Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Lá tại Quảng trường Thánh Phêrô

55

Đức Thánh Cha chủ sự Lễ Lá tại Quảng trường Thánh Phêrô

VATICAN. Lúc 9 giờ rưỡi sáng chúa nhật 1-4-2012, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự nghi thức làm phép lá, rước lá và thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, trước sự tham dự của hơn 60 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô dưới bầu trời thoạt đầu bị mây phủ nhưng rồi trở thành nắng đẹp.

Nghi thức làm phép lá diễn ra tại chân cây Tháp Bút ở giữa quảng trường. Theo một truyền thống từ nhiều năm nay, Hợp Tác xã Dự Án 2000 cùng với Phòng thương mại thành Bari cùng với miền Puglia ở miền nam Italia đã đảm trách phần trang trí hoa tại Quảng trường. Theo văn hóa vùng Địa trung hải, đặc biệt là đối với nông dân miền Puglia, Ôliu là cây được yêu mến và tôn trọng, và cũng là một biểu tượng hòa bình được mọi người công nhận. Các cơ quan nói trên đã cung cấp 200 ngàn ngành Ôliu cho các tín hữu và các Hồng y tham dự lễ lá. Ngoài ra họ cũng bố trí 13 cây ôliu cổ thụ hàng trăm năm cạnh cây tháp bút.

Sau khi ĐTC làm phép lá, đoàn rước đã tiến lên bàn thờ đặt tại thềm Đền thờ Thánh Phêrô: đi đầu là thánh giá nến cao và 300 đại biểu của giới trẻ các nước, vì hôm qua cũng là Ngày Quốc Tế giới trẻ, tiếp đến là 150 linh mục và phó tế cũng là những vị đảm trách phần phân phát Mình Thánh Chúa trong phần hiệp lễ; rồi đến hơn 30 GM và gần 40 Hồng Y. Tất cả đều cầm các ngành lá ôliu hoặc lá dừa, tạo nên quang cảnh gây ấn tượng mạnh. Đi hai bên ĐTC là hai vị Hồng Y phó tế: ĐHY Cocopalmerio, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật và ĐHY Antonio Vegliò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ di dân và người lưu động. ĐTC cầm ngành lá dừa màu vàng được kết một cách nghệ thuật. Trong khi đó, ca đoàn Sistina hát bài ”Các trẻ em Do thái cầm những ngành Ôliu đi đón rước Chúa”

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng sau bài thương khó được 3 phó tế tuyên đọc với sự phụ họa của ca đoàn, ĐTC đã diễn giải ý nghĩa việc dân chúng đón tiếp Chúa Giêsu vào thành Jerusalem và mời gọi các tín hữu cũng hãy có tâm tình hân hoan đón tiếp Chúa như thế hằng ngày trong cuộc sống của mình. ĐTC nói:

”Chúa nhật lễ lá là chiếc cổng lớn dẫn chúng ta vào Tuần Thánh, tuần lễ trong đó Chúa Giêsu đến gần tột đỉnh cuộc sống trần thế của Ngài. Chúa lên Jerusalem để hoàn tất Kinh Thánh và để bị treo trên cây khổ giá, là ngai tòa từ đó Ngài sẽ hiển trị mãi mãi, lôi kéo nhân loại trong mọi thời đại đến cùng Ngài và trao tặng mọi người hồng ân cứu chuộc. Qua các Tin Mừng, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đi lên Jerusalem cùng với 12 Tông Đồ, và dần dần có thêm đoàn ngũ những người lữ hành ngày càng đông đảo. Thánh Marcô kể lại rằng ngay từ lúc Chúa Giêsu khởi hành từ thành Giêricô đã có một đám đông theo Ngài (Xc 10,46).

Trong đoạn đường cuối cùng của cuộc hành trình, người ta thấy xảy ra một biến cố đặc biệt, gia tăng sự mong đợi những gì sắp xảy ra và tập trung sự chú ý của mọi người vào Chúa Giêsu. Dọc đường, vừa khi ra khỏi thành Giêricô, có một người mù ngồi ăn xin, tên là Bartimeo. Vừa khi nghe nói Đức Giêsu Nazareth đang tới, anh ta bắt đầu kêu: ”Lạy Đức Giêsu, Con Vua Davit, xin thương xót con!” (Mc 10,47). Người ta tìm cách làm cho anh ta im tiếng, nhưng vô ích; cho đến khi Chúa Giêsu bảo gọi anh ta đến và mời anh đến gần Ngài. Ngài nói: ”Anh muốn tôi làm gì cho anh?”. Anh đáp: ”Lạy Thày, xin cho con được thấy!” (c.51). Chúa Giêsu đáp: ”Anh hãy đi, đức tin của anh đã cứu anh”. Bartimeo được khỏi mù và bắt đầu đi theo Chúa Giêsu (Xc c. 52). Và thế là, sau phép lạ ấy, kèm theo lời kêu cầu ”Lạy Con Vua Đavít”, một làn gió hy vọng Đấng Cứu Thế thổi qua đám đông khiến cho nhiều người đặt câu hỏi: Ông Giêsu kia, đang tiến bước đằng trước hướng về Jerusalem, có phải là Đấng Messia, là Vua Đavít mới hay không? Người sắp đến gần thành thánh, phải chăng đã đến lúc Thiên Chúa tái lập vương quyền của Đavít?
Cả việc chuẩn bị vào thành Jerusalem mà Chúa Giêsu cùng với các môn đệ của Ngài thực hiện, cũng gia tăng niềm hy vọng ấy. Như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng hôm nay (Xc Mc 11,1-10), Chúa Giêsu từ Betfage và từ Núi Cây Dầu đến Jerusalem, nghĩa là theo con đường mà Đấng Messia sẽ phải đi qua. Từ nơi đó Chúa sai hai môn đệ đi trước, dặn họ mang về cho Ngài con lừa con, mà họ gặp trên đường. Và quả thực họ đã tìm thấy con lừa con, họ cởi nó và dẫn về cho Ngài. Bấy giờ, tâm hồn các môn đệ và cả các những người hành hương khác rất phấn khởi: họ lấy áo choàng đặt trên con lừa con; những người khác trải áo trên đường trước Chúa Giêsu để Ngài đi qua. Rồi họ cắt những nhánh cây và bắt đầu hô lên những lời của thánh vịnh 118, những lời chúc tụng xưa kia của các tín hữu hành hương, trong bối cảnh đó, trở thành một lời tuyên xưng Đấng Cứu Thế: ”Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Chúc tụng Nước của Ngài đang đến, của Đavít tổ tiên chúng tôi! Tung hô trên các tầng trời!” (c.9-10). Lời tung hô hân hoan này được tất cả 4 Phúc Âm truyền lại, là một tiếng kêu chúc tụng, một thánh ca hân hoan: nó diễn tả xác tín đồng thanh rằng nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã viếng thăm Dân Ngài và Đức Messia nay đã đến. Và tất cả những người ở đó, càng gia tăng mong đợi những gì Chúa Kitô sẽ thực hiện sau khi vào thành của Ngài.

ĐTC đặt câu hỏi: ”Nhưng đâu là nội dung, là âm vang sâu xa nhất của tiếng kêu vui mừng ấy? Câu trả lời được toàn Kinh Thánh gửi đến chúng ta, Kinh Thánh nhắc chúng ta rằng Đức Messia hoàn tất lời hứa phúc lành của Thiên Chúa, lời hứa nguyên thủy mà Thiên Chúa đã nói với Abraham, tổ phụ của mọi tín hữu: ”Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân đông đúc và sẽ chúc phúc cho ngươi .. và nơi ngươi, tất cả các gia đình trên trái đất cũng được chúc phúc” (St 12,2-3). Đó là lời hứa mà Israel vẫn luôn giữ cho sinh động trong kinh nguyện, đặc biệt là trong kinh nguyện thánh vịnh. Vì thế, Đấng được đám đông dân chúng tung hô như vị được chúc phúc, đồng thời cũng là vị mà nơi Ngài toàn thể gia đình nhân loại được chúc phúc. Như thế, trong ánh sáng của Chúa Kitô, nhân loại nhìn nhận mình được liên kết sâu đậm với nhau và như thể được tấm áo choàng phúc lành của Chúa bao phủ, một phúc lành thấm nhiễm, nâng đỡ, cứu chuộc và thánh hóa mọi sự.

”Chúng ta có thể khám phá nơi đây sứ điệp cao trọng đầu tiên, được đại lễ này chuyển đến chúng ta: đó là lời mời gọi có một cái nhìn đúng đắn về toàn thể nhân loại, về các dân tộc họp thành thế giới, về những nền văn hóa và văn minh khác nhau. Cái nhìn mà tín hữu nhận được từ Chúa Kitô là cái nhìn mang phúc lành: một cái nhìn khôn ngoan và yêu thương, có khả năng đón nhận vẻ đẹp của thế giới và cảm thông sự mong manh của thế giới. Trong cái nhìn ấy có bộc lộ cái nhìn của chính Thiên Chúa đối với con người mà Thiên Chúa yêu thương và về công trình sáng tạo do tay Chúa thực hiện. (…)

Tiếp tục bài giảng trong lễ lá, Chúa nhật hôm qua, ĐTC nói:

”Chúng ta hãy trở lại trang Phúc Âm hôm nay và tự hỏi: ”Đâu là điều thực sự ở trong tâm hồn những người tung hô Đức Kitô như Vua của Israel? Chắc chắn là họ có quan niệm về Đức Messia, có một ý tưởng về cách thức hành động của vị Vua được các ngôn sứ loan báo và mong đợi.

”Không phải tình cờ mà vài ngày sau đó, đám đông ở Jerusalem thay vì tung hô Chúa Giêsu, họ gào lên Philatô: ”Đóng đinh nó vào thập giá!” và chính các môn đệ, cũng như những người khác đã từng thấy và nghe Ngài, im lặng và hoang mang. Thực vậy, phần lớn cảm thấy thất vọng vì cách thức Chúa Giêsu tự biểu lộ Đức Messia và Vua Israel. Đó chính là cái mấu chốt của ngày lễ hôm nay, cũng như đối với chúng ta. Đức Giêsu thành Nazareth là ai đối với chúng ta? Chúng ta có ý tưởng gì về Đức Messia, chúng ta nghĩ gì về Thiên Chúa? Đây là một vấn đề chủ yếu mà chúng ta không thể tránh né, nhất là vì chính trong tuần này chúng ta được mời gọi theo Chúa, Vua của chúng ta, Đấng đã chọn ngai tòa là thập giá; chúng ta được kêu gọi theo Đức Messia không đảm bảo một hạnh phúc trần thế dễ dàng, nhưng là hạnh phúc trên trời, hạnh phúc của Thiên Chúa. Vậy chúng ta phải tự hỏi: đâu là những mong đợi đích thực của chúng ta? đâu là những ước muốn sâu xa nhất, mà chúng ta đến đây để cử hành Chúa nhật lễ lá và bắt đầu Tuần Thánh.

Đến đây ĐTC nói với các bạn trẻ:
”Các bạn trẻ thân mến đang tụ họp nơi đây. Đây là Ngày đặc biệt của các bạn, ở mọi nơi trên thế giới có Giáo hội hiện diện. Vì thế tôi rất thân ái chào thăm các bạn! Ước gì Chúa nhật lễ lá là một ngày quyết định đối với các bạn, quyết định đón nhận Chúa và tận tình theo Chúa, quyết định biến cuộc Vượt qua, cái chết và sự sống lại của Chúa thành ý nghĩa cuộc sống của các bạn. Đó là một quyết định mang lại niềm vui đích thực, như tôi đã muốn nhắc nhở trong sứ điệp gửi giới trẻ nhân ngày này: ”Anh chị em hãy luôn vui tươi trong Chúa” (Pl 4,4), như đã xảy ra với thánh nữ Clara thành Assisi, cách đây 800 năm, đã được gương thánh Phanxicô và các bạn đầu tiên của Người thu hút, chính vào Chúa Nhật lễ lá. Clara đã rời bỏ nhà cha mẹ để hoàn toàn dâng mình cho Chúa lúc mới được 18 tuổi và đã can đảm tin yêu, quyết định theo Chúa, tìm thấy nơi Chúa niềm vui và an bình.

Và ĐTC kết luận rằng:
”Anh chị em thân mến, có hai tâm tình đặc biệt trong ngày này, đó là chúc tụng, như những người đã đón tiếp Chúa Giêsu tại Jerusalem với những lời tung hô của họ, và tạ ơn, vì trong tuần thánh này, Chúa Giêsu lập lại món quà lớn nhất ta có thể tưởng tượng: Ngài ban sự sống, mình và máu Ngài cho chúng ta, tình yêu của Ngài. Nhưng chúng ta phải đáp lại hồng ân cao cả ấy một cách thích hợp, nghĩa là hiến dâng chính bản thân chúng ta, thời gian, kinh nguyện, lòng hiệp thông yêu thương sâu đậm với Chúa Kitô Đấng chịu đau khổ, chết và sống lại cho chúng ta.
Các Giáo Phụ xưa kia đã thấy một biểu tượng của tất cả những điều trên đây qua cử chỉ dân chúng theo Chúa vào thành Jerusalem, cử chỉ trải áo choàng trước Chúa. Các Giáo Phụ nói: Trước Chúa Kitô, chúng ta phải trải cuộc sống chúng ta, con người chúng ta, trong thái độ biết ơn và thờ lạy. Tóm lại, chúng ta hãy nghe lại tiếng nói của một trong các giáo phụ xưa, là thánh Anrê GM đở ảo Creta: ”Vậy chúng ta hãy khiêm tôn trải chính chúng ta trước Chúa Kitô, thay vì những chiếc áo chùng hoặc những cành cây bất động, và những lá cây xanh, chỉ làm vui mắt trong vài giờ và mất đi, vẻ xanh tươi cùng với nhựa sống của nó. Chúng ta hãy trải chính mình, được mặc ân phúc, hay đúng hơn là được mặc bằng chính Chúa… Hãy phủ phục dưới chân Chúa như chiếc áo chùng được trải thẳng ra để có thể mang lại cho Đấng chiến thắng sự chết không phải chỉ những cành cây dừa, nhưng là những thành tích chiến thắng. Cả chúng ta hằng ngày cũng hãy vẫy những cành cây tinh thần của linh hồn, cùng với các trẻ em, tung hô rằng: ”Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến là Vua của Israel” (PG 97, 994). Amen

Cuối thánh lễ, trước khi đọc kinh Truyền tin, ĐTC đã chào thăm các tín hữu, nhất là phái đoàn giới trẻ từ Madrid, do ĐHY Antonio Rouco Varela hướng dẫn, và phái đoàn giới trẻ ở Rio de Janeiro, Brazil, nơi sẽ diễn ra Ngày Quốc Tế giới trẻ năm tới, do Đức TGM Tempesta và Ông Thị trưởng Rio hướng dẫn. Ngài không quên chào thăm các tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Ba Lan, Ý, trước khi ban phép lành cho các tín hữu

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC còn dùng xe mui trần tiến qua các lối đi ở quảng trường để chào mọi người. Bấy giờ là 12 giờ 15 phút trưa.

G. Trần Đức Anh OP

RadioVatican