ĐTC: Tin mừng là sức mạnh lớn lao nhất trong việc biến đổi thế giới

31
ĐTC: TIN MỪNG LÀ SỨC MẠNH LỚN LAO NHẤT TRONG VIỆC BIẾN ĐỔI THẾ GIỚI
 

ĐGH Bênêđictô XVI ngồi trên chiếc tàu đáy bằng tại vịnh St. Marcô, Venezia, Ý, ngày 8-5-2011, trong chuyến viếng thăm Venezia, 26 năm sau khi vị tiền nhiệm của ngài là ĐGH Gioan Phaolô II viếng thăm thành phố này lần sau cùng

 Venezia

TTCG (Rôma, 8-5-2011, Zenit.org, Marine Soreau) – Để tin vào một tương lai tốt đẹp hơn và để xây dựng tương lai ấy trong một thế giới có khuynh hướng thoái hoá, Đức Bênêđictô XVI đã mời gọi ta đừng sợ Tin Mừng, Tin Mừng “không phải là một điều không tưởng hay một ý thức hệ” mà là “sức mạnh lớn lao nhất trong việc biến đổi thế giới”.

ĐGH đã kết thúc chuyến công du thứ 22 của ngài tại Ý bằng một cuộc gặp gỡ trong Vương cung Thánh đường Santa Maria della Salute, vào cuối ngày 8-5, với các vị đại diện của giới văn hoá, nghệ thuật và kinh tế của thành phố Venise và vùng đất của thành phố này.

Khi suy nghĩ về 3 từ ngữ được gắn liền với thành phố Venise: “l’eau” (nước), “salute” – trong tiếng Ý có nghĩa là “sức khoẻ” – và “Sérénissime” (cộng hoà Venise), ĐGH đã mời gọi Venise chọn lựa giữa một bên là “một thành phố lỏng”, nghĩa là chóng qua hay không bền vững, và bên kia là “không ngừng” canh tân “vẻ đẹp của mình, kín múc trong những nguồn suối tốt lành của nghệ thuật, kiến thức, những tương giao giữa con người và giữa các dân tộc”.

‘Thành phố nước’ Venise làm ta liên tưởng tới nhà xã hội học hiện đại nổi tiếng, người đã định nghĩa xã hội của chúng ta là ‘lỏng’, và nền văn hoá của châu Âu cũng thế, một nền văn hoá ‘lỏng’, để diễn tả tính dễ thay đổi, thiếu ổn định, không ổn định, không bền vững, như là điểm đặc trưng của nền văn hoá ấy – Đức Bênêđictô XVI khẳng định.

Dù không nêu tên tuổi của tác giả, nhưng ở đây ta thấy ĐGH quy chiếu về nhà xã hội học người Ba Lan Zygmunt Bauman, sinh năm 1925 tại Poznan, Ba Lan. Là người Do Thái, ông bị cưỡng bức phải rời khỏi Ba Lan vào năm 1968, do những cuộc bắt bớ chống người Do Thái, và ông đã đến Anh quốc. Ông đã khai triển ý tưởng về một xã hội ‘lỏng’ mà những mối dây liên kết đã bị tan rã dưới tác động bức chế của một xã hội tiêu thụ.

Trong bài diễn văn của mình, ĐGH khẳng định: “Tôi muốn nói đến việc chọn lựa giữa một thành phố ‘lỏng’, là nơi xuất phát của một nền văn hoá ngày càng biểu hiện tính tương đối và chóng qua, và một thành phố không ngừng canh tân vẻ đẹp của mình, kín múc trong những nguồn suối tốt lành của nghệ thuật, kiến thức, những tương giao giữa con người và giữa các dân tộc”.

Tiếp đến, khi gợi lại từ ‘salute’, có nghĩa là “sức khoẻ”, ĐGH xác định đây là một thực tế bao gồm nhiều điểm: “khởi đi từ sự kiện ‘ta cảm thấy khoẻ khoắn’, sự kiện ấy cho phép ta sống một ngày học tập và làm việc hay nghỉ hè một cách thanh thản, cho đến salus animae – sức khoẻ sống động, mà số mệnh đời đời của chúng ta lệ thuộc vào đó. Thiên Chúa chăm lo đến tất cả, không loại trừ một điều gì. Người chăm nom đến ‘salute’ (sức khoẻ) của chúng ta theo nghĩa đầy đủ nhất”.

Cuối cùng, từ ngữ thứ ba, đó là ‘sérénissime’, là tên của cộng hoà Venise nhưng cũng là tên của kinh thành thiên quốc, là Giêrusalem mới, “một mục đích làm xúc động lòng người và hướng dẫn bước chân của con người”.

Khi trích dẫn Hiến chế Gaudium et Spes, ĐGH nhắc lại rằng “nào có ích gì cho con người, nếu họ được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn”. Trong một thế giới, nơi mà “sự lạc quan bị che mờ” và nơi mà “niềm hy vọng bị khủng hoảng”, ĐGH mời gọi ta nhớ lại tinh thần, mà qua đó, các Nghị phụ Công đồng đã để lại cho chúng ta giáo huấn này: là những chứng nhân của 2 cuộc thế chiến và những chế độ cực quyền, “quan điểm của các ngài không phải do tính lạc quan dễ dãi gợi lên, nhưng là do đức tin Kitô giáo làm sinh động hoá niềm hy vọng”.

“Theo quan điểm này, từ ngữ ‘sérénissime’ nói với chúng ta về một nền văn minh hoà bình, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, trên một sự hiểu biết lẫn nhau, trên những tương giao bằng hữu”, ĐGH nói.

Đức Bênêđictô XVI nói tiếp: Venise có “một lịch sử lâu dài và một di sản nhân văn, tinh thần và nghệ thuật phong phú, để ngày hôm nay nó còn có thể mang lại được một sự đóng góp quý giá, để giúp đỡ mọi người tin vào một tương lai tốt đẹp hơn, và dấn thân xây dựng tương lai đó”.

“Nhưng để được như thế, ta không được sợ một yếu tố biểu tượng khác, được chứa đựng trong khẩu hiệu của Thánh Marcô, là “Tin Mừng”, ĐGH kết luận. “Tin Mừng là sức mạnh lớn nhất trong việc biến đổi thế giới, nhưng nó không phải là một điều không tưởng hay một ý thức hệ. Đúng hơn, những thế hệ Kitô giáo đầu tiên gọi Tin Mừng là ‘con đường’, nghĩa là cách thế sống mà Đức Kitô là người đầu tiên đã thực hiện, và Người mời gọi chúng ta bước theo”.

Hình ảnh ĐTC tại thành phố nổi Venezia

G.B. Lưu Văn Lộc