Đức Thánh Giuse – Người Công Chính
Khi Kinh Thánh nói về Thiên Chúa là Đấng “bào chữa”, nghĩa là Thiên Chúa là Đấng chí thánh và công chính, Ngài cũng biến đổi một người đã chia sẻ cách nào đó về sự thánh thiện của Thiên Chúa, và người đó thực sự “công chính” vì được Thiên Chúa yêu thương. Nói cách khác, Thiên Chúa không đùa giỡn, không nói cho có, mà Thiên Chúa hành động như thể chúng ta đáng yêu ngay khi chúng ta không đáng yêu.
Khi nói Đức Thánh Giuse công chính, Kinh thánh có ý rằng ngài là người mở rộng tấm lòng với tất cả mọi điều mà Thiên Chúa muốn thực hiện nơi ngài. Ngài nên thánh nhờ mở rộng tấm lòng mình ra với Thiên Chúa. Phần còn lại chúng ta có thể dễ suy đoán. Hãy nghĩ về dạng tình yêu mà ngài đã “tán tỉnh” và được lòng Đức Mẹ, độ sâu của tình yêu mà hai người chia sẻ trong đời sống hôn nhân.
Không có mâu thuẫn trong sự thánh thiện của Đức Thánh Giuse mà ngài muốn “ly dị” Đức Mẹ khi ngài thấy “người yêu” có thai đột xuất. Những từ quan trọng trong Kinh Thánh là ngài “định tâm lìa bỏ” vì ngài là “người công chính”, không muốn để vị hôn thê phải xấu hổ (x. Mt 1:19). Người Công Chính này sống giản dị, vui vẻ, một lòng một dạ và toàn tâm toàn ý tuân phục Thiên Chúa – sẵn sàng cưới Maria, đặt tên Con Trẻ là Giêsu, đưa hai Mẹ Con trốn sang Ai cập, rồi lại đưa hai Mẹ Con về Nadarét, nhiều năm sống âm thầm bằng đức tin và lòng can trường. Đức Thánh Giuse là Người Công Chính. Ngài là người trầm tư, không nói nhưng hành động cụ thể.
Với nỗ lực cố gắng giữ Chúa Giêsu không bị tách khỏi đời sống con người bình thường, từ đầu giáo hội đã nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu là thợ mộc (carpenter), được Đức Thánh Giuse đào tạo cả về nhiệm vụ lẫn sự vất vả của nghề nghiệp. Con người giống Thiên Chúa không chỉ về suy nghĩ và lòng yêu thương mà còn về cách sáng tạo. Dù chúng ta đóng một cái bàn hay làm một Thánh đường, chúng ta vẫn được mời gọi sinh lợi từ đôi tay và khối óc của mình, đặc biệt là xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô.
ĐGH Piô XII thành lập lễ Đức Thánh Giuse Lao động năm 1955, nhưng mối quan hệ giữa Đức Thánh Giuse và giới công nhân có một lịch sử dài.
Trong các bài viết, bài dịch và thơ, tôi thích dùng cách xưng hô với Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu là “Đức Thánh Giuse”. Nhiều người “dị ứng” vì xưa nay chúng ta quen dùng danh xưng Thánh Cả Giuse, có lẽ vì vậy mà người phụ trách một website Công giáo ở Việt Nam (không biết tuổi nhỏ hay lớn) đã gởi mail cho tôi và “thắc mắc”: “Tại sao có cách gọi là Đức Thánh Giuse mà không là Thánh Cả Giuse?”.
Hồi còn tuổi thiếu niên, khoảng năm 1973-1975, tôi nhớ có đọc một cuốn sách có tựa là “Đức Thánh Giuse, Phu Quân Đức Mẹ”, rất tiếc là bây giờ tôi không còn nhớ được tên tác giả. Khi đó, tự dưng tôi rất ấn tượng, và cách gọi đó đã “ăn sâu” trong tâm trí tôi. Riêng tôi thấy cách gọi đó không chỉ HAY mà còn HỢP LÝ.
Theo kiến thức thô thiển của tôi, về danh xưng trong Việt ngữ, khi dùng từ ĐỨC trước một danh xưng là để tỏ lòng kính trọng, vì người đó có uy tín “lớn”. Trong Anh ngữ, Pháp ngữ,… tôi không thấy có từ “Đức” riêng biệt như Việt ngữ. Chúng ta dùng cách gọi Đức Giavê, Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Chúa Trời, Đức Chúa, Đức Giêsu, Đức Kitô, Đức Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Linh. Tất nhiên về Thiên Chúa thì “miễn bàn”, khỏi phải tranh luận, thậm chí danh xưng đó chỉ là cách diễn đạt của con người, ngôn từ trần gian chỉ đến vậy, chưa hoàn toàn xứng tầm với Thiên Chúa.
Tiếp theo, chúng ta dùng từ “Đức” với một thụ-tạo-đặc-biệt là Đức Mẹ Maria, Đức Maria, Đức Trinh Nữ. Là Mẹ Thiên Chúa thì cũng dễ hiểu. Vậy sao chúng ta chỉ dùng Thánh Giuse hoặc Thánh Cả Giuse, là Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu và là Phu Quân của Đức Mẹ, mà lại không dùng danh xưng Đức Giuse hoặc Đức Thánh Giuse? Ngài âm thầm, khiêm nhường, nhịn nhục, lặng lẽ, không nói gì, nên bị lãng quên và bị… “coi thường”? Với các thánh khác, chúng ta cũng chỉ dùng từ “thánh”: Thánh Phêrô, Thánh Phaolô, Thánh Gioan, Thánh Anna, Thánh Têrêsa,…
Với những người còn tại thế, còn đầy bản-chất-con-người, nghĩa là còn khả năng sai lầm và chưa thực sự là thánh, nhưng chúng ta vẫn dùng từ “Đức” trước các danh xưng. Công giáo có Đức Giáo hoàng (thậm chí là Đức Thánh Cha), Đức Hồng y, Đức Tổng Giám mục, Đức Giám mục (Đức Cha), Đức Khâm sứ, Đức Ông, Đức Viện phụ. Ông lớn hơn Cha, sao Đức ông lại “nhỏ” hơn Đức cha? Có mâu thuẫn? Chính thống giáo có Đức Thượng phụ. Phật giáo có Đức Phật, Đại đức (không chỉ “đức” bình thường mà còn “đại”). Cao đài giáo có Đức Giáo chủ. Về phần đời có Đức Vua. Và một số vị nổi tiếng như Đức Khổng tử, Đức Dalai Lama,… Ngay cả người chồng bình thường đôi khi còn được gọi bằng mỹ từ Đức Lang quân kia mà! Dùng từ “Đức” là để kính trọng, còn dùng từ “Cả” khi gọi Thánh Cả, vậy là có Thánh “Thứ” (mức độ “nhỏ” hơn hoặc “thấp” hơn). “Cả” là từ miền Bắc. Ngôn ngữ miền Nam và miền Trung gọi là “hai”, nếu vậy có thể (hoặc “phải”) gọi Dưỡng phụ của Chúa Giêsu là Thánh Hai – kiểu Anh Hai, Chị Ba, Cô Tư, Thím Bảy, Dượng Út,… Một anh bạn của tôi lý luận: “Trong từ Thánh đã ngụ ý từ Đức”, tôi hỏi: “Vậy tại sao gọi Đức Thánh Cha?”. Người đó không trả lời được và nói: “Thôi, cứ để Thánh Linh tác động”.
Nói là nói vậy thôi. Ngôn ngữ nào cũng có những rắc rối và chưa đủ chuẩn để diễn đạt!
Nếu dùng từ “Đức” làm mức cân-đo-đong-đếm thì Dưỡng Phụ Giuse còn bị “lép vế” lắm, “thua” cả những người còn sống trên trần gian này (!). Thiết tưởng cách xưng hô Đức Giuse, Đức Thánh Giuse hoặc Đức Phu Quân là hợp lý, không có gì là thái quá, chẳng qua là do nghe chưa “lọt tai” và đọc lên còn cảm thấy “trúc trắc”, bởi vì chúng ta đã quá quen với cách gọi cũ. Mà thay đổi một “nếp nghĩ” hay một thói quen đã lâu hẳn là không dễ chút nào vậy!
Tiện đây cũng xin được mạo muội nói thêm, tất nhiên chỉ là cách-riêng-của-tôi mà thôi chứ tôi không dám so sánh gì. ĐGH Gioan-Phaolô II, một vị có cách sống kỳ diệu và giáo hội sẽ tôn phong Chân phước vào ngày 1-5-2011, có một dạng Thần học khá “lạ”, ngài gọi đó là Theology of the Body (Théologie de Corps). Một số người dịch là Thần học Thân xác, còn tôi đã dịch vài bài về loại này và tôi dịch là Thần học Cơ thể. Thể xác, thân thể, thân xác hay cơ thể cũng là một, nhưng theo tôi thấy thì cách nói “cơ thể” nghe nhẹ hơn. Ví dụ nói “hoạt động thể lý” có lẽ nghe “mềm” hơn là “hoạt động thể xác” hoặc “hoạt động thân xác”.
Tất cả chỉ là cách gọi của con người, là danh xưng, không hề ảnh hưởng gì đến “trình độ” (đạo đức và kiến thức) của một nhân vật nào. Dĩ nhiên tôi không có ý “chê bôi” ai hoặc “mèo khen mèo dài đuôi”, hoặc theo kiểu “văn ta, vợ người”. Vì tiện dịp có người “thắc mắc” về cách gọi của riêng tôi dành cho Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu mà tôi thường dùng nên tôi chỉ mạo muội bày tỏ chút thiển ý của mình thôi.
Kính mong các bậc hiền triết, các nhà ngôn ngữ, các vị uyên bác, các bậc trưởng lão và các đại huynh “niệm tình bỏ qua”, đồng thời cũng mong được chỉ giáo thêm để không chỉ có lợi cho riêng cá nhân mà còn khả dĩ ích lợi cho tha nhân nữa. Đó là “nhất cử lưỡng tiện” vậy!
TRẦM THIÊN THU