GÓC SUY TƯ ĐỜI TU Đời tu và chữ “tình”

Đời tu và chữ “tình”

Ai trong chúng ta nếu đã có lần đọc qua truyện Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh của thi hào Nguyễn Du, thì chắc hẳn còn nhớ: Kiều là một cô gái tài sắc vẹn toàn nhưng phải nói là “hồng nhan bạc phận”. Kiều chấp nhận một cuộc đời phiêu bạt, mười lăm năm trôi dạt dòng đời, trở thành một món hàng chuyển từ tay người này sang người khác, cuộc đời rách nát thảm thương tất cả vì chữ hiếu. Cái khắc nghiệt của định chế xã hội đã không cho Kiều một con đường sống. Trong cơn tuyệt vọng, Kiều đã tìm đến con đường chết. Kiều tự tử nhưng không thành vì được nhà sư Giác Duyên đã cứu vớt. Khi tỉnh giấc sau cái chết hụt, Kiều nhìn thấy gương mặt hiền lành, khả ái, đầy phúc hậu của nhà sư, khiến cho Kiều phải thốt lên rằng: “tu là cõi phúc, tình là dây oan”.

Xin mượn chút ý tưởng của câu chuyện trên để nói đến chữ “phúc” và chữ “oan” trong ơn gọi đời tu. Thiết nghĩ dù là “phúc” hay là “oan” đều làm nên bởi một chữ “tình”.

Chữ “tình” làm nên chữ “phúc”

Ai đó bảo “đi tu là khổ”, ai đó đồn thổi rằng người đi tu không được phép có tình yêu?

Thật thế, người sống đời tu cũng mang khối óc con tim đa chiều, mang hình hài yếu hèn của thân phận người đầy những yếu đuối mỏng manh. Con người sinh ra tự khắc hướng về điều lành, điều tốt khi học biết chữ yêu. Chữ yêu ấy nó được huấn luyện, được hun đúc và được triển nở trong những môi trường gia đình khác nhau và nó sẽ có những sắc thái khác nhau. Có người cảm nhận được đời mình là những chuỗi ngày hạnh phúc nhất và đẹp nhất khi chọn cho mình hướng đi độc thân, một hướng đi tự hủy vì Nước Trời (Mt 19,11). Ta hiểu rằng, đời tu là độc thân nhưng không phải là đơn độc, là sống một mình, là một hòn đảo xa cách. Người sống đời tu độc thân để yêu và được yêu nhiều hơn bất cứ ai trong lựa chọn dứt khoát của mình. Cái “biên độ tình yêu” của người sống đời tu sẽ không có điểm đầu và điểm cuối nhưng nó có điểm cao cả và điểm tận cùng.

Cao điểm của chữ “tình” dành cho Đức Kitô

Người Linh mục, Tu sĩ yêu say đắm và sống trọn vẹn mối tình Giêsu. Khi giữ mối tình đậm đà và thủy chung với mối tình Giêsu, họ sẽ loại trừ tất cả những thứ tình “gây nhiễu” tình yêu Thập giá, nghĩa là những thứ tình khác ngoài tình yêu Giêsu sẽ trở nên nhạt nhòa và nguội lạnh. Điều ấy nói lên rằng “đi tu là khổ”. Cái khổ của người sống đời tu là khước từ trước lời mời gọi đầy tự do của hấp lực tình yêu nam nữ, của tiền tài, của quyền lực và của vật chất, để xác tín vào chọn lựa một Đức Giêsu làm gia nghiệp, để được yêu và được ở lại trong mối tình này. “Đi tu là khổ”, đó là cái khổ của sự từ bỏ tận cùng bản thân mình, từ bỏ bản tính riêng, từ bỏ cái tôi, cái trổi vượt và cái thể hiện. Những thứ hành trang cồng kềnh và cản trở cần cắt bỏ để loại trừ, tựa cắt bỏ khối ung nhọt đang gây đau đớn cho toàn thân. Một khi chiến thắng chính mình thì cái khổ ấy chính là cái bình an, hạnh phúc tròn đầy viên mãn nơi Người.

Điểm tận cùng chữ “tình” đối với tha nhân

Chữ “tình” làm nên bản chất của người sống đời tu. Người sống đời tu luôn mang nặng chữ “tình” trong thân mình. Đó là tình bạn, tình thương, lòng thương xót và sự trắc ẩn của một trái tim rập khuôn mẫu tình yêu của Chúa Kitô.

Người Linh mục hay Tu sĩ luôn mang trong thân mình quả tim bằng thịt, một trái tim biết yêu. Bởi vì lẽ đó, thật khó tránh khỏi cảm xúc trước một lời tỏ tình thật dễ thương, kể cả những lời ngon tiếng ngọt buông ra tự đáy lòng của một ai đó, hoặc chính bản thân mình cũng có lúc tự rung động trước vẻ đẹp hấp dẫn của một người con gái xuất hiện tình cờ trước mặt. Đứng trước ngã ba của dòng cảm xúc, có người thoát cảm xúc ấy bằng cách thánh hóa bản năng thành tình mến trong sáng của Chúa dành cho con người, cũng có người không thể thoát ly nỗi ám ảnh của cảm xúc trào dâng và chuyển hướng cuộc gặp gỡ ấy đến việc xây dựng tổ ấm uyên ương.

Đời tu trong đời thường luôn có điểm gặp gỡ và giao thoa: người sống đời tu cũng nên gìn giữ chữ “tình ” và làm cho nó trở nên trong sáng ngay trong đời sống thánh hiến của mình. Người sống ơn gọi hôn nhân gia đình, nhất là các nam thanh nữ tú cũng nên sống chữ “tu” ngay trong đường tình của mình. Điều đó nghĩa là dù là đời sống tu hay kẻ sống đời thường “nước sông không xâm phạm nước giếng” phải tôn trọng đời sống tình cảm riêng của nhau, cùng giúp nhau thăng tiến ơn gọi riêng của mình. Có như thế, người ta sẽ không thể gọi “tu là cõi phúc, tình là dây oan”. “Phúc” hay “oan” là do chính suy nghĩ, lựa chọn và hành động của mình.

Chữ “tình” dẫn đến chữ “oan”
Đời sống thiêng liêng chính là linh hồn của người sống đời tu. Vì thế đời tu sẽ vô nghĩa khi thiếu vắng các giờ kinh, thánh lễ, cầu nguyện và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày. Thực tế xảy ra ở các cộng đoàn dòng tu chung quanh chúng ta, các anh chị em sống đời thánh hiến có dấu hiệu đổ vỡ, thất vọng, buông xuôi là vì đời sống đạo đức đang xuống cấp như đang lao xuống vực thẳm. Những ngày tháng sống đời tu của họ trở nên khô khan, nguội lạnh, sống cho qua ngày qua tháng, nếu không nói rõ ràng là “nín thở qua sông”.

Ngay lúc đó, rất cần đến một Vị Linh Hướng khôn ngoan và thánh thiện ngay trong đời tu lẫn đời thường để chữa trị vết thương đang dần phá nát tâm hồn và thân xác họ.

Qua đó, chúng ta nhận thấy “tu sẽ là cõi phúc” nếu đời chúng ta sẵn sàng đáp trả lời mời gọi yêu thương “Hãy theo Thầy”(Mc 1,17), một sự hiến thân trọn vẹn cho thánh ý Chúa. Nhưng tu lắm lúc cũng trở thành dây oan với những lý do:

  • Đời sống thiêng liêng của tôi đang dần nhường chỗ cho các hoạt động tông đồ. Đi tu là chọn Chúa làm gia nghiệp, nhưng thay vì chọn Chúa, tôi lại chọn công việc của Chúa. Vì chọn sai mục tiêu nên dẫn đến khủng hoảng ơn gọi, đặc biệt trong thời gian thi hành sứ mạng tông đồ.
  • Quyến luyến của cải vật chất và đam mê hưởng thụ. Tiền bạc nếu dùng sai mục đích thì nó là kẻ thù đánh mất chính mình trong mối tương quan với Chúa và với tha nhân. Đời tu cũng cần tiền để nuôi sống bản thân, để làm bác ái, để làm công việc truyền giáo… Một khi tôi xem tiền bạc là mục đích tối hậu thì tôi sẽ làm đủ mọi cách để đạt được nó, và dần dần nó trở thành ông chủ đời tu của tôi, chứ không phải là Chúa nữa.
  • Chán nản, mất kiên nhẫn chính là sát thủ “bóng đêm” dẫn đến sa ngã trong đời tu. Sống trong cộng đoàn không thể cảm nhận được đó là thời gian hạnh phúc và bình an, thay vào đó chỉ thấy “cuộc đời chỉ là một vở kịch diễn đi diễn lại một cảnh”. Nghĩa là đời sống của tôi trải qua ngày tháng không có gì mới mẻ, chỉ lập đi lập lại các công việc : thức dậy, đọc kinh, nguyện gẫm, thánh lễ, ăn uống, công việc, ngủ nghỉ… nhàm chán đến đáng ghét.
Tất cả những điều trên cho thấy, một người sống đời tu như thế quả là bất hạnh, đau khổ, một cuộc sống vong thân, vô nghĩa.

Một vài suy tư và một chút chia sẻ cho tất cả những ai đang sống trong đời tu. Thiết nghĩ, bất cứ là ai một khi đã chọn cho mình đời sống thánh hiến thì hãy chọn lấy cho mình một chữ “tình”. Giữa cuộc sống muôn vạn nẻo đường phải đối diện, người sống đời tu phải chọn cho mình một tình yêu đúng hướng. Chữ “tình” nếu chọn đúng sẽ dẫn chúng ta đến một đời sống bình an, hạnh phúc. Chữ “tình” nếu lập lờ ở ngã ba đường sẽ khiến đời tu trôi nổi, bất an, dẫn đến đời sống thiếu dứt khoát và quyết tâm trong chọn lựa cùng đích đời mình.

 Fx. Nguyễn Toàn

Exit mobile version