Đức Thánh Cha Phanxicô: Lòng Thương Xót Có Sức Biến Đổi Thế Giới
VATICAN. Hơn 150 ngàn người đã tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên trong triều đại Giáo Hoàng của ĐTC Phanxicô trưa Chúa Nhật ngày 17 tháng 03 năm 2013. Từ sáng sớm rất nhiều tín hữu và khách hành hương đã tuôn về Quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin và gặp gỡ vị Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công Giáo. Ngài là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ tân thế giới và là người đầu tiên lấy danh hiệu Phanxicô.
Các con đường dẫn vào Roma đều bị phong tỏa, rất nhiều nhân viên an ninh và tình nguyện viên đã được huy động để hướng dẫn và giúp đỡ các tín hữu và khách hành hương. Ngoài ra còn có 300 tình nguyện viên sẵn sàng giúp những người khuyết tật mong muốn gặp gỡ Đức Thánh Cha. Vì số lượng người tham dự quá đông, ban tổ chức đã bố trí 4 màn hình khổng lồ để những người ở xa cũng thấy được ĐTC. Dân chúng đứng tràn ra tới đường Hòa Giải.
Đúng 12 giờ trưa, ĐTC Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trông xuống quảng trường, giữa tiếng reo vui mừng của các tín hữu. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, sau lời chào, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. ĐTC nói:
“Sau cuộc gặp vào thứ 4 tuần trước, hôm nay một lần nữa tôi lại có cơ hội để gặp gỡ anh chị em. Tôi hạnh phúc vì chúng ta gặp gỡ nhau trong ngày Chúa Nhật, ngày của Thiên Chúa. Điều này thật đẹp và quan trọng đối với mỗi người Kitô hữu chúng ta. Chúa Nhật là ngày chúng ta gặp gỡ, chào hỏi, và chia sẻ cho nhau, điều mà chúng ta đang làm tại quảng trường này.
Trong Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay hôm nay, Lời Chúa trình bày cho chúng ta câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình được Chúa cứu khỏi án tử hình. Chiêm ngắm thái độ của Đức Giê-su, chúng ta không nghe thấy những lời trách mắng, những lời kết án, nhưng là lời của tình yêu, lời thương xót mời gọi chúng ta hoán cải.
Anh chị em thân mến, gương mặt của Thiên Chúa là gương mặt của người cha đầy lòng thương xót, Ngài luôn kiên nhẫn với chúng ta. Anh chị em hãy nghĩ về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, không phải Thiên Chúa luôn kiên nhẫn với mỗi người chúng ta sao? Vâng, đây chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài luôn kiên nhẫn để hiểu, chờ đợi và không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta biết quay lại với Ngài với tất cả con tim. Thánh vịnh viết rằng: “Lòng thương xót của Thiên Chúa vĩ đại dường bao”.
Tiếp đến Đức Thánh Cha nói rằng, trong những ngày này Ngài đã đọc một tác phẩm của thần học gia Kasper. Và chính tác phẩm đã gợi hứng cho ngài về lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài nói:
“Đức Hồng Y Kasper nói về việc lắng nghe lòng thương xót, và lời này có thể biến đổi tất cả. Lòng thương xót có thể làm cho thế giới trở nên ấm áp hơn và công bằng hơn. Do đó, chúng ta cần hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài là một người cha đầy lòng thương xót đối với mỗi người chúng ta. Hãy nhớ lại lời của ngôn sứ Isaia: “Tội các ngươi dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết. có thắm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18). Lòng thương xót đẹp biết bao!”
Sau đó ngài kể lại một câu chuyện trong kinh nghiệm mục vụ của ngài. Ngài nói:
“Tôi nhớ, vào năm 1992, khi còn là Giám mục, tôi đi dâng lễ tại một nhà thờ cho các bệnh nhân. Trong thánh lễ này tôi cũng giải tội cho một số người. Cuối thánh lễ, tôi đứng dậy vì tôi phải ban bí tích thêm sức. Lúc đó, có một người phụ nữ lớn tuổi tới gần tôi, bà rất khiêm nhường. Tôi nhìn người phụ này và nói với bà:
“Thưa bà, bà có muốn xưng tội không?”
Bà đáp: “Thưa có.”
“Nhưng nếu bà không có tội…”.
Và bà trả lời tôi rằng: “Tất cả chúng ta đều có tội”.
“Nhưng có lẽ Thiên Chúa sẽ không tha thứ cho chúng ta”, Tôi nói.
Bà đáp lại: “Chắc chắn Thiên Chúa tha thứ tất cả”.
“Nhưng làm sao bà biết, thưa bà?” Tôi hỏi lại.
“Vì nếu Thiên Chúa không tha thứ cho chúng ta, thế giới này sẽ không tồn tại”. Nghe những lời đó, tôi định hỏi bà rằng: “Bà ơi, nói cho tôi biết, phải chăng bà học ở trường đại học Gregoriana.” Bởi vì đây chính là sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Một sự khôn ngoan nội tâm về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta đừng bao giờ quên lời này: Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta, không bào giờ! Và vấn đề của chúng ta là gì? Thưa, vấn đề là chúng ta chán nản, chúng ta không muốn, chúng ta không mong muốn sự tha thứ. Ngài không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ! Thiên Chúa là người cha yêu thương luôn tha thứ. Ngài có một trái tim đầy lòng thương xót dành cho tất cả chúng ta. Và chúng ta cũng cần học và thương xót người khác. Chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Chúng ta, vì chính ngang qua mẹ, lòng thương xót của Thiên Chúa đã được thực thi giữa con người.”
Tiếp đến, Đức Thánh Cha cảm ơn mọi người và ngài cũng xin mọi người tiếp tục cầu nguyện cho Ngài. Ngài nói:
“Tôi xin gửi lời chào đến tất cả khách hành hương, cảm ơn các bạn vì đã tiếp đón và cầu nguyện cho tôi. Hãy cầu nguyện cho tôi, tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi. Tôi cảm ơn các tín hữu tại Roma và toàn thể anh chị em đến từ nhiều nơi trên thế giới cũng như những ai theo dõi qua các phương tiện truyền thông. Tôi chọn Thánh Phanxicô làm Đấng bảo trợ cho triều đại giáo Hoàng của tôi vì ngài là một người Ý. Tôi muốn có một sự gắn bó thiêng liêng với vùng đất này, là nguồn gốc của tôi. Thế nhưng, Đức Giê-su cũng mời gọi chúng ta trở thành thành viên của một gia đình mới, gia đình của Thiên Chúa, để chúng ta cùng bước đi trên con đường Tin Mừng. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em, và đừng bao giờ quên rằng, Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trao ban sự tha thứ.”
Cuối cùng Đức Thánh Cha ban phép lành cho tất cả những người hiện diện.
Radiovatican
Nguyễn Minh Triệu sj