Đổi trắng thay đen
Gr 17, 5-10; Lc 16, 19-31.
Tình đời thay trắng đổi đen, tình đời còn lắm bon chen, tình đời gian dối trao nhau, nên tình còn lắm u sầu. Tình mình có nghĩa gì đâu, tình mình đã lắm thương đau, tình mình gian dối trao nhau, thôi đành hẹn lại kiếp sau. Đó là tâm sự của nhạc sĩ Nguyễn Ánh Chín, trong nhạc phẩm “Không”. Đúng, tình đời hay tình mình có vui hay buồn, còn tùy thuộc ta có sống thật như thế nào.
Đành rằng cuộc đời đầy những “sợ hãi”, sợ không đủ khôn ngoan để phân biệt trái phải; sợ thiếu điều kiện để sống tốt một kiếp người ! Qua đó cũng không ít những “hy vọng”, hy vọng vì mỗi khi té ngã lại có những người thân giúp đứng dậy, hy vọng nếu có 60 năm cuộc đời cũng đủ để ta “tu tỉnh” nên một con người mới. Bức tranh cuộc đời xinh đẹp hay khó coi, thực tế vẫn góp phần làm nên sự phong phú cuộc sống; và tất nhiên, bức tranh ý nghĩa giá trị đến đâu, mỗi người phải tự trả lời sau khi hoàn tất tác phẩm đời mình.
Tục ngữ có câu : “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, và chúng ta hiểu : “tính” đâu phải là tội, “tính” là quà tặng, là “nguồn vốn” mà Thiên Chúa ban để con người tự do sử dụng, đầu tư cho cuộc sống mai sau của mình. “Nguồn vốn” có khi là giầu vật chất, sức khỏe, trí thông minh…., dù nhiều hay ít, mỗi người đều cần nghiêm túc sử dụng số vốn trời cho, nhằm trả lời với Thiên Chúa về sự cộng tác của mình.
Tiên tri Giêrêmia hôm nay đưa ra hai mẫu người với hai niềm tin khác nhau. Loại thứ nhất : phúc thay cho những ai biết cậy dựa vào Thiên Chúa, họ như cây trồng bên suối nước, sẽ luôn sinh hoa kết quả và không bao giờ bị khô héo. Loại thứ hai : khốn thay cho kẻ tin vào sức phàm nhân, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, và lúc nào cũng như đang sống trong đồng khô cỏ cháy. Và Giêrêmia còn quả quyết : “Thiên Chúa thấu suốt tâm hồn, và dò xét tâm can, trả công cho mỗi người tùy theo cách sống và hậu quả hành vi của họ.
Câu chuyện dụ ngôn mà Luca kể, rất quen thuộc đối với truyền thống Do Thái, và với người tín hữu chúng ta. Nếu nói bản chất dơ bẩn, tội lỗi thì tự con người không làm mới rửa sạch được, do đó mà cần đến sự khiêm tốn, biết cậy nhờ Đức Kitô “đổi trắng thay đen”, tẩy rửa tội lỗi, lau sạch, làm mới tâm hồn mình, thì hoàn toàn đúng. Còn nói “tiếu táo” như câu ca dao : cô kia đen thủi đen thui, phấn đánh vô hồi, má vẫn đen thui. Hiểu theo nghĩa đen phải nhờ sự can thiệp của “thẩm mỹ viện”; hiểu theo nghĩa thiêng liêng phải cậy nhờ Chúa mới làm trắng sạch tâm hồn được.
Để cho thấy sự đổi thay rất công minh nhưng đầy thú vị, Chúa Giêsu cũng đưa ra hai mẫu gương để dạy cho chúng ta một bài học: người phú hộ giàu có và Lazarus nghèo khổ. Người phú hộ đã sử dụng số “vốn giầu có” của mình không đúng mục đích của Chúa. Còn Lazarô dùng số vốn “khiêm tốn” của mình không hề sai lệch ý Chúa. Dụ ngôn cho thấy “người giầu hay người nghèo thì cũng phải chết”, phải có hồi kết. Khi chết đi, cuộc sống hai người có sự đổi thay, đảo ngược: Lazarô được ở trong lòng tổ-phụ Abraham trên trời; trong khi người giàu có phải chịu cực hình trong lửa đời đời, và khi ấy không ai có thể giúp người phú hộ được nữa.
Quả thật, sống ở đời ai mà chẳng muốn có được một kết quả tốt đẹp như ý, ai cũng sợ nghèo khổ bất hạnh ! Dụ ngôn như muốn gợi lên cho chúng ta nhiều suy nghĩ, nhưng ít nhất là ai cũng phải sử dụng “số vốn” mà Chúa ban cách hợp lý nhất. Bạn có trí thông minh, hãy phát huy để giúp đời; bạn có chức vị hãy phục vụ anh chị em bằng khả năng của mình cách tốt nhất. Bạn giầu có, hãy chia sẻ, giúp đỡ người túng thiếu; bạn nghèo khó hãy sống như câu tục ngữ : đói cho sạch, rách cho thơm. Hơn nữa, kinh nghiệm cha ông chúng ta chỉ dạy không bao giờ thừa cả : nghèo tình nghèo nghĩa thì lo, nghèo tiền nghèo của chẳng lo làm gì. Giầu nghèo tài giỏi…..tất cả đều phải sử dụng tốt những “nén bạc” mà chúng ta đang có. Và muốn đổi thay tội lỗi nên thánh thiện, tâm hồn dơ bẩn nên trắng sạch thơm tho, hãy khiêm tốn đến gặp Đức Kitô nơi các Bí tích để Ngài cứu giúp.
Lm. Jos DĐH, GP. Xuân Lộc