Đức Tin của Đức Mẹ
Lm NILO A. LARDIZABAL, OP
Đức Mẹ luôn là mẫu gương về đức khiêm nhường và kiên nhẫn. Dù là Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ vẫn không hề muốn được đối xử đặc biệt hoặc khen ngợi. Điều đó cũng đủ Con của Mẹ được tôn vinh. Chúng ta còn nhớ tiệc cưới tại Cana? Rượu hết và gia chủ hoàn toàn lúng túng. Đủ nhạy cảm nên Đức Mẹ đã bảo Chúa Giêsu can thiệp.
Điều quan trọng ở đây không phải là phép lạ, mà là phụ nữ đã gợi mở cho sứ vụ của Chúa Giêsu. Đức Mẹ biết rất rõ nếu Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên này, nhà cầm quyền tôn giáo sẽ tức tối và ghen ghét. Đức Mẹ biết điều đó nguy hiểm. Nhưng Dm nói rất đơn giản: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2:5). Và chính Con Trai của mẹ đã làm phép lạ, nhưng nhờ Người Mẹ Tốt đã nói những lời giản dị. Điều này như thể là Đức Mẹ nói: “Con ơi, con bắt đầu sứ vụ đi!”.
Lần khác, khi Con Trẻ Giêsu “lạc mất” trong Đền Thờ. Cha mẹ Ngài đi tìm suốt mấy ngày. Rồi khi cha mẹ thấy Ngài ngồi giữa mấy thầy thông luật, tranh luận sôi nổi. Tôi nghĩ lúc đó chắc hẳn Đức Mẹ bật khóc vì thấy Con Trẻ bình an vô sự.
Vì sự quan tâm và lo lắng của một người mẹ, Đức Mẹ đã phải thốt lên: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2:48). Đó là tiếng thở dài thoải mái. Đó là cử chỉ đơn giản của tình yêu thuần khiết của người mẹ muốn những điều tốt nhất cho Con. Sau câu trả lời của Chúa Giêsu, Đức Mẹ không nói gì thêm vì Đức Mẹ hiểu Chúa Giêsu muốn nói gì. Đó là sự đồng ý đơn giản, là lời “xin vâng” âm thầm theo Thánh Ý Chúa Cha. Đó là công việc của Chúa Cha.
Ngày nay, có thể một trong những lời đơn giản nhất của Đức Mẹ là Đức Tin. Chúng ta trở lại khi được truyền tin. Đó là một cô gái trẻ Maria, mạnh mẽ mà dịu dàng, được Thiên thần thăm viếng. Quý ông và quý bà trong Cựu ước hoặc chạy trốn hoặc sụp lạy tôn kính vị từ trời đến thăm viếng, nhưng cô gái Maria hiếu kỳ, hăng hái như thể vẫn chờ đợi Thiên thần vậy. Kế hoạch của Chúa Cha dành cho Dm đã được sắp đặt. Không có sự hợp lý hóa, không có viện cớ, và cũng không lưỡng lự. Đức Mẹ nói lời giản dị: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38). Điều này đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại. Đấng tạo dựng thời gian đã vào thời gian; Đấng vô thủy vô chung đã chia sẻ tính hữu hạn. Đó là khoảnh khắc duy nhất trong lịch sử. Rất đơn giản, Đức Mẹ không bao giờ sợ hệ quả có thể xảy ra sau đó, hoặc sợ người đời dị nghị và đàm tiếu. Đức Mẹ chỉ biết rằng Chúa Cha dùng Mẹ vì lợi ích của nhân loại.
Tôi không biết có bao nhiêu phụ nữ có thể chịu được sự kích động này. Đức Mẹ chia sẻ niềm vui này như thế nào với bạn bè và xóm giềng? Nhưng với Đức Mẹ, không thành vấn đề. Sự kiện đó không làm cho Mẹ được nổi bật – chính Chúa Giêsu mới được nổi bật, chứ chẳng ai khác.
Cứ nghĩ về cuộc sống của chúng ta thì sẽ nhận thấy chúng ta nói nhiều lắm. Luôn có điều gì đó chúng ta có thể nói, không nói không được. Chúng ta có thể viện cớ, tranh luận, và hợp lý hóa. Nhưng đôi khi chúng ta lại không thực sự lắng nghe. Lắng nghe là điều đơn giản, không cần cố gắng nhiều. Nhưng làm sao lắng nghe khi chúng ta luôn có điều gì đó để nói, để tranh luận, hoặc để la hét? Đức Mẹ không dạy chúng ta điều gì chăng? Chúng ta không nên nói nhiều, nhưng hãy nghe nhiều. Trong các đoạn Kinh Thánh vừa nêu trên, chúng ta thấy Đức Mẹ nói rất ít, thậm chí là không nói. Thật đơn giản. Tại sao? Vì Đức Mẹ biết lắng nghe, Đức Mẹ có thể hiểu. Đó là sự giản dị của Đức Mẹ. Hãy noi gương Đức Mẹ lắng nghe tiếng Chúa và làm theo cách Ngài tác động trong cuộc đời chúng ta. Đó là để Chúa Giêsu nói những gì liên quan kế hoạch của Thiên Chúa – không tranh luận, không theo ý mình, không viện cớ này cớ nọ, chỉ một lòng xin vâng Thánh Ý Chúa.
Vì Đức Mẹ lắng nghe và hiểu, cuộc đời Mẹ dù có những lúc đau buồn, nhưng Mẹ vẫn im lặng. Đức Mẹ còn sống đơn giản hơn. Khi Chúa Giêsu chịu chết trên Thập Giá, Thánh Gioan cho biết: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala” (Ga 19:25). Chính hành động lại “nói” nhiều nhất. Đức Mẹ chỉ “đứng lặng” dưới chân Thập Giá. Làm sao một người mẹ không đau lòng xé ruột, thậm chí còn ngất xỉu, khi tận mắt chứng kiến Con yêu vô tội của mình phải chết tang thương như thế? Tại sao Đức Mẹ không như vậy? Vì Đức Mẹ biết điều gì sẽ xảy ra. Đức Mẹ biết Con mình phải chịu mọi đau khổ và chết vì nhân loại tội lỗi. Đứng dưới chân Thập Giá là động thái giản đị nhưng mạnh mẽ và can đảm. Hình như Đức Mẹ thầm nhủ: “Vâng, tôi hiểu!”.
Đó là Đức Tin của Đức Mẹ. Chúng ta học được gì ở Đức Mẹ? Có thể trong cuộc sống bận rộn cảu chúng ta, có hàng trăm hàng ngàn thứ cần làm, như thể đó là vì Chúa, chúng ta hãy nhớ tới một phụ nữ đã lắng nghe và hiểu biết bằng sự giản dị, phụ nữ đó là Đức Mẹ. Đối với Đức Mẹ, thế là đủ vì Thục nữ Maria là người giản dị. Đức Mẹ sẽ không cần danh vọng hay địa vị, mọi sự thuộc về Con Trai Giêsu.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ all-about-the-virgin-mary.com)