Dưới đây là bài chia sẻ của Đức Thánh Cha trong buổi cử hành kinh chiều này.
Hôm nay khởi đầu tuần lễ cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô hữu. Trong tuần này chúng ta được mời gọi khẩn xin ơn huệ lớn lao này từ Thiên Chúa. Hiệp nhất kitô hữu là hoa quả của ân sủng Chúa và mỗi người chúng ta cần phải biết chuẩn bị để đón nhận nó với lòng quảng đại và sẵn sàng. Cách đặc biệt, chiều nay tôi hết sức vui sướng khi cùng cầu nguyện với các đại diện của các Giáo hội đang hiện diện tại Rôma và họ tôi xin gửi đến họ lời chào chân thành và huynh đệ. Tôi cũng chào mừng đến các phái đoàn đại kết từ Phần Lan, các sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, đang viếng thăm Rôma để đào sâu sự nhận biết của họ về Giáo hội Công giáo, và các bạn Chính thống và Chính thống Đông phương, đang học tập ở đây với sự tài trợ của Ủy ban Hợp tác Văn hóa với các Giáo hội Đông phương, đang làm việc cho Hội Đồng Giáo Hoàng về Thăng Tiến Sự Hiệp Nhất Kitô Giáo.
Sách Đệ Nhị Luật cho rằng dân tộc Israel đóng trại ở vùng đồng bằng Moab, ngay điểm tiến vào miền đất mà Thiên Chúa đã hứa cho họ. Ở đây, Môsê như người cha ân cần, chu đáo và như vị thủ lãnh được Thiên Chúa chỉ định, nhắc lại Lề luật cho dân, giáo dục họ và nhắc nhở họ phải sống trung thành và công bình một khi được định cư trong đất hứa.
Đoạn văn chúng ta vừa nghe cho biết những chỉ dẫn về việc cử hành ba ngày lễ chính trong năm : lễ Vượt Qua, Ngũ Tuần và Lễ Lều. Một trong những ngày lễ này kêu gọi dân Israel hãy biết ơn Thiên Chúa vì những thiện hảo mà họ đã nhận được từ nơi Ngài. Cử hành ngày lễ này đòi hỏi có sự tham dự của mọi người. Không ai có thể bị loại trừ : “anh (em) sẽ vui mừng trước nhan ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), cùng với con trai con gái, tôi tớ nam nữ, với thầy Lê-vi ở trong các thành của anh (em), với ngoại kiều và cô nhi quả phụ sống giữa anh (em)” (Đnl 16,11). Vì mỗi cuộc lễ, đòi hỏi phải thực hiện một cuộc hành hương “vào nơi Thiên Chúa chọn cho danh Người ngự” (c.2). Ở đó, lòng trung thành của dân Israel phải được đặt trước mặt Thiên Chúa. Dù cho họ đã từng là nô lệ ở đất Ai cập, không có gì sở hữu cho mình, “không ai đến trình diện trước Chúa bằng tay không” (c.16), và lễ vật của mọi người sẽ tương xứng với phúc lành mà Thiên Chúa đã trao ban cho họ. Vì thế, dân tộc Israel sẽ nhận phần cho mình là một đất nước phồn thịnh và họ sẽ hưởng lợi từ lòng từ bi của Thiên Chúa.
Không có gì khiến chúng ta phải ngạc nhiên khi bản văn Kinh thánh chuyển từ việc cử hành ba ngày lễ chính sang việc bổ nhiệm các thẩm phán. Chính các ngày lễ khích lệ người dân sống công bình, nhắc đến sự bình đẳng căn bản giữa tất cả mọi thành viên, tất cả đều phụ thuộc như nhau vào lòng thương xót của Chúa, và mời gọi mọi người biết chia sẻ cho nhau những của cải đã nhận được. Đem lại danh dự và vinh quang cho Thiên Chúa ở các ngày lễ trong năm đi đôi với việc đem lại danh dự và công bình cho người thân cận của mình, nhất là cho người yếu đuối và túng thiếu.
Các tín hữu Indonesia, khi suy nghĩ về việc chọn chủ đề cho tuần lễ cầu nguyện này, họ đã quyết định lấy cảm hứng từ những lời trong sách Đệ Nhị Luật : “Anh em hãy theo đuổi sự công chính, và chỉ sự công chính mà thôi” (16,20). Đó là sống lại mối quan tâm đến việc phát triển kinh tế trong đất nước của họ, được kích hoạt bằng não trạng cạnh tranh, khiến cho nhiều người rơi vào cảnh nghèo đói và cho phép một số ít người trở nên vô cùng giàu có. Điều đó gây nguy hiểm cho sự hòa hợp của một xã hội mà nơi đó những người thuộc các sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau đang sống cùng nhau, đang cùng chia sẻ ý thức trách nhiệm lẫn nhau. Điều này không chỉ có Indonesia, mà ta còn gặp thấy tình trạng này trên toàn thế giới nữa.
Khi xã hội không còn nền tảng cơ bản của tình liên đới và lợi ích chung nữa, chúng ta chứng kiến sự nhục nhã của những người sống trong cảnh nghèo khổ bên cạnh những tòa nhà chọc trời, những khách sạn đầy tiện nghi và những trung tâm thương mại sang trọng, những biểu tượng của sự giàu có đáng nể. Chúng ta quên mất sự khôn ngoan của luật Môsê, theo đó, nếu sự giàu có không được chia sẻ thì xã hội sẽ bị chia rẽ. Thánh Phaolô khi viết cho các tín hữu Rôma, đã áp dụng chính logic này cho cộng đoàn tín hữu : những người vững mạnh phải quan tâm đến những người yếu đuối. Kitô hữu không phải là người “chiều theo sở thích của mình” (Rm 15,1)
Thật vậy, theo gương Chúa Kitô, chúng ta phải cố gắng xây dựng cho những người yếu đuối. Liên đới và chia sẻ trách nhiệm chung phải là lề luật chi phối gia đình kitô hữu.
Cũng như dân thánh của Chúa, chúng ta luôn ở điểm tiến vào Nước Chúa, nơi Ngài đã hứa cho chúng ta. Nhưng, khi bị chia rẽ, chúng ta cần nhớ lại lời kêu gọi công bình mà Thiên Chúa đã nói với chúng ta.
Ngay cả người tín hữu cũng có nguy cơ để cho não trạng mà dân Israel đã biết đến từ thời xa xưa và từ nhiều dân tộc đã phát triển cho đến ngày nay thắng thế, tức là, trong nổ lực tích lũy của cải, chúng ta quên đi những người yếu đuối và nghèo túng. Quên đi cách dễ dàng sự bình đẳng cơ bản tồn tại giữa chúng ta là : ngay từ đầu tất cả chúng ta là những kẻ nô lệ của tội lỗi và Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta qua Bí tích rửa tội, gọi chúng ta bằng con cái của Ngài. Thật dễ để nghĩ rằng ơn sủng thiêng liêng được ban cho chúng ta là gia tài của chúng ta, là cái thuộc quyền sở hữu của chúng ta. Ngoài ra, cũng có thể những ơn sủng nhận được từ nơi Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên mù lòa trước những món quà được phân chia cho các tín hữu khác.
Thật là một tội nặng khi đánh giá thấp hoặc khinh thường những món quà mà Thiên Chúa đã ban cho người anh em khác, bằng cách nghĩ rằng những người này, cách nào đó, ít được Thiên Chúa ưu đãi. Nếu chúng ta ấp ủ những tư tưởng như vậy, chúng ta để cho chính ơn sủng đã nhận được trở thành đầu mối của sự kiêu ngạo, bất công và chia rẽ. Như vậy làm sao chúng ta có thể vào Nước Chúa được?
Việc thờ phượng phù hợp với Nước Chúa, kiểu thờ phượng mà công bình đòi hỏi, là một ngày lễ bao gồm tất cả mọi người, một ngày lễ mà qua đó những món quà đã nhận lãnh được rộng ban và được chia sẻ.
Để thực hiện được những bước đầu tiên hướng đến miền đất hứa đó là sự hiệp nhất của chúng ta. Trước hết chúng ta phải nhận ra với lòng khiêm tốn, những phúc lành mà chúng ta đã nhận lãnh, không phải do quyền lợi của chúng ta mà là của chúng ta vì món quà đó được ban cho chúng ta để chúng ta chia sẻ với người khác.
Điểm thứ hai đó là, chúng ta phải nhận ra giá trị của ân sủng được ban cho các cộng đoàn kitô hữu khác nữa. Vì thế, chúng ta mong muốn trao gửi những món quà đó đến cho người khác. Một dân tộc kitô giáo được đổi mới và trở nên phong phú từ việc trao đổi những món quà này sẽ là một dân có khả năng tiến bước vững chắc và tự tin trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất.
Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ.
Nguồn tin: Vatican.va: