ĐTGM Fisichella: Công cuộc tân Phúc âm hóa cần những nhà truyền giáo “vui tươi”
WHĐ (15.10.2011) – Hôm nay 15 tháng Mười, tại Vatican, Hội đồng Tòa Thánh cổ võ công cuộc Tân Phúc âm hóa tổ chức một hội nghị với đề tài“Nhà truyền giáo mới cho công cuộc Tân Phúc âm hóa – Lời Chúa lớn mạnh và phát triển”. Diễn ra ở hội trường mới của Thượng hội đồng giám mục, hội nghị khai mạc với bài tường trình của Đức Tổng giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng, và sau đó sẽ tiến hành thảo luận giữa các vị lãnh đạo trong Giáo hội về đề tài “Tân Phúc âm hóa”.
Buổi chiều, hội nghị sẽ tiếp tục ở hội trường Phaolô VI với một loạt tham luận của các diễn giả khách mời; sau đó là buổi hòa nhạc ngắn do giọng nam cao Andrea Bocelli nổi tiếng thế giới đảm trách. ĐTC Bênêđictô XVI cũng sẽ tham dự và có bài phát biểu trong cuộc họp vào buổi tối.
Phát biểu trên đài phát thanh Vatican, Đức TGM Fisichella nói rằng mục đích của cuộc họp là “để giới thiệu với ĐTC Bênêđictô những đại biểu của các cộng đoàn từ trước đến nay vẫn đang thực hiện công cuộc Tân Phúc âm hóa”. Và ngài nhắc: “chúng ta cũng đừng quên là biến cố này đang diễn ra trong tháng Mười, tháng cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo”. Ngài nói rằng chủ đề của hội nghị cũng rất quan trọng: “Chúng tôi muốn sẵn sàng trao tặng Giáo hội những nhà truyền giáo mới, vì nhờ thế chúng ta làm cho Lời Chúa được biết đến và chúng ta có thể làm gia tăng số môn đệ của Chúa”.
Một thí dụ thực tiễn của việc này là vào buổi tối, nhiều nhóm, nhiều cộng đoàn sẽ tỏa ra các đường phố Roma, đến các quảng trường lịch sử và những nhà thờ để thực hiện công việc tân Phúc âm hóa. Đức TGM Fisichella cũng cho biết thêm là “nhiều nhóm trong số này đã có kinh nghiệm về công việc này. Họ sẽ cho thành phố Roma một dấu chỉ rõ ràng về công cuộc tân Phúc âm hóa. Và chúng tôi hy vọng rằng những cố gắng của họ sẽ mang lại hoa trái”.
Theo ý kiến của Đức TGM Fisichella, hội nghị này là một trong nhiều đóng góp cho việc chuẩn bị Thượng hội đồng giám mục năm 2012 về tân Phúc âm hóa bởi vì nó sẽ giúp cho các giám mục trên toàn thế giới hiểu rằng công cuộc tân Phúc âm hóa đã và đang tiến hành rồi. “Không phải vì Toà Thánh thiết lập một Hội đồng mới nên mới có tân Phúc âm hóa; nhưng là do chân phước Gioan Phaolô II, bằng mọi cách có thể, đã thúc đẩy Giáo hội ý thức nhu cầu cấp thiết của công cuộc tân Phúc âm hóa trong suốt 27 năm. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, bằng một hành động thật sự tiên tri, khi thiết lập Hội đồng Tòa Thánh, đã muốn những cộng đồng khác nhau –đã hình thành và còn phát sinh trong tương lai– gặp được một điểm quy chiếu chung, tóm lại là ngài đã diễn tả một cách cụ thể sứ mạng phục vụ Giáo hội trong công cuộc tân Phúc âm hóa. Vì thế, có thể nói Thượng hội đồng sẽ chứng kiến những kinh nghiệm hết sức tích cực: cứ nghĩ xem là hàng ngàn những người này (người truyền giáo và người được truyền giáo) là những người trẻ, vì thế cũng có lòng nhiệt thành của nhiều người trẻ. Chính họ đã và đang sống kinh nghiệm này!
Hội nghị cũng sẽ góp ý cho bản Đề cương của Thượng hội đồng Giám mục. Đức TGM Fisichella nói rằng vai trò của gia đình sẽ được đặc biệt chú ý, nói theo kiểu của ngài là “phải chiếm vị trí hàng đầu”. Những lĩnh vực khác bao gồm phụng vụ, dấn thân và hoạt động trong phạm vi chính trị, văn hóa, các phương tiện truyền thông và các mối liên hệ xã hội. Tuy nhiên, ngài tiết lộ, tiêu điểm sẽ là vấn đề di dân: “Đối với công cuộc tân Phúc âm hóa, chắc chắn di dân là một yếu tố phải được xem xét kỹ lưỡng. Bởi vì chúng ta có hàng triệu Kitô hữu đang di cư đến những quốc gia khác nhau, họ mang theo không những sự phong phú của kinh nghiệm sống đạo của họ, nhưng họ cũng sẽ chạm trán với những thách đố, đặc biệt ở Châu Âu cũng như ở Hoa Kỳ ngày nay, về vấn đề thế tục hóa”.
Theo Đức TGM Fisichella, hội nghị này cùng với chiến dịch mùa chay năm 2012 mang tên “Đô thị truyền giáo” là những dấu chỉ của những mục tiêu mà Hội đồng Tòa Thánh đã đặt ra cho chính mình, nhưng trên tất cả mọi dấu chỉ là cho Thượng hội đồng giám mục sắp tới và cho Giáo hội.
Đức TGM Fisichella cho biết: “Mục đích là để cổ võ sự hiểu biết và nhận thức về những kinh nghiệm của công cuộc tân Phúc âm hóa thông qua những sáng kiến này”, tuy nhiên ngài cũng loại bỏ những ảo tưởng đang tồn tại là “mọi sự trong quá khứ đều ổn thỏa, hoặc mọi sự trong tương lai đều tốt đẹp” nhờ sáng tạo ra “một công thức mới”.
Cuối cùng, ngài kết luận: “Qua những sáng kiến trên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng công cuộc rao giảng Tin mừng là nhiệm vụ chính của Giáo hội vẫn được tiến hành hơn 2000 năm qua, nhưng cần tìm ra một ngôn ngữ mới, một lối sống mới. Lối sống này vừa tôn trọng người khác vừa giữ được căn tính của mình. Nhà truyền giáo “là người có một cảm thức sâu sắc gắn bó với Giáo hội và với cộng đồng Kitô hữu, nhưng cũng là người mở ra với những người khác; đồng thời cứ luôn vui tươi và nhiệt tình thì bao giờ cũng hay hơn cả!”
(Theo Vatican Radio, 14-10-2011)
An Phú Sĩ chuyển dịch