ĐTC kêu gọi che chở và bảo vệ người trẻ di cư vị thành niên

49

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung với tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật hôm qua, ĐTC đã kêu gọi đưa ra mọi biện pháp có thể giúp che chở, bảo vệ và hội nhập các trẻ em di cư. Ngài nói:

Hôm nay cử hành “gày quốc tế người di cư và tỵ nạn” với đề tài “Các người di cư vị thành niên, dễ bị thương tổn và không có tiếng nói.” Các anh em bé nhỏ này của chúng ta, đặc biệt nếu không được tháp tùng, bị phơi bầy cho biết bao nguy hiểm. Họ đông lắm! Cần đưa ra mọi biện pháp có thể để bảo đảm cho các trẻ em vị thành niên di cư sự che chở, bào vệ và cả việc hội nhập các em nữa. ĐTC cũng cám ơn Văn phòng di cư của giáo phận Roma và các nhân viên trong dấn thân tiếp đón và trợ giúp người tỵ nạn. Ngài nhắc đến gương của thánh Francesca Saverio Cabrini bổn mạng người di cư, một nữ tu can đảm tận hiến cuộc đời đem Chúa Giêsu Kitô tới cho những cho người sống xa quê hương và gia đình họ, nêu gương săn sóc người anh em kiều cư là hình ảnh của Chúa Giêsu khổ đau bị khước từ và hạ nhục. Biết bao lần trong Thánh Kinh Chúa đã xin chúng ta tiếp đón các người di cư và ngoại quốc, bằng cách nhắc cho chúng ta biết rằng chúng ta cũng là người kiều cư.

Trước đó trong bài huấn dụ ĐTC đã quảng diễn trình thuật Phúc Âm Chúa Nhật kể lại biến cố Chúa Giêsu đến xếp hàng như các tội nhân để lãnh nhận phép rửa từ tay thánh Gioan Tẩy Giả. Ở trung tâm bài Tin Mừng (Ga 1,29-34) có lời của thánh nhân: “Đây là Chiên  Con Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (c. 29). Một lời nói được đi kèm bởi cái nhìn và cử chỉ của bàn tay chỉ Ngài, Đức Giêsu.

Chúng ta hãy tưởng tượng ra quang cảnh này. Chúng ta đang đứng trên bờ sông Giordan. Thánh Gioan đang làm phép rửa, có biết bao nhiêu người đàn ông đàn bà thuộc đủ mọi lứa tuổi đến sông để nhận phép rửa từ tay người, mà theo nhiều người nhắc nhớ ngôn sứ Elia, vị đại ngôn sứ 9 thế kỷ trước đó đã thanh tẩy dân Israel khỏi việc tôn thờ ngẫu tượng và dẫn đưa họ trở về với niềm tin thật nơi Thiên Chúa của giao ước, Thiên Chúa của tổ phụ Abraham, Igiaac và Giacóp. ĐTC nói:

Gioan rao giảng rằng nước trời đã gần, rằng Đấng Messia đang tự tỏ hiện và cần chuẩn bị , hoán cải và sống công chính; và ông bắt đầu ban phép rửa trên sông Giordan để cho dân chúng một phương thế sám hối cụ thể (x. Mt 3,1-6) Những người này đến để sám hối tội lỗi của họ, để đền tội, để bắt đầu trở lại cuộc sống.

Ông biết, Gioan biết rằng Đấng Messia, Đấng được thánh hiến của Chúa đã đến gần, và dấu chỉ để nhận biết Người sẽ là Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người; thật ra Người sẽ đem đến phép rửa thật, phép rửa trong Thánh Thần (x. Ga 1,33).

Và đây, lúc ấy đến: Đức Giêsu trình diện trên bờ sông, giữa dân chúng, giữa những người tội lỗi – như tất cả chúng ta – Đó là cử chỉ công khai đầu tiên của Ngài, điều đầu tiên Ngài làm khi rời nhà ở Nadarét năm 30 tuổi: Ngài đi xuống Giuđêa tới sông Giordan và để cho Gioan làm phép rửa. Chúng ta biết điều gì xảy ra – chúng ta đã cử hành Chúa Nhật vừa qua – Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu trong hình bồ câu và tiếng Thiên Chúa Cha công bố Người là Con yêu dấu (x. Mt 3,16-17). Đó là dấu chỉ Gioan chờ đợi. Chính Ngài! Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Gioan bối rối vì Ngài đã tự biểu lộ một cách không thể nghĩ được: giữa các tội nhân, được rửa như họ, còn hơn thế nữa đuợc rửa vì họ. Nhưng Thần Khí soi sáng cho Gioan và khiến cho ông hiểu rằng như thế được hoàn thành công lý của Thiên Chúa, dấu chỉ ơn cứu độ thành toàn như vậy: Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Vua Israel, không phải với quyền năng của thế gian này, nhưng như là Chiên Con Thiên Chúa, Đấng mang trên mình và cất tội của trần gian.

Và như thế Gioan chỉ Người cho dân chúng và các môn đệ của ông. Vì Gioan có một vòng tròn nhiều môn đệ, đã chọn ông như vị hướng dẫn tinh thần. và chính vài người trong số họ sẽ trở thành các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu. Chúng ta biết rõ tên của họ: Simon sẽ được gọi là Phêrô, Anrê em ông, Giacôbê và em ông là Gioan. Tất cả đều là dân chài; tất cả đều là người Galilê, như Đức Giêsu.

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Anh chị em thân mến, tại sao chúng ta lại dừng lâu trên cảnh này? Bởi vì nó định đoạt! Nó không phải là một giai thoại. Nó là một sự kiện lịch sử định đoạt! Cảnh này định đoạt đối với đức tin của chúng ta; nó định đoạt đối với cả sứ mệnh của Giáo Hội nữa. Và ĐTC giải thích như sau:

Trong mọi thời đại, Giáo Hội được mời gọi làm điều mà Gioan Tảy Giả đã làm, chỉ Chúa Giêsu cho dân chúng và nói: “Đây là Chiên Con Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất! Ngài là Chúa, khiêm tốn, giữa các tội nhân, nhưng đó là Ngài, là Ngài: không phải một người khác, quyền thế đang đến: không, không, đó là Ngài!

Và đó là các lời mà chúng tôi linh mục lập lại hằng ngày trong Thánh Lễ, khi chúng tôi giới thiệu với dân chúng bánh và rượu đã trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Cử chỉ phụng vụ này diễn tả toàn sứ mệnh của Giáo Hội, không loan báo chính mình. Khốn, khốn khi Giáo Hội loan báo chính mình; thì Giáo Hội mất đi dịa bàn, không biết mình đi đâu.  Giáo Hội loan báo Chúa Kitô; không đem chính mình, nhưng đem Chúa Kitô.  Vì chính Ngài và chỉ có Ngài cứu rỗi dân Ngài khỏi tội lỗi, giải thoát nó và hướng dẫn nó tới đất của sự tự do đích thật.

Xin Trinh Nữ Maria là Mẹ của Chiên Con Thiên Chúa, giúp chúng ta tin nơi Chúa và theo Người.

Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành toà thánh cho mọi người

Linh Tiến Khải