Dù không ý thức con người vẫn luôn ước muốn Thiên Chúa là sự thật và hạnh phúc đich thực

33



Dù không ý thức, hay xem ra thờ ơ hoặc phản đối chống lại sự siêu việt, con người vẫn luôn ước muốn Thiên Chúa, là sự thật và hạnh phúc đích thực mà nó không ngừng tìm kiếm.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khẳng định như trên trước hơn 35.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư7-11-2012. Bên cạnh các đoàn hành hương Bắc Mỹ và Âu châu, có các nhóm hành hương đến từ Á châu như nhóm học sinh trường trung học thánh Phaolô Nhật Bản, các nhóm tín hữu Indonesia và Nam Hàn. Từ Phi châu có đoàn hành hương Ghana. Từ châu Mỹ Latinh có các nhóm đến từ Brasil, Mêhicô, Argentina và Chile.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã suy niệm đề tài ”Con người mang trong mình một ước muốn nhiệm mầu về Thiên Chúa”. Đây là một khía cạnh hấp dẫn của kinh nghiệm con người. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo mở đầu với nhận định ý nghĩa sau đây: “Ước muốn Thiên Chúa được khắc ghi trong trái tim con người, bởi vì con người đã được tạo dựng bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa; và Thiên Chúa không ngừng lôi kéo con người đến với Người và chỉ nơi Thiên Chúa con người mới tìm thấy sự thật và hạnh phúc mà nó kiếm tìm không ngưng nghỉ” (s. 27). Tuy có thể được chia sẻ trong nhiều bối cảnh văn hóa, nhưng trong bối cảnh của nền văn hóa tây âu bị tục hóa, khẳng định này xem ra có thể là một khiêu khích. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Thật ra, nhiều người đồng thời với chúng ta có thể phản bác rằng họ không hề cảm thấy ước muốn về Thiên Chúa. Đối với nhiều lãnh vực xã hội Thiên Chúa không là Đấng được chờ đợi ước ao, nhưng là một thực tại khiến cho con người thờ ơ, không cần phải cố gắng bầy tỏ ý kiến. Thật ra điều mà chúng ta định nghĩa là ước muốn về Thiên Chúa đã không hoàn toàn biến mất, nhưng cả ngày nay nữa, trong nhiều cách thế khác nhau, nó vẫn đối diện với trái tim con người. Ước muốn của con người luôn hướng tới các sự thiện cụ thể chứ không phải các sự thiện tinh thần, nhưng người ta vẫn đứng trước vấn nạn sự thiện đích thực là gì, và như vậy đương đầu với cái gì khác với mình, mà con người không thể xây dựng được, nhưng được mời gọi thừa nhận.

Kinh nghiệm tình yêu có thể giúp chúng ta hiểu được năng động của ước muốn ấy. Qua tình yêu, một người nam và một người nữ, nhờ nhau, sống kinh nghiệm sự cao cả và vẻ đẹp của sự sống và của thực tại. Nếu điều tôi kinh nghiệm không chỉ đơn sơ là một ảo tưởng, nếu tôi thực sự muốn thiện ích cho người khác cũng như là con đường thiện ích của tôi, thì khi đó tôi phải sẵn sàng ra khỏi trung tâm của mình, để phục vụ họ, cho tới chỗ khước từ chính mình. Như thế câu trả lời cho vấn nạn liên quan tới ý nghĩa kinh nghiệm tình yêu đi qua sự thanh tẩy và chữa lành ý muốn, bị đòi buộc bởi thiện ích mà ta muốn cho người khác. Cần phải tập tành, tôi luyện, và cả sửa chữa nữa để cho thiện ích ấy có thể được muốn thực sự.

Sự xuất thần ban đầu được diễn tả ra bằng cuộc hành hương, ”xuất hành thường xuyên từ cái tôi đóng kín trong chính mình đến sự giải thoát của việc cho đi chính mình, và như thế là tới sự canh tân chính mình, còn hơn thế nữa tới việc khám phá ra Thiên Chúa” (Deus caritas est, 6). Qua lộ trình ấy con người có thể đào sâu việc hiểu biết tình yêu mà nó đã bắt đầu kinh nghiệm. Và mầu nhiệm mà nó diễn tả cũng ngày càng lộ hiện: thật thế, cả người được yêu cũng không thể thỏa mãn ước muốn nằm trong trái tim con người, trái lại tình yêu đối với người khác càng trung thực bao nhiêu, thì nó lại càng mở ra vấn nạn liên quan tới nguồn gốc, số phận và khả năng kéo dài luôn mãi của nó bấy nhiêu. Như vậy, kinh nghiệm tình yêu của con người có trong nó năng động quy chiếu về cái vượt ngoài chính mình; nó là kinh nghiệm của một thiện ích dẫn tới chỗ ra khỏi mình và đứng trước mầu nhiệm bao trùn toàn cuộc sống.

Cũng có thể nói như thế đối với các kinh nghiệm khác như: tình bạn, vẻ đẹp, tình yêu đối với sự hiểu biết. Mỗi thiện ích được kinh nghiệm bởi con người đều hướng tới mầu nhiệm bao quanh con người; mỗi ước muốn đối diện với trái tim con người đều vang vọng một ước muốn nền tảng không bao giờ được thỏa mãn một cách tràn đầy. Chắc chắn là từ ước mong sâu thẳm cũng dấu ẩn một cái gì khó hiểu; người ta không thể đến với đức tin một cách trực tiếp được.

Nói cho cùng, con người biết rõ điều không thỏa mãn nó, nhưng không tưởng tượng hay định nghĩa nổi điều làm cho nó kinh nghiệm được niềm hạnh phúc mà nó nhung nhớ trong con tim. Không thể hiểu biết Thiên Chúa chỉ từ ước muốn của con người. Từ quan điểm này còn có mầu nhiệm con người là kẻ kiếm tìm Tuyệt Đối, với những bước bé nhỏ và không chắc chắn. Nhưng kinh nghiệm của ước muốn, của ”con tim bất an” theo kiểu nói của thánh Agostino khá ý nghĩa. Nó cho thấy rằng, trong sâu thẳm, con người là một sinh vật tôn giáo, một kẻ ”ăn mày Thiên Chúa”. Chúng ta có thể dùng các từ của Pascal: ”Con người vượt xa con người một cách vô tận” (Pensieri, ed. Chevalier 438; ed. Brunschwig 434). Con mắt nhận biết các đồ vật, khi chúng được chiếu soi bởi ánh sáng. Từ đó có ước muốn hiểu biết chính ánh sáng, chiếu soi sự vật của thế giới và cùng với chúng thắp lên ý nghĩa của vẻ đẹp.

Tuy nhiên chúng ta phải nhận rằng, cả trong thời đại chúng ta bề ngoài xem ra phản kháng chiều kích siêu việt, cũng có thể mở ra một con đường dẫn tới ý nghĩa tôn giáo đích thật của cuộc sống, cho thấy ơn đức tin không vô lý, không phi lý. Thật sẽ rất ích lợi khi thăng tiến một loại sư phạm của sự ước muốn, cho con đường của người chưa tin, cũng như cho người đã nhận được ơn đức tin. Một sư phạm ít nhất gồm hai khía cạnh. Trước hết là học biết và tái học biết việc nếm hưởng các niềm vui đích thật của cuộc sống. Không phải tất cả mọi thỏa mãn đều sản làm này sinh trong chúng ta cùng một hiệu qủa: có vài thỏa mãn để lại một dấu vết tích cực, chúng có khả năng trao an bình cho tâm hồn, khiến cho chúng ta sống tích cực hơn và quảng đại hơn. Nhiều thỏa mãn khác trái lại, sau ánh sáng ban đầu, xem ra chúng gây thất vọng cho các chờ mong mà chúng dấy lên, và khi đó để lại đàng sau sự cay đắng, không thỏa mãn, hay một cảm quan trống rỗng. Đức Thánh Cha giải thích khía cạnh thứ nhất của sư phạm này như sau:

Ngay từ tuổi thơ giáo dục cho biết nếm hưởng các niềm vui đích thật, trong tất cả mọi lãnh vực cuộc sống – gia đình, tình bạn, tình liên đới với người khổ đau, khước từ cái tôi để phục vụ tha nhân, tình yêu đối với sự hiểu biết, đối với nghệ thuật, đối với các vẻ đẹp của thiên nhiên – tất cả những điều đó có nghĩa là tập tành sự hưởng nếm nội tâm và sản xuất ra các kháng tố hữu hiệu chống lại sự tầm thường hóa và xoàng xĩnh rất phổ biến ngày nay. Cả người lớn cũng cần tái khám phá ra các niềm vui ấy, ước muốn các thực tại đích thật, thanh tẩy mình khỏi sự tầm thường xoàng xĩnh, trong đó mình có thể bị đang sa lầy. Khi đó sẽ dễ dàng đẩy lùi tất cả những gì xem ra hấp dẫn, nhưng lại nhạt nhẽo, nô lệ hóa chứ không khiến cho con người tự do. Và điều này sẽ dấy lên ước muốn về Thiên Chúa.

Khía cạnh song song thứ hai là không bao giờ bằng lòng với những gì đã đạt được. Chính các niềm vui đích thật nhất có khả năng giải thoát trong chúng ta sự bất an lành mạnh dẫn tới chỗ đòi hỏi hơn – muốn một thiện ích cao hơn, sâu xa hơn – và đồng thời là nhận thức ngày càng rõ ràng hơn rằng không có gì hữu hạn có thể làm đầy con tim của chúng ta. Như thế chúng ta sẽ học biết hướng tới sự thiện đích thât, mà chúng ta không thể xây dựng hay cung cấp cho mình với sức lực của chúng ta, và không để cho mệt nhọc hay các chướng ngại đến từ tội lỗi của chúng ta gây nản lòng.

Về điểm này chúng ta không đựơc quên rằng năng động của ước muốn luôn luôn rộng mở cho ơn cứu độ. Cả khi nó đi vào các con đường lạc lối, khi nó chạy

theo các thiên đàng giả tạo, và xem ra mất đi khả năng hướng tới sự thiện đích thật. Cả trong vực thẳm của tội lỗi, nơi con người không tắt đi tia lửa cho phép nhận ra sự thiện đích thật, hưởng nếm nó và bắt đầu một lộ trình đi lên, mà Thiên Chúa, với ơn thánh của Người, không bao giờ để thiếu sự trợ giúp.

Ngoài ra, tất cả chúng ta đều cần đi trên con đường thanh tẩy, và chữa lành ước muốn. Chúng ta là những người lữ hành hướng tới quê hương trên trời, hướng tới sự thiện tràn đầy, vĩnh cửu, mà không gì có thể cướp mất được. Như thế đây không phải là việc bóp nghẹt ước muốn trong trái tim con người, mà là giải thoát nó, để nó có thể đạt tới chiều cao đích thật của nó. Khi trong ước muốn con người rộng mở cửa sổ cho Thiên Chúa, thì điều này đã là dấu chỉ sự hiện diện của đức tin trong tâm hồn; đức tin là một ơn của Thiên Chúa. Như thánh Agostino khẳng định: ”Với sự chờ mong Thiên Chúa mở rộng ước muốn của chúng ta, với ước muốn Người mở rộng tâm hồn, và khi mở rộng tâm hồn Người khiến cho nó có khả năng hơn” (Commento alla Prima lettera di Giovanni, 4,6; PL 35,2009).

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, A rập, Ba Lan, Croat và Ý. Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các cặp vợ chồng mới cưới ngài nhắc cho mọi người biết ngày mai là lễ cung hiến Vương cung thánh đường Gioan Laterano, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma. Đức Thánh Cha chúc các bạn trẻ trở thành các viên đá sống động qúy báu dấn thân xây dựng Nhà Chúa. Ngài khích lệ người đau yếu dâng hy sinh khổ đau cho Chúa để mưu ích cho Giáo Hội và nhắn nhủ các cặp vợ chồng mới cưới biến gia đình họ trở thành các giáo hội nhỏ tại gia.

Sau cùng Đức Thánh Cha cất Kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải

RadioVatican