Đời tu và ba lời khấn

126

 

Những đặc sủng mà Thánh Thần thổi vào Giáo Hội rất phong phú. Có những người được mời gọi lập gia đình. Có những người cảm thấy mình hợp với sự độc thân; họ sống giữa đời nhưng không lập gia đình. Cũng có những người khác dành trọn cuộc đời mình cho Chúa. Người Việt Nam gọi chung tất cả những ai thuộc nhóm này là “người đi tu”, mà ít khi biết rằng trong số những người “độc thân vì Nước Trời” này, có một sự phân chia nữa: những người sống đời tu trong phạm vi giáo phận, dưới quyền Đức Giám Mục và những người sống đời tu trong phạm vi một dòng tu, dưới quyền Bề Trên. Những người đi tu mà tuyên khấn công khai các lời khấn được Giáo Hội chuẩn nhận, dù là nam hay nữ, thì được gọi là tu sĩ (từ chuyên môn gọi là người sống đời thánh hiến). Những người tu đi mà không khấn, dù có là phó tế, linh mục hay giám mục, thì không mang danh xưng này (dù họ đã được thánh hiến).

Bởi thế, các chủng sinh tại các chủng viện chỉ là các sinh viên thần học. Họ được gọi là “thầy”, chính vì được mọi người yêu mến, nể trọng vì ước nguyện cao đẹp muốn hiến dâng cuộc đời để phụng sự Chúa của mình, chứ không phải vì họ có gì khác biệt về mặt bí tích so với những người khác. Xét cho cùng, họ chỉ là giáo dân. Nhưng vì đang được đào tạo để hướng đến chức linh mục, phục vụ giáo phận trong tương lai, nên họ phải tập sống trong khuôn khổ: trong cách ăn mặc (mặc áo sutan), cách đi đứng, nói năng sao cho chững chạc, chỉnh chu… Chỉ khi nào chịu chức phó tế, họ mới được tháp nhập vào trong hàng “có chức thánh”. Các nữ tu thì không lãnh nhận chức thánh, nhưng từ khi tuyên khấn, ngay cả khi chưa học triết hay thần học gì cả, họ đã trở thành tu sĩ. Các dòng nam cũng vậy. Khi các tu sĩ dòng nam được phong chức thánh, họ trở thành phó tế-tu sĩ hoặc linh mục-tu sĩ.

Sự phân biệt này không nhằm so sánh ai hơn ai, nhưng chỉ để nói đến những đặc nét khác nhau trong cùng một lối sống độc thân vì Nước Trời. Hy sinh cả một đời chỉ lo chuyện nhà Chúa đã là điều quý hoá vô cùng rồi. Nhưng hy sinh ra sao, trong môi trường nào, lo chuyện nhà Chúa thế nào lại là điều khác. Trên bình diện bí tích, cả linh mục triều và linh mục dòng (linh mục-tu sĩ) đều là linh mục, đều được thánh hiến. Nhưng trên bình diện hoạt động, mỗi bên có đặc nét riêng của mình. Trong khi linh mục triều được mời gọi để sống khó nghèo theo gương Đức Giêsu, phải giữ luật độc thân theo quy định của Toà Thánh và hứa vâng phục Giám Mục trong sứ mạng được trao, thì các linh mục dòng không chỉ là được mời gọi nhưng còn cụ thể hoá lời mời gọi ấy qua việc tuyên những lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, và ràng buộc mình với những điều này. Các chủng sinh và linh mục triều chỉ giữ kỷ luật giáo sĩ chứ không hề bị ràng buộc bởi các lời khấn, nên giả như một ngày nào đó, Giáo Hội Công Giáo cho phép linh mục của mình được lập gia đình thì các linh mục triều được phép cưới vợ, trong khi các linh mục dòng thì không thể, vì họ đã khấn với Chúa lời khấn khiết tịnh. Ở Giáo Hội Đông Phương, các chủng sinh có thể cưới vợ trước khi chịu chức linh mục; còn khi đã chịu chức linh mục rồi thì không được cưới vợ nữa. Nhưng nếu một tín hữu thuộc Giáo Hội Đông Phương có ý hướng dâng mình trong một dòng tu thì trong ý hướng sẽ khấn lời khấn khiết tịnh, người đó không được có giao kết hôn phối với người khác.

Có rất nhiều định nghĩa về đời tu. Chẳng hạn, đi tu là hiến thân phụng sự Chúa và phục vụ Giáo hội và con người (như ta vẫn hay nói); đời tu là một cuộc sống hoàn toàn hướng về thánh ý Thiên Chúa trong niềm tin và tình yêu, nỗ lực không ngừng trong cầu nguyện, giữ các mối phúc; hay đi tu là trở thành môn đệ Chúa, ở với Chúa, được Chúa dạy dỗ và sai đi với quyền trừ quỷ (dựa trên Mc 3,13-15). Nhưng những định nghĩa này không giúp ta thấy được đâu là khác biệt giữa tu dòng với tu triều. Ta có thể tự đặt câu hỏi: ngoài chuyện khác nhau trong hoạt động mục vụ và vấn đề thuộc quyền, đâu là sự khác biệt giữa hai lối sống này? Tại sao lại phải tuyên khấn? Không cần khấn các lời khấn, các linh mục triều vẫn có thể sống tốt, phục vụ tốt và trở thành các vị thánh được mà? Vậy đâu là bản chất của lời khấn? Lời khấn trói buộc hay làm người ta tự do hơn?

Khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục được gọi là ba lời khuyên Phúc Âm. Thực ra, trong Phúc Âm còn có rất nhiều lời khuyên khác, chứ không chỉ ba điều này. Nhưng đây được xem là ba điều căn cốt, trọng yếu nhất giúp người đi tu noi gương Thầy Chí Thánh của mình, là người đã sống trọn vẹn nó trong hành trình sứ mạng nhận lãnh từ Cha. Vào thời độc tu, người ta chẳng cần khấn hứa gì, chỉ cần rút vào sa mạc sống một mình với Chúa là đủ. Dĩ nhiên, người ta đã sống sự khó nghèo qua việc từ bỏ mọi sự, dù không thực hiện nghi thức chính thức nào. Khi lối sống cộng tu ra đời, điều làm cho một người trở thành tu sĩ là việc mặc tu phục, chứ không phải tuyên khấn. Một thời gian sau, người ta cảm thấy cần phải có lời cam kết rằng mình sẽ cố gắng phục vụ Chúa và sống tốt trong cộng đoàn. Rồi khi cộng đoàn lớn mạnh, lời khấn vâng phục ra đời như một đòi buộc tất yếu để quản trị Đan viện. Tiếp theo đó, thánh Biển Đức đòi các tu sĩ của mình phải khấn vĩnh cư và không ngừng hoán cải. Thánh Âu-tinh thì nói đến độc thân, khó nghèo và chay tịnh. Vào thế kỷ thứ 7, John Climacus nói về độc thân, khó nghèo và vâng phục. Bộ ba lời khấn khó nghèo-khiết tịnh-vâng phục ra đời lần đầu tiên vào năm 1148 trong công thức khấn của các kinh sĩ dòng Geneviene tại Paris. Thánh Phanxicô Assisi sử dụng bộ ba này trong bản sửa luật dòng đầu tiên của Ngài. Giữa thế kỷ 13, các nữ tu Clara cũng khấn ba lời khấn này. Thánh Tôma Aquinô đã gọi ba điều này là ba yếu tố căn bản của đời tu.

Người Kitô hữu nào cũng được mời gọi để sống đức ái và hoàn thiện bản thân mà không cần xin phép ai. Nhưng để sống trong một dòng tu và trở thành một tu sĩ thì phải được Giáo Hội chuẩn nhận. Ta có thể nói nôm na thế này: sống đời dâng hiến [ở đây muốn nói đến những người sống trong dòng tu và tuyên các lời khấn] là một cách [trong nhiều cách] bước theo Đức Kitô vác thập giá trong linh đạo của vị sáng lập để phục vụ Giáo Hội và xã hội cách hiệu quả nhất. Thật khó để diễn tả cho rõ việc tại sao một số người không hài lòng khi chỉ đơn thuần là sống đức ái và phục vụ Đức Kitô. Họ muốn “tự trói buộc” mình với Đức Kitô qua các lời khấn để thấy mình gần gũi hơn, thiết thân hơn với Ngài. Sự ràng buộc này không chỉ nằm trên bình diện lề luật, nhưng trên hết và trước hết là do sự thúc đẩy của tình yêu. Các lời khấn là gợi ý của Thánh Thần, giúp những ai có con tim bừng cháy lửa yêu dành cho Giêsu đáp lại lời mời của Ngài trong cõi lòng sâu thẳm.

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ