VATICAN. ĐTC xin lỗi vì những gương mù gần đây ở Roma và Vatican, và mời gọi các bậc cha mẹ luôn thi hành những lời hứa với trẻ em.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 14-10-2015 tại Quảng trường thánh Phêrô dành cho khoảng hơn 40 ngàn tín hữu.
Trước khi tiến ra Quảng trường, ngài đã vào Đại thính đường Phaolô 6 để chào thăm các bệnh nhân tại đây và nói đùa: ”Hôm nay trời có thể mưa, anh chị em ở Hội trường này và có thể theo dõi tất cả từ đây. Tôi hy vọng anh chị em thoải mái, và nếu ai muốn uống cà phê thì có thể xin, nhưng tôi không cam đoan là họ sẽ mang đến cho anh chị em!”
Rồi ĐTC dùng xe màu trắng đi ra quảng trường, tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu. Khi ngài lên đến bục cao, mọi người đã cùng nhau tôn vinh Lời Chúa qua bài Tin Mừng trích từ Phúc Âm theo thánh Mathêu, đoạn 18, ghi lại lời Chúa Giêsu lên án những gương mù gương xấu, và Chúa kêu gọi khinh rẻ và gây gương mù cho các trẻ em.
Bài huấn giáo của ĐTC
Trong bài huấn dụ tiếp đó, ĐTC đã nói về đề tài: ”Lời hứa với các trẻ em.” Đây là bài thứ 29 trong loạt bài huấn giáo của ngài về gia đình.
Sau lời chào thăm, ĐTC cho biết vì hôm nay thời tiết bất ổn, dự báo thời tiết nói là sẽ mưa, nên buổi tiếp kiến hôm nay diễn ra đồng thời tại 2: ở quảng trường này với tại Đại thính đường Phaolô 6 có 700 bệnh nhân theo dõi qua màn hình. Ngài yêu cầu mọi người hiện diện vỗ tay chào các tín hữu bệnh nhân ấy.
ĐTC cũng nói rằng:
”Trước khi bắt đầu bài giáo lý, nhân danh Giáo Hội, tôi muốn xin lỗi anh chị em vì những gương mù đã xảy ra gần đây tại Roma và Vatican. Tôi xin lỗi anh chị em”.
”Hôm nay chúng ta suy tư về một đề tài rất quan trọng: những lời chúng ta hứa với các trẻ em. Tôi không nói về những lời hứa mà thỉnh thoảng trong ngày chúng ta nói với các trẻ em, để làm cho các em hài lòng hoặc làm cho các em ở yên – có khi với vài mưu kế vô tội-, để các em dấn thân chăm chỉ học hành hoặc để ngăn cản các em đừng làm điều gì đó. Tôi nói về những lời hứa quan trọng hơn, có tính chất quyết định đối với những mong đợi của các em đối với cuộc sống, niềm tín nhiệm của các em đối với con người, đối với khả năng của các em ý thức về danh Thiên Chúa như một phúc lành.
”Người lớn chúng ta sẵn sàng nói về các em như một lời hứa, một triển vọng của cuộc sống. Và chúng ta cũng dễ cảm động, khi bảo các trẻ em là tương lai của chúng ta. Nhưng tôi tự hỏi, nhiều khi chúng ta có nghiêm túc như vậy đối với tương lai các em hay không! Một cầu hỏi mà chúng ta thường phải đặt ra cho mình là: ”chúng ta thành thực thế nào đối với những lời chúng ta hứa với các trẻ em, làm cho các em đi vào thế giới của chúng ta.”
”Tiếp đón và săn sóc, gần gũi và quan tâm, tin tưởng và hy vọng, đó là những lời hứa căn bản, có thể được tóm trong một lời hứa duy nhất, đó là thương yêu. Đây là cách thức tốt nhất để đón nhận một con người sinh ra trong trần thế và tất cả chúng ta đều học điều đó, trước khi ý thức về điều ấy. Đó là một lời hứa mà người nam và người nữ hứa với mỗi người con: ngay từ khi người con được thụ thai trong tư tướng. Các trẻ em đến trần thế và mong đợi có sự khẳng định lời hứa này: các em mong đợi điều ấy một cách hoàn toàn, tín thác và tin tưởng trọn vẹn. Chỉ cần nhìn các em: trong mọi chủng tộc, mọi nền văn hóa, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống! Khi xảy ra điều trái ngược, thì các em bị thương tổn vì một ”gương mù” không thể chịu đựng được; tình trạng ấy càng trầm trọng hơn, xét vì các em không có phương tiện để hiểu rõ gương mù ấy. Thiên Chúa giám sát lời hứa ấy ngay từ lúc đầu tiên. Anh chị em có nhớ Chúa Giêsu nói gì không? Các thiên thần của các em phản ánh cái nhìn của Thiên Chúa và Thiên Chúa không bao giờ quên nhìn các em (Xc Mt 18,10). Khốn cho những kẻ phản bội lòng tín nhiệm của các em, khốn cho những kẻ ấy! Lòng tín thác tin tưởng của các em nơi lời hứa của chúng ta, đòi chúng ta phải dấn thân ngay từ lúc đầu tiên, niềm tín thác ấy xét xử chúng ta.
”Tôi muốn thêm một điều khác nữa, với lòng tôn trọng tất cả mọi người, nhưng cũng rất thẳng thắn. Không bao giờ được làm thương tổn lòng tín thác tự nhiên của các em nơi Thiên Chúa, nhất là khi điều ấy xảy ra vì một sự tự mãn nào đó, hơn kém ý thức, muốn thay thế Chúa. Tương quan dịu dàng và huyền nhiệm của Thiên Chúa với tâm hồn các trẻ em không bao giờ được vi phạm. Trẻ em sẵn sàng ngay từ lúc mới sinh để cảm thấy được Thiên Chúa yêu mến. Vừa khi có khả năng cảm thấy mình được yêu thương vì chính mình, thì một người con cũng cảm thấy rằng có một Thiên Chúa yêu thương các trẻ em.
Tiếp tục bài huấn giáo, ĐTC nói:
”Vừa mới sinh ra, các trẻ em đã bắt đầu nhận được như hồng ân, cùng với sự nuôi dưỡng chăm sóc, sự xác nhận chất lượng tinh thần của tình thương. Những cử chỉ yêu thương diễn ra qua sự đặt tên, chia sẻ ngôn ngữ, những ý hướng qua cái nhìn, những nụ cười rạng ngời. Qua đó, các em học thấy vẻ đẹp của tình người chiếu vào tâm hồn chúng ta, tìm tự do, chấp nhận sự khác biệt của tha nhân, nhìn nhận và tôn trọng tha nhân như người đối thoại. Một phép lạ thứ hai một lời hứa thứ hai: ba má là cha mẹ, hiến thân cho con, để ban con cho chính con! Và đó là tình yêu, đưa lại một tia sáng tình thương của Thiên Chúa!
“Chỉ khi nào chúng ta nhìn các trẻ em với đôi mắt của Thiên Chúa, chúng ta mới thực sự hiểu rằng khi bảo vệ gia đình, tức là chúng ta bảo vệ nhân loại! Quan điểm của các trẻ em là quan điểm của Con Thiên Chúa. Chính Giáo Hội, trong phép rửa tội, dành cho các em những lời hứa long trọng, qua đó Giáo Hội yêu cầu sự dấn thân của cha mẹ và cộng đoàn Kitô. Xin Mẹ thánh thiện của Chúa Giêsu – qua đó Con Thiên Chúa đến với chúng ta, được yêu thương và sinh ra như một hài nhi, – làm cho Giáo Hội có khả năng tiến bước trên con đường mẫu tử và đức tin của Mẹ. Và xin Thánh Giuse – là một người công chính, đã đón nhận và bảo vệ Chúa, cản đảm tôn trọng phúc lành và lời hứa của Thiên Chúa – làm cho chúng ta đáng được đón nhận Chúa Giêsu nơi mỗi hài như mà Thiên Chúa gửi tới trái đất này.
Chào thăm
Sau khi ĐTC hết thúc bài giáo lý dài bằng tiếng Ý, các LM đã tóm lược bài này bằng nhiều sinh ngữ khác kèm theo những lời chào thăm của ĐTC.
Khi chào các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC đặc biệt nhắc đến các tín hữu đến từ Cộng hòa dân chủ Congo và Pháp cũng như các tu huynh Thánh Tâm. Ngài nói: ”Trong khi Thượng HĐGM đang tiến hành về đề tài gia đình, tôi cầu nguyện cho tất cả các gia đình của anh chị em, đặc biệt cho các trẻ em, để chúng ta quan tâm khơi lên nơi các em tình thương của Thiên Chúa và các anh chị em của chúng!
Khi chào bằng tiếng Anh, ĐTC nhắc đến các tín hữu hành hương đến từ Anh, Ecosse, Ai Len, Na Uy, Hòa Lan, Australia, Papua tân Guinea, Ấn độ, Nhật bản, Thái Lan, Canada và Hoa Kỳ. Ngài nói: ”Tôi xin anh chị em cầu nguyện cho Thượng HĐGM về gia đình, và hãy trở thành những chứng nhân về sự hiện diện liên lỷ của Thiên Chúa trong thế giới, qua cuộc sống gia đình của anh chị em.”
Trong lời chào thăm các tín hữu Arập, ĐTC đặc biệt nhắc đến nhóm người tị nạn Irak và Siria hiện diện tại buổi tiếp kiến.
Và với các tín hữu Ba Lan, ngài nhắc đến lễ kính chân phước Honorat Kozminski, một vị rất có lòng kính mến Đức Mẹ, đã dùng máu mình để viết lên lời kinh phó thác cho Đức Mẹ: Totus tuus, toàn thân con thuộc về Mẹ. Chân phước đã thành lập nhiều dòng tu, nhất là có đời sống ẩn dật. Hài cốt của chân phước Kozminski sẽ được trưng bày từ thứ bẩy tới đây tại Nguyện Đường các vĩ nhân Ba Lan ở bên trong Đền thờ Chúa Quan Phòng ở thủ đô Varsava. Trong năm Đời sống thánh hiến và tuần cửu nhật thứ 8 chuẩn bị mừng kỷ niệm 100 năm chân phước qua đời, nhờ lời chuyển cầu của Người, chúng ta hãy cầu xin tinh thần trung tín cho tất cả những người thánh hiến và hồng ân được nhiều ơn gọi thánh thiện.
Sau cùng, ĐTC nói bằng tiếng Ý:
”Thứ bẩy tới đây, 17-10, là ngày Thế giới chống lầm than. Ngày này được đề xướng để gia tăng nỗ lực loại trừ nghèo đói cùng cực và sự kỳ thị, để đảm bảo cho mỗi người cơ hội thực thi trọn vẹn các quyền căn bản của mình. Tất cả chúng ta đều được mời gọi đón nhận ý nguyện đó, để lòng bác ái của Chúa Kitô đi tới và an ủi nâng đỡ các anh chị em nghèo túng nhất và bị bỏ rơi.”
G. Trần Đức Anh OP