Đức Thánh cha giải thích ý nghĩa của Tam Nhật Vượt Qua

109
Sáng thứ Tư, 31/03/2021, trong bài giáo lý hàng tuần, Đức Thánh cha Phanxicô đã có bài suy tư và giải thích ý nghĩa của Tam Nhật Vượt Qua, giúp các tín hữu tham dự các nghi thức phụng vụ trong những ngày này thêm lòng sốt sắng.

Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!

Hòa trong bầu khí thiêng liêng của Tuần Thánh, chúng ta đang sống một ngày trước Tam nhật Vượt qua. Bắt đầu từ ngày mai cho đến Chúa nhật, chúng ta sẽ sống những ngày chính yếu của năm phụng vụ, bằng việc cử hành mầu nhiệm Thương khó, Tử nạn và Phục sinh của Chúa. Và chúng ta sống mầu nhiệm này mỗi khi chúng ta cử thành Bí tích Thánh Thể. Khi chúng ta đến với Thánh lễ, chúng ta không chỉ đến để cầu nguyện. Không phải! Chúng ta đến để canh tân, để làm tái sinh mầu nhiệm này, mầu nhiệm vượt qua. Đây là điều quan trọng, anh chị em đừng quên. Và  như thể chúng ta đang lên đồi Canvê, – tương tự như vậy – để đổi mới, để tái diễn mầu nhiệm vượt qua.

Vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, bước vào Tam nhật Vượt qua, chúng ta sẽ tưởng niệm lại bữa Tiệc Thánh, được biết như bữa tiệc của Chúa [Coena Domini], đó là, Thánh lễ mà qua đó chúng ta tưởng niệm Bữa Tiệc Ly, những gì đang xảy ra ở đó, trong khoảnh khắc đó. Đó là buổi chiều mà Chúa Kitô đã để lại cho các môn đệ bằng chứng tình yêu của Ngài nơi Bí tích Thánh Thể, nhưng nó không như một kỷ niệm, mà là tưởng niệm, như sự hiện diện vĩnh viễn của Ngài. Mỗi khi cử hành Bí tích Thánh Thể này, như tôi đã nói lúc đầu, mầu nhiệm cứu chuộc này được đổi mới. Trong Bí tích, Chúa Giêsu đã thay thế vật hiến tế – con chiên vượt qua – bằng chính bản thân mình: Mình và Máu Người đổ ra đem lại cho chúng ta ơn cứu rỗi khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. Ơn cứu rỗi khỏi mọi ách nô lệ tội lỗi và sự chết là ở đó, chính là buổi chiều Chúa đòi hỏi chúng ta phải yêu thương nhau, bằng cách trở thành tôi tớ của nhau, giống như Chúa đã làm khi rửa chân cho các môn đệ. Một hành động báo trước sự vâng phục đẫm máu trên thập giá. Quả thực, người Thầy và là Chúa sẽ chết vào ngày hôm sau không chỉ để thanh tẩy bàn chân nhưng là thanh tẩy mọi con tim và trọn vẹn cuộc sống của các môn đệ của Ngài. Đó là một sự vâng phục để phục vụ cho tất cả chúng ta, bởi vì với sự phục vụ hy sinh đó Chúa đã cứu chuộc tất cả chúng ta.

Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày sám hối, ăn chay và cầu nguyện. Qua các bản văn Thánh Kinh và các lời nguyện phụng vụ, chúng ta như được tụ họp lại trên đồi Canvê để tưởng niệm sự Thương khó và cái Chết cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô. Trong nghi thức phụng vụ, thập giá sẽ được giơ cao để chúng ta tôn kính. Khi tôn kính thánh giá, sẽ làm sống lại nơi chúng ta hành trình của con chiên vô tội được hiến tế để cứu rỗi chúng ta. Chúng ta sẽ mang trong lòng trí mình những đau khổ của những người đau yếu, nghèo hèn, những người bị loại bỏ trên thế giới này; Chúng ta sẽ nhớ đến “những con chiên bị hiến tế”, là các nạn nhân vô tội trong chiến tranh, của các chế độ độc tài, của bạo lực hằng ngày, của phá thai…

Đứng trước tượng ảnh của vị Thiên Chúa bị đóng đinh, chúng ta sẽ mang theo, trong lời cầu nguyện, rất nhiều người bị đóng đinh của thời nay, những người mà chỉ nhờ Ngài họ mới có thể nhận được sự an ủi và ý nghĩa đau khổ của họ. Ngày nay có rất nhiều người như vậy: chúng ta đừng quên những người bị đóng đinh của thời đại này, họ là hình ảnh của Chúa Giêsu chịu đóng đinh, Chúa Giêsu ở nơi họ.

Từ khi Chúa Giêsu mang trên mình những vết thương và chính sự chết của nhân loại, tình yêu của Thiên Chúa đã tưới gội lên những hoang mạc này của chúng ta, đã chiếu sáng bóng tối của đời sống chúng ta. Bởi vì thế giới đang chìm trong bóng tối. Chúng ta hãy liệt kê một danh sách về các cuộc chiến đang diễn ra trong thời điểm này; về các trẻ em chết vì đói; các trẻ không được đến trường; về toàn thể các dân tộc bị tàn phá bởi chiến tranh, khủng bố. Rất nhiều và rất nhiều người trong đó, chỉ để cảm thấy ổn hơn một chút đã chạy đến với ma túy, đến với ngành công nghiệp giết người. Đó là thảm họa, là sa mạc! Có những “hòn đảo” nhỏ trong dân Chúa, có cả người kitô hữu và cả những người có niềm tin khác, luôn giữ trong lòng ước muốn được nên tốt hơn.

Nhưng chúng ta hãy nói sự thật: nơi đồi Canvê chết chóc này Chúa Giêsu là Đấng đau khổ nơi các môn đệ của mình. Trong suốt sứ vụ của Ngài, Con của Thiên Chúa đã gieo vãi sự sống qua đôi tay, bằng cách chữa lành, tha thứ, làm cho sống lại…. Giờ đây, trong giờ phút hy sinh cao cả trên thập giá, Chúa đã hoàn thành công việc Chúa Cha trao phó cho mình: Ngài bước vào vực thẳm của đau khổ, vào những điều bất hạnh của thế giới này, để cứu chuộc và biến đổi. Và cũng là để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của bóng đêm, kiêu ngạo, khỏi sự kháng cự không để mình được Thiên Chúa yêu thương. Điều này chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới có thể làm được. Từ những vết thương của Ngài chúng ta được chữa lành (x 1Pr 2,24), như thánh Phêrô đã nói, nhờ cái chết của Ngài tất cả chúng ta được tái sinh. Và nhờ Ngài, Đấng bị bỏ rơi trên thập giá, mà không còn ai cô đơn trong bóng đêm của sự chết nữa. Không bao giờ, Chúa luôn ở cạnh chúng ta: chỉ cần mở rộng tâm hồn mình và hãy để cho Chúa nhìn đến là được.

Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày của sự im lặng: một sự im lặng phủ trên khắp mặt đất; một sự im lặng được các môn đệ sống trong nước mắt và hoang mang, bàng hoàng trước cái chết đầy ô nhục của Chúa Giêsu. Trong khi Ngôi lời lặng câm, trong khi Sự sống bị chôn vùi trong huyệt mộ, tất cả những ai đặt niềm hy vọng vào Ngài đều bị đặt vào thử thách đầy cam go, họ cảm thấy mình như kẻ mồ côi, thậm chí bị Chúa cho mồ côi.

Ngày thứ bảy này cũng là ngày của Đức Maria: ngay cả Mẹ cũng sống ngày này trong nước mắt, nhưng tâm hồn Mẹ đầy tràn niềm tin, hy vọng và yêu thương. Mẹ của Chúa Giêsu đã bước theo Con của mình trên con đường đau khổ và đã ở lại dưới chân thánh giá, với trái tim bị đâm thâu. Nhưng khi mọi sự dường như đã kết thúc, Mẹ tỉnh thức, tỉnh thức trong sự chờ đợi bằng cách giữ niềm hy vọng vào lời Chúa hứa, vào Đấng làm cho kẻ chết sống lại. Và như thế, trong giờ khắc tăm tối nhất của thế giới, Mẹ đã trở thành Mẹ của những kẻ tin, Mẹ của Giáo hội và là dấu chỉ của niềm hy vọng. Chứng từ của Mẹ và sự cầu bầu của Mẹ nâng đỡ chúng ta khi ách của thập giá trở nên quá nặng nề đối với mỗi người chúng ta.

Trong bóng đêm của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, niềm vui và ánh sáng sẽ bừng lên với các nghi thức của đêm vọng Phục sinh, vào đêm muộn, và bài ca mừng vui Alleluia. Đó sẽ là một cuộc gặp gỡ trong niềm tin với Chúa Kitô Phục sinh, và niềm vui phục sinh sẽ được kéo dài trong 50 ngày tiếp theo, cho đến lễ Hiện Xuống. Đấng bị đóng đinh trên thánh giá đã sống lại. Tất cả mọi thắc mắc và bất an, do dự và sợ hãi đều bị phá tan bởi sự mạc khải này. Đấng Phục sinh đem đến cho chúng ta điều chắc chắn rằng: sự thiện luôn vượt thắng cái ác, sự sống luôn chiến thắng sự chết và mục đích cuối cùng của chúng ta không gia giảm thấp hơn, từ nỗi buồn đến nỗi buồn, mà là vươn lên cao. Đấng sống lại chính là sự xác nhận rằng Chúa Giêsu luôn đúng trong mọi sự: trong việc hứa ban cho chúng ta sự sống vượt trên sự chết và sự tha thứ vượt trên tội lỗi. Các môn đệ nghi ngờ, họ đã không tin. Nhưng người đầu tiên nhìn thấy và đã tin là bà Maria Mađalêna, bà là môn đệ của sự phục sinh, đã kể rằng bà đã nhìn thấy Chúa Giêsu, và Ngài đã gọi tên bà. Rồi sau đó, tất cả các môn đệ đều nhìn thấy Chúa.

Nhưng tôi muốn khẳng định điều này là : các lính canh, binh sĩ, những người đã canh mộ không để các môn đệ đến lấy xác, đã nhìn thấy Chúa: họ đã nhìn thấy Ngài sống và đã sống lại. Những kẻ thù địch cũng đã thấy Ngài, và rồi họ giả vờ như không thấy. Tại sao? Bởi vì họ đã được trả tiền. Đó là mầu nhiệm đích thực của điều mà có lần Chúa Giêsu đã nói: “có hai ông chủ của thế gian, hai, không hơn không kém. Thiên Chúa và tiền bạc. Kẻ nào phục vụ cho tiền bạc thì chống lại Thiên Chúa”. Ở đây tiền bạc đã làm thay đổi thực tại. Họ đã gặp gỡ điều kỳ diệu của sự sống lại, nhưng họ được trả tiền để im lặng. Chúng ta hãy nghĩ đến nhiều anh chị em kitô hữu đã được trả tiền để không công nhận thực tại phục sinh của Chúa Kitô, và không thực thi những gì Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta, với tư cách là một Kitô hữu.

Anh chị em thân mến,

Năm nay chúng ta cũng sẽ trải qua các cử hành lễ phục sinh trong bối cảnh đại dịch. Trong rất nhiều hoàn cảnh đau thương, đặc biệt là khi con người, gia đình và các cộng đồng bị thử thách bởi nghèo đói, tai ương hoặc xung đột, Thập giá của Chúa Kitô như ngọn hải đăng chỉ bến cảng cho những con tàu vẫn còn đang lênh đênh trên biển trong bão tố. Thập giá của Chúa Kitô là dấu chỉ cho niềm hy vọng chứ không làm thất vọng; và Thập giá cũng cho chúng ta biết rằng không một giọt nước mắt nào, thậm chí không một tiếng kêu rên nào mà không nằm trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn biết phục vụ Ngài và nhận biết Ngài, đừng để mình được trả tiền để quên rồi mất Ngài.

 

Tác giả bài viết: Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ