Dụ ngôn cây chuối

96

Dụ ngôn cây chuối

 

Có một cậu bé hỏi bố:

“Bố ơi, trong cuộc đời của một cây chuối nó sinh ra được bao nhiêu buồng?”

“Chỉ một buồng duy nhất.” – bố  trả lời

Cậu nhỏ ngạc nhiên về câu trả lời của bố. Nó cứ đinh ninh trong cuộc đời của mình một cây chuối ít nhất cũng phải cho vài buồng quả.

“Khi buồng chuối chín cũng là lúc cây chuối mẹ chết đi.” – bố nói thêm

Thực vậy, nếu có dịp quan sát một cây chuối mang một buồng quả chín ta sẽ thấy: lá của cây chuối mẹ héo rũ và xác xơ, và thân của nó oằn xuống như sắp gãy vì nó phải mang trên mình một buồng chuối nặng trĩu quả. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, khi buồng chuối chín hoàn toàn, cây chuối mẹ sẽ gục hẳn xuống.

Trong quá trình nuôi buồng chuối, cây chuối mẹ đã hy sinh những phần tinh tuý nhất của mình – chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá – để dồn cho những quả chuối được chín, để dâng cho đời những trái chuối ngon ngọt.

Hoá ra lâu nay hàng ngày tôi vẫn ăn chuối và thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy một bụi chuối mà không hề hay biết cây chuối tượng trưng cho một hình ảnh đẹp về sự hy sinh.

Cây tốt lại sinh trái tốt. Cây chuối từ đời này đến đời kia cứ tiếp tục dâng hiến, hy sinh để cho một mầm sống mới phát triển. Phẩm chất của cây chuối không chỉ là thơm ngon, là chất bổ dinh dưỡng mà còn là bài học quý báu của tình yêu hy sinh đến quên cả tính mạng mình. Đó là mẫu gương của sự hy sinh, của tình yêu bất diệt.

Tháng 11 là dịp để chúng ta nhớ tới biết bao hy sinh của những bậc làm cha mẹ đã quên mình vì chúng ta. Họ đã đánh đổi cuộc đời cho chúng ta sự sống, cho chúng ta tiếng cười và bình an. Họ đã một cuộc đời tận hiến thân mình như cây chuối chỉ mong mang lại cho đời trái chin thơm ngon và chấp nhận gục ngã theo số phận an bài.

Vâng, khi nói đến cha mẹ, chúng ta không thể quên những hy sinh mà các ngài đã dành cho chúng ta. Điều này đã thể hiện qua biết bao ca từ của lời hát, của những câu ca. Văn học luôn phát triển cùng với những vần thơ ca tụng về tình cha tình mẹ. Và có lẽ, từ bé đến già, không nhiều thì ít, ai cũng cảm thấy thấm thía ơn đức cao cả của mẹ cha:

“Công cha đức mẹ cao dày

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải biết thờ song thân.”

“Biết thờ song thân”, thờ trong khi sống, thờ sau khi chết, thờ thế nào cho phải đạo làm con, cho xứng đáng phần nào công lao tảo tần nuôi con của mẹ:

“Nuôi con buôn tảo bán tần

Chỉ mong con lớn nên thân với đời

Những khi trái nắng trở trời

Con đau làm mẹ đứng ngồi không yên

Trọn đời vất vả triền miên,

Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con.”

Thế nên, nếu so sánh công đức của mẹ hiền như non cao cũng chưa xứng đáng:

“Ai rằng công mẹ như non

Thực ra công mẹ lại còn lớn hơn.”

Tình thương của cha mẹ thật lớn lao. Tình thương ấy thật bao la, bát ngát, nên mỗi khi mẹ cất tiếng ru con thì đời con thêm tươi sáng:

“Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.

Khó đi mẹ dắt con đi,

Con đi trường học mẹ đi trường đời.”

Vậy, những tình yêu mà cha mẹ dành cho chúng ta, các ngài cần gì nơi chúng ta? Chắc chắc không phải là tiền bạc, vì tiền bạc các ngài dành dụm để cho chúng ta. Chắc chắc đó không phải là danh vọng, vì tuổi gìa chẳng còn ham muốn những tham sân si của dòng đời. Các ngài cần tình yêu của chúng ta qua sự chăm sóc, thăm nom của chúng ta khi các ngài còn sống. Niềm mơ ước đó đã thể hiện qua những lời mẹ ru con:

“Ai về tôi gửi buồng cau,

Buồng trước kính Mẹ, buồng sau kính Thầy.

Ai về tôi gửi đôi giày,

Phòng khi mưa gió để Thầy Mẹ đi.”

Trong đạo hiếu đôi khi những người con còn dám chấp nhận hy sinh hạnh phúc, hy sinh cuộc đời riêng tư của mình, một lòng chỉ quyết phụng dưỡng mẹ cha:

“Ơn hoài thai, to như bể!

Công dưỡng dục, lớn tợ sông!

Em nguyện ở vậy không chồng,

Lo nuôi cha mẹ hết lòng làm con.”

Không chỉ ở nhà mới phụng dưỡng cha mẹ mà ngay cả khi sang nhà chồng hay khi làm ăn nơi xa vẫn một niềm lắng lo, vẫn canh cánh bên lòng một cuộc đời già nua của cha mẹ:

“Chim đa đa đậu nhánh đa đa,

Chồng gần không lấy, để lấy chồng xa.

Mai sau cha yếu, mẹ già,

Bát cơm đôi đũa, kỹ trà ai dâng?”

Lòng thảo hiếu ấy được tỏ bày một cách chân thành khi các ngài đã qua đời, luôn cầu nguyện, thắp hương tưởng nhớ mẹ cha.

Giáo hội Công giáo mời gọi chúng ta lấy tinh thần thảo hiếu của người Việt vào trong đời sống tôn giáo bằng việc dùng tháng 11 như là tháng ân hiếu mẹ cha.

Đạo hiếu luôn dạy chúng ta “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đạo hiếu luôn nhắc nhở chúng ta phải tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ. Xin cho chúng ta luôn sống thảo hiếu với cha mẹ. Khi còn sống biết kính trọng vâng lời. Khi các ngài đã qua đời luôn nhớ đến các ngài trong kinh tối, kinh sáng và trong thánh lễ hằng ngày. Amen.

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền