Một câu chuyện thật sự đánh động tôi đó là câu chuyện giữa người tông đồ và anh bán hàng rong. Câu chuyện xảy ra như sau : Người tông đồ và anh bán hàng rong sau một ngày công tác mệt nhọc đang trên đường trở về nhà. Họ gặp nhau, họ chào nhau và vui vẻ truyện trò, câu chuyện tưởng như vô tận. Nhưng rồi đột nhiên người tông đồ hất hàm nói : “Như vậy là anh đã bán được nhiều hàng; thật hạnh phúc ! Hãy tạ ơn Chúa đi”. Nhưng vị bán hàng rong đó không phải là người thường. Dường như anh có một đức tin mạnh mẽ, một đức tin vững chắc và đức mến nồng nàn. Nên nghe nhà tông đồ bình luận vậy, anh liền phụ họa thêm : không phải chỉ tạ ơn Chúa vì đã bán được hàng, nhưng nhất là phải tạ ơn Chúa vì đã được Chúa đồng hành.
1. Nhất thiết phải được Chúa đồng hành :
Cuộc sống là một cuộc hành trình. Thực vậy từ khi con người sinh ra đến khi chết, con người vẫn tiếp tục đi cùng với thời gian và mỗi thời gian này đều ghi ấn của con người. Một câu chuyện điển hình diễn tả điều đó : tại vùng quê nọ bên Tây phương, một ông Từ nhà thờ có thói quen mà không ai lay chuyển được, đó là mỗi cứ 15 phút trước giờ ngọ là ông gọi điện thoại đến tổng đài điện thoại trong vùng để hỏi giờ. Người tổng đài rất ngạc nhiên về thói quen kỳ lạ này, nên đã mạnh dạn hỏi người gọi điện thoại này như sau : “Thưa ông ! Nếu không có gì phiền, xin ông cho biết lý do nào ông hỏi giờ nửa ngày như thế ? Ông trả lời là : “Có gì đâu tôi có trách nhiệm kéo chuông Nhà thờ mỗi ngày vào đúng giờ ngọ. Tôi cần hỏi giờ để kéo chuông cho chính xác”. Người tổng đài mới vỡ lẽ ra và ông ta nói với ông từ như sau : “Thật là buồn cười, trong khi ông gọi điện thoại hỏi giờ nơi tôi, thì chính tôi là người điều chỉnh đồng hồ của tôi theo tiếng chuông của ông”.
Câu chuyện trên đây đưa đến một kết luận đó là: “Cuộc sống quả là bí ẩn mà những người trong cuộc không thể nào tự mình tìm ra được câu trả lời”. Ngoài ra một câu giải đáp từ bên ngoài về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Đối với người Kitô hữu mà nhất là đối với Tu sĩ chúng ta thì các người giúp chúng ta được việc đó chính là Thiên Chúa, là Chúa Giêsu : Kinh Thánh, Lời của Ngài thì ví cuộc sống như một cuộc hành trình, từ lúc Noe xuống tầu, Abraham cất bước đi đến vùng đất hứa, đến ngày Đức Maria vội vã lên đường và cả cuộc đời di động của Đức Giêsu đều là một cuộc hành trình. Cuộc hành trình trên đường niềm tin và hy vọng nhưng cũng không thiếu những tăm tối. Cuộc đời chúng ta cũng vậy, từ lúc lớn lên là con người trẻ với đầy nhiệt huyết và trưởng thành với bao nhiêu thành công và thất bại để rồi đùng một cái thấy đời chúng ta đã già phải sửa soạn biến đi, lúc đó chúng ta mới cảm nghiệm cuộc hành trình sao ngắn thế.
Nhìn ngắm cuộc đời Đức Giêsu, chúng ta cũng cảm thấy một khuôn khổ như vậy khi Ngài chấp nhận thân phận con người. Ngài cũng đã trải qua một cuộc hành trình dài gồm tóm lại nhiều cuộc hành trình ngắn. Từ lúc mở mắt chào đời nhận thân phận con người là bắt đầu ra đi. Chỉ mới chưa đầy 2 tuổi đã lên đường trốn sang Ai Cập. Rồi trở thành chú bé rong ruổi cuộc đời để rồi 12 tuổi lên tận Đền Thờ Giêrusalem làm một cuộc hành trình mới. Sau đến tuổi 30 chính thức mở một cuộc hành trình chinh phục thế gian với 3 năm giảng giáo khắp đây đó không hề ngơi nghỉ. Cuộc hành trình xuyên Bắc xuống Nam và cuộc hành trình đi về núi Sọ để thực hiện giấc mơ bất tử qua cái chết trên Cây Thập Tự giá để chứng minh Lời Ngài đã phán : “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Kẻ nào tin Ngài thì phải theo dấu chân Ngài và được Ngài cùng đồng hành dẫn đi thì mới đạt tới đích. Đích đó là chính Chúa và sự vinh quang mà Chúa hứa thưởng ban cho những ai theo dấu chân Ngài.
Nhưng cuộc hành trình phải có điểm đến là sự bất tử sau này. Tuy nhiên để có được điểm đến bất tử đó thì trước mắt chúng ta cũng có những điểm nhất định cần phải đạt tới. Như một con người cần đến hạnh phúc đời này thì trước mắt cần những điểm đến như học hành giỏi giang, thành đạt, công ăn việc làm kết quả, sức khoẻ dẻo dai … Tất cả những điểm đến này đòi hỏi con người về nhiều mặt.
Trước hết cần phải có những chọn lựa và quyết định tốt. Sự chọn lựa và quyết định này sẽ đem đến cho chúng ta nhiều khó khăn và ray rứt. Một câu chuyện sẽ diễn tả rất rõ điều này: Có một ông chủ nọ thuê một thanh niên nọ béo tốt và khoẻ mạnh. Công việc anh ta được giao xem ra rất đơn giản đó là anh ta chỉ cần phân loại những củ khoai tây và để vào từng sọt một. Nhưng chỉ sau một ít ngày, anh ta trở lại gặp ông chủ với khuôn mặt hốc hác và thất sắc hẳn, xin thôi việc. Được hỏi lý do anh ta xin thôi việc. Anh ta đã giải thích như sau. “Công việc ông giao phó cho tôi không phải là công việc nặng nhọc nhưng điều làm tôi phải nhức óc đó là phải chọn lựa”.
Thực vậy phải chọn lựa và quyết định là một gánh nặng thật đổi với con người. Có nhiều lý do để giải thích cho khẳng định này, nhưng trước hết phải nói tới trách nhiệm và hiệu quả của sự chọn lựa và quyết định. Một chọn lựavà quyết định tốt sẽ đem đến những kết quả tốt có khi mau chóng, có khi lâu dài. Nó đem đến một tương lai cho cuộc sống và vạch ra có khi những bước ngoặc cho một cuộc hành trình. Nhưng ngược lại, chúng có thể đưa đến những kết quả xấu và tồi tệ. Đàng khác thì những chọn lựa và quyết định tốt có thể đưa đến những lực mới, những sự thúc đẩy mới hoặc đưa đến những sáng kiến mới. Đây quả thật ưu điểm của con người. Thú vật không có những chọn lựa hoặc những sáng kiến, con người thì có chọn lựa, có sáng kiến và tất cả những chọn lựa và những sáng kiến này có thể thôi thúc con người có nhiều tiến bộ hơn về nhiều mặt. Nói như thế nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng : lầm lẫn, nghi ngờ, bất an, vô định là số phận của con người. Chính vì thế mà hơn bất cứ tạo vật nào, con người cần có sự trợ giúp của Thiên Chúa. Đành rằng con người khi khách quan nhìn vào vũ trụ và thế giới này, con người cũng nhận ra được một chân lý. Trong Thánh Vinh 8 : “Lạy Chúa, con người là gì mà Chúa phải bận tâm?”. Tuy bé nhỏ trong vũ trụ, bất toàn và giới hạn giữa muôn tạo vật, nhưng con người không phải là vô danh dưới ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã khẳng định với chúng ta điều đó : “Hai chim sẻ không đáng giá một đồng sao ? Vậy mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Chúa huống chi là con người”.
Tất cả những điều trên cho chúng ta thấy tình yêu của Chúa đối với con người. Một cuộc hành trình gian khổ của con người mà Thiên Chúa không bao giờ làm ngơ. Ngài luôn đồng hành và hỗ trợ chúng ta ngay cả khi chúng ta dường như không cần Ngài. Một người Cha nhân từ không bao giờ nỡ từ bỏ con cái. Dụ ngôn người con hoang đàng cho chúng ta cái tình cảm đó. Sau bao nhiêu năm ăn chơi trác táng, người Cha vẫn không quên. Đôi mắt luôn hướng về nó ngỏ ý là Ngài sẵn sàng đáp trả ngay và đáp trả một cách tích cực nhất, hậu hĩnh nhất và thương yêu nhất. Ngài không chỉ đồng hành với chúng ta lúc thịnh mà ngay cả lúc suy Ngài cũng ở bên ta. Có người đã phát biểu là khi Chúa đóng cửa chính thì Ngài lại mở ra cửa sổ. Khi Ngài không đến gần được thì Ngài vẫn theo ta xa xa, không bao giờ bỏ ta. Khi ta kêu cầu thì lập tức Ngài ứng cứu.
Nhưng hiểu thế nào khi nói Thiên Chúa đóng kín cửa chính thì Ngài lại mở ra cửa sổ. Một vài trường hợp đã diễn tả tình yêu này của Chúa như khi chúng ta gặp thử thách đau khổ, không còn nhìn thấy ánh sáng, sự hiện diện đầy quan phòng của Chúa. Lúc đó thấy dường như Thiên Chúa bỏ rơi mặc ta đương đầu với những thử thách khó khăn. Những trường hợp như vậy đôi khi chúng ta lại cảm nghiệm thấy dường như Chúa lại mở ra một lối thoát nào, một giải đáp, một hướng đi mới cho cuộc đời chúng ta và chúng ta cảm thấy không đến nỗi thất vọng. Cũng vậy như khi chúng ta bị mắc bệnh nặng thì Ngài lại cho chúng ta gặp được thầy được thuốc chữa lành chúng ta. Hay trong gia đình gặp một cảnh tang chế thì chúng ta lại tìm được sự hòa thuận trong gia đình. Hơn nữa đôi khi chúng ta mất nhà cửa hay gặp tai nạn thì chúng ta lại tìm được những tấm lòng quảng đại giúp ta bắt đầu lại cuộc đời và tìm ra một lẽ sống … Như vậy cách nào đó Thiên Chúa vẫn bao phủ trên cuộc đời chúng ta. Ngài vẫn đồng hành với chúng ta trong bất cứ hoàn cảnh nào miễn là chúng ta tin Ngài, yêu Ngài và cậy Ngài.
2. Thiên Chúa đồng hành với người Tu sĩ :
Qua những nhận định trên, chúng ta khẳng định rằng Thiên Chúa luôn luôn đồng hành với con người bằng sự quan phòng của Ngài, bằng tình yêu cứu chuộc của Ngài đặc biệt là đối với những ai tin Ngài và thuộc về Ngài. Đối với người Tu sĩ thì sự đồng hành này lại vô cùng khăng khít, vô cùng bền vững và vô cùng sâu thẳm.
– Ngài đã đồng hành với người Tu sĩ bằng việc từ đời đời người đã gọi họ và tách họ trên lộ trình yêu thương của Ngài. Thật vậy khi Thiên Chúa đã chọn ai thì Người gọi người ấy và tách rời họ ra khỏi đám đông và dẫn họ đi theo con đường của Ngài và cũng từ giờ phút đó Người đồng hành với họ, nâng đỡ họ và hướng họ đi theo lộ trình yêu thương của riêng Ngài. Tất cả các Tu sĩ của chúng ta khi ngồi nhìn lại quá khứ của đời tu chúng ta đều thấy rõ điều đó. Ơn gọi là hồng ân Chúa ban đặc biệt cho từng người. Ngài âm thầm gieo vào lòng của những người mà Ngài đã tuyển chọn và Ngài giúp nó lớn lên trong sự im lặng của ân sủng, đến khi nó đủ sức nẩy mầm thì chính Ngài tác động vào những con người đã được tuyển chọn để họ trưởng thành đứng vững trước những phong ba bão táp của cuộc đời. Rồi ngay trong lúc ơn gọi lớn lên một cách mạnh mẽ thì Ngài vẫn đứng bên, đứng sau hậu trường để giúp cho ơn gọi thăng tiến và sinh nhiều hoa trái. Dụ ngôn vết chân trên cát diễn tả thật đúng tâm tình này. Câu chuyện đó thuật lại rằng có một người lữ hành vượt qua sa mạc và ông được Chúa cùng đồng hành và như vậy họ để lại trên bãi cát những bàn chân cùng tiến về phía trước. Tình cờ người lữ khách gặp một cơn bão cát thế là cát mịt mù tung bay. Lúc này người lữ khách vô cùng hoảng sợ và nhất là ông chẳng còn thấy Chúa đâu nữa vì đụn cát chỉ còn vết chân ông mà thôi. Sau đó, cơn dông tố đã chấm dứt và ông lại thấy vết chân Chúa xuất hiện. Ông than với Chúa rằng : Lúc con cần Chúa nhất thì con chẳng thấy Chúa đâu, bây giờ mọi sự yên ổn lại thấy Chúa. Chúa đã trả lời : “Cha vẫn ở bên con mà”. Ông ta nói với Chúa rằng : “Đâu có ! Đây có một bằng chứng là chỉ có dấu chân của con ở trên cát. Đâu có dấu chân Chúa đâu?” Chúa cười và nói : “Ôi! Con lầm rồi!!! Con tưởng đó là vết chân con ư? Đó chính là vết chân của Cha. Lúc đó Cha đã vác con lên vai để con khỏi nguy hiểm đó”. Thế đấy, sự đồng hành của Chúa thật tuyệt vời đối với người tu sĩ. Như vậy ơn gọi tu trì là gì nếu chẳng phải là tiếng Chúa mời gọi riêng ta chọn đời sống tu trì ? Để đáp lại được lời mời gọi đó chúng ta cần phải có ơn soi sáng trí khôn và ơn kích động ý chí, ơn đổi mới tâm hồn và ơn bền đỗ đến cùng v.v. Tất cả những ơn này và những ơn khác không thể có được khi Chúa không ban cho và Chúa không đồng hành.
– Chúa mời gọi người tu sĩ và thánh hóa họ để mưu ích cho tha nhân. Thật là ngớ ngẩn và điên rồ khi người tu sĩ nghĩ rằng tự sức mình có thể đạt được hai mục tiêu trên. Thánh hóa bản thân và cứu rỗi các linh hồn là 2 mục tiêu vô cùng cao cả nhưng cũng đầy những khó khăn. Nếu chỉ theo Chúa vì sợ trách nhiệm ở đời, hoặc những rủi ro của gia đình và tìm những bảo đảm về đời sống vật chất hoặc sự an nhàn trong đời sống cộng đoàn thì hoàn toàn thất bại. Kể cả họ theo Chúa vì mục tiêu xem ra có vẻ đẹp nhưng là những mục tiêu bên ngoài thì cũng không đạt yêu cầu. Người tu sĩ phải là khí cụ của Thiên Chúa. Họ được Thiên Chúa sử dụng và trao ban sứ vụ, đồng hành với họ thì họ mới thực sự sống trọn lý tưởng tu trì của mình. Người tu sĩ với Đức Kitô như hình với bóng và họ không được tách rời khỏi Đức Kitô trong hoàn cảnh nào và trong bất cứ thời gian nào, như vậy họ mới hy vọng làm tròn sứ mệnh của mình. Đức Kitô không những là người đồng hành, nhưng Ngài còn thấm nhập vào cuộc đời họ, biến đổi họ để họ có thể chiếu tỏa một Thiên Chúa hiện thực nơi trần thế và tiên báo hạnh phúc Thiên đàng mai sau cho mọi người. Để đạt được mục tiêu này thì chính Chúa ban ơn cho họ, nhưng họ phải tự thân phân đấu một cách hết sức tích cực để đáp lại ơn Chúa. Với lòng mến nồng nàn và với ý chí sắt son, họ nguyện mời Chúa đi vào cuộc đời của họ, biến Chúa làm lý tưởng và thần tượng đời mình và quyết biến đời mình thành của lễ sống động cho một Thiên Chúa mà thôi. Vì thế, hơn ai hết người tu sĩ cần có Chúa đồng hành.
– Sứ mệnh của người tu sĩ cũng cần có Chúa đồng hành.
Trước khi về Trời, Chúa đã chỉ dạy : “Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” nên sứ mệnh tông đồ là bổn phận thứ nhất của người Kitô hữu. Đối với người tu sĩ thì phải nói: đời tu là tông đồ và tông đồ là đời tu. Đời tu càng cao bao nhiêu thì tình thần tông đồ càng tốt bấy nhiêu và ngược lại tinh thần tông đồ của tu sĩ càng tốt bao nhiêu thì đời tu cũng vĩ đại bấy nhiêu. Thật đúng như vậy, đời tu và công tác tông đồ tỷ lệ thuận với nhau. Điều này đúng với dòng hoạt động và cả với dòng chiêm niệm. Không thể nào tách khỏi đời tu ra khỏi công tác tông đồ và ngược lại. Bởi nhiều lý do mà chúng ta khẳng định như vậy : Thứ nhất là ý Chúa muốn. Công tác truyền giáo đã được Chúa bàn bạc, giáo dục và truyền lệnh trên hết và trước hết là các tông đồ. Đó là những con người được Chúa mời gọi và tách riêng họ ra khỏi đám đông để theo Chúa và loan Tin Mừng của Chúa. Thứ hai là không những Chúa sai đi mà Chúa còn ban cho quyền để thực hiện một số biện pháp để loan báo Tin Mừng cho có hiệu quả. Thứ ba là không những Chúa sai đi, trao ban quyền bính mà còn làm chứng bằng chính đời sống của các tông đồ. Các tông đồ của Chúa đã thực hiện nghiêm chỉnh những huân điều của Chúa mà còn sẵn sàng làm chứng bằng việc đổ máu mình ra để chứng minh về chân lý và sự thật của Tin Mừng. Tất cả sứ mệnh cao cả này người nữ tu nhỏ bé sẽ không thể nào hoàn thành nếu không có Chúa đồng hành giúp đỡ. Như thế qua ơn gọi, qua bản chất và qua sứ mệnh của mình, người tu sĩ không thể nào không được Chúa và cần Chúa đồng hành. Người tu sĩ được Chúa sử dụng như sự biểu lộ hữu hình của Ngài ở trần gian, và ngược lại người tu sĩ cũng muốn diễn tả một Thiên Chúa vô hình nơi bản thân họ. Họ hạnh phúc và vinh dự giới thiệu một Thiên Chúa yêu thương đang ngự trị nơi họ và họ sẵn sàng trao ban Thiên Chúa yêu thương đi cho những ai muốn đón nhận như một ngọn đèn nhỏ sẵn sàng góp ánh sáng vào trong nhân loại đen tối để tạo ra một điểm sáng cho mọi người.
3. Để được Thiên Chúa đồng hành :
1). Sống trong tâm tình cầu nguyện :
Sau khi được Chúa đồng hành, hai môn đệ trên đường Emmaus vô cùng hạnh phúc và phấn khởi. Khi Chúa toan lìa bỏ họ thì họ đã tha thiết xin Chúa tiếp tục đồng hành bằng cách ở lại với họ : “lạy Thầy xin ở lại với chúng tôi vì trời đã tối”. Một điều thật rõ ràng minh bạch, Thiên Chúa yêu thương chúng ta và muốn đồng hành với chúng ta vì thực tế nếu Ngài muốn ở lại với chúng ta và muốn đồng hành với chúng ta nhưng nếu chúng ta không muốn, không yêu thì Ngài không thể thực hiện điều gì tốt đẹp. Chúng ta có thể nguỵ biện là nguyên đời tu đã là một lời mời gọi Chúa đến và đồng hành với chúng ta. Nhưng gương của Giuđa vẫn còn đó. Con người theo Chúa đó, nhưng lòng trí của hắn lại theo những cái đâu đâu như tiền bạc, danh vọng. Người ta thường nói : “Cái áo không làm nên thầy tu”. Đời sống người tu sĩ không siêng năng cầu nguyện và kết hợp với Chúa thì nó chỉ là cái xác không hồn. Có thể họ có một số công việc, một số hoạt động tông đồ nhưng chỉ là cái thùng rỗng kêu to, không có Chúa kết hợp và điều hành nên công việc đó trở nên vô ích. Để được Thiên Chúa điều hành, người tu sĩ cần phải có đời sống nội tâm và trong một ngày họ phải có một ít thời gian dành để cầu nguyện riêng biệt và sau đó họ phải là người thường xuyên kết hợp sự cầu nguyện với các công tác tông đồ, đồng thời họ ưu tiên giúp các người khác cầu nguyện. Như vậy chắc Chúa không bao giờ bỏ rơi họ.
2). Sẵn sàng để Thánh Khí tác động :
Quả thật sự hiện diện của Chúa bên chúng ta có ý nghĩa gì nếu chúng ta không mở lòng mình ra để cho Thánh khí tác động. Lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành đó là họ cùng với Chúa và thân thưa với Chúa về mọi việc. Trong cuộc hành trình của cuộc sống và hành trình về quê trời có biết bao cạm bẫy mà ma quỷ, thế gian và xác thịt giăng bẫy chúng ta. Nếu chúng ta không sẵn sàng để Thánh Linh hướng dẫn và thúc đẩy thì khó lòng chúng ta thoát khỏi mưu mô chước độc của chúng. Hoặc nếu có thoát được những nguy cơ to lớn thì chúng ta cũng rơi vào tình trạng khô khan nguội lạnh hay ít ra đời tu không có lửa, và như vậy thì đời tu chỉ có xác mà không có hồn hay ít ra không đóng trọn vai trò chứng nhân và cứu thoát các linh hồn. Nhưng nếu chúng ta mở lòng mình ra để Thánh Khí tác động thì dù cuộc đời của chúng ta có đơn sơ và thậm chí cả bình thường đi nữa thì Thiên Chúa vẫn có thể thi hành những công việc phi thường nơi cuộc đời bình thường của chúng ta. Cuộc đời của thánh Gioan Maria Vianney, của Têrêsa Hài Đồng Giêsu hay Maria Faustina là những bằng chứng. Khi còn sống những vị này có làm gì lớn lao đâu trừ trường hợp Thánh Cha xứ Ars thì người ta kéo đến với Ngài rất đông không phải vì sự uyên bác của ngài mà là vì đời sống thánh thiện của ngài. Thiên Chúa muốn làm một việc phi thường trong cuộc đời bình thường, miễn là chúng ta có thành tâm thiện chí.
3). Luôn sống trong niềm vui :
Tôi rất tâm đắc khi Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở các tu sĩ: “Ở đâu có các tu sĩ, ở đó có niềm vui”. Niềm vui trở thành biểu tượng của người tu sĩ vì họ là những người thủ đắc được Chúa trong đời mình. Đến đây tôi nhớ lại bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác vào cuối thập niên 80 khi mà phong trào vượt biên ở Việt Nam đang ồ ạt đó là bài hát mang tựa đề “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Lúc đó tôi cảm thấy thật tuyệt vời mặc dầu ông không có đức tin, nhưng lại mang tâm tình của một kẻ đi tìm chân lý. Đúng như thế, mỗi ngày khi ta hát lên bài ca : “Con hân hoan vui sướng khi vào Đền Thánh Chúa Trời” hay “Con sẽ hân hoan tiến vào Cung Thánh”, chúng ta thừa nhận đời tu có nhiều khó khăn vất vả như phải trung thành với Ba Lời Khấn và đời sống cộng đoàn hay việc tông đồ, nhưng nếu sống trong sự đơn sơ phó thác và sống niềm vui của những kẻ thuộc về Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ có Chúa đồng hành và đi trong hạnh phúc. Từ đó, tôi nghĩ rằng: người tu sĩ không có niềm vui quả là người tu sĩ bất hạnh, bởi họ không nhận ra được sự đồng hành của Chúa trong đời họ nên cũng không nhận ra được rằng họ được Chúa yêu thương và ban cho họ niềm vui sống.
Lm. Đa Minh Trần Xuân Thảo