VATICAN. Sáng 20-10-2014, ĐTC đã chủ tọa công nghị Hồng Y về tình hình các tín hữu Kitô tại Trung Đông và quyết định về việc phong Hiển thánh.
Tham dự công nghị bắt đầu lúc 9 giờ sáng tại Hội trường Thượng HĐGM cũng có các vị Thượng Phụ và một số Giám Mục.
Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC nói: ”Chúng ta có cùng ước muốn hòa bình và ổn định tại Trung Đông và ý chí cổ võ giải pháp cho các cuộc xung đột bằng cách đối thoại, hòa giải và dấn thân chính trị. Đồng thời chúng ta muốn gia tăng sự trợ giúp có thế cho các cộng đồng Kitô để hỗ trợ họ ở lại vùng miền ấy.
”Như tôi đã có dịp lập lại nhiều lần, chúng ta không thể có thái độ cam chịu khi nghĩ đến miền Trung Đông không còn Kitô hữu nữa, những người từ 2 ngàn năm nay đã tuyên xưng danh Chúa Giêsu tại đó. Những biến cố gần đây, nhất là tại Irak và Siria, gây lo âu rất nhiều. Chúng ta chứng kiến một hiện tượng khủng bố có chiều kích không thể tưởng tượng được trước đây. Bao nhiêu anh chị em chúng ta bị bách hại và đã phải rời bỏ gia cư, cả trong tình thế tàn bạo. Dường như người ta đánh mất ý thức về giá trị sự sống con người, con người dường như không đáng kể gì nữa, và người ta có thể hy sinh con người cho những lợi lộc khác. Rất tiếng là tất cả những điều đó xảy ra trong sự dửng dưng của bao nhiêu người.
Và ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Tình trạng bất công này, không những đòi lời cầu nguyện của chúng ta, nhưng còn cần phải có câu trả lời thích hợp từ phía cộng đồng quốc tế. Tôi chắc chắn rằng với sự phù trợ của Chúa, từ cuộc gặp gỡ hôm nay, sẽ có những suy tư giá trị và những đề nghị để có thể giúp anh chị em chúng ta đang chịu đau khổ và đáp ứng cả thảm trạng suy giảm sự hiện diện của Kitô giáo tại miền đất nơi Kitô giáo được khai sinh và phổ biến.
Đức Hồng Y Parolin
Tiếp lời ĐTC, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã tường trình trước công nghị về khóa họp mới đây tại Vatican, từ ngày 2 đến 4-10 vừa qua của các vị Sứ thần Tòa Thánh ở Trung Đông, các đại diện Tòa Thánh tại LHQ ở Genève và New York cùng với các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh về sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại Trung Đông.
Trước tiên các vị bàn về tình trạng không thể chấp nhận được tại Trung Đông do cái gọi Nhà Nước Hồi giáo, một thực tài chà đạp công pháp và dùng những phương pháp khủng bố để mưu toan mở rộng quyền bính: giết người hằng loạt, chém đầu những kẻ nghĩ khác họ, bán phụ nữ ở chợ, xung các trẻ em vào các cuộc chiến đấu, tàn phá các nơi thờ phượng.. Tình trạng đó khiến hàng trăm ngàn người phải bỏ gia cư đi lánh nạn nơi khác, trong những điều kiện bấp bênh, chịu bao đau khổ về thể lý và tinh thần. Khi lên án rõ ràng những vi phạm đó, không những đối với công pháp quốc tế về nhân đạo, nhưng cả về các nhân quyền sơ đẳng nhất, người ta cũng tái khẳng định quyền của người tị nạn được trở về đất nước của mình và sống trong phẩm giá, trong an ninh. Đó là quyền phải được cộng đồng quốc tế và các quốc gia hỗ trợ và bảo đảm. Điều có liên hệ ở đây là những nguyên tắc căn bản như giá trị sinh mạng và phẩm giá con người, tự do tôn giáo, sự sống chung hòa bình và hòa giữa các cá nhân và giữa các dân tộc.
ĐHY Parolin cũng nhấn mạnh rằng các cuộc xung đột ở Trung Đông là một trong những đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sự ổn định quốc tế. Hòa bình ở Trung Đông không thể tìm kiếm bằng những chọn lựa đơn phương áp đặt bằng võ lực.
ĐHY nhắc đến lời ĐTC lên án nạn buôn bán võ khí là một trong những nguyên nhân tạo nên nhiều nạn nhân ở Trung Đông và cộng đồng quốc tế không thể nhắm mắt làm ngơ trước vấn đề này.
ĐHY Quốc vụ khanh nói đến nạn xuất cư của các tín hữu Kitô ra khỏi Trung Đông, vai trò của Giáo Hội và của cộng đồng quốc tế. Ngài kêu gọi đi tới và giải quyết tận căn những nguyên nhân gây ra các vấn đề hiện nay và cổ võ con đường đối thoại và thương thuyết vì con đường bạo lực chỉ đưa tới tàn phá, đồng thời ĐHY xác quyết rằng việc bảo vệ các tín hữu Kitô và tất cả các nhóm tôn giáo và chủng tộc thiểu số cần phải đặt trong bối cảnh bảo vệ con người và tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là tự do tôn giáo và tự do lương tâm.
Đề cập đến thảm trạng của bao nhiêu người tị nạn, như một nửa dân số Siria đang cần được cứu trợ về nhân đạo, ĐHY Parolin nói: Giáo hội khuyến khích cộng đồng quốc tế quảng đại đáp ứng thảm trạng này, và về phần mình, Giáo hội cũng đóng góp, đặc biệt qua các Caritas địa phương và các cơ quan cứu trợ Công Giáo, giúp đỡ các nạn nhân, không những các tín hữu Kitô, nhưng tất cả những người đang chịu đau khổ.
Trong công nghị, ĐTC đã ấn định ngày phong hiển thánh cho chân phước LM Joseph Vaz là 14-1-2015, trong chuyến viếng thăm của ngài tại Sri Lanka từ 13 đến 15-1 năm tới. Thánh nhân từ Ấn Độ đến truyền giáo tại Sri Lanka trong thời kỳ người Hòa Lan bách hại các tín hữu Kitô tại đảo này. (SD 20-10-2014)
G. Trần Đức Anh OP
RadioVatican