Đức Giáo hoàng nói về chuyến đi Thái lan và Nhật bản

65

Sáng nay tại quảng trường thánh Phêrô, trong buổi tiếp kiến hàng tuần, thay vì tiếp tục bài giáo lý về sách Công vụ Tông đồ, ĐTC Phanxicô đã kể cho mọi người biết về chuyến tông du của ngài tại Thái lan và Nhật bản trong những ngày vừa qua.

Anh chị em thân mến

Tôi trở về sau chuyến tông du đến Thái lan và Nhật bản ngày hôm qua, đó là hồng ân mà tôi vô cùng cám đội ơn Chúa. Tôi muốn nhắc lại lòng biết ơn của tôi đối với Chính quyền và các Giám mục ở hai quốc gia này, vì đã mời tôi và đã ân cần tiếp đón tôi, và đặc biệt cám ơn người dân Thái lan và Nhật bản. Chuyến thăm viếng này đã làm tăng thêm nơi tôi sự gần gũi và cảm mến dành cho các dân tộc này: Xin Thiên Chúa ban dồi dào phúc lộc và bình an cho họ.

Thái Lan là một đất nước cổ kính nhưng được hiện đại hóa rất mạnh mẽ. Khi gặp gỡ Quốc Vương, Thủ tướng và các nhà lãnh đạo khác, tôi đã bày tỏ sự trân trọng đối với truyền thống thiêng liêng và văn hóa phong phú của dân tộc Thái, một dân tộc “tươi cười”. Người dân ở đó luôn mỉm cười. Tôi đã cổ vũ sự dấn thân để hòa hợp giữa những thành phần khác biệt của quốc gia, cũng như đảm bảo rằng sự phát triển kinh tế có thể đem lại lợi ích cho tất cả mọi người và các vết thương do bóc lột, cách riêng đối với phụ nữ và trẻ em được chữa lành. Phật giáo là một phần trọn vẹn đối với lịch sử và cuộc sống của người dân nơi này, vì vậy tôi đã đến thăm vị Tăng Thống của các phật tử, tiếp tục con đường tôn trọng lẫn nhau do các vị tiền nhiệm của tôi đã khởi xướng, để lòng từ bi và tình huynh đệ được phát triển trên thế giới. Theo nghĩa này, cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn, được diễn ra trong trường đại học rất quan trọng.

Chứng từ của Giáo hội tại Thái lan thể hiện qua những công việc phục người nghèo và những người nhỏ bé. Trong số này có bệnh viện Thánh Louis, mà tôi đã viếng thăm bằng cách khích lệ các nhân viên y tế và gặp gỡ các bệnh nhân. Sau đó tôi đã dành những phút giây đặc biệt cho các linh mục, tu sĩ, giám mục cũng như các tu huynh dòng Tên.

Ở Bangkok tôi đã cử hành Thánh lễ với Dân Chúa trong sân vận động quốc tế và với các bạn trẻ tại nhà thờ chính tòa. Ở đó chúng tôi đã trải nghiệm được rằng trong gia đình mới được Chúa Giêsu Kitô thành lập cũng có những khuôn mặt và giọng nói của người Thái.

Sau đó, tôi đã đi đến Nhật Bản. Khi tôi đến Tòa sứ thần ở Tokyo, tôi được các Giám mục ở đây chào đón, ngay sau đó chúng tôi chia sẻ với họ thách thức khi trở thành các mục tử của một Giáo hội nhỏ bé, nhưng lại là những người mang nước hằng sống, là Tin mừng của Chúa Giêsu.

“Bảo vệ mọi sự sống” là phương châm của tôi trong chuyến viếng thăm Nhật bản, một đất nước mang những vết thương của vụ đánh bom nguyên tử và và là phát ngôn viên cho toàn thế giới về quyền căn bản đối với sự sống và hòa bình. Ở Nagasaki và Hiroshima tôi đã lưu lại để cầu nguyện, gặp gỡ những người sống sót và một số gia đình các nạn nhân, và tôi đã mạnh mẽ lên án vũ khí hạt nhân và sự giả tạo khi nói về hòa bình bằng cách chế tạo và buôn bán vũ khí chiến tranh. Sau thảm kịch đó, người Nhật đã thể hiện một khả năng chiến đấu phi thường cho sự sống; và họ đã làm điều đó cho tới hôm nay, sau ba thảm họa vào năm 2011: động đất, sóng thần và tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân.

Để bảo vệ sự sống, cần phải yêu mến nó, và ngày nay mối đe dọa nghiêm trọng, nơi các quốc gia phát triển, là mất đi ý thức sống.

Các nạn nhân đầu tiên của ý thức trống rỗng đối với sự sống là các bạn trẻ, bởi thế, một cuộc gặp gỡ ở Tokyo đã được tổ chức riêng cho họ. Tôi đã nghe được các câu hỏi của họ và những giấc mơ của họ; tôi đã khích lệ họ hãy cùng nhau phản đối mọi hình thức bắt nạt, và cùng nhau chiến thắng nỗi sợ hãi và khép mình bằng cách mở lòng ra với tình yêu Thiên Chúa, trong cầu nguyện và trong việc phục vụ tha nhân. Tôi đã gặp một số bạn trẻ khác tại đại học “Sophia”, cùng với cộng đoàn học viện. Trường đại học này cũng giống như mọi trường công giáo, rất phổ biến ở Nhật.

Ở Tokyo, tôi có cơ hội đến thăm Nhật Hoàng Naruhito, người mà tôi bày tỏ lòng biết ơn của tôi; và tôi đã gặp các nhà cầm quyền cùng với ngoại giao đoàn. Tôi mong về một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại, được biểu thị bởi sự khôn ngoan và viễn tượng rộng lớn. Luôn duy trì niềm tin đối với các giá trị tôn giáo và đạo đức, và mở ra cho sứ điệp tin mừng, Nhật bản có thể là một quốc gia hàng đầu vì một thế giới công bằng và hòa bình nhất và vì sự hòa hợp giữa con người với môi trường.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy giao phó dân tộc Thái Lan và Nhật Bản cho lòng nhân hậu và quan phòng của Thiên Chúa. Cám ơn.

Tôi muốn gửi lời chào và sự gần gũi của tôi đến người dân Albania thân yêu, những người đã chịu đựng đau khổ rất nhiều trong những ngày này. Albania là quốc gia châu Âu đầu tiên tôi muốn đến thăm. Tôi gần gũi các nạn nhân, tôi cầu nguyện cho người chết, cho những người bị thương và cho các gia đình. Xin Chúa ban phúc lành cho dân tộc này, một dân tộc tôi yêu thương thật nhiều.

Thứ bảy tuần trước, ở Tambaύ (Brazil), đã tuyên phong chân phước cho linh mục Donizetti Tavares de Lima, vị mục tử dâng hiến trọn đời cho dân của mình, để làm chứng cho đức ái phúc âm và can đảm bảo vệ người nghèo. Các linh mục, tu sĩ, cũng như giáo dân có thể làm chứng cho niềm tin của Chân phước Donizetti, bằng sự nhất quán lựa chọn cuộc sống, được Tin Mừng gợi hứng.

v
v
v
v

v

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin: Vatican.va: