Đức Maria Vô Nhiễm và tranh của G. TIEPOLO

78

Đức Maria Vô Nhiễm và tranh của G. TIEPOLO

Ngày 8/12, Giáo hội cử hành thánh lễ kính trọng thể Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội trong bối cảnh của Mùa vọng. Đức Maria, thiếu nữ thành Nazareth được gìn giữ khỏi sự lây nhiễm của tội lỗi và với lời thưa “vâng” trước mặt Sứ thần Mẹ đã khai mở cho thời đại cuối cùng của ơn cứu độ. Bản thân mẹ đã được Thiên Chúa chọn từ thuở đời đời để làm Mẹ của Ngôi lời vĩnh cửu. Mẹ đã thụ hưởng ơn cứu chuộc từ Con của Mẹ, và hoa trái tuyệt vời nhất là được miễn trừ khỏi tội lỗi nhờ công nghiệp của Chúa Kitô. Bởi thế, Đức Maria Vô nhiễm mời gọi mọi tín hữu hãy hướng lòng lên Con của Mẹ, Đấng “vì loài người chúng ta, và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế” (Kinh Tin Kính).

Nơi Đức Maria Vô Nhiễm, “Bình minh của ơn cứu chuộc” cuối cùng đã mọc lên vào ngày cứu rỗi, khai mở cho thời đại mới đã được các tiên tri loan báo từ ngàn xưa. Nơi Mẹ là “dấu chỉ hy vọng chắc chắn và an ủi” (LG 5) cho Giáo hội. Các Kitô hữu suy ngắm mục đích cuộc lữ hành của họ và nhờ sự bầu cử của Mẹ họ tiến về Giêrusalem trên trời được nâng đỡ bởi niềm hy vọng. Đây là lý do mà “Giáo hội được gọi là “Giêrusalem trên trời” là “Mẹ chúng ta” (Gal 4,26; Cv 12,17). Giáo hội được mô tả như là vị hôn thê không tì vết của Con chiên không tì vết (x. Cv 19,7; 21,2; 9,22,17). Giáo hội mà Chúa Kitô “đã yêu thương và vì Giáo hội mà Người đã phó nộp mình, nhằm thánh hóa Giáo hội” (x. Eph 5,26). Giáo hội được kết nạp bằng một khế ước không thể chia cắt và không ngừng được “nuôi dưỡng và chăm sóc” (x. Eph 5,29). Sau khi đã được thanh tẩy Giáo hội muốn kết hiệp và lệ thuộc vào vị hôn phu của mình trong tình yêu và trung thành (x. Eph 5,24)” (LG 7).

Đức Mẹ Vô Nhiễm, tranh của G. TIEPOLO

Đức Maria Vô Nhiễm, tranh của G. TIEPOLO

Gianbattista Tiepolo với phong cách đặc trưng nghệ thuật của mình, ông đã vẽ lại mầu nhiệm này để trang trí bàn thờ mới của nhà thờ Aranjuez nằm bên sông Tago; tác phẩm này đang được bảo quản tại bảo tàng Prado ở Madrid, Tây Ban Nha. Đó là bức tranh Đức Mẹ Vô Nhiễm đang chìm ngập trong nền trời mạ vàng, xung quanh là các Thiên thần. Trên mình khoác chiếc áo dài màu trắng và chiếc áo choàng màu thiên thanh bên ngoài, trên đầu đội một chiếc khăn mạ vàng, cùng màu với nền trời, có hình chim bồ câu là Chúa Thánh Thần bay lượn. Tiepolo đã diễn tả bức tranh này theo cái nhìn của sách Khải huyền chương 12, với đôi tay chắp lại, có các ngôi sao trên đầu. Tuy vây, cái nhìn của Đức Trinh Nữ luôn được hướng về phía dưới, thật nghiêm trang, luôn cố định một chỗ để lộ ra sự cảm thông đối với nhân loại. Đôi chân mang giày đứng trên quả địa cầu được vẽ giống tông màu của chiếc áo choàng. Trái đất đang bị đe dọa bởi một con thú quấy rối nửa rắn nửa rồng, miệng đang ngậm trái cây tội lỗi. Dưới chân của Trinh Nữ là một nửa vầng trăng vừa mới lên, đang khi một thiên thần tay cầm cành huệ.
Nơi Mẹ Giáo hội suy ngắm mầu nhiệm cứu độ mà nhân loại bị tội lỗi và sự chết làm tổn thương nay đã “hiểu và thấy” được  những kỳ công vĩ đại của Thiên Chúa. Vì thế, trọn vẹn phụng vụ của ngày lễ hôm nay làm nổi bật các việc kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ. Và qua Mẹ, toàn thể tạo vật trên thế gian được lãnh nhận ơn cứu độ từ Con của Mẹ, Đấng đem lại cho con người niềm vui mà Eva xưa đã đánh mất, và mở ra cho chúng ta một lộ trình mới hướng về Vương quốc Thiên Chúa.
Lm. Giuse Võ Tá Hoàng biên dịch