GÓC SUY TƯ Thần học Đức Mẹ được đưa vào vinh quang Thiên quốc – Phẩm giá...

Đức Mẹ được đưa vào vinh quang Thiên quốc – Phẩm giá phụ nữ được tôn vinh

Đức Mẹ được đưa vào vinh quang Thiên quốc – Phẩm giá phụ nữ được tôn vinh

Mặc dù có hai truyền thống giải thích khác nhau về địa điểm Đức Mẹ được đưa về trời: tại thành thánh Giêrusalem hay tại Êphêsô (nay thuộc Thổ Nhĩ Kì), nhưng cả hai đều chấp nhận giáo thuyết về thân xác tinh tuyền không thể bị hủy hoại của Mẹ, Đấng đã cưu mang Chúa Cứu Thế, Ngôi Lời nhập thể, không như mọi sinh linh khác phải chịu sự hư nát, hậu quả của tội lỗi và những giới hạn của thân phận thụ tạo.

Năm 1954, Giáo hội Công giáo bất chấp mọi phản đối, đã đơn phương tuyên bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời. Dù thuật ngữ của giáo thuyết này có thể có khác biệt, nhưng các Giáo Hội thời xưa đã đồng ý với nhau về thân xác của Đức Mẹ, Thân mẫu của Thiên Chúa, đã được về trời, ở bên cạnh Người Con Thiên Chúa của mình.

Chúng ta ở Giêrusalem và phần còn lại của Palestine (tác giả thuộc giáo phận Giêruslem- chú thích của người dịch) – ngay cả nếu chấp nhận truyền thống cho rằng Đức Mẹ về trời tại Êphêsô, cũng hãy trở về với tài liệu xa xưa và các di tích. Các “phiến đá thánh” không phải là các phế tích chúng ta tựa vào khóc lóc thở than, nhưng là dấu chỉ cho thấy Chúa và những chứng nhân lặng lẽ đã đi qua. Những dấu tích vững bền như đá!

Trong tác phẩm đầu tiên được biết đến, đi ngược về thế kỷ thứ hai, người ta tìm thấy một ngụy thư nhan đề “Đưa Đức Trinh nữ Maria đi”. Mặc dù không được xếp vào quy điển, nhưng bản văn này cho thấy niềm tin vào thời đó về ngôi mộ trống của Đức Trinh Nữ Maria, trong nhà thờ Đức Bà Maria, gần Gethsémani. Bản văn “Đức Trinh Nữ Maria ngủ” của truyền thống SyriaĐông phương đã mô tả nơi an táng Đức Mẹ hoàn toàn phù hợp với địa điểm gần Núi Cây Dầu chúng ta tôn kính ngày nay.

Bản văn miêu tả như sau: “Các tông đồ mang thi hài Đức Maria và đi ra ngoài thành Giêrusalem, đến thung lũng đầu tiên gần Núi Cây Dầu. Ở đó có ba cái hang…”

Vào thế kỉ VII, Thánh Sôphrôniô, Thượng phụ Giáo chủ Giêrusalem, đề cập đến “phiến đá đặt Mẹ Đấng Cứu Thế nằm nghỉ, trước lúc Mẹ từ trần”.

Cơ sở của giáo thuyết này, không được Tân Ước đề cập, thuộc điều răn thứ tư: “Ngươi hãy tôn kính cha và mẹ ngươi”: việc đưa thân xác Đức Trinh nữ Maria về trời hưởng vinh quang thiên quốc cho thấy Đức Giêsu muốn thể hiện niềm tôn kính đối với Mẹ chí ái của Người, bằng cách tôn vinh thân xác đã cưu mang Chúa.

Mặt khác, Thánh vịnh 16 (15), câu 10 nói Thiên Chúa “không để cho người Ngài yêu mến phải thấy nơi chôn cất”. Rõ ràng, người được yêu đã sống lại giữa những kẻ chết (Cv 2, 25tt). Tuy nhiên, trong ý nghĩa biểu tượng, không diễn giải theo khoa học, ta có thể thấy ân huệ này được rộng ban cho Đức Trinh nữ Maria Rất thánh Vô nhiễm nguyên tội, Đấng được chúc phúc giữa những người phụ nữ, rực rỡ như “hoa huệ giữa bụi gai”, không bị hư hại vì tội lỗi, không chịu cảnh hư nát và phân hủy trong mồ.

Mẹ là “Một người Phụ nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng” (Kh 12,1), đồng thời chúng ta vẫn tôn vinh bằng ngôn ngữ Ả rập, Người là “Mẹ của ánh sáng”, Đấng không bị giữ lại trong bóng đêm của nấm mồ.

Vinh quang Đức Mẹ được đưa về trời tỏa lan đến các người mẹ và phụ nữ, những người được chung hưởng vinh quang của Đức Mẹ, cũng như mọi người được Đức Giêsu, Đấng phục sinh từ trong kẻ chết, đưa vào vinh quang.

Chính Chúa Giêsu là “Ađam mới”, đại diện cho tất cả nam và nữ giới. Như vậy, việc Đức Maria lên trời và được hưởng vinh quang đã tôn vinh người phụ nữ, cả hồn và xác. Chúa Giêsu đã sống lại bằng quyền năng của Người. Chính nhờ quyền năng, tình yêu và ân sủng của Người mà Đức Mẹ được đưa về trời.

Phép lạ và lễ mừng này là nguồn giáo huấn, giúp toàn thể nhân loại nhận ra phải đối xử công bằng hơn đối với phụ nữ và mọi người làm mẹ vốn từ lâu phải chịu áp bức, bất công và bị gạt ra ngoài lề. Qua việc đưa Mẹ về trời, Chúa Giêsu đã tôn vinh Mẹ, thể hiện niềm kính yêu của một người con đối với mẹ. Đức Mẹ được Chúa đưa về trời đem lại vinh dự lớn lao cho phụ nữ, phục hồi phẩm giá cao cả và vị thế cân bằng giữa hai thái cực: một đằng là sự sùng bái thân xác phụ nữ của kẻ ngoại, đằng khác là các phái dị giáo bất khả tri và Manikhê! Não trạng trần tục đã sai lầm khi coi thân xác phụ nữ là đối tượng tiêu thụ.

Sách Châm Ngôn nêu câu hỏi: “Ai có thể tìm thấy một người phụ nữ đạo đức? Giá trị của nàng vượt quá ngọc trai!” Mẹ Chúa Kitô chính là kho tàng độc đáo ấy, như chúng ta vẫn hát lên trong đêm Vọng giáng sinh. Niềm phấn khởi còn lớn lao hơn nữa tại Hang đá Sinh nhật và trong nhà thờ khi chúng ta hát lên: “Đức Maria đã giành được niềm vui làm mẹ và nhận được vinh dự giữ mình đồng trinh”. Chúng ta nài xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, giúp chúng ta giữ gìn hồn xác được trong sạch và khiết tịnh, cho chúng ta nhận ra “Thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1Cr 3,16 và 6,19).

Kính mừng Maria! Biết bao đạo binh thiên thần và các thánh tôn vinh và cầu xin Thiên Chúa là Chúa và là Đấng Cứu thế của Mẹ. “Ôi, Đức Trinh nữ Thánh Mẫu, là con gái của của con trai Mẹ” (thi hào Dante). Cũng vậy, chúng con tôn kính Mẹ như Mẹ đã từng nói khi đến thăm người chị họ Elisabeth tại Ein Karem: “Mọi thế hệ sẽ nói chị thật có phúc” (x. Lc 1, 48).

Peter H. Madros, linh mục, tiến sĩ Thần học Thánh Kinh (MST), tiến sĩ Kinh  Thánh (SSD)

Nguồn: website Tòa Thượng phụ Latinh Giêrusalem

Đức Thành chuyển ngữ
Exit mobile version