Đức Mẹ như hoa Hường mầu nhiệm

307

Suy niệm tháng 5 – Đức Mẹ như hoa Hường mầu nhiệm

I. LỊCH SỬ THÁNG HOA

images (3)Vào những thế kỉ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng những cuộc tổ chức gọi là những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân.

Các tín hữu Công giáo trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên. Họ tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.

Có nơi người ta tổ chức các cuộc “Rước xanh”. Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức Mẹ. Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.

Đến thế kỷ 14, linh mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.

Thánh Philipe đệ Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.

Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường kính thánh Clara của các nữ tu Dòng Phanxicô, tháng Đức Mẹ được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.

Năm 1654, cha Nadasi, dòng Tên, xuất bản tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ Chúa Trời.

Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng kính tháng Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ. Trong việc này linh mục Chardon đã có nhiều công. Không những ngài làm cho lòng sốt sắng trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo khác nữa.

Thế kỷ 20 được ghi dấu bởi tiếng nói chính thức của các Đức Thánh Cha.

ĐGH Piô 12, trong Thông điệp “Đấng Trung gian Thiên Chúa”, cho rằng “việc tôn kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ”.

ĐGH Phaolô 6, trong Thông điệp Tháng Năm, số 1 viết: “Tháng Năm là Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để “bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng”. Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ” (Nguồn : saintpaulsg.com).

Tại Việt nam chưa xác định được việc dâng hoa kính Đức Mẹ đã có từ bao giờ. Nhưng đã trở thành truyền thống đáng quí của người Công giáo Việt nam.

II.MARIA BÔNG HOA HƯỜNG MẦU NHIỆM

Vẻ đẹp cao quí của hoa 

Hoa có một vẻ đẹp phi phàm. Trong Phúc âm Chúa Giêsu đã nói đến vẻ đẹp đáng mơ ước của hoa: “Hãy xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salomon, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6, 28-29). Vẻ đẹp của hoa là phi phàm vì con người dù giầu sang, tài ba, thế lực, cũng không thể làm ra được vẻ đẹp đó.

Nếu ngắm nhìn kỹ lưỡng, bông hoa nào cũng có vẻ đẹp riêng rất hấp dẫn. Từ những bông hoa sang trọng lộng lẫy đắt giá đến những bông hoa đồng nội đơn sơ thanh đạm. Từ những bông hoa trưng bày trong những hội chợ danh tiếng đến những bông hoa nở một mình trong hốc đá trên đỉnh núi cao. Từ những loài hoa quí hiếm ngàn năm nở một lần đến những bông hoa nở hằng ngày như hoa mười giờ. Từ những bông hoa có tuổi thọ hiếm có đến những bông hoa sớm nở tối tàn. Từ những loài hoa thanh cao trên đỉnh núi tuyết trắng đến những bông hoa nở trong chốn bùn lầy nước đọng. Càng ở nơi ô trọc hoa càng nổi bật nét đẹp thanh cao. Như hoa sen nở trong bùn lầy mà ca dao diễn tả:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng

Nhụy vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. 

Tất cả các loài hoa đều đẹp. Hoa đẹp vì hoa là tinh hoa của cây cỏ, của thiên nhiên, của đất trời. Chính vì hoa là tinh hoa nên hoa có ý nghĩa cao quí, trở thành biểu tượng của những tâm tình cao đẹp mà người tặng hoa muốn gửi gấm vào trong cánh hoa. Chẳng hạn hoa hồng là biểu tượng của tình yêu và sự trân trọng. Hoa tím chỉ sự thương nhớ, cảm thông trước nỗi buồn. Hoa bất tử chỉ lòng trung tín.vv..

Đức Mẹ bông hoa hường mầu nhiệm 

Khi dâng hoa cho Đức Mẹ trước hết ta muốn tôn vinh Đức Mẹ là vẻ đẹp phi phàm. Đây không nói về vẻ đẹp thể lý. Dù người Do thái rất tự hào về phụ nữ của họ. Những câu chuyện về Sarah và Rebecca trong sách Sáng thế đều nói lên sự tự hào đó. Sarah dù đã cao niên vẫn còn vẻ đẹp cao quí đến nỗi các vua chúa Avimelec và Ai cập đều muốn cưới bà làm vợ. Vì thế khi tị nạn vào các nơi này, Abraham phải nói dối bà là em gái ông, vì sợ người ta giết ông(x. St 12, 10-20; 20, 1-18)).

Hoa hồng là loại hoa có sắc đẹp có hương thơm. Nên Đức Mẹ là bông hoa hường mầu nhiệm sắc tươi thắm hương ngát thơm.

Vẻ đẹp của Đức Mẹ cũng giống như vẻ đẹp của loài hoa. Một vẻ đẹp phi phàm vì là vẻ đẹp của tâm hồn, của các nhân đức.

Vẻ đẹp trổi vượt

Kinh cầu Đức Bà xưng tụng Đức Mẹ là bông hoa hường mầu nhiệm. Vì trong các loài hoa phổ cập mà mọi người năng gặp năng dùng, hoa hồng là thông dụng hơn cả. Vì thế hoa hồng được coi là vua của các hoa.

Nếu hoa hồng là vua loài hoa thì khi xưng tụng Đức Mẹ là bông hoa hường ta có ý nói Đức Mẹ có vẻ đẹp trổi vượt. Điều này không phải vô căn cứ. Vì thiên thần Gabriel chào Đức Mẹ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng”(Lc 1, 28). Tâm hồn đầy ân sủng có một vẻ đẹp vô song đến Thiên Chúa cũng phải say mê. Như thánh nữ Catharina viết: “Lạy BA Ngôi vĩnh cửu, Chúa là Đấng tạo thành, còn con là tạo vật của Chúa: nên nhờ Chúa soi sáng, nơi tạo vật mới mà Chú đã dùng máu của Con Một Chúa để làm ra là con đây. Con nhận thấy Chúa đã mê sắc đẹp của vật Chúa đã làm ra” (Kinh Sách ngày lễ thánh Catharina). Còn bà Êlizabeth thì cất tiếng ca tụng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ”(Lc 1,42). Ân phúc đầy tràn, được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, đó là nét đẹp trổi vượt khiến Đức Mẹ trở thành bông hoa hường mầu nhiệm. Vẻ đẹp đó toát ra từ những mầu nhiệm của Thánh Kinh.

Vẻ đẹp Thánh Kinh 

Trong Cựu Ước có nhiều phụ nữ là hình ảnh của Đức Mẹ như bà Evà, Rebecca, Rachel… Nhưng ở đây ta chỉ nói đến Đức Mẹ trong Tân Ước. Tại số 285 Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Thánh Cha Phanxicô viết:

“Trên thập giá, khi Đức Kitô chịu đau khổ trong thân xác của Người, ở đó xảy ra cuộc gặp gỡ bi thảm giữa tội lỗi của thế gian và lòng thương xót của Thiên Chúa, Người có thể nhìn thấy dưới chân Người sự hiện diện an ủi của Mẹ Người và bạn Người. Ở thời điểm chủ yếu đó, trước khi Người hoàn thành công việc mà Chúa Cha đã trao phó cho Người, Chúa Giêsu thưa cùng Đức Mẹ Maria: “Thưa Bà, đây là con Bà!”. Sau đó, Người nói với người bạn thân yêu của Người: “Này là Mẹ con!” (Ga 19:26-27). Những lời này của Chúa Giêsu ở ngưỡng cửa sự chết trước hết không diễn tả một mối quan tâm từ bi đối với Mẹ Người, nhưng là một công thức của mặc khải tỏ lộ mầu nhiệm của một sứ vụ cứu độ đặc biệt. Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta Mẹ Người như Mẹ của chúng ta. Chỉ sau khi làm thế Chúa Giêsu mới có thể cảm thấy rằng “tất cả mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19:28). Dưới chân Thánh Giá, giờ tối cao của việc tạo dựng mới, Đức Kitô dẫn chúng ta đến cùng Đức Mẹ Maria. Người dẫn chúng ta đến với Mẹ bởi vì Người không muốn chúng ta bước đi mà không có một người Mẹ, và chúng ta đọc trong hình ảnh người Mẹ này tất cả những mầu nhiệm của Tin Mừng”.

Quả vậy, Đức Mẹ hiện diện từ ngày đầu cho đến ngày cuối của Ngôi Lời nhập thể. Đức Mẹ thấp thoáng trong các trang Tin mừng. Chính vì thế mà các mầu nhiệm trong Kinh Mân Côi nói lên tâm tình của Đức Mẹ trong mầu nhiệm cứu độ. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã thêm vào các mầu nhiệm Vui, Thương và Mừng 5 mầu nhiệm Sáng cho đủ vai trò Đức Mẹ trong suốt hành trình dương thế của Chúa Giêsu. Nhờ đó ta đọc được trong hình ảnh Đức Mẹ mọi mầu nhiệm của Tin Mừng.

Vẻ đẹp cứu độ

Nổi bật trong vẻ đẹp Thánh Kinh là vẻ đẹp cứu độ nơi Đức Mẹ. Mầu đỏ của hoa hồng là mầu máu. Đó là giòng máu rỉ ra từ những đau đớn hiệp thông với những đau khổ của Chúa Giêsu. Những vết thương trong lòng. Những giòng máu âm ỉ không ngừng chảy như lời tiên báo của cụ già Simêon: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 35). Thực vậy, đứng dưới chân thánh giá, chứng kiến “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 34), lòng Đức Mẹ đau đớn như bị chính ngọn giáo đâm vào. Và những giòng máu chảy ra từ cạnh sườn mở rộng của Chúa Giêsu làm đỏ cả cánh hoa hường mầu nhiệm nơi Mẹ.

Hoa hồng là vua loài hoa vì không những sắc đẹp mà hương rất thơm. Hương thơm hoa hồng không gay gắt như nhiều loại hoa, nhưng rất dễ chịu và làm tâm hồn khoan khoái. Đó chính là hương thơm nhân đức của Đức Mẹ.

Hương thơm nhân đức

Nói về nhân đức của Đức Mẹ thì không bút nào tả cho xiết. Ta chỉ có thể nêu lên một vài nhân đức trổi vượt thấy được trong Thánh Kinh mà thôi.

Đức Mẹ có niềm tin mãnh liệt. Vì tin mãnh liệt mới có thể chấp nhận lời thiên thần truyền. Đó là điều vượt quá trí tưởng tượng của con người. Nhưng Đức Mẹ tin bởi vì “đối với Thiên Chúa không có gì là không thể được”(Lc 1, 35). Vì thế bà Êlizabeth đã ca tụng Đức Mẹ: “Phúc cho em vì đã tin rằng lời Thiên Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện”(Lc 1, 45). Niềm tin đó càng được chứng nghiệm khi Đức Mẹ đứng dưới chân thánh giá. Đó là lúc đức tin dâng cao tột cùng. Dám tin vào những lúc đau khổ nhất. Dám tin vào lúc khó tin nhất. Khi chung quanh bao nhiêu người chế giễu chê cười: “Nếu nó là Con Thiên Chúa, hãy xuống khỏi thập giá, thì chúng ta sẽ tin”(Mt 27, 42. Mọi người không tin, mọi người chối bỏ. Nhưng Đức Mẹ vẫn tin. Và một lần nữa đứng dưới chân thánh giá, Đức Mẹ lại nói lên tiếng “Xin Vâng” khi tiếp nhận lời trối của Chúa Giêsu nhận nhân loại làm con. Đó là một niềm tin tuyệt đối.

Đức tin mãnh liệt đã chuyển hóa thành hành động. Nên Đức Mẹ yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Và phục vụ anh chị em. Vì tin tưởng nên sống tuyệt đối khiêm nhường. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức nên dâng hiến cả cuộc đời để phục vụ chương trình của Thiên Chúa. Là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Đức Mẹ xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa. Còn hơn thế nữa, Đức Mẹ tự nguyện làm nữ tỳ của loài người khi phục vụ bà Êlizabeth trong thời kỳ bà thai nghén. Yêu thương con người nên Đức Mẹ đã quan tâm đến cảnh thiếu thốn của đám cưới Cana. Yêu thương các tông đồ nên Đức Mẹ đã đồng hành với các ngài, cầu nguyện với các ngài cho đến ngày các ngài lớn mạnh vì được nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần. Vì kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu nên Đức Mẹ không thiếu một nhân đức nào nơi các thánh. Và hương thơm nhân đức của Đức Mẹ chính là hương thơm Chúa Kitô.

Hương thơm Chúa Kitô 

Vì được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa, nên Đức Mẹ được ơn trinh khiết hoài thai, vô nhiễm nguyên tội, đồng trinh trọn đời, lên trời cả hồn lẫn xác. Nói tóm lại vì sinh ra Chúa Giêsu, Đức Mẹ được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, nên một với Chúa Giêsu. Vì thế Đức Mẹ đã mặc lấy Chúa Giêsu và tỏa hương thơm của Chúa Kitô. Chúa Kitô là hoa trái của cung lòng Đức Mẹ. Vì thế Chúa Kitô chính là hương thơm của Đức Mẹ.

Nếu Đức Mẹ thưa “Xin Vâng” thì đó là vọng lại lời “Xin Vâng”của Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha: “Máu chiên bò Chúa không ưng, của lễ toàn thiêu Chúa không nhận, thì này con đến để làm theo ý Cha”; “Lạy Cha , nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha”(Lc 22, 42)”. Nếu Ngôi Lời Thiên Chúa mặc lấy xác phàm thì máu thịt đó là máu thịt của Đức Mẹ. Từ hang đá Bêlem đến thánh giá đồi Calvê, Chúa Giêsu đi đến đâu Đức Mẹ ở kề bên Chúa đến đấy. Hai mươi mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng trong chuỗi Mân Côi đều thấp thoáng bóng Đức Mẹ. Vì thế nếu Chúa Kitô được tôn vinh thì Đức Mẹ cũng xứng đáng được tôn vinh. Chúa Kitô chính là triều thiên của Đức Mẹ. Chúa Kitô là hương thơm của Đức Mẹ.

Thánh Phaolô huấn dụ tín hữu Kitô rằng: “Tôi nài van anh em, trong tình thương của Thiên chúa: hãy hiến dâng toàn thân và đời sống anh em như hy lễ thánh thiện, thơm tho lên cùng Thiên chúa” (Roma 12, 1). Theo thánh Phaolo, tất cả các tín hữu, với chứng tá đức tin của mình họ làm lan tỏa trên thế giới hương thơm của Đức Kitô và dâng lên Chúa Cha “trong hiến lễ thơm tho diệu vợi” (x. 2 Cor 2,14-16; Ef 5,2). Nếu chứng tá đức tin của người tín hữu làm lan tỏa hương thơm của Chúa Kitô thì hương thơm Chúa Kitô nơi Đức Mẹ càng thập phần hoàn hảo. Vì Đức Mẹ đã dâng hiến toàn thân cho Thiên Chúa, đặc biệt cho công cuộc cứu độ nhân loại của Chúa Kitô. Đức Mẹ có một đức tin mãnh liệt vào Đức Kitô nên càng tỏa hương thơm Chúa Kitô ngạt ngào khắp trần gian.

Mầu nhiệm 

Ta vừa cố gắng diễn tả những nét đẹp và hương thơm của Đức Mẹ là bông hoa hường. Những nét đẹp và hương thơm đó đã là mầu nhiệm. Vì đó là những nét đẹp và hương thơm siêu phàm, vượt quá trí khôn loài người. Quả thực Đức Mẹ là bông hoa hường mầu nhiệm. Vì bản thân Đức Mẹ là một công trình tuyệt tác của Thiên Chúa. Và đồng thời Đức Mẹ tham dự vào các mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Công trình tuyệt tác 

Đức Mẹ là tuyệt tác của Thiên Chúa. Đó là tinh hoa của loài người. Một hình mẫu lý tưởng, đỉnh điểm con người có thể đạt tới. Người cao cả nhất trong nhân loại. Người hoàn mỹ nhất. Người tốt lành nhất. Người là độc nhất vô nhị trong trần gian. Nhưng đồng thời cũng là tinh hoa của Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ có thể tạo dựng nên một Đức Mẹ mà thôi. Vì Mẹ đã là tạo vật hoàn hảo nhất Thiên Chúa dựng nên. Hoàn hảo về phía Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng nên một tạo vật hoàn mỹ, không một vết nhăn, không một tì ố. Hoàn hảo về phía Đức Mẹ. Đức Mẹ là người nữ tì hoàn toàn từ bỏ bản thân để chương trình của Thiên Chúa được thực hiện, để phục vụ chương trình của Thiên Chúa.

Tham dự vào mầu nhiệm

Bản thân Đức Mẹ đã là một mầu nhiệm. Làm sao một tạo vật lại có thể hoàn mỹ đến thế. Được sinh ra mà vô nhiễm nguyên tội. Sinh con mà vẫn đồng trinh trọn đời. Loài người mà được làm Mẹ Thiên Chúa. Được lên trời cả hồn lẫn xác.

Và Đức Mẹ được tham dự vào mầu nhiệm của Thiên Chúa. Cưu mang Chúa Giêsu Đức Mẹ được tham dự vào mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu nên Đức Mẹ được tham dự vào mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Người. Đức Mẹ quả là bông hoa hường mầu nhiệm.

III.DÂNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ 

Bây giờ thì chúng ta đã hiểu khi tôn vinh Đức Mẹ là bông hoa hường mầu nhiệm Giáo hội nói lên sự xinh đẹp cao cả của tâm hồn Đức Mẹ. Việc dâng hoa là để tôn vinh Đức Mẹ. Những bông hoa nói lên những nhân đức của Đức Mẹ. Vì thế việc dâng hoa của ta cũng phải có ý nghĩa tương xứng. Nghĩa là không phải chỉ dâng những bông hoa xinh đẹp bên ngoài. Nhưng phải dâng chính tâm hồn chúng ta. Tâm hồn chúng ta phải trung thực với ý nghĩa các bông hoa chúng ta dâng lên Đức Mẹ. Có thế việc dâng hoa mới có ý nghĩa. Như Công Đồng Vaticanô II đã nhắc nhở: “Lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở những tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (LG 67).

Mong sao, những việc tôn sùng Đức Mẹ của chúng ta sẽ dẫn đến việc noi gương Mẹ để sống cho đẹp lòng Thiên Chúa như Mẹ đã sống, để sau cuộc đời này, chúng ta được cùng Mẹ ca ngợi Thiên Chúa không ngừng trên Thiên Quốc. Vì thế khi dâng hoa ta phải mặc lấy tâm tình của những đóa hoa. Nhất là không gì bày tỏ lòng sùng kính tốt đẹp cho bằng noi gương những nhân đức của Đức Mẹ.

Theo truyền thống, ta thường dâng lên Mẹ 5 sắc hoa: đỏ, trắng, vàng, tím, xanh. Ý nghĩa được tả rõ trong vãn dâng hoa.

Hoa đỏ

Nhiệm thay hoa đỏ hồng hồng,

Nhuộm thêm Máu thánh thơm chung lòng người.

Vì thương Con gánh tội đời,

Chịu như dao sắc thâu nơi lòng mình.

Như thế khi dâng hoa đỏ, ta phải dâng những đau khổ ta chịu để hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, với sự đau đớn trong lòng Đức Mẹ. Bông hoa đỏ ta dâng có nhuộm Máu Thánh Chúa Giêsu. Chính giòng máu của Chúa làm cho tâm hồn ta được thơm tho như bông hoa tươi đẹp xứng đáng dâng tiến Đức Mẹ. Giòng máu đỏ tuôn ra theo lưỡi dao sắc đâm thâu tâm hồn. Dao sắc đó có thể là một lời nói ác độc. Một vu vạ cáo gian. Một tai nạn. Một thất bại. Một phản bội. Và nhất là một đớn đau do dứt bỏ những đồ vật và những con người ta gắn bó.

Hoa trắng

Xinh thay hoa trắng tốt lành,

Ví cùng nhân đức đồng trinh Đức Bà.

Nguyên tuyền hơn ngọc hơn ngà,

Sáng trong hơn tuyết cùng là hơn gương.

Khi dâng hoa trắng ta phải có tấm lòng trong trắng. Giữ mình khỏi những ô uế của dục vọng. Không bị nhiễm thói đời. Muốn linh hồn trắng sạch ta phải tẩy rửa linh hồn luôn luôn. Tẩy rửa khỏi những dính bén trần tục. Những tư tưởng xấu xa. Những lời nói tục tĩu. Những hành vi gian tham. Những chiếm đoạt bất công. Những lời nói gian dối.

Hoa vàng

Quí thay này sắc hoa vàng

Sánh nhân đức mến Bà càng trọng hơn.

Một niềm tin kính nhơn nhơn,

Vững vàng cậy mến trong cơn vui sầu,

Hoa vàng phải nói lên lòng yêu mến. Đức mến phải trải qua nhiều thử thách mới được coi là chân thật. Vì thế dù vui, dù buồn, dù sướng, dù khổ, dù thành công, dù thất bại, lòng yêu mến phải vững vàng không thay đổi mới đúng với sắc hoa vàng ta dâng kính. Càng trong khó khăn, thử thách đức mến càng chân thực và trổi vượt. Một người bạn trung tín trong lúc nguy nan mới là bạn thật. Yêu mến Chúa trong lúc gặp thử thách thất bại mới là yêu mến thật.

Hoa tím

Dịu thay hoa tím càng màu.

Ý trên bà những cúi đâu vâng theo.

Bằng lòng chịu khó trăm chiều,

Khiêm những nhịn nhục hằng yêu hãm mình.

Hoa tím nói lên sự ăn chay hãm mình. Ăn chay hãm mình không phải chỉ là những việc trong chương trình tự nguyện. Nhưng còn là chấp nhận thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh. Dù đó là những hoàn cảnh hết sức khó khăn khiến ta phải hi sinh từ bỏ rất nhiều. Những hoàn cảnh xảy đến ngoài ý muốn. Những biến cố gây cho ta mất mát đau thương như ông Gióp. Nếu ta biết vâng theo ý Chúa trong mọi khó khăn thử thách, đó mới là mầu hoa tím thực sự của tâm hồn làm đẹp lòng Chúa và Đức Mẹ.

Hoa xanh

Lạ thay là sắc hoa xanh.

Mừng Bà nhân đức trọn lành cực cao.

Dờn dờn sau trước một màu,

Quản chi sương nắng dãi đầu ngày đêm. 

Hoa xanh nói lên đời sống đạo đức kiên trì trước sau không đổi. Dù hoàn cảnh thay đổi nghiệt ngã. Dù sương nắng trần gian làm tiêu hao sức lực. Người con yêu của Đức Mẹ vẫn trung tín theo đường nhân đức. Đó mới là đóa hoa xanh thực sự dâng kính làm hài lòng Mẹ.

Tháng hoa ai cũng nô nức dâng hoa cho Đức Mẹ. Nhưng những bông hoa tươi dù đẹp đẽ và đắt tiền, nếu không có nội dung tâm hồn sẽ chỉ là những cảm tính phù phiếm hời hợt bên ngoài.

Khi dâng hoa để tôn vinh Mẹ, ta tôn vinh những nhân đức cao cả của Mẹ cao quí hơn những bông hoa trần gian gấp bội.

Vì thế khi đâng hoa ta cũng phải có tâm tình và tâm hồn thích hợp. Tâm tình và tâm hồn chỉ có được nhờ kiên trì rèn luyện nhân đức trong cuộc đời. Để khi dâng hoa, chính ta cũng trở thành những bông hoa tươi đẹp. Đẹp và thơm hương nhân đức. Đẹp và tỏa mùi hương Chúa Kitô. Đó mới là thực sự tôn kính Đức Mẹ. Đó mới là dâng hoa thực sự đẹp lòng Đức Mẹ. Đó mới là sống tâm tình tháng Hoa đúng nghĩa và ích lợi thiêng liêng.

Ước gì mỗi người chúng ta phấn đấu trở thành một bông hoa tươi đẹp dâng lên Đức Mẹ trong tháng Hoa này. Nếu ta trở thành một bông hoa tươi đẹp không những bông hoa ta dâng làm vui lòng Đức Mẹ, mà còn làm đẹp cho cộng đoàn. Khi mỗi người là một bông hoa, cộng đoàn sẽ thành một vườn hoa muôn mầu muôn sắc xinh tươi. Và bầu khí cộng đoàn sẽ tràn ngập mùi hương nhân đức. Đó là hương thơm làm tăng sức khỏe cho đời sống thiêng liêng giúp ta phấn khởi càng hăng hái bước nhanh trên đường hoàn thiện.

 Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt