Ngày thứ nhất chuyến tông du Hàn Quốc
của Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Một dân tộc khôn ngoan và vĩ đại không chỉ trân trọng truyền thống của tổ tiên mà còn biết quý trọng người trẻ”
Khởi hành từ Sân bay Fiumicino, Roma lúc 16g thứ Tư 13-08, Đức Thánh Cha đã đến Seoul vào lúc gần 10g30 sáng thứ Năm 14-08 theo giờ địa phương. Sau nghi lễ tiếp đón tại Căn cứ không quân Seoul, Đức Thánh Cha đã lên xe về Tòa Sứ thần Tòa Thánh để cử hành Thánh lễ riêng, sau đó dùng bữa và nghỉ trưa.
Lúc 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã đến Dinh Tổng thống, gọi là “Nhà Xanh”, và được bà Tổng thống Park Geun-hye đón tiếp. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc hội kiến riêng ngắn gọn và trao đổi quà tặng.
Gặp giới chức chính quyền
Sau đó Đức Thánh Cha gặp gỡ giới chức chính quyền dân sự, gồm các nhà lãnh đạo chính trị Hàn Quốc, một đại diện của phái đoàn ngoại giao và các nhà lãnh đạo khác.
Đức Thánh Cha ngỏ lời: “Thật là một niềm vui lớn lao cho tôi khi được đến Hàn Quốc, đất nước của buổi sáng yên bình, và cảm nghiệm không chỉ cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước này, nhưng trên hết là nét đẹp của con người cũng như lịch sử và nền văn hóa phong phú của Hàn Quốc”.
Đức Giáo Hoàng cũng nói về hai sự kiện chính trong chuyến tông du của ngài: Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, và tôn phong chân phước 124 vị tử đạo Hàn Quốc. “Hai cử hành này bổ sung cho nhau. Văn hóa Hàn Quốc hiểu rõ chân giá trị nội tại và sự khôn ngoan của những người cao niên của chúng ta và kính trọng vai trò của họ trong xã hội. Những người Công giáo chúng ta tôn vinh những người cao niên của chúng ta đã chịu tử đạo vì đức tin bởi vì các ngài sẵn sàng hiến dâng mạng sống cho sự thật mà các ngài đã tin tưởng và nhờ đó các ngài cố gắng sống cuộc sống của mình”.
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Tuy nhiên, một dân tộc khôn ngoan và vĩ đại không chỉ trân trọng truyền thống của tổ tiên của họ; họ cũng biết quý trọng người trẻ, tìm cách chuyển giao di sản của quá khứ và áp dụng vào những thách đố của hiện tại. Mỗi khi người trẻ quy tụ với nhau, như dịp này, đó là một cơ hội quý giá cho tất cả chúng ta lắng nghe những gì họ hy vọng và quan tâm”.
Về những thách thức và những cơ hội mà thế giới ngày nay phải đối mặt, Đức Thánh Chanói đến“tầm quan trọng đặc biệt của việc suy tư về nhu cầu trao tặng món quà của bình an cho người trẻ” – một lời kêu gọi gây âm vang mạnh mẽ tại Hàn Quốc, “một đất nước chịu đau khổ lâu dài vì thiếu vắng hòa bình”. Việc tìm kiếm hòa bình đặc biệt là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo chính trị, những người phải nhận ra rằng “hòa bình có thể đạt được qua việc bình tâm lắng nghe và đối thoại, chứ không phải bằng việc tố cáo lẫn nhau, bằng những lời công kích vô dụng và biểu dương sức mạnh”. Các nhà lãnh đạo chính trị phải hướng những nỗ lực của mình vào mục tiêu xây dựng một thế giới hòa bình hơn, tốt đẹp hơn và thịnh vượng cho con cái của chúng ta.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc để cho “tiếng nói của mọi thành viên trong xã hội được lắng nghe”, khi Hàn Quốc đang phải đấu tranh để đối phó với các vấn đề quan trọng hiện nay. Và một lần nữa, ngài kêu gọi “quan tâm đặc biệt đến người nghèo, người dễ bị tổn thương và những người không có tiếng nói”.
Kết thúc bài diễn văn, Đức Thánh Cha nhắc đến Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng cuối cùng đến thăm Hàn Quốc và đã tin rằng “tương lai của Hàn Quốc tuỳ thuộc vào sự hiện diện của nhiều người nam nữ khôn ngoan, đạo đức và có đời sống tâm linh sâu sắc”. Lặp lại những lời trên, Đức Thánh Cha Phanxicô đoan chắc với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc rằng “cộng đồng Công giáo Hàn Quốc luôn mong muốn tham gia trọn vẹn vào đời sống của đất nước”.
Gặp các giám mục Hàn Quốc
Khoảng 17g30, Đức Thánh Cha đã đến trụ sở Hội đồng Giám mục Hàn Quốc để gặp gỡ các giám mục Hàn Quốc. Đây là dịp để ngài trao đổi với một trong những Giáo hội năng động nhất ở châu Á và trên thế giới.
Trong bài huấn từ, Đức Thánh Cha ca ngợi “sức sống mạnh mẽ” này, nhưng cũng không ngần ngại cảnh báo các giám mục Hàn Quốc trước một “tinh thần thế tục về phương diện thiêng liêng và mục vụ, bóp nghẹt tinh thần, thay vì hoán cải lại tự mãn và rốt cuộc dập tắt nhiệt tình truyền giáo”.
Nhận mình là “người anh em trong hàng Giám mục”, Đức Thánh Cha chia sẻ với các giám mục Hàn Quốc suy tư về “hai khía cạnh chính của việc chăm sóc Dân Chúa tại đất nước này: là những người gìn giữ ký ức và gìn giữ niềm hy vọng”.
Những người gìn giữ ký ức
Các giám mục Hàn Quốc là những người thừa kế “một truyền thống mạnh mẽ đã khởi đầu và lớn mạnh nhờ lòng trung tín, sự kiên trì và công lao của các thế hệ giáo dân”. Công lao này đã mang lại hoa trái và hiện nay, “Giáo hội tại Hàn Quốc được đề cao vì vai trò của mình trong đời sống tinh thần và văn hóa của dân tộc và động lực truyền giáo mạnh mẽ. Từ một miền đất được truyền giáo, Hàn Quốc đã trở thành miền đất của các nhà truyền giáo”.
Xét cho cùng, “đời sống và sứ vụ của Giáo hội tại Hàn Quốc không thể đo lường bằng những gì ở bên ngoài, bằng những con số và cơ cấu; Giáo hội ấy phải được đánh giá trong ánh sáng tỏ tường của Phúc Âm và lời mời gọi hoán cải trở về với Chúa Giêsu Kitô”. Một giáo hội không được đánh mất viễn tượng chiều kích tâm linh của sứ mạng của mình. Một giáo hội cũng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế và chỉ dựa vào ký ức của các vị tử đạo. “Nhìn về quá khứ mà không lắng nghe tiếng Chúa kêu gọi hoán cải trong hiện tại sẽ không giúp chúng ta tiến bước; trái lại, sẽ cản bước tiến của chúng ta và thậm chí còn chặn đứng sự thăng tiến về mặt thiêng liêng của chúng ta”.
Những người gìn giữ niềm hy vọng
Ở một đất nước được xem là một trong những nước có công nghệ tiên tiến nhất, các giám mục phải giúp xã hội “tìm kiếm điều gì đó lớn lao hơn, xác đáng và phát triển hơn”. Các giám mục gìn giữ “ngọn lửa này của sự thánh thiện, của tình bác ái huynh đệ và nhiệt tâm truyền giáo trong sự hiệp thông với Giáo hội”. Trong nhãn quan này, các giám mục phải gần gũi các linh mục của mình.
Và một chủ đề ưa thích của Đức Thánh Cha Phanxicô: Giáo hội truyền giáo. “Một Giáo hội luôn bước ra với thế giới, nhất là đến các vùng ngoại vi của xã hội hiện nay”. Vì thế Đức Thánh Cha khích lệ các giám mục hãy “chăm sóc đặc biệt” các trẻ em và người già. Ngài nhấn mạnh việc giáo dục người trẻ, “bằng cách trợ giúp không chỉ các trường đại học mà cả các trường học Công giáo các cấp trong sứ vụ giáo dục, bắt đầu từ trường tiểu học nơi những trí óc và con tim non nớt được đào luyện theo tình yêu Thiên Chúa và Giáo hội của Người, theo điều chân thiện mỹ, để trở thành những Kitô hữu tốt và công dân lương thiện”. Một mục tiêu khác cũng phải được ưu tiên là người tị nạn và người di dân cũng như những người sống bên lề xã hội.
Nhưng nếu Giáo hội Hàn Quốc được ca ngợi vì những hoạt động xã hội, thì rất có nguy cơ, theo Đức Thánh Cha, “giảm thiểu sự dấn thân phục vụ những người nghèo chỉ vào chiều kích trợ giúp, mà quên đi nhu cầu của từng cá nhân phải được phát triển như là một nhân vị và thể hiện một cách xứng với phẩm giá, sự sáng tạo và văn hóa của mình”. Đức Thánh Cha nói, “lý tưởng tông đồ của một Giáo hội của người nghèo và cho người nghèo được diễn tả rõ ràng nơi các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên của đất nước anh em. Và lý tưởng này, phải tiếp tục “định hình con đường của Giáo hội tại Hàn Quốc trong hành trình hướng đến tương lai”.
Kết thúc bài huấn từ, Đức Thánh Cha đưa ra lời phê phán cứng rắn. Ngài thừa nhận rằng Giáo Hội tại Hàn Quốc “sống và hoạt động trong một xã hội thịnh vượng, nhưng ngày càng tục hoá và duy vật”. Nhưng “trong những hoàn cảnh ấy, cám dỗ của những người làm mục vụ không chỉ là việc áp dụng những mô hình hiệu quả trong quản lý, lập kế hoạch và tổ chức của giới kinh doanh, mà còn là một lối sống và suy nghĩ được hướng dẫn theo các tiêu chuẩn thành công của thế gian, kể cả quyền lực, hơn là các tiêu chuẩn được Chúa Giêsu trình bày trong Phúc Âm”. Vì thế, Đức Thánh Cha khích lệ tất cả các giám mục: “Ước gì chúng ta thoát khỏi tinh thần thế tục về phương diện thiêng liêng và mục vụ; nó bóp nghẹt tinh thần, thay vì hoán cải lại tự mãn và rốt cuộc dập tắt nhiệt tình truyền giáo”.
Vũ Bình
(WHĐ, 15.08.2014)