Thường huấn 2010

123

ĐỒNG HÀNH / LINH HƯỚNG CÁC ỨNG SINH
TẠI VIỆT NAM:[1]
Thách đố và viễn cảnh

 

Khi tìm hiểu việc linh hướng trong kho tàng Kinh Thánh và giáo huấn Giáo hội, ta nhận thấy rằng việc linh hướng trong các nguồn tài liệu ấy được hiểu theo nghĩa rộng, tức là “việc hướng dẫn thông thường,” hay “hướng dẫn tổng quát.”[2] Linh hướng trước hết là công việc của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng thường được thi hành bởi con người. Đó là các giám mục, linh mục, phụ trách cộng đoàn, nhà huấn luyện và mọi thành viên trong cộng đoàn mà chúng ta thường gọi là đồng hành thiêng liêng. Còn nhà linh hướng đảm nhận việc linh hướng theo nghĩa hẹp, tức là “việc đối thoại liên vị giữa một cá nhân với một cá nhân trong mối tương quan yêu thương, qua đó vị linh hướng và người thụ hướng cùng đồng hành tiến tới sự toàn thiện và tự do Kitô giáo, nhờ phương thế biện phân và cầu nguyện.”[3]

Đề tài này sẽ được trình bày trong ba phần:

§  Những thách đố trong việc đồng hành / linh hướng;

§  Viễn cảnh đồng hành / linh hướng trong bối cảnh Á châu;

§   Một số gợi ý nhằm cụ thể hoá viễn cảnh này.

A. Thách Đố trong Việc Xin Linh Hướng

Trong phần này chúng ta sẽ trả lời cho hai câu hỏi quan trọng sau đây: Tại sao việc linh hướng ít được coi trọng trong chương trình huấn luyện tại Việt Nam? Tại sao Giáo Huấn Giáo Hội về linh hướng chưa được áp dụng?  Chỉ có thể trả lời các câu hỏi này trong mức độ ta đối diện với các thách đố sau đây.

1. Nhận Thức và Hiểu Biết Chính Xác về Đồng Hành / Linh Hướng

Việc thực hành đồng hành / linh hướng lệ thuộc nhiều vào nhận thức của người thụ hướng lẫn các nhà huấn luyện về tác vụ này. Nhận thức bao hàm một sự hiểu biết rõ ràng về phương tiện không thể thiếu của việc đồng hành / linh hướng trong đời sống thánh hiến.

a. Nhận Thức Nhu Cầu Cần Được Đồng Hành / Linh Hướng

Làm sao giúp các ứng sinh nhận thức vai trò và tầm quan trọng của việc đồng hành / linh hướng? Làm sao giúp họ cảm nhận nhu cầu cần được đồng hành / linh hướng? Những câu hỏi này quả là thách đố đối với các nhà huấn luyện.

Vấn đề chủ yếu là làm sao giúp các ứng sinh cảm nhận việc đồng hành thiêng liêng như môt cơ hội quý báu giúp họ lớn lên trong hành trình ơn gọi và thiêng liêng, và làm thế nào giúp họ tự do chấp nhận được đồng hành.  Các ứng sinh đã nội tâm hoá xác tín này và tự nguyện xin linh hướng như thế nào? Nếu không ý thức thật sự về nhu cầu đồng hành / linh hướng thì không thể có việc đồng hành thiêng liêng.[4] Bởi đó, mối quan tâm tiên quyết của các nhà huấn luyện là khơi dây trong lòng các ứng sinh một cảm nhận thiết thực về nhu cầu này. Đó là “một tiến trình do người thụ hướng khởi xướng, với mục đích rõ ràng là lớn lên và tiến triển trong đời sống đức tin, và đồng hành / linh hướng được mời tham gia tiến trình này nhằm  tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng đó.”[5]

b. Mô Hình Linh Hướng Hiện Đại Trong Chương Trình Huấn Luyện

Việc nhận thức trên đây gắn liền với sự một sự hiểu biết chính xác về linh hướng. Những bất cập trong việc thực hành linh hướng hiện nay hầu như bắt nguồn từ sự hiểu lầm đáng tiếc về tác vụ này.  Người ta thường nghĩ rằng việc linh hướng là lãnh vực riêng của những người đang gặp khủng hoảng.  Các ứng sinh xin linh hướng bị đánh giá là người có vấn đề. Một bầu khí thiếu xây dựng như thế giúp ta hiểu tại sao các ứng sinh ngần ngại xin linh hướng, ngay cả khi cần.  Hơn thế nữa, việc linh hướng bị hiểu lầm và thu hẹp vào mô hình linh hướng có tính bí tích. Các ứng sinh có khuynh hướng giản lược việc linh hướng với bí tích hoà giải.

Bởi thế, nhiệm vụ thiết yếu của các nhà hữu trách là làm sao giúp các ứng sinh nhận thức rằng việc linh hướng là “phương thế chính và quan trọng nhất trong chương trình huấn luyện các tu sĩ.”[6] Đó là thời điểm đọc lại các kinh nghiệm sống đời thánh hiến và biện phân thánh ý Chúa dưới sự hướng dẫn của Thần Khí và vị linh hướng. Đó là thời điểm để ý thức lại nhu cầu hoán cải triệt đểtái định hướng, bằng cách trở về với con người nội tâm sâu thẳm của mình. Đó là thời điểm chữa lành, và là con đường dẫn đến một cuộc sống lành mạnh và toàn vẹn.

(1) Phân Biệt Linh Hướng Và Các Hình Thức Đồng Hành Khác

Theo chiều hướng trên, cần làm sáng tỏ vai trò của tác vụ linh hướng và các hinh thức đồng hành khác, ví như việc đồng hành thiêng của giám sư, việc tư vấn của các nhà tư vấn tâm lý và việc hướng dẫn của cha giải tội. Điều này cần thiết để giúp hiểu rõ mục tiêu và phương thức riêng ứng dụng trong việc linh hướng.

§  Linh hướng khác với tư vấn tâm lý.

Ngoài sự trưởng thành trên bình diện cá nhân và tương quan liên vị do việc tư vấn mang lại, việc linh hướng nhắm đến sự toàn vẹn và thánh thiện của con người.[7] Linh hướng cốt tại “một sự quân bình thần thiêng” phát xuất từ mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa và các loài thụ tạo khác.[8] Như thế, sự khác biệt giữa linh hướng và tư vấn hệ tại chiều kích thiêng liêng của việc linh hướng.

§  Bí tích hoà giải và việc linh hướng

Mặc dầu cả hai đều thuộc về toà trong và đòi buộc một sự cẩn mật nghiêm nhặt, song khác biệt về bản chất. Bí tích hoà giải là một bí tích, mà chỉ linh mục mới có thể ban nhằm tha tội. Còn việc linh hướng là một việc phục vụ mà bất cứ ai có khả năng đều có thể thi hành.[9] Điều hiển nhiên là “việc đồng hành thiêng liêng có thể thực hiện trong khi cử hành bí tích hoà giải,”[10] nhưng việc linh hướng đòi một tương quan liên vị, mặt đối mặt giữa vị linh hướng và người thụ hướng, nhằm giúp người thụ hướng đi sâu vào thâm cung lòng mình. Những bất cập trong việc linh hướng ít nhiều bắt nguồn từ sự hiểu lầm này, đó là thay thế việc linh hướng bằng bí tích hoà giải. Mặt khác, đời sống nội tâm cũng bị thiệt thòi, nếu bí tích hoà giải bị xem nhẹ và thay thế bởi việc linh hướng mà thôi.

§  Giám sư và vị linh hướng

Việc đồng hành của vị linh hướng là một tương quan huynh đệ, trong khi việc đồng hành của giám sư mang bộ mặt quyền bính và bó buộc.[11] Việc đồng hành thiêng liêng của giám sư là một bó buộc trong tiến trình huấn luyện và không phải là tác vụ linh hướng theo nghĩa hẹp. Các ứng sinh có thể cảm thấy do dự khi bộc lộ bản thân với giám sư. Họ chỉ có thể lướt thắng sự do dự đó, một khi họ hiểu thấu đáo các hình thức đồng hành thiêng liêng khác nhau và biết bộc lộ bản thân với ai mà không sợ bị  loại trừ.

Tóm lại, cung cấp cho ứng sinh một sự hiểu biết thích đáng về các loại đồng hành thiêng liêng có thể giúp họ tự do và tự nguyện tìm đến vị linh hướng.

(2) Cung Cách Linh Hướng

Một vị linh hướng có khuynh hướng chỉ huy thì không phù hợp với giới trẻ ngày nay.  Họ rất nhạy cảm với các giá trị như tự do và tự lập, tình bạn và bình đẳng.[12] Trái lại, vị linh hướng  đảm nhận vai trò trợ giúp người thụ hướng  khám phá và tuân theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Trong việc linh hướng có một “hệ thống thứ bậc rõ ràng,” theo đó, “người cùng rốt…là vị linh hướng.”[13] Người quan trọng bậc nhất là Chúa Thánh Thần, thứ đến là người thụ hướng. Vị linh hướng là người quy về Chúa Thánh Thần và người thụ hướng như trung tâm.[14]

2. “Đời Sống Thiêng Liêng Đặt Lên Hàng Đầu”

Việc linh hướng bị đánh giá thấp hệ tại hệ thống các giá trị. Nếu xem nhẹ đời sống thiêng liêng hay đời sống nội tâm, thì việc linh hướng hẳn nhiên không được đánh giá cao. Thánh Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Tu Hội Tông Đồ nêu lên thách đố lớn cho đời sống thánh hiến hiện nay khi khẳng định rằng “đời sống thiêng liêng phải được đạt lên hàng đầu trong chương trình của các gia đình sống đời thánh hiến, sao cho mỗi tu hội và cộng đoàn biến thành trường dạy linh đạo Tin Mừng đích thật.”[15]

a. Ý Nghĩa Đời Sống Thánh Hiến

Ý nghĩa đời sống thánh hiến là thách đố lớn đối với người thánh hiến hiện nay, khi bối cảnh đời sống thánh hiến hiện nay được hình dung như “đêm tối”[16] và “hỗn độn.”[17] Điều này được nhắc đến trong huấn thị Xuất Phát Lại từ Đức Kitô. Ý nghĩa đời sống thánh hiến không thể tách khỏi câu hỏi nền tảng của Đức Giêsu, “Anh em bảo thầy là ai?” (Mt 16:15)[18] Đời sống thánh hiến là câu trả lời đặc biệt cho câu hỏi đó. Đời sống thánh hiến là “ký ức sống động về cách sống và hành động của Đức Giêsu như là Lời Nhập Thể trong tương quan với Chúa Cha và với anh chị em mình.”[19] Hiện tượng toàn cầu hoá hôm nay, trong đó não trạng duy tiêu thụ, duy khoái lạc, duy vị lợi và cá nhân chủ nghĩa được tôn thờ như các giá trị tuyệt đối, là một thách đố đối với sự chọn lựa Đức Kitô làm trung tâm và vì thế, đối với đời sống thánh hiến.[20] Nếu không ý thức cách sâu sắc về ý nghĩa đời sống thánh hiến, thì đương nhiên chẳng cần đến linh hướng.

Thêm vào đó, việc linh hướng giả thiết một mối tương giao thường xuyên với Thiên Chúa qua các sinh hoạt cơ bản như cầu nguyện, chia sẻ kinh nghiệm đức tin, đọc sách thiêng liêng và xét mình.[21] Vì thế, đời sống cầu nguyện có thể xem như điều kiện tiên quyết đối với việc linh hướng.[22]

Tắt một lời, ý thức và thực hành việc linh hướng có tương quan với chỗ đứng của đời sống thiêng liêng và ý nghĩa của đời sống thánh hiến.

b. Thách Đố  của Khuynh Hướng Náo Động

Thật đáng tiếc khi khuynh hướng duy hoạt động được xem như giải pháp nhằm trả lời các thách đố của đời sống thánh hiến.[23] Người ta tránh né các câu hỏi cốt lõi về “ý nghĩa và nhiệt tâm đối với Tin Mừng” [24] của đời sống thánh hiến bằng cách buông mình trong các “hoạt động tông đồ hay tranh đấu một cách điên cuồng.”[25] Hậu quả là “thiếu thống nhất đời sống,”[26] và “đời sống ơn gọi trở nên cằn cỗi.”[27] Về điểm này, Wilkie Au và Norren Cannon, trong tác phẩm Những Thúc Đẩy của Con Tim, ghi nhận rằng tình trạng công việc quá tải hay khuynh hướng ham mê làm việc quá mức khiến ta “mất khả năng tiếp xúc với các cảm xúc, các nhu cầu của thân xác và đời sống nội tâm, và làm cho đời sống trở nên vụn nát thay vì thống nhất.”[28]

Tính duy hoạt động, như một mặt nạ che đậy sự nhạt nhẽo và tầm thường của đời sống,[29] thật sự là một cản trở đối với việc linh hướng, bởi vì việc linh hướng đòi hỏi ta phải dừng chân  để nhìn lại cuộc sống, buông bỏ mọi  mối bận tâm, “ngay cả chính bản thân để hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa.”[30]

3. Những Rào Cản Xã Hội và Văn Hoá Đối Với Việc Linh Hướng

P. Phan, một thần học gia Việt Nam, khi bàn đến nhu cầu linh hướng trong bối cảnh đa văn hoá, đã quả quyết, “hoàn cảnh mới của Giáo Hội có tính đa văn hoá đặt ra các thách đố mới cho việc linh hướng.”[31] Để trả lời cho các thách đố này, cần có một sự hiểu biết chính xác các yếu tố văn hoá, tích cực lẫn tiêu cực, đã từng khuôn đúc nhân cách người thụ hướng. Bởi thế, một trong những nhiệm vụ của vị linh hướng là khuyến khích người thụ hướng bình thản khảo sát con người sâu kín của mình, ngõ hầu nhận ra các bóng tối và ánh sáng. Người thụ hướng còn cần phải chấp nhận các khía cạnh đó mà không xem chúng như là tội lỗi.

a. Các Yếu Tố Văn Hoá

§  Sợ Hãi và Phòng thủ

Những cảm xúc của người Việt Nam như sợ sệt, bẽn lẽn, ngờ vực, phòng vệ, liên đới, ngay cả sự che đậy là các chiến thuật nhằm tồn tại trong nghịch cảnh chiến tranh, bách hại và kỳ thị tôn giáo.[32] Cảm xúc sợ sệt và chiến thuật phòng vệ là những rào cản đối với đồng hành / linh hướng.   Chúng ngăn chận sự tin tưởng và cởi mở, việc chia sẻ và bộc lộ bản thân, vốn không thể thiếu trong việc linh hướng.[33]

Các ứng sinh tại Việt nam còn mang một nỗi sợ khác, đó là sợ bị từ chối.[34] Đó là gốc rễ của các cảm xúc tiêu cực khác như  nhút nhát, thiếu tin tưởng, thiếu thành thật và che đậy. Cần kiên nhẫn giúp các ứng sinh lướt thắng các cảm xúc tiêu cực và tạo điều kiện cho họ được chữa lành. Các ứng sinh cần cộng tác với tác động chữa lành của Thiên Chúa, bằng cách chấp nhận các cảm xúc đó.[35]

§  Thiếu Thành Thật

Thiếu thành thật là hệ quả của sợ hãi. Các ứng sinh ít nhiều đều nhiễm thói xấu này.[36] Đó thật sự là một trở ngại đối với việc biết mình, ý thức về bản thân và chấp nhận bản thân, và sự cởi mở cần có trong tiến trình linh hướng.[37] Thiếu thành thực không chỉ do sợ hãi, nhưng còn là hậu quả của hệ thống giáo dục duy vật nhấn mạnh “sự tranh đua và thành tựu cá nhân.”[38] Bởi thế, nên khuyến khích các ứng sinh lướt thắng thói xấu này, bằng cách đảm nhận một “lối giáo dục trưởng thành,” nghĩa là ưu tiên hợp tác hơn tranh đua, năng động tương tác hơn thành tựu cá nhân, năng lực tập thể hơn thành công cá nhân.[39]

b. Các Nhân Tố Gia Đình

§  Hình Ảnh Người Cha

Việc linh hướng bao hàm tương quan thân thiết giữa ứng sinh với Thiên Chúa và vị linh hướng.[40] “Sự thân mật thiêng liêng này khởi sự trong lòng gia đình.”[41] Mối tương quan lành mạnh của ứng sinh với các thành viên trong gia đình tạo điều kiện phát huy mối tương quan tin cậy và cởi mở với Thiên Chúa và vị linh hướng. Trong mô hình văn hoá mang tính gia trưởng tại Việt Nam, khuôn mặt người cha thường tỏ lộ uy quyền và độc đoán. Vì thế, ứng sinh có thể cảm thấy không thoải mái khi tương quan với khuôn mặt nam giới.[42] Ứng sinh cần nâng đỡ để vượt qua trở ngại tâm lý này.[43]

§  Áp Lực Gia Đình

Điều hiển nhiên là mọi nền văn hoá đều pha lẫn ánh sáng và bóng tối. Ý thức cộng đồng, gia đình, địa vị và danh tiếng là các giá trị trong nền văn hoá Việt Nam.[44] Tuy nhiên, các giá trị đó cũng có thể gây áp lực đối với ứng sinh. Micae-Phaolô Trần Minh Huy ghi nhận rằng gia đinh Việt Nam có nhiều ảnh hưởng đối với con cái trong việc chọn lựa đời sống linh mục và đời sống thánh hiến.[45] Áp lực đó khiến ứng sinh thiếu ý thức về tự do và trách nhiệm vốn thiết yếu trong quyết định ơn gọi và trong việc linh hướng.[46] “Các động cơ vô  thức và thiếu trưởng thành này”[47] có thể khiến ứng sinh che đậy con người đích thật mình, và cản trở việc bộc bộ bản thân. Do đó, cần khuyến khích ứng sinh ý thức về bản thân, chấp nhận bản thân, ngay cả những bóng tối trong cuộc đời.

§  Giữ Thể Diện

Tương tự như áp lực gia đình, nhu cầu giữ thể diện cũng là một trở ngại cho việc linh hướng. Nó cản trở  ứng sinh buông bỏ hình ảnh bản thân mà mình muốn phô bày trước công chúng, và phơi bày con người đích thật của mình. Việc linh hướng không thể tiến hành cách sâu sát, trừ phi ứng sinh nổ lực lột bỏ mặt nạ của bản thân.

Tóm lại, những trở ngại nói trên không những ngăn chận thiện ý muốn được linh hướng, mà cả tiến trình linh hướng.

B. Linh Hướng Trong Bối Cảnh Á Châu

Những thách đố trên không chỉ là những vấn đề phải đối diện, nhưng còn là sứ điệp của Chúa Thánh Thần. Với con mắt đức tin, chúng là những cơ hội để tìm ra một mô hình linh hướng trong Á Châu.

1. Một Cách Linh Hướng Mang Tính Khải Đạo (Towards a Mystagogic Approach of Spiritual Direction)

Phương pháp khải đạo (mystagogic approach) là một nổ lực “làm sáng tỏ các diễn biến trong cuộc sống con người như một hành trình thiêng liêng,” nghĩa là “biện phân tác động của Thiên Chúa trong đời sống, hầu quyết định chọn cho mình  một con đường đúng đắn để theo… giải thích hoàn cảnh sống như các dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa và khám phá ra những tiềm năng thúc đẩy sự lớn lên dưới viễn cảnh của Thiên Chúa.”[48] Sau đây là một vài đặc tính biểu trưng của việc linh hướng tại Á Châu.

a. Tính Duy Nhất

Là một sự gặp gỡ liên vị, việc đồng hành / linh hướng không những cho thấy những khác biệt nhân cách giữa vị linh hướng và người thụ hướng, nhưng còn ám chỉ tính duy nhất của mỗi bên.  Tính duy nhất này là tổng hợp các yếu tố địa lý, lịch sử, văn hoá, gia đình, di truyền và các nhân tố tâm sinh lý của mỗi người.[49] Thiên Chúa kêu gọi mỗi ứng sinh theo một cách thức duy nhất và có một kế hoạch duy nhất cho anh.[50] Đi vào cõi thâm sâu của ứng sinh, vị linh hướng tiếp cận với “đất thánh,”[51] và “mầu nhiệm cao cả nhất của đức tin, tức là mầu nhiệm ơn gọi, mầu nhiệm của tương giao với Thiên Chúa.”[52] Cũng như Môsê phải cởi dày khi bước vào đất thánh (Xh 3:6), vị  linh hướng cũng cần phải cởi bỏ đôi dày thiên kiến và thái độ phê phán, thiếu trân trọng và não trạng gia trưởng,[53] để có thể lắng nghe với đôi tai của Thiên Chúa, nhìn với đối mắt của Người và nói với môi miệng của Người.

Tính duy nhất của mỗi người là một giá trị rất được trân trọng trong truyền thống các tôn giáo Á Châu.[54] Việc  linh hướng trong các tôn giáo tại Á Châu là mô hình một người-với-một-người (one-to-one model).[55] Trong nổ lực hội nhập Tin Mừng vào mãnh đất Á Châu, cái nhìn này quả hữu ích trong việc thi hành tác vụ linh hướng trong bối cảnh Á Châu.

Vì tính duy nhất của ứng sinh, các nhà huấn luyện, kể cả các vị linh hướng, được thôi thúc phải “trân trọng sự tự do cá nhân và tính độc đáo”[56] của mỗi ứng sinh, bằng hình thức huấn luyện và đồng hành cá nhân.[57]

b. Nhạy Cảm

Là một nghệ thuật lắng nghe và biện phân, việc linh hướng bao gồm “sự  nhạy cảm với Thánh Thần đang hoạt động trong lòng người thụ hướng.”[58] Việc linh hướng được xem như “nơi gặp gỡ riêng của con tim,”[59] qua đó vị linh hướng lẫn người thụ hướng cùng nhau mở lòng đón nhận Thánh Thần và đón nhận nhau. Việc cởi mở này không chỉ được xây dựng trên đức tin và tin tưởng lẫn nhau, nhưng còn dựa trên sự ràng buộc tình yêu.[60] Dẫu tình yêu không phải là tình cảm đơn thuần, nhưng cũng bao gồm  các thái độ trìu mến như “quan tâm và chăm sóc … mưu tìm sự thiện hảo cho người yêu.”[61] Tình yêu là động cơ thúc đẩy sự trưởng thành thiêng liêng,[62] của chính mình và người khác.

Đối với người Á Châu, con tim tượng trưng phần sâu thẳm nhất nơi con người và toàn thể các khả năng nội tâm. “Người Á Châu suy nghĩ bằng con tim.”[63] Họ tiếp cận thực tại chủ yếu không bằng trí óc, nhưng với tất cả các khả năng của con người: trí nhớ, trực giác, trí tưởng tượng, cảm xúc và cảm nghĩ, trí năng và ý chí.

c. Một Hành Trình Cùng Chia Sẻ

Thực thế, việc linh hướng là một sự đồng hành và hành trình thiêng liêng.[64] Nó giả định một “cuộc lữ hành thiêng liêng với nhau, qua đó hai người cùng buông bỏ sự an toàn của mình và mở lòng đón nhận điều xa lạ.”[65] Thánh Gioan Thánh Giá, trong tác phẩm Ngọn Lửa Sống Động của Tình Yêu, thường dùng cụm từ “đường thiêng liêng” để chỉ việc linh hướng, trong đó Thánh Thần Thiên Chúa dẫn dắt người qua những thăng trầm cuộc sống.[66] Cuộc đời trần thế của Đưc Giêsu là hình ảnh nổi bật của một người nghèo lưu động đi tìm thánh ý Cha Người  (Mt 8:20). “Cuộc đời Người là một hành trình; sứ vụ của Người là gặp gỡ những con người trên đường lữ hành.”[67]

Giáo Hội Á Châu không xem mình như một tổ chức, nhưng như một “Giáo Hội lữ hành” tiếp nối sứ vụ phục vụ và tình yêu của Đức Giêsu giữa các dân tộc Á Châu.[68]

2. Một Linh Đạo Linh Hướng Trong Bối Cảnh Á Châu

Nhìn từ góc độ bên ngoài, việc đồng hành / linh hướng dường như chỉ là một cuộc đàm thoại riêng tư giữa hai người. Nhưng cuộc đàm thoại đơn giản ấy liên hệ nhiều khía cạnh khác nhau của đời sống con người, thậm chí sự toàn diện và sâu thẳm nhất của con người. Bởi thế, ngoài việc “huấn luyện kỹ lưỡng về các khoa học thánh và các  môn học liên quan,”[69] và các phẩm chất cốt yếu như trưởng thành, lòng đạo đức và tinh thần sẵn sàng,[70] “các nhân đức biện phân, quân bình, trong sáng, kiên nhẫn, cảm thông, vui tươi và hết lòng quý mến những người được uỷ thác cho mình,”[71] các vị linh hướng còn cần phẩi có khả năng thi hành việc phục vụ tế nhị này. Vị linh hướng trong bối cảnh Á Châu còn cần được huấn luyện về linh đạo, kỷ năng linh hướng,[72]toàn nhập năng lực tâm lý-tính dục (psycho-sexual integration), tư vấn và các đề tài thích đáng khác.[73]

a.  Linh Đạo Ba Ngôi

§  Quy Hướng về Đức Kitô-Lời

Khi tìm hiểu về việc linh hướng trong Kinh thánh,  ta thấy rằng Thiên Chúa là vị linh hướng duy nhất. Tuy nhiên, tính vô hình của Thiên Chúa khiến Người ít nhiều trở nên xa cách và khó gần gũi dưới con mắt người Á Châu, kể cả người Việt Nam. Vì thế, linh đạo Kitô giáo Á Châu tập chú hơn vào Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể của Thiên Chúa Cha.

Là “mẫu gương tuyệt hảo,”[74] Đức Giêsu Nagiarét sinh ra tại Á Châu với khuôn mặt Á Châu. Người thi hành sứ vụ theo cung cách Á Châu. Đó là cung cách của người lữ hành “không nơi tựa đầu” (Mt 8: 20), đầy xót thương và liên đới với người nghèo. Đó là cung cách của người chữa lành và lãnh đạo-tôi tớ.

Khuôn mặt của Đức Giêsu cũng phù hợp với vai trò đáng kính của các sĩ phu trong nền văn hoá Việt Nam.[75] Theo cung cách Á Châu, Người loan báo Nước  Thiên Chúa qua việc gặp gỡ và đối thoại trong bầu khí tin tưởng và tôn trọng.[76]

Quy về Đức Kitô là trung tâm cũng là quy về Lời của Người, bởi Người chính là Lời (Ga 1:1-4). Lời được Thần Khí gieo vào mãnh đất Á Châu “để chuẩn bị cho toàn thể tạo thành, lịch sử và loài người tiến tới sự trưởng thành viên mãn trong Đức Kitô.”[77]

Trong khi thi hành tác vụ đồng hành / linh hướng trong bối cảnh Á Châu, vị linh hướng không thể không nhìn ngắm khuôn mặt Á Châu của Đức Giêsu. Càng trở nên đồng hình đồng dạng với “vị tôn sư lỗi lạc” trong tư cách người tôi tớ, người đồng hành / linh hướng càng sinh hoa kết quả.[78]

§  “Thần Khí Thiên Chúa Hằng Hoạt Động …”[79]

“Thần Khí Thiên Chúa hiển nhiên là Đấng hướng dẫn con tim những người tìm kiếm Thiên Chúa.”[80] Người lôi kéo và dẫn dắt người ta đến sự thật, tái sinh họ trong đời sống mới, dạy họ biết mầu nhiệm Thiên Chúa, giải thoát họ khỏi vòng nô lệ tội lỗi, tạo điều kiện cho sự trưởng thành thiêng liêng và đổi mới con tim loài người và thế giới.[81] Giáo Hội Á Châu nêu bật sự hiện diện sống động và đầy sáng tạo của Chúa Thánh Thần trong đời sống người Á Châu và trong các truyền thống văn hoá và tôn giáo, như Ấn Độ Giáo, Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và Hồi Giáo.[82] Là tác nhân những điều thiện hảo, Người tiếp tục đồng hành với người Á Châu trong hành trình đức tin, hy vọng và yêu thương.[83] Vì Thánh Thần hiện diện và làm trổ sinh những hoa quả tốt tươi tại Á Châu, Giáo Hội Á Châu “hết sức kính trọng các truyền thống này và mong muốn đối thoại chân thành với các tín đồ các tôn giáo khác.”[84]

Việc đồng hành / linh hướng phải được thực hiện trong bầu khí đức tin đó, xác tín rằng Thánh Thần thật sự  đang hoạt động và hướng dẫn đôi bên trong tiến trình biện phân thánh ý Chúa. Vì thế, vị linh hướng phải chăm chú và lắng nghe sự thúc giục của thánh Thần trong tâm tình cầu nguyện và nhận ra tác động của Người nơi người thụ hướng.[85]

§  Linh Đạo Môn Đệ (Discipleship) vì Nước Thiên Chúa

Linh đạo người môn đệ bắt rễ trong Tin Mừng.[86] Đó là lời mời gọi vô điều kiện của Đức Giêsu (Mt 8:22; Lc 9:59) để bước theo chân Người, “sống những kinh nghiệm cơ bản của Đức Giêsu trong tương quan với Cha Người, Đấng yêu thương với một tình yêu vô điều kiện và đầy lòng thương xót.”[87] Đời sống người môn đệ là một hành trình, qua đó người môn đệ tự do đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, từ bỏ mọi sự, đi theo Đức Giêsu (Mt 4:20), ở với Người và với cộng đoàn các môn đệ (Ga 1:35-39), được sai đi và vác thập giá (Lc 9:23).[88] Như thế, qua việc đồng hành / linh hướng, người đồng hành / linh hướng và người thụ hướng nâng đỡ nhau để trở thành những môn đệ đích thật của Chúa Giêsu Kitô. Họ cùng nhau đi theo Đức Giêsu, cùng nhau lắng nghe Lời Người, cùng nhau chia sẻ đời sống thiêng liêng, và cùng nhau làm chứng cho sự sống là chính Đức Giêsu.

§  Linh Đạo Chiêm Niệm – Cầu nguyện

Truyền thống các tôn giáo Á Châu đánh giá cao việc cầu nguyện và lòng sốt mến.[89] Chúng phát xuất từ “bản chất sùng đạo trong linh hồn người Á Châu.”[90] Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu nêu bật mối liên hệ giữa đời sống cầu nguyện và việc đồng hành thiêng khi phát biểu, “chúng ta cần một chương trình đào tạo các linh mục và tu sĩ  là những người nam, người nữ của Thiên Chúa, nhiệt thành với đời sống cầu nguyện và đời sống nội tâm sâu xa, nhờ đó họ có thể hướng dẫn và đồng hành với người khác trên con đường dẫn tới Thiên Chúa.”[91] Không thể không quan tâm đến các hình thức cầu nguyện đa dạng của các tôn giáo Á Châu, nếu muốn phát huy một hinh thức cầu nguyện Kitô giáo mang bộ mặt Á Châu.[92] Hình thức cầu nguyện Á Châu tiên vàn là một tương giao liên vị “bao gồm toàn vẹn con người trong sự hiệp nhất của thân xác-tâm trí-tinh thần.”[93]

Để đạt mục tiêu đó, vị linh hướng phải là con người của câu nguyện và chiêm ngưỡng. Những kinh nghiệm của ông trong đời sống cầu nguyện là tài nguyên không thể thiếu khi thi hành tác vụ linh hướng, bởi lẽ ông không thể trao ban điều ông chưa trải qua.

Về phần các ứng sinh, đời sống cầu nguyện quả là trung tâm của việc đồng hành / linh hướng. Anh/chị giao tiếp với Thiên Chúa như thế nào trong việc cầu nguyện? Anh/chị có những cảm xúc gì  trong cầu nguyện? Anh/chị xin Chúa điều gì? Điều gì làm anh/chị chia trí? Tất cả những câu hỏi ấy liên quan đến linh đạo cầu nguyện và chiêm niệm.

§  Linh Đạo Thánh Thể

Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu, chứa đựng điều thiện hảo thiêng liêng là chính bánh hằng sống của chúng ta.[94] Thánh Thể là nơi đặc biệt để chiêm ngưỡng khuôn mặt Đức Giêsu và tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa.[95] Đó là bí tích tạ ơn,[96] nguồn mạch và chóp đỉnh của sứ vụ truyền giáo,[97] dấu chỉ và khí cụ của hiệp nhất và hiệp thông,[98] và sức mạnh của biến đổi.[99] Các Kitô hữu được mời gọi trở nên “dân tộc Thánh Thể.”[100] Huấn thị Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô quả quyết rằng, “đặt linh đạo lên vị trí ưu tiên có nghĩa là xuất phát lại từ việc tái khám phá vị trí trung tâm của cử hành Thánh Thể.”[101]

Giáo Hội Á Châu triển khai linh đạo Thánh Thể theo viễn cảnh truyền giáo bằng hội nhập văn hoá.[102] Thánh thể phải được hội nhập trong văn hoá và lối sống Á Châu. Vì thế, linh đạo Thánh Thể không chỉ quan tâm đến việc tháp nhập các biểu tượng văn hoá vào cử hành Thánh Thể, mà còn quan tâm đến chiều kích liên đới và chia sẻ của Thánh Thể. Con người Thánh Thể tại lục địa Á Châu  không chỉ là con người mang tâm tình tạ ơn và chiêm ngưỡng, nhưng tiên vàn là con người của liên đới với người nghèo và người sống bên lề xã hội. Bằng cách đó, Thánh Thể trở thành  con đường của hiệp thông và truyền giáo.

Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu, thật sự là trung tâm của việc linh hướng. Một nhận thức đầy đủ về linh đạo Thánh Thể sẽ giúp người thụ hướng gặp gỡ với Thiên Chúa qua Đức Giêsu Thánh Thể. Nó cũng thúc đẩy người thụ hướng vươn ra thế giới để lắng nghe tiếng nói của Đức Giêsu hiện diện trong vũ trụ (cosmic Christ), tức là lắng nghe tạo thành, nhân loại, nhất là người nghèo.

§  Linh Đạo Truyền Giáo

Truyền giáo là bản chất thiết yếu và ơn gọi của Giáo hội.[103] Bởi đó, Giáo Hội kêu gọi mọi tín hữu dấn thân vào công cuộc phúc âm hoá mới.[104] Mỗi người thực hiện sứ vụ truyền giáo theo hình thức sống của mình. Tất cả các thừa tác vụ trong Giáo Hội, kể cả tác vụ linh hướng, phải tập trung vào sứ vụ truyền giáo.[105] Trong bối cảnh văn hoá phức tạp tại Á Châu, việc truyền giáo của Giáo Hội ưu tiên cho việc  hội nhập văn hoá và đối thoại.[106] Đó là hai yếu tố then chốt để hiện thực hoá Nước Thiên Chúa và hội nhập Tin Mừng vào Á Châu.

Việc đồng hành / linh hướng tại lục địa Á Châu không thể không quan tâm đến linh đạo truyền giáo, bằng không sẽ trở nên vô ích.  Việc đồng hành / linh hướng không hiện hữu vì chính nó, nhưng vì Đức Giêsu Kitô và vì nước Thiên Chúa.

§  Linh Đạo Đối Thoại

Bản chất của việc đồng hành / linh hướng là đối thoại trong yêu thương, cảm  thông và đồng cảm. Nó giả thiết một sự thành thạo trong nghệ thuật đối thoại  tinh tế này. Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu là mẫu mực của mô hình đối thoại này.[107] Vì vậy, Giáo Hội Á Châu chọn đối thoại như cách thức chủ yếu để hiện diện trong thực tế phức tạp về mặt văn hoá và tôn giáo tại Á Châu.[108]

Trên bình diện thực hành, đối thoại tại Á Châu tập chú năm chiều kích.

Đối thoại qua cuộc sống mời gọi các đối tác chia sẻ kinh nghiệm nhân sinh của mình, làm chứng và nổ lực nâng cao nhân phẩm.

– Đối thoại qua việc chia sẻ những kinh nghiệm tôn giáo trong tinh thần Átxidi năm 1986.

Đối thoại bằng hoạt động mời gọi các Kitô hữu cộng tác với những người ngoài Kitô giáo, để cùng nhau cổ võ một sự  phát triển và giải phóng toàn diện cho các dân tộc. Việc đối thoại này bao gồm các hoạt động xã hội và bác ái nhằm nâng cao nhân quyền và nhân phẩm, công lý, hoà bình và sự toàn vẹn của tạo thành.[109]

Đối thoại văn hoá nhắm đến một sự hiểu biết hỗ tương và làm phong phú gia sản văn hoá chung.

– Đối thoại qua việc trao đổi thần học dành riêng cho các nhà chuyên môn.

Trong nổ lực “phúc âm hoá bằng đối thoại và đối thoại để phúc âm hoá”[110] các nền văn hoá và truyền thống tôn giáo, vị linh hướng không thể không dấn thân vào các cuộc đối thoại lớn của Giáo Hội.[111] Qua tiến trình linh hướng, người thụ hướng được thúc đẩy và khuôn đúc thành con người trong tương quan đối thoại với Thiên Chúa và với người khác. Tương quan này hệ tại nhiều ở bầu khí đối thoại giữa vị linh hướng và người thụ hướng.[112]

§  Linh Đạo Ngôn Sứ

Qua bí tích Thánh Tẩy, mọi Kitô hữu trở thành ngôn sứ. Họ chia sẻ thừa tác vụ ngôn sứ của Đức Giêsu Kitô bằng cách làm chứng và loan báo Lời Người để nuôi dưỡng dân chúng.[113] Điều đó ám chỉ một sự thống nhất và khả tín của đời sống.[114] Vì tính chất nghịch lý của Lời Chúa, đời sống ngôn sứ là một cuộc “lội ngược dòng” và thách thức đối với não trạng thời đại (1V 18-19).[115] Giữa ánh sáng và bóng tối tại Á Châu, Giáo Hội quyết chọn con đường ngôn sứ, và xem mình là “Giáo Hội ngôn sứ.”[116]

Vị linh hướng đặc biệt đảm nhận nhiệm vụ ngôn sứ khi giúp người thụ hướng biện phân thánh ý Thiên Chúa qua các dấu chỉ trong lịch sử và đời sống mình. Cũng thế, vị linh hướng nên khuyến khích người thụ hướng đảm nhận sứ vụ làm biểu tượng và ngôn sứ bằng một đời sống chứng tá và trong sáng.[117]

§  Linh Đạo Huynh Đệ Vì Công Lý, Hoà Bình Và Sự Toàn Vẹn Tạo Thành

Linh đạo huynh đệ có nền tảng vững chắc trong Kinh Thánh, nhất là Tân Ước.[118] Tinh thần phục vụ vì yêu thương (Mt 20:26-28; Ga 13:12-14), việc chia sẻ và hiệp thông đời sống và sứ vụ, một “cuộc sống hiến thân vì yêu thương” (Ga 17:11), bình đẳng và liên đới, công lý và hoà bình là những diễn tả khác nhau của tình tuynh đệ.[119]

Vì thực tế phức tạp tại Á Châu, Giáo Hội tại đây nhấn mạnh tình huynh đệ giữa các dân tôc.[120] Ý thức về tình huynh đệ diễn tả cách rõ ràng qua việc dấn thân vào cuộc “đối thoại đời sống và con tim” trong tinh thần huynh đệ, hiệp thông, cộng tác và hoà hợp.[121] Việc Giáo Hội Á Châu ưu tiên chọn lựa người nghèo chẳng gì khác hơn là liên đới với họ trong tình huynh đệ,[122] và dấn thân cổ võ công lý, hoà bình và bảo toàn tạo thành.[123]

§  Linh Đạo Hèn Mọn : Nghèo Khó – Khiêm Hạ – Tự Huỷ (Kenosis)

Gốc rễ của linh đạo hèn mọn là chính Đức Giêsu Kitô. “Dầu là Thiên Chúa, Người không quyết dành địa vị ngang hàng với Thiên Chúa… nhưng đã tự huỷ mình ra không, mặc lấy thân nô lệ,… hạ mình và vâng phục cho đến chết trên thập giá (Pl 2:6-8). Linh đạo tự huỷ, hèn mọn, nhỏ bé và nghèo khó là tiếp nối mầu nhiệm Nhập Thể. Người cũng mời gọi các môn đệ đi theo con đường đó (Mt 20:27-28; Mc 10:42-44).[124] Giáo Hội Á Châu nhận thức sự bé nhỏ của mình “về số lượng tín hữu, sự khôn ngoan nhân loại và quyền lực,” và “sự nghèo khó và thấp bé của mình.”[125]

Linh đạo nói trên không những là nội dung của việc huấn luyện qua tiến trình linh hướng, nhưng còn là cung cách thực hiện tác vụ linh hướng. Ý thức sự nghèo khó và bé mọn biến vị linh hướng lẫn người thụ hướng trở thành những người cùng nhau lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần trong tâm tình khiêm tốn và liên đới.

§  Linh Đạo Hài Hoà (Harmony)

“Khái niệm hài hoà… là đề tài lớn trong Kitô giáo,” bao gồm ba “chiều kích: hài hoà với Thiên Chúa, với thế giới nhân loại và với toàn thể vũ trụ.”[126] Từ nguyên thuỷ, Thiên Chúa tạo dựng thế giới trong sự hài hoà giữa con người với nhau và với tạo vật. Vì sự hài hoà này bị tội lỗi phá vỡ, Thiên Chúa lập kế hoạch “phục hồi   tình trạng hài hoà nguyên thuỷ của tạo thành” nhờ Ngôi Lời Nhập Thể. Người được sai đi để loan báo “Vương Quốc Thiên Chúa,” vương quốc hài hoà và bình an.[127] Giáo Hội được giao nhiệm vụ tiếp nối sứ vụ tái lập sự hài hoà đó,  trở thành “bí tích của hiệp thông và hài hoà” và cổ võ sự hài hoà trong vũ trụ một cách năng động.”[128]

Văn hoá Á Châu trân trọng giá trị hài hoà.[129] Các giám mục Á Châu khẳng định: “Ý thức về sự hài hoà với bản thân do Thiên Chúa ban tặng, người ta tiến vào các tương quan hài hoà với anh chị em nhân loại, vươn ra với thiên nhiên và vũ trụ bao la trong sự hoà hoà. Những sự hài hoà đó… dẫn đến kinh nghiệm tuyệt  đỉnh về sự hài hoà với Thiên Chúa.”[130]

Việc linh hướng tại Á Châu phải được thực hiện trong bầu khí của linh đạo hài hoà. Việc linh hướng sẽ không mang lại kết quả, trừ phi nó tạo điều kiện giúp ứng sinh biến đổi tương quan với bản thân, với người khác, với tạo thành và với Thiên Chúa.

C. Những Đề Nghị Nhằm Thực Hiện Việc Linh Hướng

Một chương trình huấn luyện toàn diện và đầy đủ là mối ưu tư số một của Giáo Hội hoàn vũ[131] và Giáo Hội Á Châu.[132] Điều này tuỳ thuộc nhiều ở phẩm chất tri thức và thiêng liêng của các người phụ trách huấn luyện. Vì lẽ đó, việc phục vụ của vị linh hướng trong các nhà huấn luyện sẽ hiệu quả, nếu họ được cung cấp “một chương trình huấn luyện cập nhật hoá”[133] tạo điều kiện cho họ “mở ra những con đường mới và nhìn lại các mô hình và phương pháp huấn luyện của mình, hầu có thể đáp ứng các nhu cầu thời đại ta đang sống.”[134]

1. Huấn Luyện Các Người Đồng Hành / Linh Hướng

Ngoài việc huấn luyện về linh đạo như đã đề cập trên đây, người đồng hành / linh hướng Phan Sinh cần một chương trình huấn luyện thường xuyên và chuyên môn.[135]

a. Kỹ Năng Đồng Hành / Linh Hướng

Cách thức đồng hành / linh hướng một người-với-một người trong mô hình hiện đại đòi hỏi các kỹ năng thích hợp trong việc đồng hành thiêng liêng. Việc đồng hành thiêng liêng / linh hướng cần có kỷ năng lắng nghe, thách đố và biện phân.

(1) Nghệ Thuật Lắng Nghe

Cốt lõi của việc đồng hành / linh hướng không phải là khuyên bảo hay giải quyết vấn đề,[136] trái lại,  việc đồng hành / linh hướng là một sự hỗ trợ “giúp ứng sinh chú tâm vào điều Thiên Chúa truyền đạt cho họ, đích thân đáp lại điều Người truyền đạt, lớn lên trong tình thân hữu với Người, và đưa vào cuộc sống các kết quả của mối tương giao đó.”[137] Sự hỗ trợ quan trọng nhất của người đồng hành / linh hướng chính là hiện diện trong thái độ lắng nghe. Sau đây là một số nguyên tắc cơ bản trong việc lắng nghe.

(a) Các Nguyên Tắc Cơ Bản Trong Lắng Nghe

Việc đồng hành / linh hướng tiên vàn “thúc đẩy ứng sinh mở lòng tối đa để tiếp nhận tình yêu biến đổi và thanh luyện của Thiên Chúa.”[138] Điều đó cần có một bầu khí thích hợp giúp ứng sinh lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Vì thế, vị linh hướng cần biết các cách thức tạo nên bầu khí đó.

1. Người đồng hành / linh hướng ý thức mình chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa.

2. “Người đồng hành / linh hướng tin tưởng phó thác bản thân trong tay Chúa.”[139]

3. Người đồng hành / linh hướng ý thức rằng “việc hướng dẫn thiêng liêng mà ứng sinh muốn khám phá đã hiện diện trong lòng ứng sinh.”[140]

4. “Người đồng hành / linh hướng chỉ đưa ra lời chỉ bảo khi được Thánh Thần thúc đẩy từ bên trong.”[141]

5. “Người đồng hành / linh hướng cậy dựa chủ yếu và trực tiếp vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa,” bằng cách lắng nghe Thiên Chúa đang hiện diện trong mình và trong người thụ hướng.[142]

6. “Người đồng hành / linh hướng không bao giờ quyết định thay cho người thụ hướng,”[143] trái lại, ông  luôn luôn khuyến khích người thụ hướng đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm trong hành trình thiêng liêng.

(b) Hai Cách Lắng Nghe: Đồng cảm và Thấu cảm  (Empathy and Interpathy)

Khả năng “lắng nghe Thiên Chúa đang nói nơi người thụ hướng được gia tăng khi người đồng hành / linh hướng chân thành yêu thương người thụ hướng,”[144] tức là mong muốn cho người thụ hướng lớn lên về mặt thiêng liêng. Động cơ này không chỉ giúp vị linh hướng loại bỏ thái độ phê phán, nhưng còn giúp ông trở nên dịu dàng, kiên nhẫn và chờ đợi.[145] Để đi vào thế giới nội tâm của người thụ hướng, người đồng hành / linh hướng cần có thái độ đồng cảm khi lắng nghe. Đồng cảm là một cách nhận thức trên bình diện liên chủ thể,[146] nhờ đó, người đồng hành / linh hướng đặt chân mình vào đôi dày của người thụ hướng[147] Người đồng hành / linh hướng có thể đi vào kinh nghiệm thiêng liêng của người thụ hướng một cách nào đó, một khi ông đã trải qua những kinh nghiệm đó và đã suy tư về kinh nghiệm đó dưới ánh sáng đức tin.[148] Sự hiểu biết đồng cảm này bao hàm một sự chăm chú lắng nghe người thụ hướng như “một thực thể tâm sinh lý duy nhất.” Điều đó có nghĩa ông không chỉ lắng nghe ngôn ngữ được diễn tả qua lời nói, nét mặt, cử chỉ, mà cả thứ ngôn ngữ chứa đựng đàng sau đó.[149]

Thêm vào đó, kỹ năng thấu cảm (interpathy) giúp ích cho việc lắng nghe, nhất là trong việc linh hướng có tính chất liên văn hoá (cross-cultural).[150] Để trở thành người lắng nghe cách thấu cảm, người đồng hành / linh hướng cần đóng khung niềm tin, ý nghĩ và cảm xúc của mình, hầu đi vào thế giới nội tâm duy nhất của người thụ hướng.

Thêm vào đó, sự hiện diện và lắng nghe của người đồng hành /  linh hướng liên quan đến tư thế của cơ thể ông.  Tư thế thoải mái của cơ thể, cởi mở, nhìn trực diện, nét mặt diễn cảm cách thích hợp và gật đầu đúng lúc là những cách thế biểu lộ sự chú ý và tiếp nhận.[151]

(c) Những Khó Khăn Trong Việc Lắng Nghe

Lắng nghe hẳn là yếu tố nòng cốt của việc đồng hành / linh hướng. Tuy nhiên, lắng  nghe sẽ vô hiệu, nếu gười đồng hành / linh hướng không nhận biết và lướt thắng những trở ngại trong việc lắng nghe. Những trở ngại thường gặp nhất là “sự chọn lọc trong việc lắng nghe, đối chuyển vị (counter-transference), thiếu quân bình giữa thái độ kiên quyết và dịu dàng, và sợ rủi ro.”[152]

§  Việc chọn lọc trong lắng nghe khiến vị linh hướng chỉ tập trung vào những điều phù hợp với kỳ vọng của mình.

§  Đối chuyển vị là hiện tượng vị linh hướng “bộc lộ với người thụ hướng những cảm xúc, suy đoán và  tương giao bắt nguồn từ một mối tương quan khác,” và vì thế, ông không thể nhìn thấy con người đích thật của người thụ hướng.[153]

§  Thiếu quân bình giữa kiên và dịu dàng: Để lắng nghe cách hiệu quả, người đồng hành / linh hướng phải có một thái độ quân bình giữa kiên quyết và dịu dàng, vì “kiên quyết mà không dịu dàng thì sẽ làm hỏng tiến trình lắng nghe, dịu dàng mà không kiên quyết sẽ gây thiệt thòi cho người thụ hướng.”[154]

§  Sợ rủi ro:  Tỏ lộ sự thiếu phó thác, cởi mở và tiếp nhận  đối với Thiên Chúa, thiếu tự tin, sợ sai lầm, tự phụ và nhút nhát.[155]

(2) Nghê Thuật Thách Đố

Lắng nghe Thần Khí là đặc điểm của việc đồng hành / linh hướng. Tuy nhiên, lắng nghe cũng là mở lòng đón nhận thách đố.[156] Thần Khí không ngừng thách thức các môn đệ Đức Giêsu lớn lên trong sự viên mãn thiêng liêng. Là dụng cụ của Chúa, người đồng hành / linh hướng được uỷ thác trách nhiệm truyền đạt cho người thụ hướng các thách đố của Thần Khí. Vấn đề này liên quan đến cách thức người đồng hành / linh hướng thách đố, tức là kỹ năng thách đố. Điều quan trọng là người thụ hướng nghe “lời thách thức” của Thần Khí hay của cá nhân gười đồng hành / linh hướng?

Trong việc linh hướng, đặt câu hỏi “không phải là phỏng vấn tìm kiếm thông tin hay việc thẩm vấn của cảnh sát.”[157] Trái lại, đặt câu hỏi có mục đích giúp người thụ hướng quan sát những điều đang diễn ra trong bản thân thâm sâu mình, và nhận ra điều Thần Khí muốn truyền đạt. Các câu hỏi trong tiến trình linh hướng sẽ vô ích, nếu chúng không giúp người thụ hướng nhận biết các cảm xúc mình, lưu ý đến sự hiện diện của chúng, thừa nhận chúng là của mình, cảm thấy thoải mái với chúng và biểu lộ chúng ra ngoài.[158] Richard Nelson-Jones, trong tác phẩm Tư vấn Thực Hành và Kỹ Năng Trợ Giúp, liệt kê ba loại câu hỏi:

§  “Câu hỏi mở” mời gọi người thụ hướng “triển khai điều đã phát biểu.”

§  Câu hỏi nhằm làm sáng tỏ vấn đề.

§  Câu hỏi mời gọi người thụ hướng bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ và ý định của mình.[159]

Đặt câu hỏi một cách từ tốn và hình thái câu hỏi giữ vai trò quan trọng trong việc tạo bầu khí tin tưởng, thân thiện nhằm giúp tăng trưởng. Trên hết mọi sự, thái độ bên trong và bên ngoài của người đồng hành / linh hướng phải thấm đượm tình yêu chân thực.[160]

(3) Nghệ Thuật Biện Phân[161]

Theo phương pháp khải đạo (mystagogic), biện phân là “hoạt động của trí năng nhằm nhận thức  sự khác biệt giữa hiện trạng của một người và sự toàn thiện của người đó trong Thiên Chúa, nhận biết cách thế khả dĩ vượt qua sự khác biệt đó, và trợ giúp người đó đi trong đường lối của Thiên Chúa, vì biết rằng chính Người thúc đẩy mình đi theo con đường đó.”[162]

Nhờ ơn biện phân, người đồng hành / linh hướng giúp người thụ hướng “nhìn thấy thực tại với cái nhìn của Thiên Chúa và giữa hoàn cảnh phức tạp, phân biệt điều gì đến từ Thiên Chúa và điều gì không đến từ Thiên Chúa.”[163] Về điểm này, Merton quả quyết rằng sự trong sáng và đơn sơ, dựa trên sự phán đoán lành mạnh, là điều không thể thiếu.[164]

Lại nữa, một người đồng hành / linh hướng có khả năng lắng nghe thì nhận biết các ranh giới của các tương quan khi thi hành tác vụ. Đó là ranh giới về thời gian, nơi chốn và con người.[165] “Ý thức về nhịp thời gian tự nhiên sẽ giúp vị linh hướng duy trì  sức khoẻ thể lý và cảm xúc.”[166] Cũng cần một nơi gặp gỡ thích hợp nhằm bảo đảm sự cẩn mật và trong sáng. Những ranh giới của con người quả quan trọng và là thách đó lớn đối với vị linh hướng. Ông cần biện phân tình trạng tâm lý của ứng sinh, hầu tránh những hiểu lầm về mặt tình cảm.[167]

(4) Nhật Ký (Supervision)

Việc đồng hành / linh hướng là một tiến trình và đồng hành với người thụ hướng. Để theo dõi các chuyển biến và sự lớn lên của người thụ hướng về mặt thiêng liêng, vị linh hướng cần viết nhật ký thiêng liêng. Nhật ký cũng là phương tiện hữu hiệu giúp ông xem xét lại và đánh giá tác động của Thần Khí, tương quan của ông với người thụ hướng, cảm xúc và phản ứng, mặt mạnh và măt yếu của ông trong quá trình linh hướng.[168]

b. Những Kỹ Năng Khác

§  Toàn Nhập về Tâm Lý – Tính Dục

Hội Nghị Chuyên Đề dành cho Các Giám Đốc và Linh Hướng các Chủng Viện Á Châu tổ chức tại Seoul tháng 10 năm 1999 ngụ ý tầm quan trọng của việc toàn nhập về mặt tâm lý – tính dục trong việc linh hướng.[169] Đời sống thiêng liêng của ứng sinh thường bị tắc nghẽn vì các khó khăn liên quan đến tính dục. Vì thế, người đồng hành / linh hướng cần có một số kiến thức và hiểu biết về tính dục, hầu giúp ứng sinh xử lý và toàn nhập “loại năng lực nồng nàn, sáng tạo,”[170] mạnh mẽ này … vốn bao gồm “các cảm xúc yêu thương, khoan hậu, ân cần, can đảm, tự nguyện hiến thân vì người khác.”[171] Năng lực này thật sự là “quà năng đặc biệt của Thiên Chúa để đưa tới sự thống nhất và viên thành,”[172] mà các ứng sinh có thể sử dụng để phát huy khả năng yêu thương, sống thân mật và tương giao.[173]

Việc toàn nhập về mặt tâm lý-tính dục liên hệ vấn đề căn tính, “tôi là ai về phương diện tính dục?” Câu hỏi này đòi phải khảo sát kỷ lưỡng khái niệm tính dục tạo nên bởi quan niệm của xã hội, gia đình, bạn bè, trường học, Giáo Hội và cộng đoàn tu trì. Việc toàn nhập tâm lý-tính dục có mục đích giúp ứng sinh vui hưởng sự tự do và đảm nhận trách nhiệm trong việc bộc lộ năng lực tính dục một cách thích đáng qua các tương giao lành mạnh. Huấn thị Đường Hướng Huấn Luyện Trong Các Dòng Tu nêu bật vai trò của “việc linh hướng đều đặn và việc chia sẻ trong tình yêu huynh đệ với anh chị em và cộng đoàn” trong tiến trình toàn nhập về tâm lý-tính dục.[174]

§  Kỹ Năng Tư vấn

Việc tư vấn tâm lý, do cứu cánh, khác với việc linh hướng. Nó không “ưu tiên nhắm đến việc cải thiện mối tương giao với Thiên Chúa,”[175] nhưng “chủ yếu nhằm xử lý các rối loạn tâm lý,” hay giải quyết các vấn đề, hầu thể hiện một sự toàn nhập bản thân. Dầu vậy, một vài kiến thức về “phương pháp tâm lý và tư vấn” cũng có thể hữu ích.[176] Trước hết, nó giúp vị linh hướng phân biệt các vấn đề mà người thụ hướng trình bày và chuyển anh/chị đến nhà tư vấn khi cần.[177] Thứ hai,  phương pháp tư vấn cũng có thể hữu ích trong việc giúp ứng sinh khám phá, ý thức và bộc lộ bản thân.[178]

2. Việc Linh Hướng Trong Chương Trình Huấn Luyện

a. Các Môn Học

Ngoài các môn học quy định  trong chương trình huấn luyện khởi đầu,[179] các ứng sinh cần được dẫn nhập vào môn học linh hướng và biện phân.[180] Cần khơi dậy nơi ứng sinh nhu cầu linh hướng và điều chỉnh quan niệm méo mó về linh hướng nếu có. Ứng sinh cũng cần am hiểu về đời sống thánh hiến, linh đạo, nhân học, tính dục, cầu nguyện và sứ vụ truyền giáo trong bối cảnh Á Châu.[181] Trong giai đoạn huấn luyện khởi đầu, ứng sinh cần ưu tiên tìm hiểu và thực tập đời sống cầu nguyện. Các môn học khác là thứ yếu và nên được giới hạn sao cho không tác hại đời sống cầu nguyện của ứng sinh.

b. Thực Hành

§  Thực Hành Linh Hướng

Các nhà hữu trách về huấn luyện phải bảo đảm rằng các ứng sinh “thực sự đang được một vị linh hướng đồng hành,” [182] nhất là trong giai đoạn “thực tập trong môi trường thực tế.” [183] Mặc dầu nhà huấn luyện tôn trọng sự tư do của ứng sinh trong việc chọn lựa vị linh hướng, và không can thiệp vào tiến trình linh hướng, ứng sinh buộc phải biểu lộ thiện ý theo đuổi ơn gọi và lớn lên cách toàn diện. Tha thiết với việc linh hướng là một trong những biểu lộ của thiện ý đó.

§  Nhật Ký

Cũng nên khuyến khích các ứng sinh viết nhật ký như một phương tiện giúp biết mình và đánh giá sự tiến triển thiêng liêng.[184] Nhật ký có thể giúp ứng sinh ý thức về cuộc sống, nhất là các cảm xúc và phản ứng trước thách đố của Lời Thiên Chúa. Nhật ký giúp anh mở lòng đón nhận các mạc khải sâu xa hơn về bản tính của Thiên Chúa khi suy gẫm Kinh Thánh, các kinh nghiệm tôn giáo trong lịch sử và chính kinh nghiệm của mình với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện và suy niệm.” [185] Cũng cần khuyến khích ứng sinh viết “những tự truyện ngắn.” [186] Qua đó, ứng sinh nhìn lại cuộc đời của mình như một thực thể thống nhất và đọc lại các câu chuyện đó dưới ánh sáng đức tin hầu thống nhất đời sống.[187]

§  Tĩnh Tâm Có Hướng Dẫn

Các nhà huấn luyện cần khuyến khích ứng sinh thực hiện mô hình tĩnh tâm cá nhân và có hướng dẫn.[188] Đó là thì mạnh trong tương giao với Thiên Chúa,

§  Thực Hành Tinh Thần Hài Hoà

Một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng trong thế giới hiện nay là sự vụn nát hay phân chia đời sống thành nhiều mãnh. Do đó, chương trình huấn luyện có mục đích giúp ứng sinh toàn nhập các chiều kích khác nhau của đời sống thánh hiến thành một thực thể duy nhất.[189] Cần khuyến khích ứng sinh phát huy một cuộc sống quân bình giữa cầu nguyện và học hành, cô tịch và hoạt động, làm việc và nghĩ ngơi. Điều này đòi ứng sinh “biết sử dụng thời giờ, và lưu ý đến sự thinh lặng và tư thế của thân xác trong cầu nguyện.”[190]

Cần khuyến khích ứng sinh sống tinh thần hài hoà, tức là tương giao hoà hợp và thân thiện với các thành viên trong cộng đoàn và với tất cả những người khác trong gia đình nhân loại. Cũng quan tâm đến mối tương quan hài hoà với tạo thành, bởi vì “tạo thành là bí tích đích thật cần phải khám phá và trân trọng.”[191]

§  Kinh Nghiệm Các Hình Thức Cầu Nguyện Khác Nhau

Đời sống hay tương giao với Thiên Chúa quả thật là trọng tâm của việc linh hướng và huấn luyện. “Cầu nguyện phải là xương sống, là hệ thần kinh của cuộc sống thường nhật của Kitô hữu.”[192] Người đồng hành /  hướng có thể khuyến khích ứng sinh thực tập các hình thức cầu nguyện trong  truyền thống Kitô giáo và các tôn giáo Á Châu. Điều này giúp ứng sinh mở rộng tầm nhìn về cầu nguyện và có thể áp dụng trong đời sống cầu nguyện của mình.[193]

§  Chiêm Niệm Trong Thinh Lặng

Tương quan riêng tư với Thiên Chúa trong cầu nguyện cần có thái độ chiêm niệm. Cần khuyến khích ứng sinh dành thời giờ thinh lặng, nhất là thinh lặng nội tâm, hầu sống thân mật với Chúa Giêsu Kitô, lắng nghe tiếng nói của Người và kết hiệp với Người.[194] Để đạt được điều này, ứng sinh cần “làm quen với sự thinh lặng và tập luyện sống đời sống nội tâm và tương giao.”[195]

Việc linh hướng các ứng sinh tại Việt Nam là một nghệ thuật tinh tế. Ngoài các nhân đức của sự trưởng thành về mặt thiêng liêng, người đồng hành / linh hướng cũng cần một sự hiểu biết bao quát hơn về các môn học liên nghành. Linh đạo hiện đại, kỹ năng linh hướng, văn hoá và tư vấn là những chuyên nghành cần thiết hơn cả. Tuy vậy, thách đố của việc linh hướng là làm sao cụ thể hoá các kiến thức đó. Một thách đố quan trọng khác liên hệ đến nhận thức của các ứng sinh. Một viễn cảnh  thấm nhuần tinh thần Á Châu có lẽ là phương thức thích hợp để đem lại sức sống mới cho việc đồng hành /linh hướng trong các nhà huấn luyện tại Việt Nam.

 

Lm. Anthony Nguyễn Ngọc Kính – OFM

 

 


[1] Nguyễn Ngọc Kính, Linh Hướng Các Ứng Sinh Phan Sinh Trong Giai Đoạn Huấn Luyện Khởi Đầu Tại Việt Nam: Thách Đố và Viễn Cảnh (2007), tr.91-168.

[2] Damien Isabelle, Workbooks for Franciscan Studies: Companion Guide to the Omnibus of Sources (Chicago: Franciscan Herald Press, 1979), pp. 285, 287.

[3] F. Antonisamy, An Introduction to Christian Spirituality (Bangalore: St. Paul, 2003), p. 171.

[4] Sandra Schneiders, “The Contemporary Ministry of Spiritual Direction,” Chicago Studies (Spring 1976): 50, in Cenacle Sisters Team, “Lectures on Perspectives of Spiritual Direction and Discernment” Summer Course 2005-2006, ICLA, Quezon City.

[5] Sandra Schneiders, “The Contemporary Ministry of Spiritual Direction,” Chicago Studies (Spring 1976): 48, in Cenacle Sisters Team, “Lectures on Perspectives…,” ibid.

[6] George Aschenbrenner, Spiritual Direction: Central in the Process of Religious Formation, in Judette Gallares, “Lectures on Formation Process in Consecrated Life” 2nd Semester 2005-2006, ICLA, Quezon City.

[7] Cenacle Sisters Team, “Lectures on Perspectives of Spiritual Direction and Discernment” Summer Course 2005-2006, ICLA, Quezon City.

[8] F. Antonisamy, An Introduction to Christian Spirituality (Bangalore: St. Paul, 2003), pp. 176-177.

[9] Ibid.; Thomas H. Green, The Friend of the Bridegroom (Makati City: St. Pauls, 2000), p. 62.

[10] Francis Kelly Nemeck and Maria Theresa Coombs, The Way of Spiritual Direction (Minesota: The Liturgical Press, 1985), p. 140.

[11] Sandra Schneiders, “Contemporary Ministry of Spiritual Direction,” Chicago Studies (Spring 1976): 49-50, in Cenacle Sisters Team, “Lectures on Perspectives of Spiritual Direction and Discernment” Summer Course 2005-2006, ICLA, Quezon City; Jeannine Guidon, et. al., La Formation Humaine Integrale des Candidats au Presbyteriat (Integrated Human Formation of the Candidates toward Priesthood), ( Montreal: Editions Paulines, 1993), pp. 95-97.

[12] Nguyen Ngoc Son, ed., “Vietnam Family, Yesterday and Today,” in Communion and Solidarity…ibid., p. 61.

[13] George Aschenbrenner, Spiritual Direction: Central in the Process of Religious Formation, in Judette Gallares, “Lectures on Formation Process in Consecrated Life” 2nd Semester 2005-2006, ICLA, Quezon City.

[14] Teodoro C. Bacani, A Spirituality for Ministry (Manila: Gift of God Publications, 2006), p. 49.

[15] Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, Starting Afresh from Christ…, ibid., no. 20.

[16] Ibid., p. 15.

[17] Ibid., p. 17.

[18] William A. Barry and William J. Connolly, The Practice of Spiritual Direction (New York: Seabury Press, 1982), p. 5.

[19] Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, Starting Afresh from Christ…, ibid., no. 22.

[20] Ibid., nos. 18, 19; Synod of Bishops for Asia, Message to The People of God (Vatican City: 1998), no. 5, in James H. Kroeger, and Peter C. Phan, The Future of the Asian Churches (Quezon City: Claretian Publications, 2002), p. 46.

[21] Cenacle Sisters Team, “Lectures on Perspectives of Spiritual Direction and Discernment” Summer Course2005-2006, ICLA, Quezon City.

[22] Francis Kelly Nemeck and Maria Theresa Coombs, The Way of Spiritual Direction…, ibid.,  pp. 109-110.

[23] Felicisimo Diez Martinez, Refounding Religious Life…, ibid., p. 22.

[24] Ibid., p. 23.

[25] Ibid., p. 22.

[26] Ibid., p. 23.

[27] Ibid., p. 22.

[28] Wilkie Au and Norren Cannon, Urgings of the Heart: A Spirituality of Integration (Makati City: Paulist Press, 1995), p. 96-98; Fulton J. Sheen, Lift up Your Heart: A Guide to Spiritual Peace (Bangalore: Asian Trading Corporation, 1998), p. 18.

[29] Felicisimo Diez Martinez, Refounding Religious Life…, ibid., p. 22.

[30] Francis Kelly Nemeck and Maria Theresa Coombs, The Way of Spiritual Direction…, ibid., p. 110.

[31] Peter C. Phan, “Spiritual Direction in a Multicultural Church Helping the Others Encounter God in Their Own Cultures,” New Theology Review 1 (February 2000): 15.

[32] Nguyen Ngoc Son, ed., “Viet Nam Family, Yesterday and Today,” in Communion and Solidarity…ibid., p. 53.

[33] Francis Kelly Nemeck and Maria Theresa Coombs, The Way of Spiritual Direction…, ibid., p. 111; William A. Barry and William J. Connolly, The  Practice of Spiritual Direction…, ibid., p. 89.

[34] Interview with Guy-Maria Nguyen Hong Giao, spiritual director of the Franciscan Formation Center in Viet Nam, on 25th May 2006.

[35] Suzanne Mayer, “Awareness of Feelings in Spiritual Discernment,” in Cenacle Sisters Team, “Lectures on Perspectives of Spiritual Direction and Discernment” Summer Course 2005-2006, ICLA, Quezon City; Diarmuid O’Murchu, Consecrated Religious Life…, ibid., pp. 69, 177.

[36] Nguyen Ngoc Son, ed., “Viet Nam Family, Yesterday and Today,” in Communion and Solidarity…ibid., p. 62.

[37] Hoanh Son, Than Hoc Thieng Lieng (Spiritual Theology) (Hochiminh City: Hochiminh Publications, 1995),   p. 143.

[38] Diarmuid O’Murchu, Consecrated Religious Life…, ibid.,  p. 175.

[39] Diarmuid O’Murchu, Consecrated Religious Life…, ibid., p. 177

[40] F. Antonisamy, An Introduction to Christian Spirituality…, ibid., p. 183-184; W. Barry, Spiritual Direction and the Encounter with God: A Theological Inquiry (New Jersey: Mahwah, 1992), p. 8.

[41] Philomena Agudo, I Chose You…, ibid., p. 123.

[42] Ibid., p. 146; William A. Barry and William J. Connolly, The  Practice of Spiritual Direction…, ibid., p. 87

[43] Hoanh Son, Spiritual Theology…, ibid., p. 674.

[44] Tran Ngoc Them, Discovering the Identity of Vietnamese Culture: Typological-systematic Views…, ibid., pp. 280-282.

[45] Tran Minh Huy, Compendium on Spiritual Formation for Future Priests in the Context of Viet Nam Today (Quezon City: ICLA Publications, 2005), p. 130.

[46] Francis Kelly Nemeck and Maria Theresa Coombs, The Way of Spiritual Direction…, ibid., p. 54.

[47] Philomena Agudo, I Chose You…, ibid., p. 167.

[48] Kees Waaijman, Spirituality: Forms, Foundations, Methods (Leuven: Peeters, 2002), p. 872.

[49] Dominic Maruca, “Predispositions for Dialogue in Spiritual Direction,” in Susan Rakoczy, ed., Common Journey, Different Paths…, ibid., p. 35; Eilis Bergin, An Enneagram Guide: A Spirituality of Love in Brokenness (Mumbai: St Paul Press, 2000), p. 12.

[50] Susan Rakoczy, “Unity, Diversity and Uniqueness: Foundations of Cross-Cultural Spiritual Direction,” in Susan Rakoczy, ed., Common Journey…, ibid., p. 9.

[51] Ibid., pp. 17-18.

[52] Carroll Stuhlmueller, Thirsting for the Lord: Essays in Biblical Spirituality (New York: Alba House), p. 52, in Judette  Gallares, “Lectures on Biblical Foundation of Religious Life”  1st Semester 2006-2007, ICLA, Quezon City.

[53] Carolyn Gratton, The Art of Spiritual Guidance…, ibid., pp. 112-113.

[54] Kees Waaijman, Spirituality: Forms, Foundations, Methods…, ibid., p. 279, 281.

[55] Hoanh Son,  Spirituality Theology…, ibid., p. 662, 671;

[56] Order of Friars Minor, Ratio Formationis Franciscanae…, ibid., no. 55; OFM International Commission, On the Priority of the Spirit of Prayer and Devotion…, ibid., Section II.

[57] Order of Friars Minor, Ratio Formationis…, ibid., nos. 56, 92, 95; Jose Rodriguez Carballo, “Formation in Time of Refoundation According to the International Congress,” Religious Life Asia 2  (April-June 2006): 5.

[58] Susan Rakoczy, “Unity, Diversity and Uniqueness: Foundations of Cross-Cultural Spiritual,” in Susan Rakoczy, ed., Common Journey, Different Paths…, ibid., p. 9; Thomas H. Green, The Friend of the Bridegroom…, ibid., p. 84-85.

[59] Susan Rakoczy, “Unity, Diversity and Uniqueness…,” ibid., p. 9.

[60] Ibid., p. 9.

[61] Benedict XVI, Deus Caritas Est…, ibid.,  no. 6; Jordan Aumann, “The Path to Self-Liberation,” Journal of Spiritual Formation 1 (February 1994): 114.

[62] M. Scott Peck, The Road Less Traveled: A New Psychology of Love, Traditional Values and Spiritual Growth (New York: Simon and Schuster Inc., 1978), p. 81; Morton T. Kelsey, Companions on the Inner Way…, ibid., p. 209.

[63] Lily Quintos, “Experiences of the Heart: The Spiritual Exercises across Cultures,” in Susan Rakoczy, ed., Common Journey, Different Path…, ibid., p. 89.

[64] Morton T. Kelsey, Companions on the Inner Way…, ibid., pp. 1-9.

[65] Margaret Guenther, Holy Listening: the Art of Spiritual Direction (Boston: Cowley Publications, 1992), pp. 9-10.

[66] Kees Waaijman, Spirituality: Forms, Foundations, Methods…, ibid., pp. 911-920.

[67] Anthony J. Gittins, Bread for the Journey (New York; Orbis Books, 1998), xiv.

[68] John Paul II, Ecclesia in Asia…, ibid., nos. 24, 50.

[69] John Paul II, Ecclesia in Asia…, ibid., no. 43.

[70] Vincente Cajilig, “Spiritual Direction in Asian Context,” Boletin Eclesiastico de Filipina 824 (May-June 2001): 437.

[71] Order of Friars Minor, Ratio Formationis Franciscanae…, ibid., nos. 137, 151.

[72] John Paul II, Ecclesia in Asia…, ibid., no. 43

[73] FABC Office of Education and Student Chaplaincy, “Seminar for Rectors and Spiritual Directors of Asian Seminaries 24-31 Octocber 1999,” in Franz-Josef Eilers, ed., For All the People of Asia Volume 3…, ibid., p. 25.

[74] Vicente Cajilig, “Workshop Discussion Guide: Formation for Priesthood in Asia – Appendix II: Spiritual Direction, Emphasis on an Asian Approach,” FABC Papers no. 92d – Seventh Plenary Assembly 3-12 January 2000 in Thailand (January 2000): 19.

[75] The social hierarchy in Viet Nam: “King, Teacher, Father,” and “Scholar, Peasant, Worker, Merchant.”

[76] John Paul II, Ecclesia in Asia…, ibid., no. 20; Domingo Moraleda, “Lectures on An Introduction to Missiology”…,  ibid., p. 101.

[77] John Paul II, Ecclesia in Asia…, ibid., nos. 14, 16.

[78] Manuel Ezhaparampil, Formation to Discipleship…, ibid., p. 172.

[79] John Paul II, Ecclesia in Asia…, ibid., no. 9.

[80] Carolyn Gratton, The Art of Spiritual Guidance…, ibid., p. 107; John of the Cross, “The Living Flame of Love,in Kees Waaijman, Spirituality: Forms, Foundations, Methods…, ibid., p. 916.

[81] FABC Office of Theological Concern,  “The Spirit at Work in Asia Today,” in Franz-Josef Eilers, ed., For All the People of Asia Volume 3…, ibid.,  no. 1, pp. 238-266;  no. 3.9, pp. 294-297.

[82] FABC Office of Theological Concern, “The Spirit at Work in Asia Today,” in Franz-Josef Eilers, ed., For All the People of Asia Volume 3…, ibid., no. 1, pp. 238-266;  no. 3.5, p. 288.

[83] Ibid., Introduction, p. 238.

[84] John Paul II, Ecclesia in Asia…, ibid., no. 6.

[85] FABC Office of Education and Students Chaplaincy, “Seminar for Rectors and Spiritual Directors of Asian Seminaries 24-31 October 1999 in Seoul,” in Franz-Josef Eilers, ed., For All the People of Asia Volume 3…, ibid.,  p. 25.

[86] Judette Gallares, “Lectures on Biblical Spirituality” 2nd Semester 2005-2006, ICLA, Quezon City.

[87] Ibid.

[88] Ibid.; John Paul II, Vita Consecrata…, ibid., no. 65; Amedeo Cencini, The Sentiments of the Son: A Formative Journey in Consecrated Life, Trans. Christopher Nazareth (Mumbai: Pauline Publications, 2005), pp. 37-39.

[89] Paul VI, Evangelii Nuntiandi: Apostolic Exhortation on Evangelization in the Modern World (8 December 1975), no. 53 in Welcome to the Catholic Church…, ibid.; John Paul II, Ecclesia in Asia…, ibid.,  nos. 22, 44; FABC, “Evangelization in Modern Day Asia: Statement and Recommendations of the First Plenary Assembly, 27 April 1974, Taipei, Taiwan,” no. 14, in Gaudencio B. Rosales and C. G. Arevalo, eds., For All the People of Asia: Federation of Asian Bishops’ Conferences Documents from 1970 to 1991 Volume 1 (Quezon City: Claretian Publications, 1997), p. 14.

[90] Clement Yoon Yang-Ho, Revitalizing Spiritual Formation and Prayer Life in Korean Seminaries…, ibid., p. 140.

[91] FABC Synod of Bishops for Asia, Message to the People of God (Vatican City: 1998), no. 5, in James H. Kroeger and Peter C. Phan, The Future of the Asian Churches (Quezon City: Claretian Publications, 2002), p. 45.

[92] FABC International Congress on Mission 7 December 1979, Manila, “Concensus Paper of the Workshop I: Towards a Theology of Mission for Asia Today,” no. 19, in Gaudencio B. Rosales and C. G. Arevalo, eds., For All the People of Asia Volume 1…, ibid., p. 140.

[93] FABC Second Plenary Assembly 25 November 1978 Calcutta, India, “Statement on Prayer: The Life of the Church of Asia,” no. 32, in Gaudencio B. Rosales and C. G. Arevalo, eds., For All the People of Asia Volume 1…,  ibid., p. 35.

[94] John Paul II,  Ecclesia de Eucharistia: Encyclical Letter on the Eucharist and its Relationship to the Church (17 April 2003) (Vatican City: Libreria Editrice, 2003),  no. 1.

[95] Ibid., nos. 1, 6; Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, Starting Afresh from Christ …, ibid., no. 26.

[96] John Paul II, Ecclesia de Eucharistia…,ibid., no. 58; Anthony J. Gittins, Bread for the Journey (New York; Orbis Books, 1998), p. 76.

[97] John Paul II, Ecclesia de Eucharistia…, ibid., no. 22.

[98] Ibid., no. 40.

[99] John Paul II, Ecclesia de Eucharistia…, ibid., no. 24; Anthony J. Gittins, Bread for the Journey (New York: Orbis Books, 1998), p. 31.

[100] Anthony J. Gittins, Bread for the Journey…, ibid., p. 73.

[101] Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, Starting Afresh from Christ…, no. 26.

[102] Jacob Theckanath, “Workshop Discussion Guide: The Asian Image of Jesus – Theological, Biblical, Catechetical, Liturgical Renewal,” FABC Papers no. 92q – Seventh Plenary Assembly (January 2000): 20.

[103] Vatican II, Ad Gentes: Decree on the Church’s Missionary Activity (7 December 1965) nos. 2, 6, 35-36, in Welcome…, ibid.; Paul VI, Evangelii Nuntiandi…, ibid., no. 14; John Paul II, Redemptoris Missio: Encyclical Letter on Mission of the Redeemer (7 December 1990), no. 42, in Welcome …, ibid.

[104] John Paul II, Tertio Millennio Adveniente: Apostolic Letter on Preparation for the Jubilee of the Year 2000 (10 November 1994), nos. 21, 45, in Welcome…, ibid.; John Paul II, Vita Consecrata…, ibid., nos. 64, 81.

[105] Vatican II,  Ad Gentes…, ibid., no. 40; Paul VI, Evangelii Nuntiandi…, ibid.,  nos. 42-46, 51-53, 64, 67; John Paul II,  Redemptoris Missio…, ibid., nos. 24, 66, 69, 78.

[106] John Paul II, Ecclesia in Asia…, ibid., nos. 21-23, 29, 31.

[107] Lk 24: 13-35; Jn 3: 1-21; FABC, “Final Statement of First Formation Institute for Inter-Religious Affairs, Ipoh, Malaysia, 6-14 September 1998,” no. 2.3, in Franz-Josef Eilers, ed., For All the People of Asia Volume 3…, ibid., p. 120.

[108] John Paul II, Ecclesia in Asia…, ibid., no. 3; FABC, “Final Statement of First Formation Institute…,” ibid.,  no. 3.3, p. 123; Domingo Moraleda, “Lectures on An Introduction to Missiology….,” ibid., p. 96.

[109] S. Karotempel, ed., Following Christ in Mission…, ibid., no. 38.

[110] John Paul II, Ecclesia in Asia…, ibid., no. 31.

[111] Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, Starting Afresh from Christ…, ibid.,  no. 40.

[112] William A. Barry and William J. Connolly, The Practice of Spiritual Direction (New York: Seabury Press, 1982), p. 26.

[113] Vatican II, Lumen Gentium: Dogmatic Constitution on the Church (21 November 1965) no. 35, in Welcome to the Catholic Church…, ibid.; Apostolicam Actuositatem: Decree on the Apostolate of the Laity (18 November 1965) no. 14, in Welcome…, ibid.; John Paul II, Christifideles Laici: Apostolic Exhortation on the Vocation and the Mission of the Lay Faithful and in the World (30 December 1988) no. 10, in Welcome…, ibid.; Redemptoris Missio: Encyclical Letter on Mission of the Redeemer (7 December 1990) no. 71, in Welcome…, ibid.

[114] Domingo Moraleda, “Lectures on An Introduction to Missiology…,” ibid., p. 108.

[115] Kees Waaijman, Spirituality: Forms, Foundations, Methods…, ibid., p. 213-214; Domingo Moraleda, “Lectures on An Introduction to Missiology…” ibid., p. 109; Anthony J. Gittins, Bread for the Journey…, ibid., xix.

[116] John Paul II, Ecclesia in Asia…, ibid., no. 16; FABC Office of Human Development, “Consultation on Advocacy for Justice and Peace in the 21st Century: The Prophetic Path to the New Millennium Through Social Advocacy” (Pattaya, Thailand, 28 August – 1 September 2000), no. 3.14, in Franz-Josef Eilers, ed., For All the People of Asia Volume 3…, ibid., p. 50.

[117] Domingo Moraleda, “Lectures on An Introduction to Missiology – Mission of Consecrated Life”…, ibid.,  p. 110.

[118] Pontifical Commission for Justice and Peace, The Church and Racism: Towards a More Fraternal Society (3 November 1988) no. 23, in Welcome to the Catholic Church…, ibid.

[119] John Paul II, Vita Consecrata…, ibid., nos. 42, 46, 73, 75.

[120] FABC, “The Statement of the Third Plenary Assembly Bangkok, Thailand, 28 October 1982: The Church, a Community of Faith in Asia,” no. 3.6, in Gaudencio B. Rosales and C. G. Arevalo, eds., For All the People of Asia Volume 1…, ibid., p. 55.

[121] John Paul II, Vita Consecrata…, ibid., no. 31; Synod of Bishops for Asia, Message to the People of God…, ibid., nos. 3, 5.

[122] FABC Office of Human Development, “Colloquium on Church in Asia in the 21st Century: Towards a Communion and Solidarity in the Context of Globalization” (Pattaya, Thailand, 25-30 August 1997), Section V: 15, in Franz-Josef Eilers, ed., For All the People of Asia Volume 3…, ibid., p. 44.

[123] FABC, “The Statement of First Plenary Assembly, Taipei, Taiwan, 27 April 1974: Evangelization in Modern Day in Asia,” nos. 19-24, in Franz-Josef Eilers, ed., For All the People of Asia Volume 3…, ibid., p. 15-16; FABC, Asian Bishops’ Meeting , “Message of the Conference Manila, Philippines 29 November 1979,” no. 25, in Gaudencio B. Rosales and C. G. Arevalo, eds., For All the People of Asia Volume 1…, ibid.,  p. 6; Thomas C. Fox, Pentecost in Asia: a New Way of Being Church (Quezon City: Claretian Publications, 2003), p. 9.

[124] Leonardo Boff, Saint Francis, a Model for Human Liberation…, ibid., p. 62.

[125] FABC, Asian Bishops’ Meeting, “Message of the Conference Manila, Philippines 29 November 1979,” no. 30, in Gaudencio B. Rosales and C. G. Arevalo, eds., For All the People of Asia Volume 1…, ibid., p. 7.

[126] FABC Office of Ecumenical and Interreligious Dialogue, “Bishops Institute for Interreligious Dialogue Documents: Taoist and Confucian Contribution to Harmony in East Asia” (Taiwan 19 April 1996), no. 5, in Franz-Josef Eilers, ed., For All the People of Asia: Federation of Asian Bishops’ Conferences Documents from 1992 to 1996 Volume 2…, ibid.,  p. 164.

[127] FABC Theological Advisory Commision, “Asian Christian Perspectives on Harmony” (Hong Kong April 1995), no. 3.3.1, in Franz-Josef Eilers, ed., For All the People of Asia Volume 2…, ibid., pp. 266-273.

[128] Ibid., pp. 273-276 .

[129] Thomas C. Fox, Pentecost in Asia: a New Way of Being Church (Quezon City: Claretian Publications, 2003), p. xii; Benjamin Robertson and Melinda Liu, “Can the Sage Save China?” Newsweek (March 20, 2006): 22, in Edgar G. Javier, Dialogue: Our Mission Today…, ibid., p.20.

[130] FABC Theological Advisory Commision, “Asian Christian Perspectives on Harmony…,” ibid., pp. 286-288.

[131] John Paul II, Vita Consecrata…, ibid., no. 69; Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, Directives on Formation in Religious Institutes…, ibid.,  no. 1.

[132] John Paul II, Ecclesia in Asia…, ibid., no. 22.

[133] Jose R. Carballo, Presentation…, ibid.

[134] Jose R. Carballo, Presentation…, ibid.; Order of Friars Minor, Ratio Formationis Franciscanae…, ibid., nos. 152, 156.

[135] Order of Friars Minor, Ratio Formationis Franciscanae…, ibid.,  no. 92.

[136] William A. Barry and William J. Connolly, The Practice of Spiritual Direction…, ibid., p. 11.

[137] Ibid., p. 8; Thomas H. Green, The Friend of the Bridegroom…, ibid., pp. 33-34.

[138] Francis Kelly Nemeck and Maria Theresa Coombs, The Way of Spiritual …, ibid., p. 85.

[139] Ibid., p. 86.

[140] Ibid.

[141] Ibid.

[142] Ibid., p. 92.

[143] Ibid., p. 94.

[144] Ibid., p. 146; Morton T. Kelsey, Companions on the Inner Way…, ibid., p. 202.

[145] Margaret Guenther, Holy Listening: the Art of Spiritual Direction.., ibid., pp. 92-97.

[146] Kees Waaijman, Spirituality: Forms, Foundations, Methods…, ibid., p. 546.

[147] Ibid., p. 934.

[148] Francis Kelly Nemeck and Maria Theresa Coombs, The Way of Spiritual Direction…, ibid.,  pp. 158, 109.

[149] Kees Waaijman, Spirituality: Forms, Foundations, Methods…, ibid.,  p. 937

[150] Judette A. Gallares, “Towards a Multicultural Approach to Spiritual Direction,” in Susan Rakoczy ed., Common Journey, Different Paths…, ibid., p. 165.

[151] Richard Nelson-Jones, Practical Counseling and Helping Skills (Mumbai: Better Yourself Books, 2000), pp. 18-20.

[152] Francis Kelly Nemeck and Maria Theresa Coombs, The Way of Spiritual Direction…, ibid., p. 119.

[153] Ibid., pp. 124-126.

[154] Ibid., p. 127.

[155] Ibid., p. 128.

[156] Anthony de Mello, Tinh Thuc (Awareness) Trans. Le Cong Duc (Unpublished), p. 21.

[157] William A. Barry and William J. Connolly, The Practice of Spiritual Direction…, ibid., p. 67.

[158] Ibid., p. 65; Margaret Guenther, Holy Listening: The Art of Spiritual Direction…, ibid., p. 65.

[159] Richard Nelson-Jones, Practical Counseling and Helping Skills…, ibid., p. 72-75.

[160] Ibid., p. 74.

[161] F. Antonisamy, An Introduction to Christian Spirituality…, ibid., p. 162.

[162] Ibid., p. 565.

[163] Francis Kelly Nemeck and Maria Theresa Coombs, The Way of Spiritual Direction…, ibid., p. 101.

[164] Conrad C. Hoover, “Going Deep to the Truth: Thomas Merton and Spiritual Direction on a Cross-Cultural Context,” in Susan Rakoczy, ed., Common Journey, Different Paths…, ibid., p. 71.

[165] Paul B. Macke, “Boundaries in Ministerial Relationship,” Human Development 1 (Spring 1993): 23-25, in Cenacle Sisters Team, “Lectures on Perspectives of Spiritual Direction and Discernment” Summer Course2005-2006, ICLA, Quezon City.

[166] Ibid.: 24.

[167] Ibid.: 24-25.

[168] Cenacle Sisters Team, “Lectures on Perspectives of Spiritual Direction…,” ibid.

[169] FABC Office of Education and Student Chaplaincy, “Seminar for Rectors and Spiritual Directors of Asian Seminaries 24-31 October 1999 in Seoul,” in Franz-Josef Eilers, ed., For All the People of Asia Volume 3…, ibid., p. 25; John R. Yungblut, The Gentle Art of Spiritual Guidance (New York: The Continuum  Publishing Company, 1988), p. 56.

[170] Diarmuid O’Murchu, Consecrated Religious Life…, ibid., p. 200.

[171] Philomena Agudo, I Chose You…, ibid., p. 117.

[172] Ibid., p. 116.

[173] Ibid., pp. 122-124.

[174] Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, Directives on Formation in Religious Institutes…, ibid., no. 13.

[175] George Aschenbrenner, “Spiritual Direction: Central in the Process of Religious Formation,” p. 9, in Cenacle Sisters Team, “Lectures on Perspectives of Spiritual Direction…,” ibid.; Morton T. Kelsey, Companions on the Inner Way…, ibid., p. 195.

[176] Sandra Schneiders, “The Contemporary Ministry of Spiritual Direction,” Chicago Study 15 (Spring 1976): 54, in Cenacle Sisters Team, “Lectures on Perspectives of Spiritual Direction…,” ibid.; Richard Rohr and Andreas Ebert, Discovering the Enneagram: An Ancient Tool for a New Spiritual Journey (New York: Crossroad, 1997), p. 9.

[177] Thomas Dubay, Seeking Spiritual Direction: How to Grow the Divine Life Within (Manila: St. Pauls, 1993), p. 104.

[178] Terrence P. Charton, “Forming Spiritual Directors in Ghana,” in Susan Rakoczy, ed., Common Journey, Different Paths…, ibid., p. 51.

[179] Order of Friars Minor, Ratio Formationis Franciscanae…, ibid., no. 210; Ratio Studiorum: Franciscan Plan of Study (2003), nos. 146-147.

[180] FABC Office of Education and Student Chaplaincy, “Seminar for Rectors and Spiritual Directors of Asian Seminaries 24-31 October 1999 in Seoul,” in Franz-Josef Eilers, ed., For All the People of Asia Volume 3…, ibid.,  p. 26.

[181] Ibid.

[182] Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, Directives on Formation in Religious Institutes…, ibid., no. 30.

[183] Thomas H. Green, The Friend of the Bridegroom …, ibid., p. 27.

[184] Morton T. Kelsey, Companions on the Inner Way…, ibid., p. 129.

[185] Morton T. Kelsey, Companions on the Inner Way…, ibid., p. 133.

[186] Kees Waaijman, Spirituality. Forms, Foundations, Methods…, ibid., pp. 923, 932.

[187] Ibid., p. 923.

[188] OFM International Commission, On the Priority of the Spirit of Prayer and Devotion…, ibid.,  Section I, “On the Priority of the Spirit of Prayer and Devotion,” nos. 10 and 13, p. 2.

[189] OFM International Commission, On the Priority of the Spirit of Prayer and Devotion…, ibid.,  Section III, “The Spirit of Prayer and Devotion during the Formative Journey,” p. 8.

[190] Ibid., Section I, “On the Priority of the Spirit of Prayer and Devotion,” p. 2.

[191] Ibid., Section VI, “Unity between Word and Life,” p. 15.

[192] Ibid., Section V, “Some Conditions for a Prayerful Reading of the Word,” p. 12.

[193] Marcello Zago, “Interreligious Dialogue,in S. Karotempel, ed. Following Christ in Mission…, ibid.,  p. 107; OFM International Commission, On the Priority … ibid., Section III, “The Spirit of Prayer and Devotion During the Formative Journey,” p. 9.

[194] Judette  Gallares, “Lectures on Biblical Foundation of Religious Life” 1st Semester 2006-2007, ICLA, Quezon City, p. 20; OFM International Commission,  On the Priority of the Spirit of Prayer and Devotion…, ibid.,  Section I, “On the Priority of the Spirit of Prayer and Devotion,” p. 2.

[195] Order of Friars Minor, Ratio Formationis Franciscanae…, ibid., no. 68; OFM International Commission, On the Priority of the Spirit of Prayer and Devotion…, ibid.,  Section III, “The Spirit of Prayer and Devotion during the Formative Journey,” pp. 8-9.