ĐTC Phanxicô: Phục vụ hy vọng là kiến tạo những nhịp cầu

62
Phục vụ hy vọng là kiến tạo những nhịp cầu. Đừng sợ sự khác biệt. Kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa là muốn tất cả mọi người được tham dự vào niềm vui của Người, vào bữa tiệc của tha thứ và hòa giải. Chỉ những người được tái sinh và sống trong vòng tay của Người Cha nhân từ, chỉ những người cảm thấy mình là anh chị em, mới có thể là người phục vụ hy vọng trên thế giới.

                    

Sáng thứ tư, 03.04.2019, trong buổi tiếp kiến chung dành cho hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đã thuật lại chuyến viếng thăm Maroc trong hai ngày cuối tuần vừa qua, 30-31.03, theo lời mời của Quốc vương Mohammed VI.

ĐTC cám ơn sự đón tiếp nồng nhiệt mà Đức vua và chính quyền Maroc đã dành cho ngài, cũng như cám ơn sự cộng tác của tất cả mọi người. Ngài cám ơn đặc biệt quốc vương Maroc, về thái độ rất là huynh đệ, bằng hữu và gần gũi. Trên hết, ĐTC cảm tạ Chúa đã cho ngài thực hiện thêm một bước trên con đường đối thoại và gặp gỡ các anh chị em Hồi giáo để là “Người phục vụ của hy vọng” trong thế giới hôm nay, như khẩu hiệu của chuyến viếng thăm.

Theo bước thánh Phanxicô Assisi và thánh Gioan Phaolô II

ĐTC cho biết: “Cuộc hành hương của tôi đi theo bước của hai vị thánh: thánh Phanxicô Assisi và thánh Gioan Phaolô II. 800 năm trước, thánh Phanxicô đã mang sứ điệp hòa bình và huynh đệ đến với quốc vương al-Malik al-Kamil; vào năm 1985, ĐGH Wojtyła đã thực hiện chuyến viếng thăm đáng nhớ tại Maroc, sau khi đón tiếp vị lãnh đạo đầu tiên của các nước Hồi giáo – tiếp quốc vương Hassan II – tại Vatican”.

Thiên Chúa cho phép có nhiều tôn giáo

Nhưng có thể có một số người đặt câu hỏi: nhưng tại sao ĐGH không chỉ thăm các tín hữu Công giáo mà cả người Hồi giáo? Bởi vì có rất nhiều tôn giáo. Tại sao lại có nhiều tôn giáo như thế? Chúng ta xuất phát từ cùng một tổ phụ Abraham như các tín hữu Hồi giáo: tại sao Thiên Chúa lại để cho có nhiều tôn giáo như vậy? Nhưng Thiên Chúa đã muốn điều này: các thần học gia Kinh viện đã nói “Chúa muốn cho phép như thế”. Ngài đã muốn cho phép thực tại này: có nhiều tôn giáo sinh ra từ các nền văn hóa, luôn hướng về trời, chiêm ngắm Thiên Chúa.

Thiên Chúa muốn là tình huynh đệ giữa chúng ta và anh em Hồi giáo

Nhưng điều mà Thiên Chúa muốn là tình huynh đệ giữa chúng ta và theo cách thức đặc biệt – vì thế, chuyến viếng thăm này – với các anh chị em con cái của tổ phụ Abraham như chúng ta, các tín hữu Hồi giáo. Chúng ta đừng sợ hãi về sự khác nhau: Thiên Chúa cho phép điều này. Nhưng chúng ta phải sợ nếu chúng ta không làm những công việc của tình huynh đệ, là đồng hành với nhau trong cuộc sống.

Phục vụ hy vọng là kiến tạo những cầu nối

ĐTC bắt đầu tường thuật lại các hoạt động và ý nghĩa trong chuyến viếng thăm của ngài. Trong ngày thứ nhất, ĐTC đã gặp gỡ cộng đồng Hồi giáo. ĐTC nói: “Phục vụ niềm hy vọng, trong thời đại như thời đại chúng ta, trước hết nghĩa là xây dựng những cầu nối giữa các nền văn minh. Và đối với tôi, đó là một niềm vui và vinh dự khi được làm điều đó với Vương quốc Maroc cao quý, khi gặp gỡ người dân và những người lãnh đạo của họ. Nhớ lại một số hội nghị thượng đỉnh quốc tế quan trọng diễn ra ở nước đó trong những năm gần đây, cùng với Vua Mohammed VI, chúng tôi đã khẳng định vai trò thiết yếu của các tôn giáo trong việc bảo vệ phẩm giá con người và thúc đẩy hòa bình, công lý và chăm sóc cho công trình sáng tạo, ngôi nhà chung của chúng ta. Trong viễn cảnh này, chúng tôi đã cùng ký một lời kêu gọi về Giêrusalem, để Thành Thánh có thể được bảo tồn như một di sản của nhân loại và là nơi gặp gỡ hòa bình, đặc biệt là cho các tín đồ của ba tôn giáo độc thần.

Tôi đã đến thăm Lăng mộ vua Mohammed V, để tưởng niệm đức vua và vua Hassan II, cũng như thăm Học viện đào tạo các imam, các nhà thuyết giáo nam nữ. Học viện này cổ vũ một đạo Hồi tôn trọng các tôn giáo khác và bác bỏ bạo lực và chủ nghĩa cực đoan, nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta là anh chị em và chúng ta phải cùng hoạt động cho tình huynh đệ.

Đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân

Tôi đặc biệt chú ý đến vấn đề di dân, trong khi nói chuyện với chính quyền, và đặc biệt là cả trong cuộc họp dành riêng cho người di cư. Một số người trong số họ đã làm chứng rằng cuộc sống của những người di dân thay đổi và trở lại với phẩm giá con người khi họ tìm thấy một cộng đồng chào đón họ như một con người. Đây là điều cơ bản. Ngay tại thành phố Marrakech, ở Maroc, hồi tháng 12 năm ngoái, “Hiệp ước toàn cầu về di cư an toàn, trật tự và hợp pháp” đã được phê chuẩn. Một bước quan trọng để hướng tới việc lãnh trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong tư cách của Tòa thánh, chúng ta đã cống hiến sự đóng góp của chúng ta được tóm tắt trong bốn động từ: đón tiếp người di dân, bảo vệ người di dân, thăng tiến người di dân và hội nhập họ. Vấn đề không phải là giảm đi các chương trình phúc lợi, mà là cùng nhau thực hiện một hành trình thông qua bốn hành động này, để xây dựng các thành phố và quốc gia, mà trong khi bảo tồn bản sắc văn hóa và tôn giáo tương ứng của chúng, vẫn cởi mở đối với sự khác biệt và biết coi trọng dấu chỉ của tình huynh đệ.

“Những người di dân”

Giáo hội ở Maroc rất dấn thân gần gũi với người di dân. Tôi không thích dùng tính từ “di dân”; tôi thích nói “những người di dân” hơn. Anh chị em biết tại sao không? Bởi vì “di dân” là một tính từ, còn “con người” là danh từ. Chúng ta bị rơi vào nền văn hóa dùng các tính từ: chúng ta dùng các tính từ và nhiều lần chúng ta quên các danh từ, nghĩa là các yếu tính. Tính từ được gắn liền vào danh từ, vào một con người. Nghĩa là không nói “di dân” nhưng là “người di dân”. Đây là sự tôn trọng. Đừng rơi vào nền văn hóa dùng các tính từ, là thứ quá lỏng lẻo và đầy bong bóng. Tôi đã nói rằng Giáo hội tại Maroc rất dấn thân trong việc gần gũi với những người di dân và vì thế, tôi muốn cảm ơn và khuyến khích những người đã quảng đại dành sự phục vụ của họ để hiện thực lời của Chúa Kitô: “Ta là khách lạ và các con đã đón tiếp Ta” (Mt 25,35).

Ngày thứ hai: thăm cộng đồng Kitô giáo

Tiếp tục tường thuật với các tín hữu về chuyến viếng thăm Maroc, ĐTC cho biết ngài đã dành ngày Chúa nhật để thăm cộng đồng Kitô giáo tại nước này. ĐTC kể: Trước hết, tôi đã đến thăm Trung tâm dịch vụ xã hội nông thôn, được điều hành bởi các Nữ tử Bác ái, với sự cộng tác của nhiều tình nguyện viên, cung cấp các dịch vụ khác nhau cho người dân.

Cộng đồng Kitô hữu là men, muối và ánh sáng

Trong Nhà thờ chính tòa Rabat, tôi đã gặp các linh mục, những người thánh hiến và Hội đồng Đại kết các Giáo hội. Các Kitô hữu là một đàn chiên nhỏ ở Maroc, và vì điều này tôi đã nhớ lại những hình ảnh Tin Mừng về muối, ánh sáng và men (xem Mt 5,13-16; 13,33) mà chúng ta đã đọc vào đầu buổi tiếp kiến chung. Điều được đánh giá, không phải là số lượng, mà là hương vị của muối, là ánh sáng tỏa chiếu và là men có sức mạnh để làm cho cả khối bột to lớn dậy men. Và điều này không đến từ chúng ta, nhưng từ Thiên, từ Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta trở thành chứng nhân của Chúa Kitô ở nơi chúng ta sống, theo cách thức đối thoại và bạn hữu, được sống trước hết giữa các Kitô hữu, bởi vì – Chúa Giêsu nói – “từ điều này tất cả sẽ biết các con là môn đệ của Thầy: nếu các con yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Thánh lễ: nền tảng và sự diễn tả trọn vẹn của sự hiệp thông

Và niềm vui hiệp thông trong giáo hội đã tìm thấy nền tảng và sự diễn tả trọn vẹn của mình trong Thánh lễ Chúa nhật, được cử hành tại khu thể thao phức hợp ở thủ đô. Hàng ngàn người thuộc khoảng 60 quốc tịch khác nhau! Một lễ hiển linh duy nhất của Dân Chúa ở trung tâm của một quốc gia Hồi giáo. Dụ ngôn người Cha giàu lòng thương xót đã làm tỏa sáng giữa chúng ta vẻ đẹp của kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng muốn tất cả con cái tham gia vào niềm vui của Người, vào bữa tiệc của tha thứ và hòa giải. Tham dự bữa tiệc này là những người biết nhận ra mình cần lòng thương xót của Chúa Cha và những người biết vui mừng với Người khi một người anh chị em trở về nhà. Không phải ngẫu nhiên, ở nơi mà mỗi ngày, người Hồi giáo cầu khẩn Đấng Tha Thứ và Đấng Thương Xót, dụ ngôn vĩ đại về lòng thương xót của Chúa Cha được vang lên. Và như thế: chỉ những người được tái sinh và sống trong vòng tay của Người Cha này, chỉ những người cảm thấy mình là anh chị em, mới có thể là người phục vụ hy vọng trên thế giới.

Sau bài giáo lý, ĐTC đã chào các nhóm tín hữu thuộc các ngôn ngữ khác nhau.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lạy Cha và phép lành ĐTC ban cho mọi người.

Hồng Thủy – Vatican