Trong đám cưới tại làng Cana Chúa Giêsu đã cột buộc các môn đệ vào Ngài với một Giao Ước mới và vĩnh viễn. Tại Cana các môn đệ trở thành gia đình của Chúa và tại Cana nảy sinh ra đức tin của Giáo Hội. Chúng ta tất cả được mời tham dự tiệc cưới ấy để không bao giờ thiếu rượu mới nữa.
Kính thưa quý vị thính giả ĐTC Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung sáng thứ tư hàng tuần hôm qua. Sau lời chào ĐTC đã chúc mừng và cám ơn chứng tá của một nhóm các cặp vợ chồng mừng 50 năm ngày cưới. Đó thật là rượu ngon của gia đình. Ngài cầu mong các đôi tân hôn và giới trẻ ngày nay học được chứng tá trung thành gắn bó ấy của họ trong cuộc sống hôn nhân.
Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu làm trong tiệc cưới làng Cana. Thánh sử Gioan gọi các phép lạ của Chúa là “các dấu chỉ”. Chúa Giêsu không làm các phép lạ để dấy lên sự kỳ diệu, nhưng để mạc khải tình yêu của Thiên Chúa Cha. Và dấu chỉ đầu tiên thánh Gioan kể lại được thực hiện tại làng Cana. Nó là “một loại cửa vào”, trong đó khắc ghi các lời và kiểu diễn tả soi sáng toàn mầu nhiệm của Chúa Kitô và rộng mở con tim của các môn đệ cho đức tin. Trong phần dẫn nhập chúng ta tìm thấy kiểu nói “Chúa Giêsu cùng các môn đệ Người” (c. 2). Những người mà Chúa Giêsu đã kêu gọi theo Ngài, Ngài đã cột buộc họ vào mình trong một cộng đoàn, và giờ đây tất cả họ được mời dự tiệc cuới như một gia đình duy nhất. ĐTC giải thích thêm ý nghĩa của dấu chỉ tại tiệc cưói làng Cana như sau:
Khi khai mào sứ vụ công khai trong tiệc cưới làng Cana, Chúa Giêsu tự biểu lộ như phu quân của dân Thiên Chúa, đã được các ngôn sứ loan báo, và vén mở cho chúng ta thấy chiều sâu của tương quan kết hiệp chúng ta với Ngài: đó là một Giao ước mới của tình yêu. Ở nền tảng đức tin của chúng ta có cái gì? Một cử chỉ lòng thương xót, qua đó Chúa Giêsu đã cột buộc chúng ta vào Ngài. Và cuộc sống kitô là câu trả lời cho tình yêu đó; nó như là lịch sử của hai người si mê nhau. Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, tìm nhau, kiếm ra nhau, cử hành và yêu thương nhau: y như hai người yêu trong sách Diễm Ca. Tất cả những gì còn lại là hiệu quả của của tương quan này. Giáo Hội là gia đình của Chúa Giêsu, trong đó Ngài đổ xuống tình yêu của Ngài; và đó là tình yêu mà Giáo Hội giữ gìn và muốn trao ban cho tất cả chúng ta.
Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: Trong bối cảnh của Giao Ước chúng ta cũng hiểu sự quan sát của Đức Mẹ: “Họ không có rượu” (c. 3) Làm sao có thể cử hành đám cưới và mừng lễ, nếu thiếu điều các ngôn sứ chỉ cho thấy như là một yếu tố tiêu biểu của tiệc cứu thế (x. Am 9,13-14; Ge 2,24; Is 25,6)? Đó là một lễ cưới trong đó thiếu rượu; đôi tân hôn cảm thấy xấu hổ vì điều này. Anh chị em hãy tưởng tượng coi, kết thúc một lễ cưới bằng cách uống trà: Sẽ là một xấu hổ. Rượi cần cho lễ cưới. Khi biến đổi nước trong các vại dùng cho lễ nghi thanh tẩy của người Do thái (c. 6), Chúa Giêsu hoàn thành một dấu chỉ hùng hồn: biến Lề Luật của ông Môshê thành Tin Mừng đem lại niềm vui. Như thánh Gioan đã nói ở một chỗ khác: “Lề Luật đã đuợc ban qua ông Môshê, còn ân sủng và sự thật đến qua Đức Giêsu Kitô” ( Ga 1,17).
Các lời của Mẹ Maria nói với gia nhân đội triều thiên cho khung cảnh đám cưới Cana: “Người bảo gì, hãy cứ làm như thế” (c. 5). Thật là lạ, đây là các lời nói cuối cùng của Mẹ được các Phúc Âm kể lại: đó là gia tài Mẹ để lại cho tất cả chúng ta. Cả ngày nay nữa Đức Mẹ cũng nói với tất cả chúng ta: “Ngài bảo bất cứ điều gì – Chúa Giêsu nói với các con bất cứ điều gì, hãy làm điều đó”. Đó là gia tài Mẹ để lại cho chúng ta: Thật là đẹp!
Đây là một kiểu diễn tả nhắc nhớ công thức đức tin được dân Israel dùng tại núi Sinai để đáp trả lại giao ước: “Tất cả những gì Chúa đã nói, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 19,8). Và thật vậy ở Cana các đầy tớ đã vâng lời. Chúa Giêsu nói với họ: “Hãy đổ nước đầy các chum”. Và họ đổ nước đầy tới miệng các chum. Ngài lại nói với họ:: “Hãy đem cho người chủ tiệc. Và họ đem tới cho ông” (cc.7-8). ĐTC giải thích ý nghĩa việc này như sau:
Trong tiệc cưới này Giao Ước mới thực sự được ký kết và sứ mệnh mới được uỷ thác cho các người phục vụ Chúa, nghĩa là cho tất cả chúng ta: “Người bảo bất cứ gì, thì hãy làm điều đó”. Phục vụ Chúa có nghĩa là lắng nghe và thực thi Lời Ngài. Đó là lời nhắn nhủ đơn sơ nhưng nòng cốt của Mẹ Chúa Giêsu, và là chương trình sống của kitô hữu. Đối với từng người trong chúng ta kín múc nơi vại nước có nghĩa là tín thác nơi Lời của Thiên Chúa để sống kinh nghiệm sự hữu hiệu của nó trong cuộc sống. Khi đó cùng với chủ tiệc là người đã nếm nước biến thành rượu, cả chúng ta nữa cũng có thể kêu lên: “Anh đã giữ ruợu ngon cho đến bây giờ” (c. 10). Phải, Chúa tiếp tục giữ rượu ngon cho ơn cứu rỗi của chúng ta, cũng như Ngài tiếp tục làm cho nó vọt ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa.
Câu kết thúc trình thuật vang lên như một lời phán xử: “Tại Cana vùng Galilêa đây là khởi đầu các dấu chỉ được Chúa Giêsu thành toàn: Ngài biểu lộ vinh quang của Ngài và các môn đệ tin nơi Ngài” (c. 11). Đám cưới làng Cana hơn rất nhiều một trình thuật đơn sơ phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu. Như là một chiếc hộp quý nó giữ gìn bí mật con người của Ngài và mục đích việc Ngài đến: vị Phu Quân được chờ đợi khởi sự tiệc cưới được thành toàn trong Mầu nhiệm phục sinh. Trong đám cưới tại làng Cana Chúa Giêsu đã cột buộc các môn đệ vào Ngài với một Giao Ước mới và vĩnh viễn. Tại Cana các môn đệ trở thành gia đình của Chúa và tại Cana nảy sinh ra đức tin của Giáo Hội. Chúng ta tất cả được mời tham dự tiệc cưới ấy để không bao giờ thiếu rượu mới nữa.
ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ các nước nói tiếng Pháp, trong đó có một nhóm tín hữu Việt Nam Paris, nhóm tín hữu giáo phận Besançon, do ĐGM sở tại hướng dẫn, Liên hiệp quốc tế Hội thánh Vinh Sơn de Paoli, các chủng sinh chủng viện Prado Lyon, cũng như các tín hữu Bỉ, Thụy Sĩ và Canada. Ngài cầu chúc mọi người biết lắng nghe tiếng Chúa, yêu Chúa và sống tươi vui.
Ngài cũng chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Êcốt, Hòa Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore và Hoa Kỳ.
Trong số các nhóm nói tiếng Đức ĐTC đặc biệt chào các linh mục mừng ngân khánh chịu chức thuộc tổng giáo phận Paderbonn, và nhiều sinh viên học sinh Đức. Ngài cầu chúc họ có chuyến hành hương sốt sắng và bổ ích.
Ngỏ lời với các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha ĐTC cầu chúc họ lãnh nhận đuợc ơn thánh từ Thánh Tâm Chúa, đáp trả lại tình yêu của Ngài và biết sống thuơng xót nhau. Với các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha, đặc biệt các tín hữu Curitiba và nhóm các thẩm phán Brasil, ĐTC khích lệ họ làm chứng cho Tin Mừng thương xót và tươi vui của Chúa Giêsu. Chào các đoàn hành hương Ba Lan ĐTC xin họ nhớ tới kinh nghiệm của đám cười làng Cana, khi gặp phải các khó khăn âu lo buồn phiền trong cuộc sống. Mẹ Maria luôn luôn hiện diện để cầu bầu cho họ và trợ giúp họ để đừng bao giờ đánh mất đi niềm tin nơi Chúa và sự chở che của Ngài.
ĐTC cũng chào các đoàn hành hương Slovac, đặc biệt các nhân viên y tế trung tâm cao niên Thánh Luca tỉnh Kosice. Ngài cầu mong chuyến hành hương Roma trong Năm Thánh Lòng Thương Xót củng cố đức tin và giứp họ quảng đại làm chứng cho Chúa.
Trong số các nhóm Ý ĐTC đặc biệt chào tín hữu giáo phận Asti, các lực sĩ và ngưởi trẻ giáo phận Macerata Loreto với “cây đuốc hoà bình”, do các GM sở tại hướng dẫn, cũng như Hiệp hội di cư thánh Phanxicô giáo phận Siena, làng cứu giúp trẻ em Ostuni và hiệp hội Unitalsi vùng Toscana, Hiệp hội quốc tế các đại học Lasalle, các đai biểu hiệp hội thánh Vinh Sơn và các cha dòng Trắng đang họp tổng tu nghị. Ngài cầu chúc họ trung thành với các đặc sủng riêng. ĐTC cũng chào Tổ chức Công giáo tiến hành Italia tái phát động chiến dịch cầu nguyện “Một phút cho hòa bình”. Ngài cầu mong cuộc gặp gỡ với Người Kế Vị Thánh Phêrô củng cố sự gắn bó của họ với Giáo Hội.
Chào giới trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắn nhủ mọi người sốt sắng cầu nguyện với Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Đức Mẹ trong tháng 6 này để biết sống yêu thương tận hiến cho Thiên Chúa và cho tha nhân.
Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
Linh Tiến Khải