Đức Giêsu Kitô Là Con Người

169

ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ CON NGƯỜI

jesusTrong văn kiện “Kinh thánh và Kitô học” xuất bản năm 1983, Ủy ban Giáo hoàng Kinh thánh đã ghi nhận 11 lối tiếp cận về đức Kitô. Một vài lối tiếp cận có ảnh hưởng tới việc nghiên cứu các bản văn Tân ước (đặc biệt là các Phúc âm), thí dụ khi muốn dựng lại khung cảnh nguyên thủy của một lời giảng của đức Giêsu, hay của một hành động nào đó, và nói chung là tất cả môi trường sinh sống của ngài. Có lối tiếp cận có ảnh hưởng tới môn Kitô học thuộc lãnh vực thần học tín lý.

A- Đức Giêsu Kitô là con người

Nói chung, thần học muốn đào sâu ý nghĩa của lời tuyên xưng đức tin về bản thể của đức Kitô: ngài là con người và là Thiên Chúa. Trước tiên, chúng ta hãy xét tới vế thứ nhất: Đức Kitô là người thật. Thoạt tiên, mệnh đề này không có chi khó hiểu cả. Nhưng nếu chịu khó suy nghĩ một chút thì chúng ta sẽ thấy khá nhiều vấn nạn. Thực vậy, khi tuyên xưng rằng đức Kitô là người thật, chúng ta không chỉ nhìn nhận rằng ngài có một thân thể mà thôi, nhưng ngài còn có linh hồn của con người cùng với các quan năng tinh thần (lý trí, ý chí) nữa. Câu hỏi được đặt lên như thế này: đức Giêsu có cần phải sử dụng tới lý trí hay không? ngài có cần phải học hỏi gì không, hay là ngài đã biết hết mọi sự rồi? Dù là trả lời có hay trả lời không, ta vẫn thấy kẹt! Nếu trả lời là đức Giêsu có sử dụng lý trí, ngài cũng cần phải học hỏi, thì hóa ra ngài cũng dốt nát ư? Đức tin đã chẳng dạy rằng ngài cũng là Ngôi Lời đó sao? – Ngược lại, nếu nói rằng đức Giêsu vì cũng là Thiên Chúa, cho nên ngài thông biết hết mọi sự; thế thì hóa ra ngài không cần sử dụng lý trí con người nữa rồi! Đó là ý nghĩa của đề tài “Sự hiểu biết của đức Giêsu”. Trước hết, chúng ta sẽ xét tới sự hiểu biết nói chung; tiếp đó là sự hiểu biết về vài điểm cụ thể.

I. Sự hiểu biết nơi đức Giêsu

Trong Tân ước, chúng ta gặp những đoạn văn cho thấy đức Giêsu có lý trí của con người, không phải theo nghĩa là ngài biết suy tư lý luận và phán đoán, nhưng theo nghĩa là ngài thủ đắc kiến thức dần dần qua việc học hỏi, thâu thái dữ kiện. Thí dụ như Lc 2,52 nói rằng cậu bé Giêsu lớn lên không những về thể chất mà cả về sự khôn ngoan nữa. Thêm vào đó, Phúc âm kể lại những lần ngài thắc mắc đặt câu hỏi bởi vì xem ra như không nắm vững tình hình, thí dụ: Mc 5, 30-32 (Thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, ngài quay lại giữa đám đông và hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?”); Mc 6,38 (ngài hỏi các môn đệ: Anh em có mấy chiếc bánh? Đi coi xem!). Đó là chưa nói tới những đoạn văn đã gây hóc búa cho các nhà chú giải, khi đức Giêsu tuyên bố rằng ngài không biết gì về ngày giờ tận thế (Mc 13,32). Dĩ nhiên, những đoạn văn trong Phúc âm về kiến thức cao vời của ngài thì quá nhiều, và không cần trưng dẫn làm gì bởi vì không thành vấn đề. Vấn nạn chỉ được nêu lên chung quanh giới hạn của sự hiểu biết mà thôi.

Dựa theo thánh Tôma Aquinô (Summa Theologica III, q.9-12), thần học cổ truyền phân biệt ra ba thứ tri thức (hay là 3 loại hiểu biết) nơi đức Giêsu:

1/ tri thức phúc nhân (scientia beata, sự hưởng kiến Thiên Chúa giống như các phúc nhân trên thiên đàng);
2/ tri thức phú bẩm (scientia infusa, sự hiểu biết thiên phú, hoàn hảo, nhằm để dạy dỗ tha nhân);
3) tri thức thủ đắc (scientia acquisita, sự hiểu biết do kinh nghiệm, học hỏi).

Dù sao, phải nhận rằng sự hiểu biết của đức Giêsu ở cấp độ tuyệt hảo hơn hết mọi người, và không có sai lầm.

Từ thập niên 30 của thế kỷ 20, quan điểm ấy đã bị chỉ trích là tiên thiên dựa theo đường lối diễn dịch chứ không có chứng cớ lịch sử (xem Déodat de Basly, L. Seiller, P. Galtier)[1]. Khuynh hướng mới, đại diện nơi cha Karl Rahner, chủ trương rằng cần phải đi sát hơn với các bản văn Kinh thánh; vì thế cần phải xét lại học thuyết về ba loại tri thức, cách riêng về loại “phúc nhân” và “phú bẩm”.

1) Nếu chấp nhận rằng đức Giêsu đã có tri thức phúc nhân, thì hóa ra ngài đã được hưởng hạnh phúc như là ở trên thiên đàng rồi. Thế thì trong cuộc Tử nạn, ngài chẳng có buồn sầu đau khổ gì cả hay sao?

2) Việc khẳng định về sự hiện hữu của tri thức phú bẩm dựa trên giả thiết là đức Kitô phải được hưởng trình độ trọn hảo để mà dạy dỗ nhân loại. Thế nhưng giả thiết ấy có cần thiết hay không, và có chứng cứ trong Kinh thánh hay không? Nếu mà ngài đã có tri thức phú bẩm, thì hóa ra đâu cần chi phải học hỏi nữa? Không lẽ ngài là thần đồng, biết hết mọi sự ngay từ trong bụng mẹ hay sao? Không lẽ ngài chỉ giả vờ học hành về những điều mà ngài đã thuộc làu làu rồi hay sao?

Từ những vấn nạn đó, khuynh hướng mới đã đề nghị như sau.

1) Có thể chấp nhận tri thức phúc nhân nơi đức Giêsu, do hậu quả của việc kết hợp giữa linh hồn với bản tính Thiên Chúa. Tuy nhiên, không thể nào bỏ qua sự “tự hủy” (exinanitio, kenosis) nói ở Philippê 2,7: ngài có thể khước từ việc hưởng kiến trong suốt thời gian tại thế.

2) Tri thức phú bẩm không nhất thiết bao hàm là đức Giêsu có kiến thức bách khoa vĩ đại, thông kim quán cổ, biết hết mọi chuyện trên trời dưới đất! Cho dù ngài đã được phú bẩm kiến thức đó đi nữa, thì chúng ta không nên bỏ qua điều kiện hiểu biết của con người. Thực vậy, có lẽ các thiên thần hiểu biết cách trực giác: chỉ trong một cái nhìn, các ngài trông thấy hết mọi sự. Còn sự hiểu biết của con người thì khác: cho dù ai có thuộc nằm lòng cả một pho đại tự vị đi nữa, nhưng mà không phải lúc nào tất cả các trang sách và dòng chữ đều hiện lên trước mắt họ ngay một lúc. Các dòng tư tưởng xuất hiện cách tiệm tiến. Ta có thể nói một cách tương tự về đức Giêsu. Ngài không cần tới bộ não vĩ đại hiểu biết hết mọi kiến thức làm gì; chỉ cần những gì liên can tới sứ mạng thì đủ rồi. Vả lại, kiến thức thiên phú không loại trừ việc tiến triển kiện toàn.

Nên biết là huấn quyền chưa có lên tiếng về vấn đề này. Sách Giáo lý Hội thánh công giáo số 472 đã nói như sau về sự hiểu biết của đức Giêsu: “Tri thức con người của ngài tự nó không thể nào vô giới hạn được: sự hiểu biết đó được thực hiện trong những điều kiện lịch sử của cuộc đời ở trong không gian và thời gian. Vì vậy Con Thiên Chúa làm người đã muốn lớn lên về sự khôn ngoan, tuổi tác và ân điển (Lc 2,52) và cũng phải tìm tòi trong lãnh vực mà điều kiện con người chỉ có thể học biết bằng kinh nghiệm. Đó là điều hợp với ý của ngài muốn tự hạ xuống thân phận làm tôi tớ (Pl 2,7)”. Tiếp đó, khi nói tới sự hiểu biết về kế họach của Thiên Chúa, số 474 giải thích những trường hợp mà Phúc âm cho rằng ngài không biết (thí dụ Mc 13,32) thì phải hiểu theo nghĩa là: ngài không có sứ mạng phải tiết lộ, như có lần sách Công vụ tông đồ đã ghi lại (1,7).

II. Đức Giêsu có biết mình là Thiên Chúa hay không?

Sau khi đã bàn tới sự hiểu biết của đức Giêsu nói chung, các nhà thần học đi thêm một bước nữa, xét tới một đối tượng cụ thể của sự hiểu biết: đó là sự hiểu biết về Thiên Chúa. Câu hỏi được phát biểu như sau: “Đức Giêsu có ý thức rằng mình là Thiên Chúa hay không? ngài có ý thức rõ ràng về bản thân và sứ mạng của mình hay không?”.

Thần học cổ điển có lẽ không dám nêu ra câu hỏi đó vì sợ rối đạo. Còn các nhà thần học hiện đại thì không phải là to gan hơn các bậc tiền bối, cho bằng họ sống trong một khung cảnh văn hóa khác, với sự phát triển của khoa tâm lý thực nghiệm cũng như với đường hướng nghiên cứu Kitô học “từ dưới đi lên”, cho nên họ thấy cần phải đặt vấn đề. Thực ra thì không dễ gì mà tìm được lời giải đáp cho câu hỏi đã nêu. Làm thế nào mời được đức Giêsu tới để phỏng vấn đây? Chỉ còn cách là phân tích qua các bản văn của Phúc âm thôi. Khổ nỗi là các bản văn này không ghi lại nguyên văn các lời tuyên bố của đức Giêsu lịch sử, nhưng mà đã giải thích dưới nhãn quan của đức tin rồi! Chính trong điều kiện mò mẫm đó mà các học giả đưa ra các giả thuyết trái ngược nhau. Chúng ta hãy tách ra hai vấn đề: ý thức về sứ mạng; ý thức về bản tính Thiên Chúa.

1) Ý thức về sứ mạng. Có tác giả cho rằng khi bắt đầu thi hành sứ vụ, đức Giêsu chỉ có tâm trạng duy nhất là sẵn sàng theo ý muốn của Chúa Cha, chứ ngài chưa biết chính xác tất cả các chi tiết về sứ mạng. Xem ra trong giai đoạn đầu ở Galilêa, ngài tỏ vẻ lạc quan, tin tưởng rằng thiên hạ sẽ hồ hởi đón nhận Tin mừng Nước Chúa. Cho tới khi gặp sự chống đối của các nhà lãnh đạo, ngài mới nhận thức ra rằng việc thiết lập Nước Chúa đòi hỏi ngài phải hy sinh tính mạng, giống như bao ngôn sứ đã đi trước. Vì thế mà ngài quyết định đi lên Giêrusalem. Nói khác đi, theo giả thuyết này, đức Giêsu chưa biết chính xác ngay từ đầu rằng mình sẽ phải chết trên thập giá.

2) Ý thức về bản tính Thiên Chúa. Phúc âm thánh Gioan thuật lại rất nhiều lời tuyên bố của đức Giêsu về bản thân của mình, chẳng hạn như: “Ta là bánh hằng sống, ánh sáng thế gian, sự thật và sự sống..”. Tuy nhiên, đa số các tác giả đều cho rằng đó là các công thức của đức tin chứ không thuộc vào giai đoạn tại thế của đức Giêsu. Vậy thì đức Giêsu có ý thức mình là Thiên Chúa hay không? Không nói ai cũng đoán được rằng các giả thuyết khá nhiều và trái ngược nhau: người thì bảo là có, kẻ thì nói là không! Một lập trường trung dung có thể phát biểu như thế này: Đức Giêsu đã có ý thức rằng mình là Con Thiên Chúa ngay từ đầu; tuy nhiên, ý thức đó, xét vì là của một con người, cho nên cũng tăng trưởng dần dần theo điều kiện chung của hết mọi con người. Vì thế mà có thể nói là khi còn thơ ấu hay khi mới khai mạc sứ vụ, ý thức đó chưa được hoàn toàn như là trong cuộc Tử nạn và Phục sinh. Tưởng cũng cần nhấn mạnh rằng đây chỉ là một ý kiến, với khá nhiều vấn nạn kèm theo. Cái khó khăn nhất trong vấn đề này là nơi đức Kitô, cần phải nói thế nào về sự kết hợp giữa sự hiểu biết của con người với sự hiểu biết của Ngôi Lời? Chúng ta sẽ trở lại vấn đề trong phần B của bài này.

Như thế, thiết tưởng nên biết rằng những câu hỏi nêu lên trong phần này không phải chỉ để thỏa mãn tính tò mò hiếu kỳ. Thần học cận đại muốn chú trọng tới tính cách con người của đức Giêsu bởi vì muốn cảm thấy ngài gần gụi với thân phận con người hơn. Ngài đã muốn chia sẻ những đau khổ, những giới hạn của con người; ngài đã nếm thử những cay đắng của cuộc đời như chúng ta. Vì thế không những ngài trở nên mẫu gương cho chúng ta học hỏi mà còn biết thông cảm để chuyển cầu cho chúng ta. Đây là một khía cạnh mà tác giả lá thư gửi Hibá đã nhấn mạnh. Tiếc rằng trong quá khứ nhiều người đã lãng quên. Chúng ta hãy đọc lại vài đoạn điển hình: “Đức Kitô, vị Thượng tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, chỉ trừ tội lỗi” (4,15). “Khi còn sống kiếp phàm nhân, đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khấn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết. Ngài đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dẫu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Ngài” (5,7-9). “Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính ngài đã khước từ niềm vui dành cho mình mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa” (12,2).

Sách Giáo lý Hội thánh công giáo không những đã bàn đến điều kiện con người của đức Kitô khi giải thích các tín điều về bản thân của ngài (số 470-478), nhưng còn dành hẳn một đoạn cho các “mầu nhiệm về cuộc đời của đức Kitô” (số 512-560): chúng ta có thể tìm thấy nơi đó không những là một mầu gương bắt chước mà còn là đề tài cho việc suy niệm và thông hiệp với ngài (xc. số 519-521).

B- Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa

Phần này xét tới vế thứ hai: Đức Kitô là Thiên Chúa. Đây là trọng tâm của đức tin Kitô giáo, và cần phải viết cả một quyển sách thì mới có thể trình bày vấn đề cho thấu đáo được. Ở đây, chỉ xin tóm lược vài hướng trình bày trong thần học cận đại.

Có nhiều phương pháp khác nhau trong việc giải thích chân lý đức tin: “Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa”. Có người áp dụng phương pháp “từ trên đi xuống”, (điển hình nơi Phúc âm thứ bốn), nghĩa là cho thấy rằng Ngôi Lời là Thiên Chúa hằng hữu đã xuống thế làm người nơi đức Kitô. Đây cũng là phương pháp được sử dụng trong sách Giáo Lý Hội thánh công giáo, dựa theo các kinh Tin kính cổ truyền (số 422 tt.). Đối lại là phương pháp “từ dưới đi lên” (điển hình nơi các bài giảng trong sách Tông đồ công vụ), trình bày đức Kitô như ngôn sứ và tôi tớ trung thành của Thiên Chúa cho đến chết, và được Thiên Chúa nâng lên qua việc phục sinh và đặt ngồi bên hữu. – Ngoài ra, khi trình bày chân lý “Đức Kitô là Thiên Chúa”, thần học kinh viện trong quá khứ ra như chỉ chú trọng tới khía cạnh bản thể (ontologica), còn thần học cận đại muốn theo sát Kinh thánh và các giáo phụ nhấn mạnh đến khía cạnh chức phận (functionalis) của đức Kitô. Thật ra thì khi phân tích các tước hiệu mà Kinh thánh áp dụng cho đức Kitô, chúng ta thấy rằng các tác giả Tân ước luôn bao gồm cả hai khía cạnh đó. Có thể lấy thánh Gioan làm một thí dụ điển hình. Bên cạnh các tước hiệu và lời tuyên xưng về bản tính (thí dụ: Lời của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa, Chân lý. Ngài là Thiên Chúa: 8,24.28.58 ) còn có những tước hiệu liên hệ tới sứ mạng của ngài, nghĩa là xét trong mối liên hệ với con người, thí dụ: Ánh sáng soi chiếu mọi người (1,9; 8,12; 9,5; 12,46), bánh ban sự sống (6,48), nước ban sự sống (4,14).

Mặc dù có rất nhiều đường lối khác nhau để trình bày chân lý “Đức Kitô là Thiên Chúa”, thiết tưởng có hai điểm mà thần học cận đại muốn nêu bật, đó là:

· tương quan giữa đức Kitô với Thiên Chúa;
· sự kết hợp giữa Thiên Chúa với con người nơi đức Kitô.

I. Đức Kitô với Thiên Chúa

Khi tuyên xưng rằng “đức Kitô là Thiên Chúa”, có lẽ đa số các tín hữu không thấy thắc mắc gì hết. Họ hiểu rằng đức Kitô là hiện thân của Thiên Chúa: “đức Kitô với Thiên Chúa là một” (xc.Ga 10,30). Và rồi họ không muốn đi thêm bước nữa để đặt câu hỏi rằng: Thiên Chúa là ai vậy? Có phải đó là ông Trời (Thượng đế) mà ta vẫn nghe nói trong văn chương triết học hay không? Thiên Chúa của đức Kitô có khác gì Thiên Chúa của các triết gia hay các tôn giáo khác hay không? Đó là những vấn nạn đáng cho chúng ta lưu ý. Bởi vậy, thay vì đồng hóa cách đơn giản đức Kitô với Thiên Chúa, thần học cận đại đã dành phần không nhỏ để bàn đến mối tương quan giữa đức Kitô với Thiên Chúa. Chúng ta đừng nên quên rằng đức Kitô là Thiên Chúa; nhưng đức Kitô không phải là Thiên Chúa Cha. Giữa ngài với Thiên Chúa Cha có một mối tương quan liên bản vị. Đức Kitô đã sống mối tương quan đó dưới hình ảnh của tình cha con. Điều này được bộc lộ khi đức Kitô nói về Thiên Chúa và nhất là khi nói với Thiên Chúa.

1. Đức Kitô nói với Thiên Chúa

Phúc âm thuật lại nhiều lần đức Giêsu cầu nguyện; đôi khi các thánh sử còn ghi nhận nội dung của lời nguyện nữa. Chính qua các lời nguyện đó mà đức Giêsu bộc lộ sự thân mật với Chúa Cha. “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con trừ ra Chúa Cha, cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,25-27). Mối tình khắng khít giữa đức Giêsu với Chúa Cha có tính cách độc đáo đến nỗi dù ngài tuyên bố rằng Thiên Chúa là Cha của hết mọi người (bất cứ là người tốt hay xấu. Mt 5,45), nhưng Thiên Chúa là cha của đức Giêsu theo một nghĩa hoàn toàn riêng tư. Điều này được tỏ rõ qua lối nói của đức Giêsu: “Cha của tôi và của anh em”, chứ không chịu gộp chung thành “cha của chúng ta” (xc. Ga 20,17). Đức Kitô chứng tỏ sự đồng nhất Chúa Cha qua việc chu toàn ý của Cha, lấy đó làm lươngthực (Ga 4,34): mọi lời nói và việc làm nhằm để thực hiện ý của Cha (Ga 3,34; 9,4;12,49).2

2. Đức Kitô nói về Thiên Chúa

Xem ra xưa nay thần học giả thiết rằng khái niệm về Thiên Chúa đã quá rõ, bởi vì đã được giải thích trong triết học, cách riêng là mục “Thượng đế học”. Vì thế mà thần học cổ truyền chỉ nhìn thấy tính cách mới mẻ của Kitô giáo ở tín điều Thiên Chúa Ba ngôi mà thôi. Tuy nhiên, Lutêrô đã lưu ý các nhà thần học là hình ảnh của Thiên Chúa trong Tân ưóc không giống với tư tưởng của các triết gia Hy lạp và của các tôn giáo đâu! Phải chờ tới gần đây các nhà thần học công giáo mới lưu ý tới điều nhận xét của Lutêrô. Thực vậy, khi đọc Phúc âm, chúng ta thấy đức Kitô đã muốn sửa đổi hình ảnh cổ truyền về Thiên Chúa. Đức Kitô muốn cho chúng ta ý thức rằng Thiên Chúa là cha nhân hậu. Hơn thế nữa, Thiên Chúa đi tìm con người lầm lạc, thay vì khoanh tay ngồi chờ con người quay đầu về. Các dụ ngôn về người mục tử đi tìm con chiên lạc, về người cha mở tiệc mừng đứa con trở về, về ông chủ trả tiền công nhật đều nhau cho kẻ làm việc từ sáng sớm cũng như cho kẻ mới làm việc có một giờ… Tất cả đểu nhằm nói lên rằng cách cư xử của Thiên Chúa không trùng hợp với quan niệm mà chúng ta thường gán cho ngài. Vì thế để có thể tuyên xưng cách xác thực rằng “đức Giêsu là Thiên Chúa”, thì tiên vàn chúng ta cần phải điều chỉnh lại hình ảnh của Thiên Chúa trong đầu của chúng ta, cho phù hợp với hình ảnh mà đức Giêsu đã tỏ ra cho chúng ta. Dù sao, chúng ta đừng nên quên rằng Thiên Chúa đã tỏ mình qua đức Giêsu không những là qua quyền năng chữa bệnh và tha tội, trừ quỷ.. mà nhất là qua việc trao phó Đức Giêsu Con mình nơi thập giá và qua việc cho ngài sống lại từ cõi chết. Chúng tôi sẽ trở lại với Thập giá và Phục sinh trong bài tới.

Ngoài mối tương quan với Thiên Chúa là Cha, chúng ta cũng không nên bỏ qua mối tương quan giữa đức Kitô với Thánh Thần. Kitô học gần đây đã muốn móc nối với Thần-khí- học (Pneumatologia)[2]. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn đi sâu vào vấn đề này ở đây.

II. Sự kết hợp giữa Thiên Chúa với con người nơi đức Kitô

Chúng ta tuyên xưng đức Kitô là Thiên Chúa làm người. Đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là người. Đây là một mầu nhiệm mà trí óc của chúng ta không thể nào hiểu thấu nổi. Như đã nói trước đây, ngay từ thời các giáo phụ, đã có rất nhiều khó khăn nảy ra chung quanh mầu nhiệm đó. Sự khó khăn chính yếu ở chỗ làm thế nào bảo vệ được cả hai vế của lời tuyên xưng, nghĩa là đức Kitô là một chủ thể, vừa là Thiên Chúa vừa là người. Có thuyết chủ trương rằng Thiên Chúa mới là chủ thể của các hoạt động nơi đức Kitô; vì thế họ không ngần ngại hy sinh linh hồn hay ý chí của con người. Đó là thuyết nhất tính (monophysismus). Đối lại có thuyết thì bảo vệ sự toàn vẹn của các chức năng họat động con người của đức Kitô, nhưng rồi lại lúng túng khi giải thích các tác động của Ngôi Lời. Khuynh hướng này được đội danh là Nestorianismus[3] (bắt nguồn từ Nestoriô, chủ trương rằng đức Kitô là người thật; sự kết hợp với thiên tính chỉ có tính cách luân lý: Ngôi Lời ngự trong con người Giêsu tựa như là ngự trong đền thờ vậy). Nestoriô đã bị công đồng Êphêsô (431) luận phi. Nơi đức Kitô, thiên tính và nhân tính kết hợp chặt chẽ thành một ngôi vị, và là ngôi vị của Lời Thiên Chúa. Tuy nhiên, đó mới chỉ là gợi ý đại cương thôi. Đến lúc đi vào chi tiết, các nhà thần học đã phải tốn biết bao nhiêu là bút mực để tìm hiểu thế nào là bản tính, bản thể, bản vị (natura, substantia, persona, hyposthasis, prosopon) cùng với những khái niệm đi kèm: hiện hữu, tự thể (esse, existentia, subsistentia). Vấn đề trở thành rắc rối hơn nữa khi phải diễn đạt đức tin cổ truyền cho con người thời đại hôm nay, với não trạng thực nghiệm, hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ siêu hình của các triết gia Hy lạp; đó là chưa nói tới các dân tộc thuộc các nền văn minh khác, chẳng hạn như tại Á châu.

Ngoài việc tìm hiểu ý nghĩa của các từ ngữ, một mối bận tâm không nhỏ của thần học thời đại là nghiên cứu ảnh hưởng của việc tuyên xưng đức tin đối với đời sống đạo. Chắc hẳn đại đa số các Kitô hữu chẳng biết mô tê gì về các công thức định tín của các công đồng Êphêsô và Calxêđônia. Trên thực tế, họ hình dung đức Kitô như là một vị thần từ trời xuống giả làm người (đội lốt người) để trà trộn họat động giữa thế giới lòai người. Hình ảnh đó được đọc thấy trong nhiều chuyện cổ tích thần thọai về việc vị tiên giáng trần. Hình ảnh đó không hoàn toàn sai lạc, bởi vì nó phát biểu được tình thương của Thiên Chúa động lòng xót xa trước những đau khổ của con người, và muốn đến chia sẻ cảnh lầm than với chúng. Nhưng có điều nguy hiểm là nó bóp méo một yếu tố căn bản của mầu nhiệm Nhập thể, đó là: đức Giêsu Kitô là con người thật, chứ không phải chỉ là đội lốt con người! Ngài đã ăn nói họat động, cảm xúc như con người thật, chứ không phải chỉ giả vờ. Chính vì muốn nhấn mạnh tới tính cách thực sự của tính người nơi đức Giêsu cho nên có vài tác giả đã đòi xét lại công thức của công đồng Êphêsô và Calxêđônia. Theo họ, khi nói rằng “đức Kitô chỉ có một ngôi vị, và ngôi vị đó là Ngôi Lời” thì sẽ dễ đưa tới kết luận rằng đức Giêsu không có ngôi vị (thiếu nhân vị). Bởi thế, họ đề nghị rằng cần phải nhìn nhận một ngôi vị nhân linh (nhân vị), làm chủ thể của các hành động của đức Giêsu. Thậm chí, P. Schoonenberg còn đòi lật ngược lại công thức của công đồng Êphêsô. Thay vì nói rằng “thiên tính và nhân tính kết hợp trong một ngôi vị của Thiên Chúa”, thì hãy nói: “thiên tính và nhân tính kết hợp với nhau trong ngôi vị của con người Giêsu”. Dĩ nhiên, Schoonenberg đã bị tố cáo là rơi vào lạc thuyết của Ariô; tuy nhiên sự khó khăn là làm sao tìm cách diễn tả được đức Giêsu có những họat động thực sự của một con người chứ không phải chỉ là người máy!

Bên cạnh những cố gắng tìm những diễn ngữ siêu hình để phát biểu mầu nhiệm Nhập thể, có tác giả tìm đường lối khác, chú trọng tới tính cách thần bí hơn. Đức Giêsu là con người thực; nhưng con người đó đã luôn luôn sống kết hợp với Thiên Chúa, tới mức hoàn toàn để cho Thiên Chúa chiếm ngự và tác động. Đức Giêsu là kẻ “phản ánh được vinh quang của Chúa Cha” (Dt 1,3) bởi vì cuộc đời của ngài rất trong sáng, phản chiếu được vẻ thánh thiện của Thiên Chúa. Trót cuộc đời ngài đã được thánh hiến để phục vụ Thiên Chúa, để hoàn thành ý định của Chúa Cha, ngõ hầu Thiên Chúa có thể thánh hóa trần gian (xc. Ga 17,19). Đức Kitô là hình ảnh trung thực của Thiên Chúa (xc. Col 1,15), bởi vì khi thấy ngài người ta có thể thấy Thiên Chúa (Ga 14,9).

Tuy nhiên đàng sau cuộc tranh luận về từ ngữ phát biểu chân lý đức tin, chúng ta đừng nên quên hậu quả nghiêm trọng của nó: chân lý về bản thân của đức Kitô gắn chặt với chân lý về ơn cứu độ con người. Nếu đức Giêsu chỉ là một con người mà thôi, thì cuộc đời và cái chết của ngài dù có cao cả tới mấy đi nữa cũng sẽ chỉ là cuộc đời của một vĩ nhân và cái chết của một anh hùng tử đạo, chứ không phải là cuộc đời và cái chết của Đấng Cứu thế. Đó là điều mà các thánh giáo phụ không ngừng nhấn mạnh. “Thiên Chúa cứu chuộc con người qua việc thu nhận tất cả thực tại của con người; điều gì không được thu nhận thì cũng không được cứu chuộc” (Quod non est assumptum non est redemptum. xc. Grêgôriô Nadiadênô, Ep.101,87). Thiên Chúa đã kết hợp với con người ngõ hầu con người được kết hợp với Thiên Chúa. Nơi đức Kitô, thân thế và sự nghiệp gắn chặt với nhau. Mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm cứu độ không thể nào tách rời nhau được.

Bình Hòa
Thời sự Thần học – Số 16 -Tháng 06/1999

[1] P. Galtier, L’Unité du Christ, Être…Personne…, Conscience, Paris, Beauchesne 1939. Unité ontologique et Unité psychologique dans le Christ, in:”Bulletin de litterature ecclesiastique” 42 (1941), 161-175; 216-232. La conscience humaine du Christ à propos de quelques publications recentes, in:”Gregorianum” 32(1951), 525-568. – K. Rahner, Ecrits theologiques. Problèmes actuels de Christologie, Paris, Desclée de Br. 1959, p.144-186.
2 xc. Commission Théologique Internationale La conscience que Jesús avait de lui-même et de sa mission. Première proposition.
[2] “Christologia pneumatica” hoặc “Pneumatologia christologica”. Xc.: Y. Congar, La Parole et le Souffle, Paris 1984, p.13.
[3] Xc. Pius XII, Enc.Sempiternus Rex, (8/9/1951). Dz.Sch. n.3905

– See more at: http://www.lamhong.org/2013/09/06/duc-giesu-kito-la-con-nguoi/#sthash.227wKQte.dpuf