ĐTC: Hãy cầu xin Chúa tỏ mình ra
Hơn 40 cựu sinh viên thảo luận với ĐGH về tân Phúc Âm hoá
TTCG (Rôma, 30-8-2011, bài của Marine Soreau, Zenit.org) – “Chúng ta hãy cầu xin Chúa tỏ mình ra”, đặc biệt cho các bạn trẻ đang đi tìm nước hằng sống – đó là điều mong ước của Đức Bênêđictô XVI khi người ngỏ lời với các cựu học viên của mình ở đầu Thánh lễ Chúa Nhật 28-8. Cuộc gặp gỡ truyền thống của “Ratzinger Schülerkreis” diễn ra từ ngày 25 đến 28-8 tại dinh Castel Gandolfo. Năm nay, những cuộc tranh luận trong lần gặp gỡ này có chủ đề là tân Phúc Âm hoá.
Khởi đầu buổi cử hành Bí tích Tạ ơn, tại nhà nguyện Trung tâm Mariapoli ở Dinh Castel Gandolfo, Đức Bênêđictô XVI đã suy tư về Thánh vịnh 62: “Lạy Chúa, Ngài là Chúa con thờ; con tìm kiếm Ngài, linh hồn con khao khát Ngài; tấm thân con mòn mỏi đợi trông Ngài, như đất hoang khô cằn không giọt nước”.
“Trong thời đại vắng bóng Thiên Chúa này, khi mảnh đất tâm hồn khô cằn và khi con người không còn biết dòng nước hằng sống chảy đến từ đâu, chúng ta hãy cầu xin Chúa tỏ mình ra” – ĐGH khẳng định bằng tiếng Đức – “Chúng ta cần cầu xin Chúa chỉ cho những ai đang tìm kiếm nước hằng sống ở những nơi khác biết rằng nguồn nước này, chính là Thiên Chúa, và rằng Thiên Chúa không muốn cuộc sống của con người, cơn khát của con người đối với điều cao cả, đối với sự viên mãn, phải chết chìm và tàn lụi trong những sự vật tạm bợ đời này”.
“Chúng ta cần cầu xin Chúa, đặc biệt cho người trẻ, cho cơn khát khao Chúa trở nên sống động trong lòng họ, và họ nhận biết mình phải đi tìm câu trả lời ở nơi đâu” – ĐGH nhấn mạnh.
“Và chúng ta, chúng ta đã có thể biết Chúa ngay từ tuổi thanh xuân. Chúng ta có thể xin lỗi Chúa, vì chúng ta đã mang ánh sáng dung nhan của Chúa đến cho con người quá ít. Chúng ta cần cầu xin Chúa tha thứ cho chúng ta, xin Chúa canh tân chúng ta nhờ nước hằng sống của Thần Khí Chúa, và xin Chúa ban cho chúng ta được cử hành một cách xứng đáng các mầu nhiệm thánh” – ngài nói.
Từ bỏ mình
Tiếp theo là bài giảng của ĐHY Christoph Schönborn, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Vienne. ĐHY suy nghĩ về bài Phúc Âm Chúa Nhật (x. Mt 16,21-27) khi Đức Kitô loan báo cuộc khổ nạn của Người cho các môn đệ. Phêrô phản ứng một cách quyết liệt: “Xin Thiên Chúa thương đừng để cho chuyện đó xảy đến với Thầy”. Chúa trả lời ông: “Satan, lui ra đàng sau Thầy, anh cản lối đi của Thầy; tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là tư tưởng của con người”.
“Phêrô – ĐHY Schönborn cắt nghĩa – muốn theo bản chất loài người. Và ông đã hoàn toàn sai lầm. Điều gì thúc đẩy ông? Trước tiên, điều cơ bản nhất và tình cảm hợp lý theo bản tính nhân loại là không muốn thấy Thầy mình phải chịu đau khổ, như một người mẹ không muốn thấy con mình hay một người bạn của con mình phải chịu đau khổ. Như thế thì có gì xấu?”.
Xét về phương diện con người thì Phêrô có lý” – ĐHY Schönborn nhận định. “Tuy nhiên, đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa. Phaolô nói chúng ta cần phải có một sự ‘biến đổi’ thật sự, cần phải canh tân cách suy nghĩ, nếu không chúng ta không thể nào ‘biện phân được ý muốn của Thiên Chúa, cái gì là tốt đẹp’”.
Và sự hoán cải này được gọi là “từ bỏ mình” – Đức TGM Vienne kết luận – “Đức Giêsu nói với mỗi người chúng ta những lời cứng rắn như Người đã nói với Phêrô. Quên mình, vác thập giá mình: ‘Chúng ta chỉ có thể làm được điều này – ĐHY kết luận bằng cách trích dẫn lời của nhà thần học Tin lành Adolf Schlatter – khi chúng ta được thúc đẩy bởi một tình yêu mạnh mẽ hơn tình yêu chúng ta dành cho mình’”.
G.B. Lưu Văn Lộc