Dụ ngôn Mười Trinh Nữ – Tin mừng Chúa nhật 32 TN A

348

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXII TN A

Mt 25, 1-13 Dụ Ngôn Mười Trinh Nữ


Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong khối bài giảng về thời cánh chung (Mt 24-25). Trong tâm thức mong chờ ngày quang lâm, chủ đề nổi bật chính là lời kêu gọi ‘tỉnh thức’ đợi chờ ngày giờ Chúa đến. Ngày giờ ấy đến bất ngờ như kẻ trộm (x.Mt 24,43), hay như ông chủ đi xa bất ngờ trở về (x. Mt 24,46). Trong bối cảnh này, dụ ngôn Mười Cô Trinh Nữ cho thấy Nước Trời đến phân rẽ giữa người dại và người khôn. Người dại bị loại ra ngoài còn người khôn được vào dự tiệc cưới với Chàng Rể. Vậy, tiêu chuẩn nào để phân biệt giữa dại và khôn? Tại sao lại không có sự chia sẻ, giúp đỡ trong những lúc hoạn nạn? Tại sao Chàng Rể lại không thể mở cửa khi các cô dại chỉ trễ một chút thôi?

Mười cô trinh nữ được mời đi đón Chàng Rể, các cô đều chuẩn bị đèn sáng để rước Chàng về giữa đêm khuya. Vì Chàng Rể đến muộn nên tất cả đều ngủ và đèn của các cô vẫn tiếp tục cháy sáng.  Tiếng hô vang “Chàng Rể đến” đã đánh thức các cô dậy. Lúc này dấu vết dại/khôn nơi các cô được thể hiện. Các cô được gọi là khôn vì các cô mang bình dầu dự trữ và ngọn đèn của các cô tiếp tục cháy sáng. Còn các cô bị gọi là dại vì ngọn đèn của các cô đã tắt tự bao giờ và các cô không có dầu để tiếp tục thắp sáng ngọn đèn của mình. Như vậy, người khôn là người biết tiên liệu trước và luôn sẵn sàng ngay trong lúc ngủ; còn người dại là kẻ không biết tiên liệu và không biết nắm lấy cơ hội Chàng Rể đến muộn để chuẩn bị dầu cho ngọn đèn của mình.

Tại sao không thể vay mượn nhau một chút dầu?  Câu trả lời của các cô khôn dường như hơi ích kỷ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh gấp rút này, đây là câu trả lời duy nhất. Chàng Rể đến rồi, thời gian đâu mà cho vay mượn. Vả lại, ngọn đèn ở đây tượng trưng cho đức tin, cho lòng mến, vậy ai có thể chuẩn bị dầu ngoài chủ nhân của nó? Ai dám nói rằng mình có thừa nhân đức để cho người khác vay mượn khi đến trước mặt Thiên Chúa? Ai có thể vay mượn nhân đức của người khác để thắp cho ngọn đèn đức tin của mình?

Chàng Rể đã vào bàn tiệc và cửa cũng đã đóng lại mặc cho các cô dại nài nỉ. Chàng Rể này có quá khó không, có nguyên tắc quá không? Có vẻ là như vậy! Tuy nhiên, trong viễn tượng của ngày Chúa đến, chúng ta hiểu rằng mỗi người không thể kéo dài cuộc đời của mình. Thiên Chúa đã cho chúng ta đủ thời gian và cơ hội để chuẩn bị, giờ đây là lúc phán quyết ai dại, ai khôn.

Dụ ngôn kết thúc bằng một lời mời gọi và cũng là lời cảnh báo “… hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào” (c.13). Lời cảnh báo của Tin Mừng phù hợp với tâm tình của tháng cầu hồn. Chúng ta có dịp suy nghĩ về sự chết, về những cái chết của những người đã đi trước chúng ta và chắc chắn rằng rồi cũng sẽ đến lúc tôi thuộc trong số họ. Thời gian thì tôi không biết, có thể chỉ ít phút nữa, có thể ngày mai, ngày kia hay một ngày nào đó; gần hay xa tôi không biết, chỉ biết rằng chắc chắn ngày đó đang tới. Chàng Rể dường như đến trễ nhưng chắc chắn đang tới. Vậy hãy sẵn sàng như những cô trinh nữ khôn ngoan luôn thắp sáng ngọn đèn đức tin của mình bằng các nhân đức. Đừng chờ tới ngày mai nhưng hãy bắt tay ngay vào một công việc bác ái cụ thể với người đang hiện diện, đang sống với chúng ta. Hãy sống như đây là giây phút chuẩn bị cuối cùng của cuộc đời! Ai biết sẵn sàng cho cái chết của mình cũng chính là người biết sẵn sàng sống với mọi người.

Sr. Anna Nguyên Hiệp

Hội Dòng MTG Thủ Đức