa được hiểu đúng nhất như là một cuộc đàm thoại, được xây dựng liên tục bởi những người tham gia. Hay văn hóa là bộ đồ nghề (tool kit) mà ta dùng đến khi ta có vấn đề, nhưng ta lại ít nghĩ đến nó khi mà mọi việc đều xuôi cả. Hoặc giả, văn hóa trước hết là cuộc trình diễn, chỉ được nhận biết một khi nó biểu diễn.
Nếu có ai dùng đường lối thiên về hành động hoặc trình diễn nhiều hơn để đến với văn hóa, thì những yếu tố của đức tin như luân lý, nghi thức và thực hành giữ một vai trò phóng khoáng hơn. Ở đây có lẽ đức tin đã hội nhập văn hóa thì tốt nhất là dùng những dạng thần học theo lối kể chuyện, xen kẽ vào chuyện kể của công đoàn địa phương bằng chuyện kể về Chúa Kitô nhiều hơn.
Phải chọn lý thuyết văn hóa nào, điều này được xác định rõ nhất bởi loại khung cảnh mà nền văn hóa cảm thấy mình thuộc về, trong một thời điểm nào đó. Điều này được khảo sát trong đoạn sau. Ở đây điều quan trọng là nhận thấy rằng có nhiều lối hiểu khác nhau về ý nghĩa đức tin và văn hóa, vậy nên đang khi cố gắng dung hòa vấn đề hội nhập đức tin vào văn hóa hay là đồng dạng với văn hóa, ta phải lưu ý không phải chỉ là chuyện định nghĩa đức tin và văn hóa ra sao, song còn là những định nghĩa đó gồm những ngụ ý tiềm ẩn thế nào mà sẽ vạch hướng cho tiến trình hội nhập văn hóa.
III. Khung cảnh văn hóa và lựa chọn ưu tiên
Trên đây đã cho thấy rằng khung cảnh mà nền văn hóa tìm thấy mình trong đó có thể ảnh hưởng đến việc chọn câu định nghĩa cho đức tin và văn hóa. Nhận xét trên được gợi lên qua việc xem xét kinh nghiệm Kitô giáo thời nay cũng như thời xưa: có những lúc Kitô hữu cảm thấy được kêu gọi triệt để chốn lại một nền văn hóa, lại có những lúc họ đứng ra bảo vệmột nền văn hóa khỏi nguyên tắc Kitô giáo. Điều gì đã dũa gọt chọn lựa trong những hoàn cảnh trên?
Có một lối phân loại những chọn lựa trên, đó là quan sát một nền thần học đã hội nhập văn hóa lần lượt chú trọng đến nhu cầu khẳng định căn tính của văn hóa và nhu cầu đề xuất đổi thay xã hội trong một nền văn hóa. Nói thẳng ra, đó là những quyết định đồng dạng với nền văn hóa tụ tập quanh những nền thần học khẳng định căn tính, và những quyết định thách đố văn hóa với đức tin tụ tập quanh nhu cầu thay đổi xã hội. Tất nhiên đây không phải là sự phân biệt tuyệt đối, nhưng có thể giúp ta không chỉ nhận ra những quyết định trên hình thành thế nào và khi nào, song còn nhận ra một ít nguyên tắc tác động đến những quyết định trên.
Ít nhất có ba loại hoàn cảnh coi như thúc đẩy quyết định đồng dạng mạnh mễ với văn hóa. Thứ nhất là hoàn cảnh tái thiết văn hóa (cultural reconstruction). Trong hoàn cảnh này, một nền văn hóa đã bị tàn phá bởi những lực lượng văn hóa ngoại lai quá nhiều đến độ một dân tộc phải dấn thân vào việc tái thiết có ý thức nền văn hóa của họ. Điều này xảy ra khi một nền văn hóa thấy mình là thiểu số đối nghịch với một nền văn hóa rộng lớn và mạnh mẽ hơn và mình có nguy cơ bị hủy diệt. Ví dụ hoàn cảnh các nền văn hóa thổ dân tại Mỹ Châu. Chẳng hạn tại một số vùng nước, Canada, các dân tộc ở miền Tây nước này vay mượn những nghi thức từ những người láng giềng phía Nam Hoa Kỳ bởi vì ký ức văn hóa của họ đã bị tiêu tán qua một thế kỷ bị bóc lột và diệt chủng.
Một loại ví dụ khác, đó là việc tái thiết những nền văn hóa Phi Châu sau thời kỳ thực dân. Chuyện một xứ Phi Châu kêu gọi việc hội nhập văn hóa theo đuổi sự đồng dạng mãnh liệt với nền văn hóa, phát sinh từ nhu cầu phục hồi phẩm giá của những nền văn hóa đó như là những phương tiện chuyển tải xứng hợp của Đức Tin Kitô giáo. Việc tái thiết này có khác với ví dụ thứ nhất ở chỗ lịch sử thực dân cũng phải đối đầu và đàm phán theo một đường lối khác biệt so với những mẫu hình hủy diệt đã có trong lịch sử.
Loại hoàn cảnh thứ hai gọi là đối kháng văn hóa (cultural resistance). Đây là trường hợp một nền văn hóa bị đe dọa bởi một lực lượng bên ngoài và cần có một tư thế đối kháng để có thể tồn tại. Ví dụ rõ rệt nhất cho loại này là việc Giáo Hội đồng dạng sâu đậm với nền văn hóa Ba Lan qua nhiều thế kỷ nước này bị nạ ngoại xâm. Mẫu hình đối kháng như thế tạo nên những mối liên đới sâu đậm, bởi vì Đức Tin Kitô giáo được nối kết thật phức tạp với việc duy trì cảm thức của nền văn hóa về căn tính của mình cũng như về tính nhân bản. Những kiểu mẫu tương tự có thể được tìm thấy trong việc đồng dạng chặt chẽ phát sinh trong cuộc kháng cự lại các chế độ độc tài, như trong trường hợp các nước Chilê và Philippines trong những năm 1970 và 1980.
Loại hoàn cảnh thứ ba là liên đới văn hóa (cultural solidarity). Đây là hoàn cảnh trong đó Giáo Hội là thiểu số ít ỏi và bị nghi ngờ là xa lạ với đa số. Trong những hoàn cảnh đó người Kitô hữu chịu thương chịu khó tỏ bày lòng trung thành của mình và làm được việc đó nhờ sự khẳng định mạnh mẽ về văn hóa. Đó là trường hợp các Kitô hữu tại Trung Quốc, đã phải phấn đấu để cho thấy họ thực sự vẫn còn là thành phần Trung hoa của Giáo hội phổ quát.
Trong tất cả những hoàn cảnh trên, cần phải hướng đến căn tính của một nền văn hóa. Giáo Hội, với những hiểu biết của mình về văn hóa kể từ Vatican II, đã nhiều lần khẳng định quyền lợi của một dân tộc đối với văn hóa. Nếu có ai muốn đi tìm một nguyên tác đằng sau những việc đồng dạng với văn hóa, thì người đó gợi lên rằng, nếu không có một nền văn hóa vốn bảo tồn được tính nguyên vẹn và phẩm giá của mình, cũng như việc tham dự của dân tộc mình, thì có lẽ cũng chẳng có việc đức tin hội nhập văn hóa. Sở dĩ có như vậy là vì nếu không có những điều kiện hoàn nguyên và tham gia đó nền văn hóa mà đức tin hội nhập vào, tự nền tảng vốn đã xa lạ với dân tộc trong cuộc, và như vậy là không thể ngỏ lời với long trí họ được. Như vậy việc đồng dạng cho biết một sự lưu tâm đến văn hóa sẽ được coi như thành tố quan trọng để đạt được tiến trình hội nhập văn hóa.
Mặt khác, có những hoàn cảnh mà đức tin coi như được kêu gọi đứng lên chống lại nền văn hóa. Loại hoàn cảnh rõ rệt nhất là khi có bất công xảy ra và được nền văn hóa thừa nhận. Ở đây Đức Tin Kitô giáo phải lên tiếng phản đối bất công. Nó phải chống lại mọi giải thích cho rằng bất công và bạo lực là cần thiết để hoàn nguyên văn hóa. Chắc chắn là các nền văn hóa đều có những cấu hình đặc thù và có khi còn kỳ đi nữa nhưng bạo lực dài hạn không làm cho điều đó trở thành một tất yếu văn hóa. Hơn nữa, ngay cả trường hợp những kiểy mẫu bất công trên có thể được bào chữa nội bộ, thì những biên cương văn hóa nay đã trở nên dễ thấm nhập bởi đã có những phương tiện thông tin hiện đại, do đó những giải thích trên hoặc những biện minh cho bất công sẽ không được tin tưởng lâu hơn nữa.
Một ví dụ loại bất công này là việc ngược đãi phụ nữ tại nhiều nơi trên thế giới. Càng ngày càng thấy rõ hơn là việc biện minh cho sự thống trị không những không thể tiếp tục lâu hơn nữa, mà có lẽ nó chỉ còn được tin tưởng trước nhất bởi những người đàn ông sống trong các nền văn hóa đó. Nạn phân biệt chủng tộc là một bất công khác mà người ta không thể khoan nhượng.
Nhóm hoàn cảnh thứ hai ở đó Đức Tin Kitô giáo coi như được kêu gọi dấn thân vào cuộc phê bình văn hóa mang tính tự trị nhiều hơn, khi mà nền văn hóa đương đầu với những thách đố mãnh liệt và không có vẻ gì là có những phương sách bên trong để đối phó với những thách đố đó, bất kể là bởi thách đố từ bên ngoài hay là bởi sự phân hóa từ bên trong. Một ví dụ về hoàn cảnh này là một số nước Đông Âu mà những giá trị xã hội bị phá hoại qua 40 năm Chủ Nghĩa Cộng Sản đến độ họ thấy khó mà sắp xếp những đối sách để sinh tồn trong một thế giới hết sức khác biệt.
Phải chăng có một nguyên tắc ngấm ngầm trong những loại hoàn cảnh trên để mà hướng dẫn quyết định trong chiều hướng một vai trò tự trị hơn cho đức tin đối diện với văn hóa? Nó phải được phát biểu như sau: khi một nền văn hóa cảm nghiệm sự thiếu hụt trầm trọng (không có đối sách trước thách đố khủng khiếp) hay là chối không nhìn nhận sự thiếu hụt đó (sự bất công hợp pháp), lúc đó đức tin Kitô giáo phải nắm lấy vai trò tự trị hơn nữa trong tiến trình hội nhập văn hóa.
IV. Tiêu chuẩn đánh giá việc hội nhập văn hóa
Năm loại hoàn cảnh nêu trên – ba loại kêu gọi đồng dạng với văn hóa và hai loại kêu gọi một sự phê bình tự trị hơn về văn hóa – là một số trường hợp hữu hạn: nghĩa là chúng đại diện cho những thái cực khả thể.
Phải nói gì về những trường hợp trung gian? Làm sao có thể dung hòa việc đồng dạng và phê bình trong những hoàn cảnh đó? Và làm sao đánh giá được kết quả của những nỗ lực trong cuộc hội nhập văn hóa?
Cho dù những hoàn cảnh vừa trình bày là những trường hợp hữu hạn, chúng vẫn giúp soi sáng những trường hợp trung gian. Ta có thể tìm thấy một loại trường hợp hữu dụng nơi những chiến lược khác biệt của việc Phúc Âm hóa kiểu mới tại Mỹ châu La tinh, Âu châu và Bắc Mỹ. Nếu một nền văn hóa không tự cảm thấy mình ở dưới áp lực một thách đố nghiêm trọng, thì nó đã đối diện với một hình thức Phúc Âm hóa mà phần lớn là lời than vãn kêu ca, hoặc nó nghe thấy lời mời gọi đến với một đức tin mà coi như rõ ràng không có khả năng am hiểu những phức tạp của hoàn cảnh văn hóa, thì hình thức Phúc Âm hóa đó coi như thất bại. Không thể có phê bình về văn hóa mà trước đó không có những đồng dạng với nền văn hóa đó. Nói khác đi, tiếng nói của Tin Mừng chỉ được cảm nghiệm như một âm thanh lạc lõng không liên quan gì đến thực tại. Và người ta có thể phỏng đoán rằng sự thất bại của Kitô giáo trong việc đến với nhiều dân tộc Á châu là bắt nguồn từ việc thiếu khả năng để đồng dạng.
Nhưng mặt khác, việc đồng dạng với văn hóa mà không có óc phê bình thì cũng là rỗng tuếch. Sau cùng, Tin Mừng là nói về metanoia, về sự thay đổi. Không muốn nhìn thấy một nền văn hóa phát biểu cũng có nghĩa là không quan tâm đến nền văn hóa đó. Những nhiệt tình sâu đậm nhất của Kitô giáo dường như là kêu gọi cả việc đồng dạng sâu sắc, rập khuôn cuộc thương khó, sự chết và phục sinh của Chúa Kitô.
Tất cả những điều trên liệu có thể được diễn đạt thành những tiêu chuẩn để đánh giá? Đã có nhiều cố gắng để làm việc đó, và đang khi có một sự đồng qui nào đó, thì những khác biệt nơi truyền thống lại dẫn đến những khac biệt trong việc đặt trọng tâm vấn đề. Một điều có vẻ chắc chắn: không một tiêu chuẩn đơn độc nào có thể được đề nghị mà có khả năng đưa ra một giải đáp nhanh chóng và gọn gàng cho ta biết những kết quả của việc hội nhập văn hóa có trung thành với Tin Mừng hay không. Chúng ta cần một số tiêu chuẩn cùng phối hợp với nhau để trả lời cho vấn đề trên. Điều này dựa vào điều ta đã xem xét phần trên, mà nói đúng ra, tức là những ý nghĩa đức tin và văn hóa sẽ gợi lên những khác biệt về kiểy mẫu cũng như trọng tâm lưu ý.
Ngoài những tiêu chuẩn đã hiển mình ở những chỗ khác (như là nhất quán với Kinh thánh và Thánh Truyền, thực hành có hiệu quả, đời sống phụng vụ, phẩm chất của giới môn đệ v.v…), tôi muốn kết luận bằng một hỗn hợp nhiều nguyên tắc- trong đó có hai mang tính thần học và một mang tính văn hóa – có thể đem lại một đường hướng tổng quát để trả lời cho vấn nạn về tính xác thực của việc hội nhập văn hóa, tất nhiên là có phối hợp với những nguyên tắc khác.
Thức nhất, Tin Mừng là nói về metanoia – hoán cải, đổi thay. Do đó, nếu Tin Mừng đi vào văn hóa mà không thấy có gì đổi thay, thì coi như không có hội nhập văn hóa hữu hiệu. “Không có gì đổi thay” mô tả một tình trạng trong đó Tin Mừng không hề nối kết với văn hóa hoặc là Tin Mừng không được chấp nhận để thấm nhập vào văn hóa.
Thứ hai, văn hóa không được đồng hóa Tin Mừng (homogenze). Điều này có nghĩa là văn hóa không được phép chọn phần nào của Tin Mừng để tán thành, còn phần khác thì phớt lờ đi. Các nền văn hóa phải tiếp xúc với toàn bộ Tin Mừng, chứ không phải chỉ với điều gì mà mình cảm thấy phù hợp. Điều này dựa trên nguyên tắc là Tin Mừng siêu việt trên mọi nền văn hóa và không thể làm tôi đòi (domesticated) cho bất cứ nền văn hóa nào.
Thứ ba, việc hội nhập văn hóa là đối tượng cho những mối hiểm nguy và những khả năng thôn giao liên văn hóa. Một nguyên tắc quan trọng ở đây là bất cứ một sứ điệp nào được loan truyền qua các biên cương văn hóa đều có khả năng mất hoặc được về vấn đề thông tin và hiểu biết. Do đó, những giá trị di dời, sắc thái cũng đổi thay, sự việc cũng bị quên lãng và thế là lại có lối nhận thức mới. Lịch sử phát triển thần học và đạo lý là chứng cứ cho tiến trình này. Bởi vậy việc hội nhập văn hóa vẫn đầy tính cách rủi ro, nhưng cũng là điều thiết yếu. Không có nó, đức tin không thể bám rễ. Với nó, ta thấy luôn hiện ra khả năng có những nhận thức mới mẻ và sâu sắc hơn về ý nghĩa mầu nhiệm Đức Kitô.
V. Kết luận
Từ những gì đã nói trên, cho thấy rõ ràng hơn nữa việc hội nhập đức tin vào văn hóa và việc đồng dạng với văn hóa không thể coi như chuyện phải lựa chọn một trong hai mệnh đề. Chúng trình bày hai thời điểm trong tiến trình hội nhập văn hóa; những thời điểm đó, tùy thuộc các hoàn cảnh, đòi hỏi được chú ý nhiều hơn hay ít hơn. Hành động đơn phương không thể đủ được. Trong tiến trình, việc người ta hiểu thế nào về đức tin và văn hóa sẽ là điểm then chốt để xác minh bản chất và trình độ của việc hội nhập văn hóa đang được thực hiện. Và việc xác minh đó lại tiếp tục đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn nữa để nhận định cho hữu hiệu.
An Nhơn chuyển ý