Đức Thánh Cha kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Siria
Ngoài ra, tôi xin lập lại lời khẩn thiết kêu gọi chấm dựt bạo lực và đổ máu Sau cùng tôi mời gọi tất cả mọi người, trước hết là các giới chức chính trị tại Siria, dành ưu tiên cho con đường đối thoại, hòa giải và dấn thân cho hòa bình. Cần cấp thiết đáp ứng các khát vọng chính đáng của các thành phần khác nhau của quốc gia, cũng như các cầu mong của cộng đoàn quốc tế, lo lắng cho công ích của toàn xã hội và toàn vùng.
Trước đó, trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã suy niệm về trình thuật Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành người phong cùi. Trong cuộc sống công khai Chúa đã chữa lành rất nhiều bệnh nhân, và vén mở cho thấy Thiên Chúa muốn cho con người có được sự sống tràn đầy. Trong Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay (Mc 1,40-45) Người tiếp xúc với một bệnh tật bị coi là nặng nhất thời đó, khiến cho bệnh nhân bị coi là ô uế và bị loại trừ khỏi các tương quan xã hội: đó là bệnh phong cùi. Có một luật đặc biệt (x. Lv 13-14) dành cho các tư tế nhiệm vụ tuyên bố người phong cùi ô uế, ghi nhận sự lành bệnh và tiếp nhận người được ành bệnh và cuộc sống bình thường trở lại.
Thánh sử Marcô kể rằng trong lúc Chúa Giêsu đi rao giảng trong các làng vùng Galilea, thì có một người phong cùi đến gặp Người và thưa: ”Nếu thầy muốn, Thầy có thể thanh tẩy con”. Chúa Giêsu không tránh né tiếp xúc với người ấy, trái lại bị thúc đẩy tham dự sâu xa vào điều kiện của anh, Người giơ tay đụng vào anh, thắng vượt luật cấm, và nói: “Ta muốn, anh hãy được lành”. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa cử chỉ này của Chúa như sau:
Trong cử chỉ ấy và trong các lời của Chúa Kitô có tất cả lịch sử cứu rỗi, có ý muốn nhập thể của Thiên Chúa cứu rỗi chúng ta, thanh tẩy chúng ta khỏi sự dữ bệnh tật, khiến cho chúng ta bị biến dạng và làm hư hỏng các tương quan của chúng ta. Việc tiếp xúc đó giữa bàn tay của Chúa Giêsu và người phong cùi phá hủy mọi hàng rào ngăn cách giữa Thiên Chúa và sự ô uế của con người, giữa sự Thánh Thiêng và cái ngược lại, chắc chắn không phải để chối bỏ sự dữ và sức mạnh tiêu cực của nó, nhưng để chứng minh cho thấy rằng tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn mọi sự dữ và bệnh tật, kể cả bệnh hay lây và kinh khủng nhất. Chúa Giêsu đã nhận lấy trên Người các tật nguyền của chúng ta, Người đã trở thành ”cùi hủi” để cho chúng ta được lành sạch.
Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha trích dẫn kinh nghiệm của thánh Phanxicô thành Assisi. Thánh nhân tóm tắt nó trong phần đầu Di chúc của Người như sau: ”Chúa ra cho tôi, tu sĩ Phanxicô, việc bắt đầu đền tội như sau: khi tôi còn sống trong tội lỗi, trông thấy người phong cùi đối với tôi xem ra qúa cay đắng; và chính Chúa dẫn tôi tới giữa họ và để tôi thương xót họ. Và khi rời họ, điều xem ra đã là cay đắng đối với tôi, thì đã được thay đổi thành sự ngọt ngào của tâm hồn và thân xác. Và sau đó tôi ở lại một chút và ra khỏi thế giới”. Đức Thánh Cha giải thích kinh nghiệm này của thánh Phanxicô như sau:
Chúa Giêsu hiện diện nơi những người phong cùi mà thánh Phanxicô đã gặp khi còn sống trong tội lỗi. Và khi Phanxicô tới gần một người trong bọn họ, thắng vượt sự kinh tởm, người ôm hôn anh ta, thì Chúa Giêsu chữa lành thánh nhân khỏi bệnh phong cùi của người, tức là sự kiêu căng, và hoán cải người trở về với tình yêu của Thiên Chúa. Chiến thắng của Chúa Kitô là đó, là chữa lành chúng ta một cách sâu xa, là cho chúng ta sống lại vào cuộc sống mới!
Chúng ta hãy hướng lời cầu lên Đức Trinh Nữ Maria, mà hôm qua chúng ta đã kính nhớ các cuộc hiện ra của Người tại Lộ Đức. Đức Mẹ đã trao cho chị Bernadette một sứ điệp luôn luôn thời sự: Mẹ mời gọi cầu nguyện và đền tội. Qua Mẹ Người chính Chúa Giêsu luôn luôn đến gặp gỡ chúng ta, để giải thoát chúng ta khỏi mọi bệnh tật của thân xác và của linh hồn. Chúng ta hãy để cho Người đụng tới chúng ta và chữa lành chúng ta và chúng ta hãy thương xót các anh chị em khác!
Tiếp đến Đức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh Cho mọi người.
Sau kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Croat, Hungari, Slovac, Ba Lan và Ý. Ngài cầu chúc mọi người một ngày Chúa Nhật và một tuần sống tươi vui an lành. Đức Thánh Cha nói hy vọng Chúa Nhật tới không có tuyết. Tuy ít hơn tuần trước nhưng quảng trường thánh Phêrô cũng còn lại ít tuyết và băng của đợt tuyết rơi chiều thứ sáu và thứ bẩy vừa qua.
Linh Tiến Khải
nguon Radio Vatican