ĐTC phạt vạ tuyệt thông đối với giám mục của Lạc Sơn
Một linh mục và là nhà quan sát Giáo hội bên ngoài Trung Quốc yêu cầu không nêu tên cho biết động thái này được đưa ra vì lợi ích của Giáo hội và được áp dụng sau khi Tòa Thánh ra cảnh báo nghiêm túc trong thông cáo phát hành hôm 4-7.
Đây là cách tốt nhất để xử lý một vụ tấn phong giám mục bất hợp thức, vì Tòa Thánh đã làm việc nên làm, nhà quan sát nói và hy vọng thông điệp rõ ràng này sẽ thôi thúc các ứng viên giám mục khác cũng có thể được tấn phong giám mục mà không có sự ủy quyền của Đức Thánh cha xem xét lại.
Người ta cũng đang đồn đoán một lễ tấn phong giám mục bất hợp pháp khác ở giáo phận Sán Đầu, tỉnh miền nam Quảng Đông, dự kiến tổ chức vào ngày 14-7.
Sau khi điều tra kỹ và đưa ra cảnh báo rõ ràng đối với cha Lei, cũng như thông báo với chính quyền Trung Quốc, Tòa Thánh phán quyết cha Lei cố ý vi phạm giáo luật, nhà quan sát nói thêm.
Cha Lei là nhân vật hàng đầu trong cộng đoàn Giáo hội “công khai” ở Tứ Xuyên trong nhiều năm qua. Ngài giúp Giáo hội địa phương lấy lại tài sản và mở rộng tầm ảnh hưởng của Giáo hội địa phương trong xã hội, theo quan sát viên này; vì thế một số linh mục và giáo dân nghĩ họ cần các lãnh đạo có năng lực như thế để phục vụ Giáo hội theo quan điểm thế tục.
“Thực ra, họ không biết điều gì thực sự tốt cho Giáo hội và bỏ qua khía cạnh tâm linh khi chọn giám mục, người thay mặt Chúa Kitô ở địa phương. Phải chăng họ nghĩ không quan trọng nếu tấn phong giám mục mà làm tổn hại đến tình liên đới trong Giáo hội?” ông đặt câu hỏi.
Một chuyên viên giáo luật cũng yêu cầu giấu tên tán thành cần ra vạ tuyệt thông. Nếu các vụ phong chức giám mục bất hợp pháp tiếp tục diễn ra, Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc “sẽ không chỉ mang ‘đậm nét Trung Quốc’ mà còn sẽ trở thành Giáo hội nhà nước do chính phủ thành lập”.
Ông nói mọi người đều rõ “ai là diễn viên chính”, vì các giám mục và cái gọi là hội đồng giám mục không được tự do hành động trong những vấn đề hoàn toàn mang tính tôn giáo.
Các giám mục và linh mục Công giáo đang bị áp bức quá mức, nhưng chỉ một vài người dám chống lại hay phản đối áp lực chính trị.
Chuyên viên này nói thêm chính sách tôn giáo kiểu này không còn có thể chấp nhận được theo bài diễn văn được Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đọc trước cả nước về nạn tham nhũng trong chế độ cộng sản trong lĩnh vực chính trị và các lĩnh vực khác.
Kwun Ping-hung, nhà quan sát Giáo hội tại Hồng Kông tin rằng Trung Quốc và Tòa Thánh biết rõ họ đều giữ vững lập trường riêng của mình và không có lý do để thoái lui sau một loạt các sự kiện như phong chức giám mục bất hợp thức ở Thừa Đức hồi tháng 11 năm ngoái, Đại hội đại biểu Công giáo toàn quốc của Trung Quốc hồi tháng 12 và văn kiện vạ tuyệt thông của Vatican vào tháng 6 vừa qua.
Vụ tấn phong giám mục ở Lạc Sơn và việc Vatican tuyên bố hình phạt dành cho cá nhân một giáo sĩ càng cho thấy cả hai bên đều đã “chuẩn bị tâm lý cho tình trạng quan hệ ngày càng xấu đi” – ông Kwun nói và thêm rằng tình hình của Giáo hội Trung Quốc sẽ khó khăn hơn.
Ông Kwun lưu ý thêm hai điểm trong thông cáo Tòa Thánh phát hành hồi tuần trước đáng chú ý. Đó là câu các giám mục tham gia tấn phong giám mục “tự mình” chịu phạt, là có ý để cho các ngài sám hối, ông nói.
Ông nói thêm việc thông cáo kêu gọi người Công giáo Trung Quốc đoàn kết cũng có ý nói Tòa Thánh không muốn thấy quan hệ giữa Giáo hội Trung Quốc và Giáo hội hoàn vũ bị tổn thương vì hình phạt đối với cá nhân một giáo sĩ.
Nguồn: ucanews (Pope excommunicates Leshan bishop)
Theo: http://tgpsaigon.net/