GÓC SUY TƯ GIỚI TRẺ “Đủ LIKE là làm” – có đáng không?

“Đủ LIKE là làm” – có đáng không?

Dạo gần đây, dân tình đang xôn xao với câu chuyện cô nữ sinh cấp II đốt trường ở Khánh Hòa. Sau khi tích đủ 1000 LIKE (lượt THÍCH) từ bạn bè và người chơi Facebook dành cho status (dòng trạng thái) của mình, cô học trò 13 tuổi “nói là làm”, tưới xăng châm lửa đốt trường trước sự chứng kiến của nhiều người (http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/nu-sinh-dot-truong-vi-cau-1-000-like-tren-facebook-3481058.html). Không ít câu chuyện tương tự cũng xảy ra đây đó: 40000 LIKE cho việc tự thiêu rồi nhảy cầu, 200000 LIKE để tung ảnh nude, và nhiều điều khác gần giống thế. Đây là kết quả đến từ trào lưu “đủ LIKE là làm” đang sôi sục trong giới trẻ mạng. “Đủ LIKE là làm”, có đáng như thế không?

Trước hết, cần nói rằng giữ lời hứa là một trong những giá trị được trân trọng, và hành động “nói là làm” cũng thật đáng hoan nghênh. Nhưng “nói là làm” chỉ là một giá trị khi lời hứa kèm theo phải đưa đến một hành vi đúng đắn và sự việc tốt đẹp. Đủ 100 LIKE để chấp nhận đi xe bus đến trường thay vì đi xe máy; 1000 LIKE cho việc thức dậy sớm và tập thể dục; thậm chí 10000 để tham gia một nhóm thiện nguyện nào đó, phụ giúp nhặt rác bãi biển. Nếu cần đủ LIKE để thực hiện một việc tốt, trào lưu “nói là làm” quả thật đáng để tham gia.

Tiếc thay, “đủ LIKE là làm” hiện nay thường chỉ mong tìm thực hiện những điều trái khuấy. Hành động đến sau những cái LIKE được tích lũy ấy không hề đáng để người ta dấn thân vào. LIKE, thay vì đưa người ta đạt đến những giá trị cao đẹp giúp mình “người” hơn, lại ghì họ xuống hố sâu sai lầm, để rồi dần đánh mất nhân phẩm. Những cái LIKE vô tri nhưng đầy sức mạnh, có sức hủy hoại hơn người ta tưởng nhiều.

Vậy thì 1000 LIKE, vài chục, vài trăm ngàn LIKE nói lên điều gì? Chúng có diễn tả “chân lý thuộc về số đông” hay chăng? Chắc hẳn là không khi người nhấn LIKE không còn nhận ra chân lý cơ bản “đúng – sai”. Hành vi LIKE tự nó đã không diễn tả chân lý, thì làm sao con số ngàn, chục ngàn lại đại diện cho chân lý cho được. Còn nữa, người “câu” LIKE đang tìm gì từ những số lượng LIKE tích lũy kia? Phải chăng là tìm sự đồng thuận hay sự công nhận từ người khác?

“Đủ LIKE là làm” như thế thật chẳng đáng chút nào! Thế mà vẫn có những người nhận thức được sự tai hại nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ xem nó như thú tiêu khiển. Chỉ đáng tiếc cho những ai đã và đang là nạn nhân của trào lưu quái gở này. Họ dường như lạc mất mình giữa một đám đông hỗn loạn. Họ không còn nhận ra điều nên làmđiều phải tránh. Có lẽ họ cần được cảm thông thay vì lên án. Suy cho cùng, họ cũng chỉ là nạn nhân của một xã hội đang mải miết quay cuồng với thành tích và danh vọng.

Trách nhiệm cũng nằm ở người nhấn LIKE vô tội vạ. Những nút LIKE vô tri vốn là phương tiện để giúp người ta hưởng ứng nhau trong những điều cao đẹp, giờ trở thành những con dao vô tình, góp phần giết chết nhân phẩm của nạn nhân. Nói cho cùng, những cái LIKE ăn theo và vô cảm kia cũng đã diễn tả phần nào sự chết dần chết mòn của người nhấn LIKE.

May thay, vẫn còn đó rất nhiều người lên tiếng phản đối trào lưu “đủ LIKE là làm” … bậy này. Nếu Facebook chưa trang bị những nút DISLIKE (không thích) thì mỗi người phải tự tạo cho mình những DISLIKE trong quan điểm, để có thể góp phần đưa trào lưu “đủ LIKE là làm” hướng đến những giá trị đích thực.

Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.

dongten.net

Exit mobile version