Đài Va-ti-can cho biết, trong cuộc nói chuyện sáng nay với các bác sĩ Venezuela tại Va-ti-can, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng căn tính của thầy thuốc không chỉ dựa trên những kỹ năng, nhưng chủ yếu dựa trên thái độ từ bi và lòng thương xót đối với những người đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần.
Vị Giáo Hoàng người Ác-hen-ti-na cũng nhấn mạnh rằng lòng từ bi chính là linh hồn của y khoa; lòng từ bi không phải là thương hại nhưng là “cùng đau khổ.” Tuy nhiên, ngài cũng than phiền rằng, trong nền văn hóa đầy tính cá nhân và đề cao công nghệ hiện nay, đôi khi lòng từ bi không được đón nhận, vì nhiều người xem đó như là một sự sỉ nhục.
Đức Thánh Cha nói thêm: “Thậm chí có những người ẩn mặt đằng sau lòng từ bi để biện minh cho hành vi giết hại bệnh nhân.”
Đối với Ngài, “lòng từ bi đích thực không hạ thấp, nhục mạ hay loại trừ, và cũng chẳng vui mừng trước cái chết của một người bệnh.” Không, đó chính là niềm vui của sự ích kỷ, của thứ “văn hóa đáng bị vứt bỏ” vốn từ chối đón nhận những chuẩn mực về sức khỏe, vẻ đẹp và tiện ích.”
“Sức khỏe là một trong những quà tặng quý giá nhất mà tất cả mọi người đều mong muốn.”
Lòng từ bi
Đức Thánh Cha giải thích rằng lòng từ bi là phản ứng một cách đúng mực trước giá trị to lớn của người bệnh, một phản ứng được thực hiện với sự tôn trọng, thấu hiểu và ân cần; bởi lẽ, giá trị linh thiêng trong cuộc sống của người bệnh không biến mất, không phai mờ, nhưng lại rực sáng hơn trong chính nỗi đau và sự bất lực của người ấy.
Đây chính là điều mà thánh Camillo thành Lellis nói đến khi ngài đề cập tới việc chăm sóc các bệnh nhân với lòng tôn trọng: “Hãy đặt nhiều tình yêu vào đôi tay.”
“Yếu đuối, đau khổ và bệnh tật là những thử thách khó khăn đối với tất cả mọi người, kể cả nhân viên y tế; chúng đòi hỏi sự kiên nhẫn và đồng cảm. Do vậy, ta không được đầu hàng trước cám dỗ áp dụng các giải pháp nóng vội, thực dụng, quyết liệt vốn được điều khiển bởi lòng từ bi sai lạc, hoặc bởi các tiêu chí hiệu quả cũng như tiết kiệm chi phí. Phẩm giá của cuộc sống con người đang bị đe dọa; và phẩm giá của ngành y cũng bị đe dọa.”
Đức Kitô- người thầy thuốc
“Truyền thống Kinh Thánh đã luôn nhấn mạnh sự gần gũi giữa ơn cứu độ và sức khỏe,” Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã gợi nhớ danh xưng mà các Giáo Phụ đã sử dụng khi nói về Chúa Ki-tô và công trình cứu độ của Người: Đức Ki-tô, người thầy thuốc (Christus Medicus).
“Ngài là Mục Tử Tốt Lành luôn chăm sóc con chiên bị thương và thêm sức cho chiên đau yếu (x. Ed 34,16); Ngài là người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu, không phớt lờ người bị thương nằm bên vệ đường; nhưng với lòng thương cảm, Ngài chữa lành và phục vụ (Lc 10,33-34). Truyền thống y tế Ki-tô Giáo luôn được gợi hứng từ dụ ngôn người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu.”
Đức Thánh Cha tiếp tục: truyền thống này được gắn bó chặt chẽ với tình yêu của Con Thiên Chúa, Đấng đã thực hiện những điều thiện hảo và chữa lành những ai nguy khốn.
“Thật là tốt biết mấy khi việc thực hành y khoa được làm với ý hướng coi bệnh nhân như người thân cận của chúng ta, như thịt máu của chúng ta, và mầu nhiệm thân thể của chính Đức Ki-tô được phản chiếu nơi thân thể thương tích ấy! ‘Mỗi lần con làm như thế cho một trong số những anh chị em này của Thầy, là con đã làm cho chính Thầy’ (Mt 25,40).”
Kết thúc cuộc nói chuyện, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô xin những người hiện diện nỗ lực mỗi ngày để đồng hành, nuôi dưỡng và làm nổi bật giá trị to lớn của con người, và cũng xin họ cầu nguyện cho ngài.
Chuyển ngữ: Phanxicô Xaviê Phạm Quang Khanh, SJ
Vinh Sơn Trần Đỉnh, SJ
Nguồn tin: zenit.org, 09-06-2016