Đón Xuân

Đón Xuân

Cuộc đời có nhiều mơ ước để chờ đợi. Tuy nhiên, có những thứ chờ mà không thấy, có những điều không đợi mà đến. Một trong những thứ người ta luôn mong đợi và luôn được tiếp đón là Mùa Xuân. Với Mùa Xuân, từ trẻ tới già, cả nam và nữ, kẻ buồn hoặc người vui, ai cũng chộn rộn và háo hức chờ đón Xuân về.

Mỗi người mỗi kiểu, mỗi người mỗi cảm giác riêng biệt. Với NS Phạm Đình Chương (*), ông cũng có cách “Đón Xuân” của riêng ông.

Ca khúc “Đón Xuân” được viết ở âm thể Trưởng, nhịp phách đơn giản nhưng vẫn khả dĩ chuyển tải niềm vui rộn rã và đầy màu sắc Mùa Xuân, ca từ diễn tả sự tích cực của cuộc sống.

Bằng cảm nhận tinh tế của người mang tâm hồn âm nhạc, ông thấy thế này: “Xuân đã đến rồi, gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời”, và ông thấy mọi thứ cũng tươi vui khác thường: “Vui trong bình minh, muôn loài chim hát vang mọi nơi, đẹp trong tiếng cười, cho kiếp người tình thương đắm đuối, ánh Xuân đem vui với đời”.

Mùa Xuân là mùa yêu thương, mùa vui mừng, mùa thảnh thơi, mùa hạnh phúc. Khi Tết đến, Xuân về, người ta cố gắng loại bỏ những điều phiền não để mong được vui trọn vẹn.

Tầm nhìn của ông khác người lắm, ông thấy mọi vật cũng đầy cảm xúc như con người vậy: “Kìa trong vạt nắng, mạch Xuân tràn dâng;, khóm hoa nhẹ rung, môi cười thẹn thùng cùng bao nguồn sống; bướm say duyên lành, thắm tô trời Xuân; bầy chim tung cánh, hót vui đón mừng mùa nắng tươi lan”.

Thực vật và động vật còn vui như vậy thì con người sao lại không vui cho được? Mọi vật biết vui hay do con người tưởng tượng và nhân cách hóa chúng? Có thể chúng cũng biết vui, và cũng có thể do con người nhân cách hóa chúng. Sao cũng được, không thành vấn đề, chỉ cần biết cả vật và người đều tưng bừng khi Xuân về. Thế thôi!

Chưa hết. Ông còn có thính giác cũng đặc biệt: “Ta nghe gió về, lòng thiết tha như muôn tiếng đàn”. Lạ thật! Tiếng gió mà như tiếng đàn. Tại sao? Vì “lỗ tai âm nhạc” vậy đó, và vì “Xuân dâng niềm vui, cho ngày xanh không hoen lời than”, vì Xuân đến để cho “sầu thương xóa mờ”, đồng thời để cho “tình yêu đời càng thêm chan chứa”, và ai cũng luôn “khát khao Xuân tươi thái hòa”.

Thái hòa là thái bình, là hòa bình. Không ai lại không khao khát nền hòa bình đích thực, đó là hòa bình từ trong tâm hồn, hòa bình trong xã hội, hòa bình khắp đất nước, hòa bình toàn thế giới.

Không dễ để có một thế giới đại đồng, nhưng ít ra cũng có những ngày Tết là những ngày hòa bình, ai cũng chung nhịp Xuân kỳ diệu: “Cùng đón chúa Xuân đang giáng xuống trần, thế gian lắng nghe tình Xuân nồng, kiếp hoa hết phai đời hương phấn”. NS Phạm Đình Chương kêu gọi mọi người: “Nào ai hững hờ, Xuân vẫn ngóng chờ, tới đây nắm tay cùng ca múa, hát lên đón Xuân của tuổi thơ”. Vui như Tết, mừng như Xuân, mọi người bỗng như hóa trẻ thơ hết: Cười xả láng.

Xuân tuyệt vời biết bao! Hãy cứ vui cho trọn Mùa Xuân, chuyện gì đến sẽ đến. Đừng lãng phí Mùa Xuân, đừng bỏ phí Tình Xuân, đừng đóng cửa lòng khi Tết đến, bạn nhé!

Mùa Xuân trần gian mà còn háo hức và hân hoan chào đón như vậy, huống chi là Mùa Xuân Vĩnh Hằng, đó là Xuân Thiên Quốc, là Tết Nước Trời.

Nhưng cách chào đón có khác nhau. Khi chờ đón Mùa Xuân trần gian, người ta lo sắm sửa và đổi mới đủ thứ; còn khi chờ đón Mùa Xuân Vĩnh Hằng, người ta phải từ bỏ nhiều thứ. Nhưng trước tiên phải là sám hối, vì Đức Kitô đã khuyến cáo: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3:2; 4:17).

Tiếp theo là bỏ nhiều thứ, kể cả những thứ thân thiết nhất, thậm chí là chính mình: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10:38-39). Căng thật! Nhưng không thế không được.

Bỏ mọi sự rồi cũng chưa xong, còn phải tích cực làm điều tốt: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10:42). Khó lắm đấy, nhưng Chúa hứa “chắc cú” là sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.

Chắc chắn như vậy. Thế thì sướng rơn, nếu thực hành theo đúng Ý Chúa! Ngài vậy đó, nói thật và làm thật, chứ không đùa đâu!

Cung Chúc Tân Xuân, Happy New Year (Anh), Feliz Año Nuevo (Tây Ban Nha), Feliz Ano Novo (Bồ Đào Nha), Heureuse Nouvelle Année (Pháp), Felix Novus Annus (Latin), 明けましておめでとうございます (Nhật), Bonan Novjaron (Esperanto).

TRẦM THIÊN THU

Xuân Quý Tỵ – 2013

__________________________________

(*) NS Phạm Đình Chương sinh ngày 14-11-1929 tại Bạch Mai (Hà Nội). Quê nội ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Ông xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, thân phụ là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ kết hôn với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh, và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.

Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: Trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng, vợ NS Phạm Duy), con trai thứ là NS Phạm Đình Chương, và cô con gái út là Phạm Thị Băng Thanh (ca sĩ Thái Thanh).

Ông được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý, nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm đầu kháng chiến, Phạm Đình Chương cùng các anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập Ban Văn nghệ Quân đội ở Liên khu IV.

Phạm Đình Chương bắt đầu sáng tác lúc 18 tuổi (1947), nhưng phần nhiều những nhạc phẩm của ông thường được xếp vào dòng tiền chiến bởi mang phong cách trữ tình lãng mạn. Các nhạc phẩm đầu tiên như Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng (viết chung với Phạm Duy), Hò Leo Núi,… đều có nét hùng kháng, tươi trẻ.

Năm 1951, ông và gia đình chuyển vào miền Nam. Với nghệ danh ca sĩ Hoài Bắc, ông cùng các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng. Thời kỳ này các sáng tác của ông thường mang âm hưởng của miền Bắc như nói lên tâm trạng hoài hương của mình: Khúc Giao Duyên, Kiếp Cuội Già, Được Mùa, Tiếng Dân Chài,… Thời gian sau đó, ông viết nhiều bản nhạc nổi tiếng và vui tươi hơn: Xóm Đêm, Đợi Chờ, Ly Rượu Mừng, Đón Xuân, Xuân Tha Hương,…

Sau khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt đầu sáng tác tình ca. Ông đem tâm trạng đau thương vào những bài nhạc tình da diết, đau nhức, buốt giá tâm can: Đêm Cuối Cùng, Thuở Ban Đầu, Người Đi Qua Đời Tôi, Nửa Hồn Thương Đau, Khi Cuộc Tình Đã Chết,…

Ông được coi là nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc tiền chiến và là một tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Có thể nói rằng Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ phổ thơ hay nhất. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài hát bất hủ, có một sức sống riêng như: Đôi Mắt Người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Nửa Hồn Thương Đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm Nhớ Trăng Saigon (thơ Du Tử Lê), Người Đi Qua Đời Tôi (thơ Trần Dạ Từ), Màu Kỷ Niệm (thơ Nguyên Sa), Buồn Đêm Mưa (thơ Huy Cận),… Ông cũng đóng góp cho tân nhạc một bản trường ca bất hủ “Hội Trùng Dương”, viết về ba con sông Việt Nam: Sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long.

Sau 1975, ông định cư tại California (Hoa Kỳ), và qua đời ngày 22-8-1991.

Exit mobile version