ĐTC kêu gọi các tín hữu Chính thống và Công giáo đoàn kết
Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp gửi đến ĐHY Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, để chuyển đến các tham dự viên cuộc Hội thảo liên Kitô giáo lần thứ 12 tiến hành tại thành phố Salonicco bên Hy Lạp từ ngày 30-8 đến 2-9-2011 về đề tài “Chứng tá của Giáo hội trong thế giới ngày nay”. Cuộc hội thảo do Học viện Phanxicô về linh đạo thuộc Giáo hoàng Đại học Antonianum ở Roma tổ chức cùng với Phân khoa thần học Chính thống giáo thuộc Đại học Aristoteles ở thành Salonique.
Trong sứ điệp, ĐTC nhắc đến tính chất cấp thiết của việc tái truyền giảng Tin Mừng ngày nay: việc rao giảng Chúa Kitô phải được tiến hành với một nhiệt tâm đổi mới tại nhiều miền trước kia đã đón nhận ánh sáng, nhưng nay đang phải chịu hậu quả của sự tục hóa làm cho con người trở nên nghèo nàn trong chiều kích sâu xa nhất.
ĐTC viết: “Chúng ta đang chứng kiến trong thế giới ngày nay những hiện tượng mâu thuẫn: một đàng người ta ghi nhận có sự đãng trí hoặc thiếu nhạy cảm của nhiều người đối với siêu việt, nhưng đàng khác có nhiều dấu hiệu chứng tỏ trong tâm hồn của nhiều người vẫn còn có sự nhớ nhung Thiên Chúa, Đấng tự biểu lộ bằng nhiều cách và đặt nhiều người nam nữ trong thái độ chân thành tìm kiếm… Bối cảnh văn hóa, xã hội và kinh tế hiện nay đang đề ra cho các tín hữu Công giáo và Chính thống những thách đố giống nhau”.
Trong chiều hướng trên đây, ĐTC nhiệt liệt khích lệ các tín hữu Công giáo và Chính thống trình bày cho thế giới hình ảnh một cộng đồng Kitô đoàn kết với nhau, như Đức Phaolô VI, Vị Tôi Tớ Chúa, đã khẳng định rằng: “Trong tư cách là những nhà rao giảng Tin Mừng, chúng ta phải cống hiến cho các tín hữu Kitô hình ảnh không phải của những người chia rẽ và tranh chấp với nhau, nhưng là những người trưởng thành trong đức tin, có khả năng hội lại với nhau, vượt lên trên những căng thẳng cụ thể, nhờ sự cùng nhau chân thành tìm kiếm chân lý một cách vô vị lợi. Đúng vậy, số phận của công cuộc truyền giảng Tin Mừng chắc chắn gắn liền với chứng tá của Giáo hội về sự hiệp nhất. Đây là động lực thúc đẩy tinh thần trách nhiệm và cũng mang lại an ủi cho chúng ta” (Tông Huấn ”Evangelii nuntiandi”, n.77)
Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Chính thống Constantinople, cũng gửi sứ điệp cho các tham dự viên, trong đó ngài nhận xét rằng “cuộc sống sung túc thoải mái thịnh hành trong thế giới ngày nay và sự ca ngợi điều ác khiến cho con người xa rời mong ước ơn cứu độ và vì thế chứng tá của Giáo hội về sự hiện hữu của ơn cứu độ bị coi là một món quà vô ích cho con người hiện đại, họ đang tìm kiếm một cách vô ích ý nghĩa cuộc sống của mình giữa lòng một xã hội đố kỵ và duy tiêu thụ”.
Về phần cha Paolo Martinelli O.F.M, Giám đốc Học viện Linh đạo Phanxicô, cha nhận định rằng “chứng tá Kitô không phải là một chiến lược mục vụ, nhưng là sự cần thiết một cuộc sống trong đó ta đích thân tái khám phá cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô thành Nazareth, không phải như một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, nhưng như một biến cố cứu độ diễn ra hằng ngày”.
Trong cuộc hội thảo vừa qua ở Salonicco, đã có 6 phiên nhóm, trong đó các tham dự viên đi từ chứng tá Kitô và sự ước muốn Thiên Chúa nơi con người ngày nay, để nói về những thách đố và viễn tượng của các Giáo hội Kitô ở Trung Đông. (SD 2-9-2011)