Đức Thánh Cha Phanxicô hành hương tại Assisi

64


1_0_734398ASSISI. Hôm 4-10-2013, ĐTC Phanxicô đã dành 13 tiếng đồng hồ, từ 7 giờ sáng cho đến 8 giờ tối, để viếng thăm Assisi cách Roma 200 cây số, quê hương vị Thánh ngài đã chọn làm bổn mạng và là vị hướng đạo cho triều đại Giáo Hoàng của ngài.

Đức Phanxicô là vị giáo hoàng thứ 19 đến viếng thăm Assisi nhưng ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên mang tên vị thánh nghèo.

Máy bay trực thăng của không lực Italia chở ĐTC đã đáp xuống sân vận động gần Viện Seraphicum lúc 7 giờ rưỡi sáng và đã được Chủ tịch Thượng viện Italia, Ông Piero Grasso, Đức GM sở tại và ông thị trưởng Assisi cùng với nhiều quan chức đạo đời và đông đảo tín hữu tiếp đón. Tháp tùng ĐTC trong chuyến viếng thăm này đặc biệt có 8 Hồng Y thuộc Hội đồng cố vấn, giúp ngài trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ và cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh. Trong số 8 vị có ĐHY Sean O’Malley, dòng Phanxicô Capuchino TGM giáo phận Boston, Hoa kỳ.

Thăm các trẻ em khuyết tật

Seraphicum là một viện săn sóc các trẻ em khuyết tật do cha Ludovico da Casoria dòng Phanxicô thành lập ngày 17-9-1871 đúng ngày kỷ niệm thánh tổ phụ chịu 5 dấu thánh và hiện có 60 em.
ĐTC đã vào nhà nguyện của Viện để cầu nguyện ít phút trước khi gặp gỡ các em khuyết tật, cũng với những người săn sóc và một số bệnh nhân khác. Ngài thân ái chào thăm mọi người, hôn các em bé bệnh nhân trong bầu khí thật cảm động.

Lên tiếng sau lời chào mừng của Ông thị trưởng và bà giám đốc Viện Seraphicum, ĐTC bỏ qua bài diễn văn dọn sẵn, và ứng khẩu nói với mọi người:

”Chúng ta đang ở giữa những vết thương của Chúa Giêsu: những vết thương này đang được lắng nghe, và nhìn nhận.. Chúa Giêsu ẩn trong các trẻ em, các thiếu niên này. Trên bàn thờ chúng ta thờ lại Mình Chúa Giêsu, nơi các em này, chúng ta thấy những vết thương của Chúa.. Các em cần được những người nói mình là Kitô hữu lắng nghe và đón nhận”.

ĐTC nhận xét rằng ”rất tiếc là xã hội bị ô nhiễm vì văn hóa gạt tỏ, trái ngược với văn hóa tiếp đón. Nạn nhân của thứ văn hóa gạt bỏ chính là những người yếu thế, mong mang nhất. Trong bối cảnh đó, ngài kêu gọi các vị lãnh đạo chính trị và chính quyền đặt những người bị thiệt thòi nơi trung tâm những quan tâm về chính trị và xã hội.
Sau bài huấn dụ, ĐTC còn dừng lại chào thăm từng em khuyết tật và các bác sĩ, y tá, thân nhân và những người săn sóc các em.

Gặp gỡ người nghèo

Liền đó, ngài đến viếng Đền thánh Damiano, trước khi đến tòa GM Assisi để gặp những người nghèo được Caritas trợ giúp. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại phòng gọi là ”cởi bỏ”, nơi thánh Phanxicô đã cởi bỏ y phục trả lại cho thân phụ và những gì mình có thể hoàn toàn sống theo lý tưởng thanh bần.

Trong lời chào ĐTC, Đức TGM Sorrentino của giáo phận Assisi nhận xét rằng đây là lần đầu tiên từ 800 năm nay một vị giáo hoàng đến viếng phòng ”cởi bỏ” này.. ”Chúng con cũng xin ĐTC giúp chúng con hiểu làm sao chúng con phải cởi bỏ chính mình để luôn được tự do hầu có thể phục vụ”.

Trong dịp này, ĐTC cũng ứng khẩu và nói “đây là cơ hội để mời gọi Giáo Hội cởi bỏ. Nhưng Giáo Hội là tất cả chúng ta, từ người đầu tiên chịu phép rửa. Tất cả chúng ta đều phải đi theo con đường của Chúa Giêsu, Đấng đã đi trên con đường cởi bỏ, đã trở thành người tôi tớ, người phục vụ, đã muốn hạ mình cho đến thập giá. Nếu chúng ta muốn là Kitô hữu, thì không có con đường nào khác. Nhưng có người nói: Chúng ta không thể làm một Kitô giáo nhân bản hơn, không có thánh giá, không có Chúa Giêsu, không có sự cởi bỏ sao? Nhưng làm như thế, chúng ta sẽ trở thành những Kitô hữu của tiệm bánh ngọt, như những chiếc bánh ngọt thật đẹp, nhưng không phải là Kitô hữu đích thực.”

”Nhưng chúng ta phải cởi bỏ cái gì? Thưa ngày nay Giáo Hội phải cởi bỏ một nguy hiểm rất trầm trọng đe dọa mỗi ngừơi trong Giáo Hội, đó là nguy hiểm tinh thần thế gian. Kitô hữu không thể sống với tinh thần của thế gian. Tinh thần này đưa chúng ta đến chỗ háo danh, quyền lực, hà hiếp, kiêu ngạo. Đó là một thứ ngẫu tượng chứ không phải là Thiên Chúa, và tội thờ thần tược là tội nặng nhất! Tất cả chúng ta đều phải cởi bỏ tinh thần thế tục, trái ngược với tinh thần các Mối Phúc, tinh thần của Chúa Giêsu.

Thánh lễ

Giã từ những người nghèo tại tòa GM Assisi, ĐTC đã đến Vương cung thánh đường thánh Phanxicô lúc 10 giờ 20. Tại đây ngài được cha Tổng quyền dòng Phanxicô Viện tu cùng với cha Bề trên thánh tu viện tiếp đón. ĐTC đã chào thăm đông đảo các tu sĩ của dòng trong Thánh đường trên, trước khi đi xuống hầm đền thờ để quì cầu nguyện trước mộ của thánh Phanxicô.

Sau đó, ngài bắt đầu cử hành thánh lễ tại Quảng trước đền thờ, cùng với các HY tháp tùng, tất cả các GM miền Umbria, và hàng trăm linh mục triều và dòng. Trong số các giới chức chính quyền hiện diện, đặc biệt có Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, Ông Nicola Letta. Các tín hữu ngồi hết mọi chỗ trong quảng trường trước Đền thờ.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng, ĐTC mời gọi các tín hữu noi gương thánh Phanxicô mặc lấy Chúa Giêsu, gắn bó với Chúa, tìm an bình đích thực bắt nguồn từ Chúa, và tôn trọng thiên nhiên, nhất là con người. Ngài nói:

”Lạy Cha, là Chúa Trời Đất, con chúc tụng Cha vì Cha đã giấu những điều ấy với những người khôn ngoan và thông thái, và đã tỏ lộ cho những người bé nhỏ” (Mt 11,25)

”An bình và thiện hảo cho tất cả anh chị em! Với lời chào Phanxicô này tôi cám ơn anh chị em đã đến đây, tại Quảng trường này, đầy lịch sử và đức tin, để cùng cầu nguyện.

”Hôm nay, như bao tín hữu hành hương khác, tôi đến đây để chúc tụng Chúa Cha vì tất cả những gì ngài muốn tỏ lộ cho một trong những người bé mọn mà Tin Mừng nói với chúng ta, đó là Phanxicô, con của một thương gia giàu có ở Assisi. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đưa Phanxicô đến chỗ cởi bỏ một đời sống thoải mái và phóng túng, để kết hôn với ”Bà Chúa Nghèo” và sống như người con đích thực của Cha ở trên trời. Sự chọn lựa này của Phanxicô, diễn tả một cách quyết liệt sự noi gương Chúa Kitô, mặc lấy Đấng giàu sang đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta trở nên giàu nhờ cái nghèo của Ngài (Xc 2 Cr 8,9). Trong trọn cuộc đời của Phanxicô, lòng yêu mến người nghèo và noi gương Chúa Kitô nghèo là hai yếu tố gắn liền với nhau không thể tách rời được, hai mặt của cùng một mề đai.

Thánh Phanxicô chứng tỏ điều gì cho chúng ta ngày nay? Ngài nói với gì chúng ta, không phải bằng lời nói, vốn là điều dễ dàng, nhưng bằng chính cuộc sống?

1. Điều thứ I, điều cơ bản mà thánh Phanxicô chứng tỏ cho chúng ta là: sống như Kitô hữu có nghĩa là có một quan hệ sinh tử với Con người của Chúa Giêsu, là mặc lấy Chúa, là đồng hóa với Chúa.

”Đâu là điểm khởi hành con đường của Thánh Phanxicô hướng về Chúa Kitô? Thưa từ cái nhìn của Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Để cho mình được Chúa ngắm nhìn trong lúc Chúa ban sự sống cho chúng ta và lôi kéo chúng ta về với Ngài. Phanxicô đã trải qua kinh nghiệm này một cách đặc biệt trong ngôi thánh đường Thánh Damiano nhỏ bé, khi cầu nguyện trước tượng Chúa Chịu Đóng Đanh, mà hôm nay tôi được kính viếng. Trong tượng Đóng Đanh ấy, Chúa không xuất hiện như người chết, nhưng như người sống! Máu chảy xuống từ vết thương nơi bàn tay, chân và cạnh sườn Chúa, nhưng máu ấy biểu lộ sự sống. Chúa Giêsu không có đôi mắt khép lại, nhưng mở toang: một cái nhìn nói với con tim. Và Chúa Chịu Đóng Đanh không nói với chúng ta về sự thất bại; trái lại nói với chúng ta về một cái chết cũng là sự sống, sinh ra sự sống, vì nói với chúng ta về tình thương, vì Ngài là Tình Thương của Thiên Chúa nhập thể, và Tình Thương không chết, trái lại, đánh bại sự ác và sự chết. Ai để cho mình được Chúa Giêsu Chịu Đóng Đanh ngắm nhìn thì được tái tạo trở thành một ”thụ tạo mới”. Đây là điểm khởi hành của mọi sự: đó là kinh nghiệm về Ơn Thánh biến đổi, được yêu mến mà không có công trạng gì, dù là ngừơi tội lỗi. Vì thế thánh Phanxicô có thể nói như thánh Phaolô: ”Về phần tôi, tôi không hãnh diện về điều nào khác ngoài thập giá của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”(Gl 6,14)

Lạy thánh Phanxicô, chúng con hướng về ngài và cầu xin: xin dạy chúng con ở lại trước Thánh Giá Chúa chịu đóng đanh, để cho Chúa nhìn, để Chúa tha thứ và được tình thương Chúa tái tạo.

2. Trong Tin Mừng chúng ta đã nghe những lời này: ”Hỡi tất cả những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng tôi và tôi sẽ bổ sức cho. Hãy mang lấy ách của tôi và học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,28-29)

Đây là điều thứ hai mà thánh Phanxicô làm chứng cho chúng ta: Ai theo Chúa Giêsu, thì nhận được an bình đích thực. Thánh Phanxicô được nhiều người gắn liền với hòa bình, nhưng ít người đi vào chiều sâu. Đâu là hòa bình mà thánh Phanxicô đã lãnh nhận, đã sống và thông truyền cho chúng ta? Thưa đó là hòa bình của Chúa Kitô, được trải qua tình yêu lớn nhất, tình yêu của Thập Giá. Đó là hòa bình mà Chúa Giêsu Phục Sinh đã ban cho các môn để khi Ngài hiện ra giữa họ và nói: ”Bình an cho các con!” và Ngài nói điều đó, tỏ cho họ đôi tay bị vết thương và cạnh sườn bị đâm thâu qua (Xc Ga 20,19.20)

An bình theo tinh thần Phanxicô không phải là một tình cảm ủy mị. Xin lưu ý điều này: không hề có thánh Phanxicô như thế! Và hòa bình ấy cũng không phải là một sự hòa hợp phiếm thần với những năng lượng của vũ trụ.. Cả điều này cũng không phải là tinh thần Phanxicô, nhưng là một ý tưởng mà vài người đã tạo ra! Hòa bình của thánh Phanxicô là hòa bình của Chúa Kitô, và thánh nhân tìm được khi mang lấy ách của Chúa, nghĩa là giới răn của Chúa: Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con (Xc Ga 13,34; 15,12). Và cái ách này không thể mang với sự kiêu hãnh, tự phụ, kiêu ngạo, nhưng chỉ có thể mang được với sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Lạy Thánh Phanxicô, chúng con hướng về ngài, và cầu xin: Xin dạy chúng con trở nên ”khí cụ hòa bình”, thứ hòa bình có nguồn mạch nơi Thiên Chúa, hòa bình mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta.

3. ”Lạy Đấng Tối Cao, toàn năng, Chúa nhân từ, chúc tụng Chúa.. cùng với tất cả các thụ tạo của Chúa” (FF 1820). Bài ca của thánh Phanxicô bắt đầu với những lời như thế. Lòng yêu mến của thánh nhân đối với toàn thể công trình sáng tạo, sự hòa hợp của công trình này. Vị Thánh thành Assisi chứng tỏ lòng tôn trọng đối với tất cả những gì Thiên Chúa đã tạo dựng và con người được mời gọi giữ gìn và bảo vệ, nhưng nhất là ngài chứng tỏ lòng tôn trọng và yêu mến đối với mỗi người. Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới để nó trở thành nơi tăng trưởng trong hòa hợp và an bình. Hòa hợp và an bình! Thánh Phanxicô là một người hài hòa và an bình. Từ thành phố hòa bình này, tôi lập lại một cách mạnh mẽ và dịu dàng rằng: chúng ta hãy tôn trọng thiên nhiên, chúng ta đừng trở thành những dụng cụ phá hoại! Chúng ta hãy tôn trọng mỗi người: hãy chấm dứt các cuộc xung đột võ trang đang làm trái đất đẫm máu, khí giới hãy im tiếng và oán thù ở mọi nơi hãy nhường chỗ cho tình thương, xúc phạm nhường chỗ cho tha thứ, và bất hòa nhường chỗ cho đoàn kết. Chúng ta hãy nghe tiếng kêu của những người đang khóc lóc, đau khổ và chết vì bao lực, vì khủng bố hoặc chiến tranh, tại Thánh Địa, vốn được thánh Phanxicô rất yêu mến, tại Siria, toàn vùng Trung Đông và trên thế giới.

Lạy thánh Phanxicô chúng con hướng về ngài, và cầu xin: xin thánh nhân cầu xin Thiên Chúa ban ơn này: xin cho thế giới chúng con được hòa hợp và an bình.

Sau cùng, chúng ta không thể quên rằng hôm nay Italia mừng kính thánh Phanxicô bổn mạng. Tôi cũng biểu lộ cử chỉ truyền thống tặng dầu cho đèn chầu, năm nay đến lượt miền Umbria cung cấp. Chúng ta hãy cầu nguyện cho quốc dân Italia, để mỗi người luôn hoạt động cho công ích, để ý đến những gì liên kết hơn là tới những gì gây chia rẽ.

”Tôi lập lại lời kinh của thánh Phanxicô cho Assisi, cho Italia và thế giới: ‘Vì vậy lạy Chúa Giêsu Kitô, là Cha từ bi, con cầu xin Chúa đừng nhìn đến sự vô ơn của chúng con, nhưng luôn nhớ lại lòng thương xốt dồi dào Chúa đã chứng tỏ tạoi thành này, để nơi ấy luôn là địa điểm và là nơi ở của những người thực sự biết Cha và tôn vinh danh Chúa được chúc tụng và vinh hiển đến muôn đời. Amen” (Specchio di perfezione, 124, FF 1824).

Cuối thánh lễ, có nghi thức tặng dầu cho đèn được đốt tại mộ thánh Phanxicô bổn mạng Italia. ĐTC đã làm phép dầu này, và Ông thị trưởng thành Assisi đã mang đến đổ vào đèn và thắp lên.

Sau đó, ĐTC đã đến dùng bữa trưa với những người nghèo tại Trung tâm tiếp đón đầu tiên của Caritas, gần Nhà ga xe lửa Đức Mẹ các Thiên Thần.

Lúc 2 giờ 15 phút chiều, ngài tiếp tục cuộc thăm viếng tại Đan viện Carceri nơi sườn núi Subasio. Đan viện này được kiến thiết trên những hang đá nơi thánh Phanxicô đến cầu nguyện. Theo truyền thống thánh nhân đã nói chuyện với chim chóc tại đây.

Gặp gỡ linh mục, tu sĩ và giáo dân dấn thân

Sau đó, ĐTC đến nhà thờ chính tòa thánh Rufino của giáo phận Assisi, để gặp gỡ hàng giáo sĩ, tu sĩ nam nữ và các thành viên Hội đồng mục vụ của giáo phận.

Trong bài huấn dụ nhân dịp này, nhắc nhở mọi người về 3 điểm:

1. Trước tiên là lắng nghe Lời Chúa. Giáo hội là cộng đồng lắng nghe trong tinh thần tin yêu những gì Chúa nói. Kế hoạch mục vụ mà anh chị em đang sống nhấn mạnh đặc biệt về chiều kích cơ bản này… Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có thể cải tiến khía cạnh này: đó là ngày càng trở nên người lắng nghe Lời Chúa, để bớt giầu lời nói của chúng ta đồng thời giầu hơn nhờ Lời Chúa nói. Tôi nghĩ đến linh mục có nhiệm vụ rao giảng. Làm sao LM có thể giảng nếu trước đó không lắng nghe tiếng Chúa trong thinh lặng, trong con tim của mình? Tôi nghĩ đến các cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên: làm sao họ có thể giáo dục nếu lương tâm họ không được Lời Chúa soi sáng, nếu cách thức suy tư và hành động của họ khôgn được Lời Chúa hướng dẫn? Họ nêu gương nào cho con cái?…

2. Thứ hai là bước đi. Đây là lời tôi thích khi nghĩ đến Kitô hữu và Giáo Hội. Nhưng đối với anh chị em, lời này có một nghĩa đặc biệt: anh chị em đang bước vào Công nghị giáo phận, và công nghị ở đây, Sinodo, có nghĩa là đồng hành với nhau. Đây thực là một kinh nghiệm đẹp nhất mà chúng ta sống: được là thành phần của dân đang tiến bước trong lịch sử, cùng với Chúa, Đấng đi giữa chúng ta.

Tôi cũng nghĩ đến các linh mục. Có gì đẹp hơn đối với chúng ta nếu không phải là đồng hành với dân của chúng ta, khích lệ, nâng đỡ dân, cộng tác, giúp đỡ lẫn nhau, tha thứ cho nhau, cùng tiến bước trong sự đoàn kết, không chạy trốn về đằng trước, cũng chẳng nhớ nhung quá khứ.

3. Thứ ba là loan báo cho đến tận những vùng ven bờ, vùng ngoại ô của cuộc sống. Điều quan trọng là ra ngoài, để gặp gỡ tha nhân trong các khu ngoại ô, nhất là những con người, trong những hoàn cảnh khác nhau.

Đây là những khu ”ngoại ô” của anh chị em? Đó là những vùng có nguy cơ ở ngoài lề, không được ánh đèn chiếu vào. Đó là những ngừơi, những thực tại con người bị gạt ra ngoài lề, bị coi rẻ. Đó là những người tuy ở trung tâm, nhưng tinh thần thì xa xăm.

Anh chị em đừng sợ ra ngoại và gặp gỡ những ngừơi ấy, những hoàn cảnh ấy. Đừng để mình bị ngăn chặn vì những thành kiến, thói quen, sự cứng nhắc về não trạng hoặc về mục vụ..
Sau cuộc gặp gỡ tại Nhà thờ chính tòa Assisi, lúc quá 4 giờ chiều, ĐTC đến viếng thăm Vương cung thánh đường thánh nữ Clara, viếng mộ của thánh nữ và cầu nguyện tại Nhà nguyện trước Thánh giá thánh Damiano, chào thăm các nữ Đan sĩ tại đây.

Cuộc viếng thăm của ĐTC được tiếp tục tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ các thiên thần của dòng Anh em Hèn Mọn Phanxicô, cách đó 4 cây số, rồi gặp gỡ 12 ngàn người trẻ miền Umbria vào lúc gần 6 giờ chiều tại quảng trường trước Đền thánh và ngài trả lời các câu hỏi do 4 bạn trẻ nêu lên. Tiếp đến ĐTC viếng Đền thánh Rivotorto trước khi đáp trực thăng trở về Vatican, dự kiến vào lúc 8 giờ tối. Rivotorto là nơi có những căn nhà nhỏ thánh Phanxicô và các bạn đồng hành đầu tiên của ngài cư ngụ.

G. Trần Đức Anh OP