Đức Ái Cận Thân (Thứ Hai Tuần 27 Thường niên)

169

Lời Chúa: Lc 10, 25-37

25 Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp26 Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? “27 Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”28Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”29Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? “30 Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi.32 Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? “37 Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Suy niệm

Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu đã chỉ cho người thông luật một dụ ngôn trước cái lý của ông, cái lý lẽ dựa trên những con chữ chết cứng của lề luật. Có thể lòng khao khát sự sống đời đời đã dấy lên trong người luật sĩ, nó thúc đẩy ông đến hỏi Đức Giêsu, dù đó chỉ là một câu hỏi để thử Người. Đức Giêsu biết và biết rất rõ điều đó nhưng Người vẫn kể cho ông một dụ ngôn đầy sắc nét để ông tự đi tìm câu trả lời cho câu hỏi của chính mình: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10, 29)

Qua dụ ngôn, hình ảnh người Samaritanô hiện ra giữa trang Tin Mừng thật đẹp, giữa cảnh khốn cùng của kẻ hoạn nạn và giữa hai con người giống như mắc bệnh vô cảm thì anh lại động lòng trắc ẩn… Anh biết chắc người nằm đó không phải là anh em của mình, không chung màu da, không cùng sắc tộc, không chung tiếng nói, không cùng niềm tin… Anh không phải là thầy thuốc, anh càng không có nhiệm vụ với con người xa lạ ấy… Nhưng khi nhìn vào con người xấu số đó, rồi lại nhìn vào chính lòng mình, từ nơi sâu kín nhất trong anh bỗng dâng lên một tình thương. Anh đã thấy Chúa trong con người đó. Và chính cái thấy đó giúp anh bất chấp vượt qua rào cản, vượt qua toan tính, hy sinh thời gian, không ngại lụy phiền… Anh “lại gần”, dùng đôi bàn tay mà săn sóc người hoạn nạn, anh lo lắng cho tình trạng của người ấy như lo cho chính người thân cận của mình. Trong tu đức học gọi đó là Đức ái cận thân.

Có câu chuyện kể rằng:

Bà thánh Êlisabeth Hungary rất thương mến những người nghèo, người bệnh tật và những người cùng khổ. Bà phục vụ họ bằng chính đôi tay cúi xuống của mình. Khi còn là một nữ công tước thành Thuringc, bà từng tiếp nhận một em bé cùi tên là Helias. Tình trạng của em rất đáng thương và không ai muốn nhận săn sóc em. Nữ công tước băng bó vết thương và đem em về phòng, đặt lên giường của mình. Khi chồng bà về, mẹ chồng méc tội bà: “Con lên mà xem việc điên rồ vợ con đang làm trên đó. Nó đã đặt một đứa phong trên giường con nằm, thử hỏi làm sao mà không lây nhiễm được?” Công tước Louis phát khùng và nhào lên phòng, ông hất tung chiếc chăn đang đắp cho Helias. Ngay lúc ấy, thay vì thấy một em phong cùi thì ông lại xem thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh đang giang tay nằm trên giường. Ông và mẹ ông đều sửng sốt rồi bắt đầu khóc sướt mướt. Sau khi lấy lại bình tĩnh ông nói với vợ: “Hỡi Êlisabeth, em cứ siêng năng đón tiếp những vị khách quý như vậy nhé! Anh rất bằng lòng với em.” Rồi ông quỳ xuống và thốt lên rằng: “Lạy Chúa Con, con không xứng đáng nhìn thấy những kỳ công này!” ( trích từ truyện ngắn của Montalembert).

Cuộc sống xung quanh chúng ta vẫn còn rất nhiều những tấm lòng trắc ẩn và giàu tình thương như vậy. Với người có lòng tin, Đức Giêsu không còn là một Thiên Chúa ở xa tít tắp nhưng Ngài vẫn hằng ngày, hằng giờ hiện diện ngay bên cạnh chúng ta. Chẳng phải khi còn sống trên trần gian Đức Giêsu đã luôn “đồng hóa” mình với những thân phận nghèo khổ, cô thế cô thân, đói rách, bệnh tật đó sao?  Vậy thì sau khi Chúa sống lại, chúng ta đâu có thể giữ chân Ngài hay đóng hộp Ngài như đóng hộp một bức tượng. Đức Giêsu có mặt ở khắp nơi trên trái đất này. Vậy để nhận ra sự hiện diện của Chúa, không chỉ cần thời gian, sự kiên nhẫn nhưng quan trọng hơn cả là chúng ta cần vận dụng cặp mắt đức tin, không ỷ y vào đôi mắt xác phàm của mình. Biết đâu, Chúa vẫn đang rên rỉ trong những trại phong Bến Sắn, Qui Hòa…? Biết đâu, Chúa vẫn đang khổ sở vì mất nhà , mất vườn, đang đói rét giữa cảnh lũ lụt thiên tai? Biết đâu, Chúa đang mong ngóng mỏi mòn một vòng tay yêu thương nào đó từ những trại trẻ mồ côi?… Và Chúa cũng đang hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể, trong cộng đoàn của chúng ta. Chúng ta có dám bẻ mình ra để đến với những người thân gần nhất, những người chúng ta gặp gỡ tiếp xúc hàng ngày hay không? Chúng ta có thể làm gì và phải làm gì cho những Đức Kitô ấy?

Lạy Chúa Giêsu!

Cảm tạ Chúa về bài học hôm nay qua hình ảnh người Samaritanô nhân hậu, bài học dạy chúng con hướng đến chiều sâu của đức bác ái. Nếu có tình yêu trong tim sẽ có muôn muôn triệu phương thế để thể hiện đức ái. Chúng con không có tiền, không có của cải, phương tiện… nhưng chúng con vẫn có thể  nói một lời yêu thương, trao tặng một nụ cười, chìa tay dắt một cụ bà qua đường, nhường ghế cho một chị phụ nữ mang thai trên xe bus…và chúng con có thể cầu nguyện nữa. Xin Chúa thúc đẩy chúng con luôn biết tiến tới và đưa tay ra với mọi người thân cận hơn là quay đi và dụt tay lại tìm cho mình chút an phận trong mớ luật mốc meo như thầy Tư tế và thầy Lêvi trong dụ ngôn hôm nay. Amen.

Anna Bích Hạt, Học viện MTG.Thủ Đức