Đức Cha Lambert qua đời vào ngày 15/6/1679, nhưng thực ra ngài đã đón nhận cái chết từ trước đó rất lâu, bởi ngài đã chết đi từng ngày bằng cái chết vì tình yêu.
Từ lúc còn là một cậu học sinh theo học các cha Dòng Tên, ngài đã được cha Lallemant dạy rằng, trong số “những cái chết đẹp”, những cái đáng khao khát nhất “trước tiên là chết trong khi phục vụ những người bị dịch hạch, thứ đến là chết nơi các vùng truyền giáo xa xôi hoặc bởi tay người ngoại, hoặc vì lao lực do nhiệt thành phục vụ”[1]. Sau đó, ngài lại được ảnh hưởng bởi những nhận định của ông Jean de Bernières: “Các thánh được nên thánh giống như một pho tượng, phải đục, phải đẽo”[2]… “Một con người cầu nguyện phải là một con người đã chết…” “Tâm hồn cần nghiệm được hạnh phúc của sự từ bỏ triệt để và niềm vui của sự sống trong sự chết.”[3] Hơn nữa, theo gương Cha Thánh Jean Eudes đã có Lời khấn tử vì Đạo, thầy Lambert đã dâng lên Thiên Chúa và Trái Tim Mẹ Maria lời khấn “chết vì tình yêu” trong ngày chịu chức Phó Tế. Sau khi rước lễ thầy nghe có tiếng nói trong thâm tâm rằng, Con Một Thiên Chúa và Thần Khí của Ngài đang ở trong thầy, với thời gian sẽ làm cho thầy chết vì tình yêu, lời hứa làm thầy được tràn đầy an ủi và với lòng vững tin những mong được thấy thực hiện”[4].
“Chết vì tình yêu” theo quan niệm của cha Lambert, là một cái chết người ta không thấy, nó không diễn tả ra trong một đấu trường nào cả, nhưng trong sương mờ của các công việc hằng ngày. Đây là một sự suy yếu từ từ do những sự chấp nhận bé mọn, những từ bỏ nhỏ nhoi hay những nhục nhã bất công, xúc phạm, đấu tranh không cân xứng, thất bại, bệnh hoạn.[5] Cha Lambert nhận được nhiều ánh sáng mới về ơn gọi của mình. Cha Brisacier thuật lại: “Ngay từ sáng ngày quan trọng đó, Thần Khí hướng dẫn ngài, đã bảo đảm với ngài cách thầm kín rằng cuộc sống của ngài sẽ là một cái chết liên tục, kéo dài suốt cả cuộc đời. Ngài dâng và uống Máu Con Chiên sát tế để xoá tội trần gian thì ngài cũng phải sẵn sàng chết đi cho chính mình và chịu mọi đau khổ cho tới hơi thở cuối cùng, để góp phần vào việc hoán cải và thánh hoá các linh hồn”.[6]
Thật vậy, cuộc đời thừa sai của ngài là một chuỗi đầy gian lao khốn khó, chẳng hạn như:
- Hai lần suýt chết đuối trong cuộc hành trình từ Pháp đi Rôma.[7]
- Khởi đầu hành trình đi truyền giáo: tại Lyon ngài bị hôn mê hai ngày liền, mọi người đều bó tay, người ta chỉ chờ giờ ngài bước sang bên kia thế giới thì ngài bỗng nhiên hết sốt, chỉ còn rất mệt thôi. Tuy nhiên, ngài còn phải nằm gần hai tháng, sau đó mặc dầu rất yếu, ngài lấy tàu xuôi dòng sông Rhône tới Avignon, tiếp tục hành trình sang Đông Á.[8]
- Bão lớn trong cuộc hành trình sang Trung Hoa: Sau mười ngày thuận buồm xuôi gió trong
vịnh Thái Lan, con tàu chở các nhà truyền giáo gặp bão khi vào biển Trung Hoa. Con tàu bị trôi dạt một ngày hai đêm trên mặt biển sóng to, đầy đá lởm chởm…Trong tình trạng bi thảm như vậy, Đức Cha Pierre Lambert và cha François Deydier lo giải tội và an ủi những người trên tàu. Các ngài dùng thời giờ còn lại để nguyện gẫm và cố không bỏ qua cơ hội hiếm có được thấy cái chết gần kề, vô phương chạy thoát. Chính trong những lúc đó mà các ngài cảm thấy cuộc đấu tranh giữa phần hạ đẳng của con người lý trí và ơn Chúa. Chính trong những giờ phút quý báu đó mà các ngài hiến mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha hằng hữu, mỗi người theo ơn riêng Chúa ban. Và chính trong cơn nguy biến đó mà các ngài vui mừng ngợi khen, tạ ơn Chúa Giêsu đã ban cho các ngài, ơn được thấy mình chết chìm mà vẫn bình thản đón nhận ý Chúa”. Sau nhiều ngày, Đức Cha mới được ghe đến cứu. Đức Cha Lambert đã nhìn biến cố này như là một dấu chỉ rằng các nhà thừa sai chưa tới được nơi truyền giáo vì “không chết trong Chúa Giêsu-Kitô đủ và không sống trong Người đủ.” [9] - Những âm mưu ám sát và đầu độc: Từ cách sống sứ vụ tông đồ thừa sai và sự cương quyết tuân theo chỉ thị của Tòa Thánh trong công cuộc truyền giáo, Đức Cha Lambert đã có những kẻ thù ghét và có nguy cơ là nạn nhân của những âm mưu ám sát và đầu độc. Tuy nhiên, ngài đã xác quyết: “Chúng ta sẽ không quan tâm tới những ý tưởng sợ hãi và những lời cảnh báo có âm mưu sát hại chúng ta bằng võ lực hay bằng đầu độc. Tóm lại, chúng ta sẵn sàng chấp nhận những sự đó, nếu chúng ở trong ơn gọi của chúng ta, tin chắc rằng nếu Chúa để cho chúng xảy ra, đó là những gì lợi ích nhất cho chúng ta. Thật thế, khi chúng ta sẵn sàng tuân theo ý Chúa trong mọi sự thì còn cái chết nào tuyệt vời và thầm kín hơn là bị ám sát, bỏ đói, bệnh hoạn, bị đầu độc? Những cách chết đó đầy ơn Chúa vì chúng đều quý giá trước mặt Chúa.”[10]
- Bị hiểu lầm lên án, ngài cũng sẵn sàng đón nhận: “Những điều trên không hề làm tôi bận tâm, tôi nhìn chúng như một cơ may lớn trong ơn gọi của tôi. Có thể là Chúa muốn ban cho tôi ơn phải chết vì sự thật và công lý, cách đó chứ không phải chết treo trên cây gỗ, vì đức tin và để anh em được cứu rỗi.”[11]
- Đau yếu bệnh tật: Đức Cha Lambert được xem như có một sức chịu đựng lạ lùng, trong hoàn cảnh sống và môi trường khắc nghiệt vẫn làm bao nhiêu là việc, không ngơi nghỉ. Thế mà sức chịu đựng lạ lùng đó bỗng sụp đổ vào tháng 10 năm 1663, khi Đức Cha lâm bệnh nặng, người ta sợ ngài không qua khỏi. Có phải do làm việc quá sức, lại gặp nhiều nghịch cảnh hay vì thất bại trong cuộc hành trình gian nan đi Trung Hoa? Hay vì một cơn bệnh vùng nhiệt đới, nguy hiểm đối với người Âu, hay đơn giản chỉ là dấu chỉ một sự kiệt sức nặng thêm do các chứng bệnh mãn tính quen thuộc của người Âu (bệnh gút, đau khớp xương và các biến dạng) mà ngài đã có từ nhiều năm? Dẫu sao thì tình hình rất nghiêm trọng và ngài phải nghỉ ngơi, dưỡng sức và quan tâm hơn tới các nhu cầu của thân xác… Tuy nhiên ngài vẫn ăn chay nhưng rồi Chúa lại ban cho ngài được khỏi bệnh.[12]
Ngày 15 tháng 01 năm 1671, theo Nhật ký Truyền giáo “ngài lên cơn sốt nặng, đến nỗi người ta không còn hy vọng cứu được ngài. Tin đến tai Đức Vua đang ở đó cách hai ngày đàng: Vua sai lương y Trung Hoa giỏi nhất của mình, tới ngay bên giường bệnh và không được rời Đức Cha nếu không có lệnh của Nhà Vua. Cơn sốt kéo dài một tháng, có lúc lên cao làm Đức Cha đau đớn nhiều, nhưng ngài sẵn sàng chịu đựng như chúng ta có thể mong đợi nơi một con người anh hùng như ngài. Để dọn mình chết, ngài lãnh các phép với những tâm tình và một lòng đạo đức lạ lùng. Khi khỏi bệnh ngài nhận ra rằng, Chúa chưa muốn kéo ngài ra khỏi chốn lưu đày này”.[13] Ngài tưởng chết nên đã xin cha Vachet làm các phép cho ngài trong khi ngài còn tỉnh. Thái độ bình tĩnh của Đức Cha gây ấn tượng mạnh mẽ trên cha Vachet, ngài viết: “Nếu cứ theo bề ngoài mà xét bề trong thì khó mà có một người gần chết mà lại sẵn sàng ra đi cách thánh thiện như vậy.”[14]
Ngày 16 tháng 08 năm 1678, trong khi ngài đã phải từ bỏ ý định trở lại Đàng Trong vì sức khoẻ không cho phép, Đức Cha Pierre Lambert lên cơn đau, phải liệt giường và ngài sẽ không dậy nữa. Không biết rõ bệnh gì, người thì bảo sỏi bàng quang, người thì bảo loét bao tử…Cách đó mấy năm ngài đã cảm thấy đi tiểu khó khăn, sưng hậu môn, u nhọt. Sau khi chết, thấy có 3 cục sỏi trong bàng quang và khối u lớn. Ngài thường nói đau đớn thân xác không là gì sánh với đau buồn trong tâm hồn, vì Chúa đã lấy đi mọi an ủi bên trong, chỉ để lại một tia sáng để ngài khỏi ngã lòng. Ngài ở trong những nỗi âu lo và tăm tối lạ lùng đến nỗi ngài không biết xoay xở cách nào. Cha Gayme viết rằng: “Từ nhiều ngày nay, ngài đau đớn, ngày đêm vật vã… Chúng tôi thật đau lòng, chỉ có ngài còn cười được, và tỏ ra hết sức bình tĩnh khi chúng tôi lo lắng, buồn rầu về bệnh trạng của ngài.”[15]
Sau hết, vào ngày 15/6/1679, với sự tỉnh thức và luôn luôn sẵn sàng, “ngài đã trút hơi thở cuối cùng, đúng như một con người đau khổ như ngài đã sống, giữa những thập giá và những đớn đau, không chỉ bên ngoài mà cả bên trong, Thiên Chúa đã muốn ngài phải trải qua để được hoàn toàn ra không và làm cho ngài ra bất lực, nếu nói được như vậy, không một chút tự mãn nào với những gì Thiên Chúa làm qua tay ngài.”[16]
Ngắm nhìn cuộc sống vì tình yêu và cái chết vì tình yêu của Đức Cha Lambert, chị em chúng ta cùng theo gương Ngài để “chết vì tình yêu” mỗi ngày, ngay bây giờ và ngay hôm nay, đặc biệt trong thời gian này, khi chị em chúng ta cùng nhau thực hiện Định hướng: Huấn luyện bản thân theo tinh thần Dòng Mến Thánh Giá là tinh thần khổ chế hy sinh vì tình yêu. Chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi ngài đã dành cho hai nữ tu tiên khởi là An-nê và Phao-la, trong Bức tâm thư ngài gởi cho các chị, đồng thời cũng là là lời mời gọi cho mỗi chị em chúng ta, những nữ tu Mến Thánh Giá:
“Hỡi các nữ tu của cha, chắc hẳn các con thấy được rằng ơn gọi của mình cao trọng dường nào và các con đã chết đi đối với thế gian, nghĩa là đối với các giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời, để từ nay chỉ sống bằng những châm ngôn, những thực hành và bằng chính đời sống của Chúa Giêsu Kitô.”[17]
Sr. Anna Lê Thị Vân Nga
Tổng Phụ trách MTG.Thủ Đức
[1] Louis Lallemant, Doctrine Spirituelle, Paris, Desclée de Brouwer, 1959, tr.21.
[2] Tự điển linh đạo, c.1 cột 1524-1525.
[3] Maurice Souriau, Hai nhà thần bí người Normandie thế kỷ XVII, Gaston de Renty và Jean de Bernières, Paris, Librairie académique Perrin et Cie, 1913, tr.254.
[4] Vie de Mgr de la Motte Lambert, Jean-Charles de Brisacier, bản đánh máy – Thư khố Thừa Sai Paris (AMEP) 1995, ch.VI.
[5] Francois Fauconnet-Buzelin, Người Cha Bị Lãng Quên, Thư Khố Hội Thừa Sai Hải Ngoại, Paris, 2006, tr.133.
[6] Brisacier, sđd, ch.VI.
[7] Francois Fauconnet-Buzelin, sdd, tr.155
[8] Francois Fauconnet-Buzelin, sdd, tr.227
[9] Cha J. Guennou dẫn trong “Đức Cha Pierre Lambert, thầy dạy về đời sống thiêng liêng”. Échos de la Rue du Bac, số 256, 02.1991, tr.33-36.
[10] Ký sự viết tay, tr.84-85.
[11] Thư của Đức Cha Pierre Lambert gửi cha Michel Gazil, 11.02.1664, AMEP, c.858, tr.71
[12] Francois Fauconnet-Buzelin, sdd, tr.355.
[13] Journal de la Mission, tr.132.
[14] Bénigne Vachet, Vie de Pierre Brindeau, AMEP, c.733, tr.219-230
[15] Thư của cha Gayme gửi Đức Cha Pallu, Siam, ngày 31 tháng 08
năm 1678, AMEP, c.877, tr.617-618.
[16] Thư của Đức Cha Laneau gửi các Giám đốc, Siam, 02.11.1679,
AMEP, c.860, tr.25, Launay, Cochinchine, tr.73.
[17] Bức Tâm Thư, s.10.