Lời Chúa Năm B Dọn đường cho Chúa đến – Chúa nhật II mùa vọng

Dọn đường cho Chúa đến – Chúa nhật II mùa vọng

66

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA ĐẾN

Is 40,1-5.9-11; 2 Pr 3,8-14; Mc 1,1-8

Anh chị em thân mến

Chúa nhật thứ hai mùa vọng hôm nay, đòi hỏi nơi mỗi người một tinh thần sẵn sàng, chuẩn bị dọn đường cho Thiên Chúa đến. Tiên tri Isaia đã nói: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho ĐỨC CHÚA, giữa đồng hoang,  hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta” (Is 40, 3-4). Vị ngôn sứ dùng những lời này để nói trực tiếp với dân tộc Isrrael, tiên báo họ sẽ được trở về quê cha đất tổ sau cảnh lưu đày. Mặt khác, những lời này cũng gửi đến cho thời đại chúng ta và nó được gán cho sự giải phóng chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi. Và Đấng Cứu Độ chúng ta, “Như mục tử, Chúa chăn giữ đoàn chiên của Chúa, tập trung cả đoàn dưới cánh tay. Lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt” (Is 40,11). Chúa Giêsu là người mục tử nhân lành, yêu thương đoàn chiên của Người đến nỗi đã hiến trao mạng sống mình vì đoàn chiên.

Tiên tri Isaia mời gọi loan báo niềm vui ơn cứu độ bằng những lời thật gần gũi : “Hãy an ủi, an ủi dân Ta: Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành: thời phục dịch của Thành đã mãn” (Is 40, 1). Với việc giáng lâm của Đấng Cứu Thế trên thế gian kết thúc thời kỳ nô lệ cho tội lỗi và cuối cùng chúng ta được tự do. Thực tại này là hành động lớn lao của niềm an ủi. Bởi vậy, về phần mỗi người chúng ta, cần phải đón nhận ơn cứu độ này, bằng cách dọn đường cho Thiên Chúa. Tình yêu phải được thúc đẩy để cải thiện cuộc sống chúng ta, để trở nên tốt hơn. Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa thực sự, chúng ta sẽ cảm nhận được khát vọng sống theo các giáo huấn của Chúa, bỏ đàng tội lỗi và kiện toàn sự thiện.

Chắc chắn sẽ không bao giờ chúng ta có thể chiến thắng sự dữ và tội lỗi bằng sức mạnh của riêng mình. Một đàng, chúng ta thấy cần thiết phải từ bỏ tội lỗi, nhưng đàng khác chúng ta cũng sẽ cảm thấy toàn thể con người mỏng dòn và yếu đuối của mình. Vì vậy, chúng ta phải cầu xin sự nâng đỡ của Thiên Chúa, và chúng ta sẽ không bao giờ thành công nếu không biết sắp xếp lại cuộc sống của mình. Như lời tiên tri Isaia nói: nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (Is 40,4). Chúng ta đang sống trong thế giới đầy những bất trắc, gập ghềnh, cho nên như vị ngôn sứ đã nói : chỗ gồ ghề sẽ nên vùng đất phẳng phiu.

Trong Tin mừng hôm nay, lần nữa chúng ta được nghe Gioan tẩy giả nhắc lại lời của vị ngôn sứ năm xưa. Với những người đương thời, vị tiền hô đã nói : “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” … và “Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan” (Mc 1, 3-4).

Phép rửa được Gioan tẩy giả thực hiện không phải như phép rửa được Chúa Giêsu thiết lập, phép rửa ấy chỉ là một lời mời gọi hoán cải, lời khích lệ để nhận ra tội lỗi của mình, để biến đổi con người và cuộc sống tận gốc rễ. Lời mời gọi hoán cải ấy cũng dành cho cả chúng ta. Trong mùa vọng này, mỗi một người cần phải ra sức nổ lực để nhìn lại cuộc đời mình ngõ hầu được biến đổi vì Tin mừng. Nền tảng của sự biến đổi này là hành động khiêm nhường: nhận ra những khuyết điểm và tội của mình.

Thánh Gioan tẩy giả như người đầu tiên sống điều mình đã rao giảng. Vào trong hoang địa Gioan đã có một cuộc sống hoàn toàn nhiệm nhặt, và sám hối; ông “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng”. Thái độ sống của ông đã xác định rất rõ ràng cho những lời nóng bỏng mà ông nói với đám đông. Gioan tẩy giả đã để lại cho chúng ta mẫu gương của sự khiêm nhường. Gioan đã không lợi dụng danh tiếng của mình để làm cho mọi người hiểu lầm rằng ông chính là Đấng Cứu Thế muôn dân hằng mong đợi; nhưng trái lại, ông đã nói: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người” (Mc 1,7).

Nếu muốn đến gần bên Chúa, chúng ta cần phải hạ mình trong sự khiêm tốn. Thánh Bonaventura dạy rằng, như mạch nước ngầm âm thầm đổ vào các thung lũng, cũng vậy, ơn thánh Chúa cũng đổ trào trên các linh hồn khiêm nhường, tự làm cho mình nên nhỏ bé. Như Gioan tẩy giả, chúng ta cũng cần phải “nhỏ lại”, để Chúa Giêsu “lớn mãi” trong tâm hồn chúng ta.

Mùa vọng là mùa để chuẩn bị và đợi chờ. Trong việc đợi chờ này, chúng ta phải tỉnh thức, vì như thánh Phêrô đã nói trong bài đọc II “Ngày Thiên Chúa đến sẽ như kẻ trộm” (2Pt 3,10). Vị thủ lãnh các tông đồ mời gọi chúng ta sống thánh thiện, kiên trì trong cầu nguyện, và như thế từ nay chúng ta sẽ có được sự chuẩn bị đích thực.

Mùa vọng cũng là mùa để sám hối. Sám hối để nhận ra con người hoàn toàn mỏng dòn và yếu đuối của mình.  Sám hối để chúng ta thấy mình cần Chúa nhiều hơn.

Hoán cải là liều thuốc đặc trị cho tâm hồn. Chúng ta cũng cần phải dấn thân, cố gắng sống quảng đại, bằng cách trao hiến, nhất là luôn làm việc bác ái ngõ hầu có được sự chuẩn bị tốt cho việc đón mừng đại lễ Giáng sinh.

Giuse Võ Tá Hoàng