GÓC SUY TƯ SUY TƯ “Dốt nát mới tin vào đạo” ư?

“Dốt nát mới tin vào đạo” ư?

“Chỉ những người ít học, mê muội, dốt nát mới tin vào đạo!” Nghe xong câu kết luận đó, cả lớp học im phăng phắc, còn tôi thì bất mãn mà không nói nên lời. Sự bất mãn này có lẽ một phần vì nội dung mà vị giáo sư giảng dạy đang phỉ báng trực tiếp niềm tin của người Công giáo nói riêng, và cũng đụng chạm một quyền rất căn bản của mọi con người, đó là quyền tự do tín ngưỡng. Tôi cảm thấy mình thật vô dụng vì không đủ khả năng để đứng lên bảo vệ cho đức tin, cho niềm tin tôn giáo của mình. Sau khi nghe xong phần trình bày của vị giáo sư, mà tôi nghĩ là không có thiện cảm gì với người Công giáo này, tôi về nhà cố đi tìm câu trả lời cho riêng mình. Và khi đã tìm hiểu xong, tôi quyết định tìm gặp ông…

Câu hỏi đầu tiên mà tôi đặt ra cho ông là “Thưa thầy, chắc thầy biết, đất nước nào hiện nay văn minh, tiến bộ nhất thế giới?”. Vị giáo sư trả lời ngay: “Nước Mỹ”. Tôi nói liền “Vậy, thầy có thể cho em biết hiện nay nước Mỹ có bao nhiều người tin vào Thiên Chúa?” Vị Giáo sư nhìn tôi và hỏi: “Em hỏi vậy là có mục đích gì?”. Tôi đáp: “Vì Thầy nói ‘Chỉ những ai ít học, mê muội, dốt nát mới tin vào Thiên Chúa’ nên em mới hỏi thầy câu này”. Ông chần chừ một lúc rồi nói: “Nước Mỹ là nước có số người tin vào Thiên Chúa khá đông”. “Đúng vậy. Em được biết tại nước Mỹ có tới 86% tin vào Thiên Chúa, còn 14% nhận mình là vô thần mà. Chẳng lẽ 86% này cũng là những người mê muội, ít học phải không thầy?”

“Hơn nữa, em còn thấy những bác học lừng danh như Bacon, Isaac Newton, Albert Einstein, Louis Pasteur, Georges Lemaître (1894-1966, linh mục Công Giáo, người khai phá ra thuyết Big Bang). Max Planck (1858-1947, đoạt giải Nobel về vật lý và là cha đẻ của thuyết Quantum mechanics). Blaise Pascal (1623–1662, thần đồng toán học, vật lý, và lý thuyết). René Descartes (1596–1650, nhà bác học về hình học và Những con số bất biến, và là người hướng dẫn cuộc Cách mạng khoa học của Phương Tây). Roger Bacon (c.1214–1294, người áp dụng phương pháp thực nghiệm và các phương pháp khoa học tân tiến, viết về Luật Thiên Nhiên, cơ khí, địa lý và quang học). Johannes Kepler (1571–1630, nhà vũ trụ học, tính toán sự di chuyển của các thiên hà). Isaac Newton (1643–1727, nhà khoa học và toán học vĩ đại nhất của mọi thời đại). Và biết bao nhiêu nhà bác học khác đều là những Kitô hữu tốt lành. Chẳng nhẽ, những nhà bác học này cũng là những người dốt nát và mê tín sao thầy? Em thấy tiền đề thầy đưa ra xem ra không ổn tí nào…”

Vị giáo sư như chùng xuống một lúc rồi nói: “Tôi cũng chỉ nói những gì mà sách vở và bổn phận tôi phải nói. Vì đó là nghề của tôi”. Tôi đáp lại: “Vâng nếu thầy nói vậy thì em hiểu rồi. Có điều em cảm thấy thầy không có tự do khi truyền giảng cho sinh viên những kiến thức thực sự của thầy. Nhưng còn một điều nữa khiến em đang thắc mắc…”. Ông nhìn tôi và hỏi: “Em còn muốn hỏi điều gì?” “Vâng, cũng chỉ liên quan đến điều thầy nói ở lớp thôi. Em muốn hỏi thầy có cái gì giả dối, mê muội nó tồn tại được lâu không thầy?” tôi đáp lại. Người thầy của tôi lúc này thong thả nói: “Người ta vẫn nói sự thật trước sau gì cũng là sự thật, sự giả dối có lừa được một số người, một số lần rồi cũng sẽ có ngày lộ diện”. “Cám ơn thầy. Thầy nói chí phải. Sự thật ma vật không đổ thầy nhỉ. Nếu Đạo Công Giáo mà giả dối sao nó lại tồn tại lâu quá vậy. Nó không chỉ tồn tại mà còn phát triển khắp cả thế giới và đứng vững một cách chắc chắn phải không thầy!”. Người thầy gật đầu và nói với tôi: “Thầy cảm phục tinh thần của em. Em là người có chính kiến và dám sống cho chính kiến của mình. Thầy tin rằng em sẽ làm được những điều tốt lành cho đất nước cho xã hội. Chỉ tiếc những người có chứng kiến và bản lãnh như em nơi sinh viên còn ít quá… Chúc em thành công”.

Tạm biệt người thầy mà tôi đã làm phiền… Tuy thời gian gặp gỡ không dài những tôi hiểu được phần nào nỗi đau của nhiều người, nhất là những giáo sư, thầy giáo, dẫu biết được sự thật mà không dám nói sự thật, biết sự thật nhưng vẫn nói dối, vẫn nói những lời giả dối để mong an phận, để được một chút gọi là quyền lợi bản thân! Ước mong nơi học đường, tự do tri thức, tự do suy tư được tôn trọng, và sự thật, lương tâm được lên tiếng!

Phạm Anh Tuấn

daminh.net

Exit mobile version