Sau 2 giờ 20 phút bay từ Roma, máy bay chở ĐTC và đoàn tháp tùng đã đáp xuống phi trường thủ đô Bucarest của Rumani lúc 11 giờ rưỡi trưa giờ địa phương.
Bucarest là thành phố lớn nhất của Rumani với gần 1 triệu 900 ngàn dân cư và ở mạn đông nam nước này.
Sau cuộc hội kiến ngắn với tổng thống tại phòng khánh tiết của phi trường ĐTC đã về phủ tổng thống, quen gọi là dinh Cotroceni cách đó 19 cây số.
Chiều 31.05.2019, ĐTC Phanxicô đã cùng với các vị lãnh đạo Chính Thống Rumani cầu nguyện chung với nhau “Kinh Lạy Cha”.
Cuộc gặp gỡ với Thánh Hội đồng Chính Thống Rumani kéo dài 30 phút, sau đó ĐTC đã đến Nhà Thờ chính tòa Chính Thống ”Ơn cứu độ nhân dân”.
Thánh đường vĩ đại này mới được Đức Thượng Phụ Daniel và Đức Thượng Phụ chung Bartolomeo của Chính Thống Constantinople khánh thành hồi tháng 11 năm ngoái (2018,) nhưng công trình chỉ được hoàn tất vào năm 2024 tới đây, sau 14 năm kiến thiết, với 70% kinh phí do nhà nước tài trợ.
Nhà thờ chính tòa nằm ở trung tâm thành phố Bucarest và có thể chứa được 5 ngàn người, được xây theo hình thánh giá Hy lạp, dài 126 mét và rộng 68 mét.
Khi đến nhà thờ chính tòa mới của Chính Thống, ĐTC được Đức thượng Phụ Daniel đón tiếp và cùng tiến lên qua lối đi chính của thánh đường tới bàn thờ.
Cuộc viếng thăm và cầu nguyện tại đây được diễn ra qua kinh Lạy Cha và các bài ca mùa phục sinh của Công Giáo và Chính Thống giáo..
ĐTC giải thích kinh Lạy Cha
Tại đây, sau lời chào mừng của Đức Thượng Phụ Daniel, ĐTC đã ngỏ lời với mọi người và ngài giải thích về những ý nguyện được biểu lộ qua kinh Lạy Cha mà mọi người sắp cùng nhau đọc lên. Bắt đầu từ câu ”Lạy Cha chúng con”.
Dẫn nhập
Ngài nói: ”Mỗi lần chúng ta thưa ‘Lạy Cha chúng con’ chúng ta tái khẳng định rằng ‘từ Lạy Cha’ không thể đứng riêng rẽ mà không có thêm từ ‘chúng con’. Hiệp nhất trong Lời Kinh của Chúa Giêsu, chúng ta cũng liên kết với nhau trong kinh nghiệm của Chúa về tình thương và sự chuyển cầu, khiến chúng ta nói: ”Cha của tôi và Cha của anh chị em, Thiên Chúa của tôi và của anh chị em (Xc Ga 20,17). Đó là lời mọi gọi làm sao để ”của tôi” được biến thành của chúng ta, và điều này trở thành kinh nguyện.
Ý nguyện
Lạy Cha, xin giúp chúng con coi trọng cuộc sống của người anh chị em, biến lịch sử của họ thành lịch sử của chúng con.. Xin giúp chúng con đừng xét đoán người anh em qua những hành động và giới hạn của họ, nhưng đón nhận họ, trước tiên, như người con của Chúa. Xin giúp chúng con vượt thắng cám dỗ cảm thấy mình là con cả, vì muốn ở trung tâm nên quên đi món quà là người anh em khác (Xc 15,25-32)
Cùng đọc kinh Lạy Cha
Sau lời dẫn nhập này, các tín hữu trong thánh đường cùng đọc Kinh Lạy Cha trong bầu không khí thật cảm động.
Cuối buổi cầu nguyện, ĐTC đã chào giã từ 10 thành viên của Thánh Hội đồng Chính Thống và tiến ra thềm Nhà Thờ, và ngài chúc lành cho tất cả các tín hữu hiện diện, rồi lên xe mui trần tiến về Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse của Công Giáo lúc quá 6 giờ chiều để cử hành thánh lễ đầu tiên trong 3 ngày viếng thăm tại Rumani.
Chiều 31.05, sau khi cầu nguyện chung với các vị lãnh đạo Chính Thống giáo, lúc quá 6 giờ chiều, ĐTC đã đến Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse của Công Giáo, được xây dựng vào cuối thế kỷ 1, để cử hành thánh lễ đầu tiên trong 3 ngày viếng thăm tại Rumani. Tại nhà thờ này có giữ thánh tích của chân phước LM Vladimir Ghika tử đạo, và di tích của Thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng.
Trên đường đi, đông đảo các tín hữu vẫy cờ chào mừng, khi chiếc xe mui trần chở ĐTC đi ngang qua.
Có hơn 1200 tín hữu bên trong Thánh đường tham dự Thánh lễ và cũng có 25 ngàn tín hữu đứng bên ngoài và dọc theo con đường gần nhà thờ để tham dự Thánh lễ.
Đồng tế với ĐTC trong Thánh lễ, có các GM Công giáo Latinh và Đông phương của Rumani và nhiều linh mục.
Bài giảng của ĐTC
Mở đầu bài giảng, nhân lễ kính nhớ Đức Mẹ đi viếng bà Elizabeth, Đức Thánh Cha nói:
”Tin Mừng chúng ta vừa nghe dẫn chúng ta đến cuộc gặp gỡ giữa hai người phụ nữ. Họ ôm nhau tràn đầy hạnh phúc cùng với lời ngợi khen. Đứa trẻ nhảy mừng trong lòng bà Elizabeth, còn bà Elizabeth thì chúc phúc cho người em họ vì đức tin của em. Đức Maria ca ngợi những điều kỳ diệu chính Chúa đã làm nơi người tôi tớ khiêm nhường. Lời ca của Mẹ là lời ca của niềm hy vọng lớn lao cho những người không hát được nữa vì không có tiếng nói… Bài ca hy vọng cũng chạm đến chúng ta và hôm nay mời chúng ta cùng suy ngẫm với ba yếu tố giá trị qua việc chiêm ngắm người môn đệ đầu tiên: Maria lên đường, Maria gặp gỡ và Maria vui mừng. Đức Thánh Cha khai triển từng yếu tố một.
Maria lên đường
– Trước tiên là ”Maria lên đường” từ Nazareth đến nhà của ông Dacaria và bà Elizabeth: đây là hành trình đầu tiên của Đức Maria được Kinh Thánh thuật lại. Là chuyến đi đầu tiên trong nhiều chuyến. Mẹ sẽ đi từ Galilê đến Bêlem, nơi Chúa Giêsu được sinh ra; sẽ chạy trốn sang Ai Cập để cứu con trẻ khỏi tay Hêrôđê; sẽ đến Giêrusalem hàng năm vào dịp lễ Vượt Qua, cho đến lần cuối cùng theo Con trên Núi Sọ. Những chuyến đi này có một đặc điểm chung. Đó là chúng chưa bao giờ dễ dàng, đòi hỏi sự can đảm và kiên nhẫn. Những chuyến đi này nói với chúng ta rằng Mẹ biết leo lên những ngọn dốc, và Mẹ biết những đường dốc của chúng ta. Chúng ta có một người chị em cùng đi. Mẹ là chuyên gia trong những việc khó nhọc, Mẹ biết làm thế nào để cầm lấy tay chúng ta trong những lúc khó nhọc, khi chúng ta đối diện với những khúc cua gấp nhất trong cuộc sống. Là một người mẹ tốt, Đức Maria biết rằng tình yêu mở đường từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày. Tình yêu và sự khéo léo của người mẹ có thể biến hang động vật trở thành ngôi nhà cho Chúa Giêsu, với một vài tả lót và một biển cả tình yêu (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 286).
Chiêm ngắm Đức Maria cho phép chúng ta nhìn về nhiều phụ nữ, người mẹ và người bà của vùng đất này. Với sự hy sinh và âm thầm, quên mình và dấn thân, họ đã tạo dựng hiện tại và dệt nên những giấc mơ cho tương lai. Sự cho đi của họ âm thầm, bền bỉ, không lời khen ngợi. Họ không ngại ”xắn tay áo” và gánh vác những khó khăn trên vai vì cuộc sống của con cái và gia đình, để mang lại hy vọng ”điều không còn gì để hy vọng” (Rm 4,18). Nhìn vào Đức Maria và nhiều gương mặt của các bà mẹ, người ta sẽ trải nghiệm được nơi để hy vọng và mở ra tương lai. Hãy mạnh mẽ nói rằng: nơi dân tộc chúng ta, có chỗ cho niềm hy vọng. Đức Maria lên đường và mời gọi chúng ta cùng nhau lên đường.
Maria gặp gỡ
Đức Maria trẻ gặp bà Elizabeth già. Nhưng chính bà Elizabeth đã nói về tương lai, nói lời tiên tri: được đầy Thánh Thần bà gọi Mẹ là ”người có phúc” vì ”đã tin” (c. 45). Bà nói trước về mối phúc cuối cùng trong Tin Mừng: Phúc cho ai tin (x. Ga 20,29). Một người nữ trẻ đến gặp người nữ lớn tuổi như tìm về cội rễ và người phụ nữ lớn tuổi được tái sinh và nói những lời tiên tri về tương lai của người trẻ.
Trẻ và già gặp nhau, ôm lấy nhau và có thể thấy điều đẹp của nhau. Đó là phép lạ nhờ văn hóa gặp gỡ, nơi không ai bị loại trừ hay bị dán nhãn, trái lại, đây là nơi mọi người tìm thấy nhau, làm sáng lên Khuôn mặt của Thiên Chúa. Họ không sợ đi cùng nhau, và khi điều này xảy ra thì Chúa đến và thực hiện những điều kỳ dịu nơi Dân của Người.
Chính Chúa Thánh Thần thúc bách chúng ta ra khỏi chính mình, khỏi sự khép kín và chủ nghĩa lập dị, để dạy chúng ta nhìn xa hơn vẻ bề ngoài và cho chúng ta cơ hội nói tốt về người khác, ”chúc lành cho họ”, đặc biệt là những anh chị em vô gia cư, thiếu bánh ăn, thiếu tình bạn và sự ấm áp của một cộng đoàn. Văn hóa gặp gỡ thúc đẩy các Kitô hữu đến kinh nghiệm phép lạ về tình mẫu tử của Giáo hội, một Giáo hội tìm kiếm, bảo vệ và hợp nhất con cái của mình. Trong Giáo hội, khi các nghi lễ khác nhau gặp nhau, khi điều quan trọng nhất không phải là vẻ bề ngoài của riêng mình, của nhóm hay dân tộc mình, mà là Dân cùng nhau ca ngợi Chúa, thì những điều tuyệt vời sẽ xảy ra. Đức Maria lên đường và gặp gỡ bà Elizabeth nhắc nhở chúng ta nơi Chúa muốn cư ngụ và sống, là đền thánh của Người và là nơi chúng ta có thể nghe tiếng của Người: giữa Dân của Người. Thiên Chúa ở giữa chúng ta như một Đấng cứu độ quyền năng. Điều chắc chắn này, như với Mary, cho phép chúng ta hát mừng. Đức Maria vui mừng vì Mẹ là người cưu mang Emmanuel, Thiên Chúa với chúng ta.
Maria vui mừng
Với sự vui mừng của Đức Maria, Đức Thánh Cha đề cập đến điểm thứ ba: ”Là Kitô hữu là niềm vui trong Thánh Thần” (Tông huấn Gaudete et exsultate, 122). Không có niềm vui, chúng ta bị tê liệt, thành nô lệ của nỗi buồn. Những vấn đề của đức tin thường không phải là thiếu thốn về phương tiện, cơ cấu, số lượng, hay thậm chí không phải là sự hiện diện của những người không chấp nhận chúng ta; Nhưng vấn đề của đức tin là thiếu niềm vui. Đức tin chao đảo khi chúng ta rơi vào nỗi buồn và chán nản. Khi chúng ta sống trong ngờ vực, khép kín chính mình, thì chúng ta mâu thuẫn với đức tin. Chúng tôi nghĩ về những nhân chứng vĩ đại của những vùng đất này: những người đơn sơ tin cậy vào Chúa giữa những bách hại. Họ không đặt hy vọng vào thế giới, nhưng vào Thiên Chúa, và như thế họ tiến bước. Cuối bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc lại ba động từ mà Đức Maria đã thực hiện: lên đường, gặp gỡ và vui mừng để mang đến một điều gì đó lớn hơn chính mình. Và chúng ta cũng không sợ trở nên người mang phúc lành cho Romania.
Kết thúc thánh lễ, ĐTC đã về tòa sứ thần Tòa Thánh chỉ cách đó 600 mét để dùng bữa tối và qua đêm.
Trần Đức Anh OP
Radio Vatican