TIN TỨC Tin Giáo hội Đức Thánh Cha họp báo trên máy bay từ Ai Cập về...

Đức Thánh Cha họp báo trên máy bay từ Ai Cập về Roma

ROMA. ĐTC Phanxicô kêu gọi chính phủ Mỹ và Bắc Triều Tiên làm dịu căng thẳng và tìm cách giải quyết vấn đề bằng đường lối ngoại giao.

 Trên đây là một trong những vấn đề được ĐTC đề cập đến trong cuộc họp báo dài hơn nửa giờ trong chuyến bay dài hơn 3 tiếng từ Cairo Ai Cập về Roma, chiều thứ bẩy 29-4-2017.

 Trả lời câu hỏi của một ký giả về hiểm họa chiến tranh hạt nhân giữa hai nước vừa nói, ĐTC đáp: ”Về các hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên, người ta đã nói từ một năm nay rồi, nhưng bây giờ dường như tình hình bị hun nóng thái quá. Tôi nhắc nhở về việc thương thuyết vì điều này có liên hệ tới tương lai của nhân loại: ngày nay một cuộc chiến tranh lan rộng sẽ phá hủy một phần lớn nhân loại và đó là điều khủng khiếp”.

 ĐTC kêu gọi hãy nhìn những gì đang xảy ra ở Trung Đông, Yemen, ở Phi châu. Ngài nói: ”Tôi đang và sẽ kêu gọi các vị trách nhiệm, hãy làm việc để giải quyết các vấn đề.. Chúng ta hãy ngưng lại, hãy tìm những giải pháp ngoại giao và tôi tin rằng LHQ có nghĩa vụ phải tái lập quyền lãnh đạo của mình vì quyền này có phần bị ”chìm mất”.

 ĐTC cũng cho biết ngài chưa thấy Phủ Quốc Vụ khanh thông báo có lời thỉnh cầu của Tổng thống Donald Trump muốn được ngài tiếp kiến, nhưng ”tôi vẫn tiếp mỗi vị Quốc Trưởng yêu cầu được gặp”.

 Venezuela

 Về tình trạng khủng hoảng tại Venezuela hiện nay, ĐTC cho biết: ”Tất cả những gì có thể làm cho nước này, quốc gia mà tôi rất quí mến, thì cần phải làm. Chúng tôi sẽ làm.”

 Bầu cử tại Pháp

 Trả lời câu hỏi về cuộc bầu cử tổng thống tại Pháp và sự kiện các tín hữu Công Giáo tại nước này chia rẽ trước hai ứng cử viên trong cuộc bỏ phiếu vòng hai vào ngày 7-5 tới đây, ĐTC đáp: ”Tôi không biết chính trị Pháp và tôi đã cố gắng có những tương quan tốt cả với tổng thống hiện nay, tuy đã có một xung đột, nhưng tôi đã có thể nói rõ về sự việc. Hai ứng cử viên tổng thống hiện nay ở Pháp, tôi không biết lịch sử của họ, tôi không biết gốc gác của họ. Còn về các tín hữu Công Giáo, có lần tôi ở trong một một cuộc tập họp, một người nói với tôi: ”Tại sao ngài không nghĩ đến việc thành lập một đảng cho những người Công Giáo?”. Nhưng ông ấy đang sống như trong thế kỷ trước đây”.

 Liên hiệp Âu Châu có nguy cơ tan rã

 ĐTC cũng nhận xét rằng ”Có vấn đề ở Âu Châu, trong Liên hiệp Âu Châu.. Nhưng mỗi nước được tự do đưa ra những chọn lựa mà họ thấy là thích hợp. Tôi không thể biết những lý do của các chọn lựa ấy.. Đúng là liên hiệp Âu Châu có nguy cơ bị tan rã, đó là sự thực. Chúng ta phải suy nghĩ về điều đó. Vấn đề mà Âu Châu đang gặp, từ Đại tây dương đến rặng Ural, là vấn đề di dân nhập cư, nhưng chúng ta đừng quên rằng Âu Châu được hình thành nhờ những người di dân. Đó là vấn đề ta phải nghiên cứu, tuy tôn trọng các ý kiến, nhưng ta phải khởi sự một cuộc thảo luận chính trị đúng nghĩa”.

 Di dân và tị nạn

 Về những người tị nạn, một ký giả Đức cho rằng có lẽ ”ĐTC nói lộn khi dùng thành ngữ ”các trại tập trung”, nhưng ngài đáp: ”Tôi đã nói về những nước quảng đại hơn ở Âu Châu, như Italia và Hy Lạp. Về nước Đức, tôi vẫn luôn ngưỡng mộ khả năng của nước này trong việc hội nhập những người di dân. Khi tôi du học ở Đức, tôi thấy có bao nhiêu người Thổ Nhĩ Kỳ đã hội nhập ở thành phố Frankfurt. Nhưng việc tôi dùng thành ngữ ”các trại tập trung” để gọi các trại tị nạn, đó không phải là tôi nói lộn. Có thể có trại nào đó ở Italia, và có lẽ tại các nơi khác. Tôi nghĩ rằng điều gì xảy ra ở Bắc Âu khi những người di dân muốn vượt biển để sang Anh quốc và họ bị nhốt trong các trại ấy.”

 ĐTC kể lại một giai thoại: ”Ở đảo Sicilia, nam Italia, trong một làng nhỏ, có một trại tị nạn. Các vị đặc trách trại nói với họ: ”Ở trong này không có lợi cho sức khỏe tâm trí của các anh chị. Chúng tôi không thể mở cổng, nhưng chúng tôi làm một lỗ sau trại, các anh chị chui ra qua ngả đó, và đi dạo trong làng..?” Và thế là những quan hệ tốt đã được kiến tạo với dân chúng ở cái làng nhỏ ấy: những người di dân không gây ra những hành động phạm pháp, bất lương. Nhưng họ bị nhốt trong trại”.

 Công giáo và Copte nhìn nhận bí tích rửa tội của nhau

 Trả lời một câu hỏi khác về tuyên ngôn chung giữa ngài và Đức Thượng Phụ Tawadros II của Chính Thống Copte, trong đó có đoạn 11 xác định bí tích rửa tội duy nhất và không cần phải rửa tội lại khi một tín hữu Chính Thống Copte hoặc Công Giáo chuyển Giáo Hội, ĐTC nói: ”Sự duy nhất của bí tích rửa tội tiếp tục được tiến hành; lỗi ở đây là chuyện lịch sử. Trong các công đồng đầu tiên đó là điều rõ ràng, nhưng rồi các tín hữu Kitô rửa tội cho các trẻ em tại các đền thánh, và khi họ muốn kết hôn với nhau, thì người ta rửa tội lại với điều kiện. Chính phía Công Giáo chúng ta bắt đầu điều này chứ không phải phía Chính Thống. Chúng ta đang ở trên con đường đúng để khắc phục điều đó”.

 ĐTC gọi Đức Thượng Phụ Tawadros là ”một vĩ nhân của Thiên Chúa”, một vị ”đại thượng phụ” và là một người rất quyết liệt trong việc tìm kiếm một ngày chung để các tín hữu Kitô cử hành lễ Phục Sinh.

 ĐTC cũng nhắc lại rằng việc công nhận bí tích rửa tội chung cũng là điều đã diễn ra giữa Giáo Hội Công Giáo và Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga. Ngài cũng ca ngợi quan hệ tốt đẹp với Đức Thượng Phụ giáo chủ Kirill và Đức TGM Hilarion, Chủ tịch Hội đồng ngoại vụ của tòa Thượng Phụ Chính Thống Mascơva.

 Tổng thống Putin

 Và trả lời câu hỏi về lời tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin liên quan đến vấn đề bảo vệ cac tín hữu Kitô ở Trung Đông, ĐTC nói: ”Nếu Nhà nước Nga nói về việc bảo vệ các tín hữu Kitô ở Trung Đông, tôi nghĩ rằng đó là điều tốt: nói chống lại sự bách hại các tín hữu Kitô. Ngày nay có nhiều vị tử đạo hơn là trong quá khứ” (Tổng hợp 30-4-2017)

 

Exit mobile version