BÀI SUY NIỆM
Tháng 8/2011
***
ĐỜI THÁNH HIẾN
LÀM CHỨNG CHO TIN MỪNG VỀ CÁC MỐI PHÚC
Thế nào gọi là cái nhìn khách quan về đời sống thánh hiến? Đương nhiên không có ý nói đến sự cao sang hơn các bậc sống khác, cũng không có ý nói đến một cấp cao được mọi người trọng vọng trong xã hội : Đời sống thánh hiến không bao giờ có thể là một nguyên cớ gây kỳ thị trên dưới. Sự cao trọng của đời thánh hiến nhắc cho ta về chính lời mời gọi sống phận làm con Thiên Chúa trong lịch sử. Sự cao sang không hệ ở con người được thánh hiến đối với giáo dân, nhưng hệ ở Đức Kitô, vì khi làm chứng về Ngài thì đã tiên hưởng Vương Quốc trời cao rồi.
Sự thánh thiện của đời thánh hiến được biểu lộ cách riêng trong tác động làm chứng cho Tin Mừng về các mối phúc :
Chức năng đặc biệt của đời sống thánh hiến là duy trì sống động nơi những người đã được rửa tội, ý thức về các giá trị cơ bản của Tin Mừng, nêu lên “lời chứng rạng rỡ và cao vời, rằng thế giới không thể được biến hình đổi dạng và dâng hiến cho Thiên Chúa, nếu không có tinh thần của các mối phúc”. Như ta cần nói thêm, đời thánh hiến làm cho dân Thiên Chúa luôn ý thức rằng họ phải sống thánh thiện để đáp trả tình yêu Thiên Chúa đã được Chúa Thánh Thần đổ chan hòa vào lòng (x. Rm 5,5), qua cách xử sự của họ, người ta phải thấy được sự thánh hiến Chúa đã thực hiện nơi họ qua bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức hay Truyền Chức.
Như thế, ơn thánh thiện do các bí tích truyền ban được chuyển thành ơn thánh thiện sống trong đời sống thường nhật. Đời thánh hiến, được sống trong Giáo Hội, phải giúp cho sự thánh hiến đời sống của các tín hữu, giáo dân và giáo sĩ.
Đàng khác, ta không quên rằng, chứng tá của các ơn gọi khác cũng nâng đỡ những người được thánh hiến sống trọn vẹn sự gắn bó với mầu nhiệm của Đức Kitô và của Giáo Hội, trong những chiều kích đa dạng. Do khả năng giúp nhau như thế, sứ mạng của đời thánh hiến trở nên hùng hồn và hữu hiệu hơn : Trong khi các anh chị em khác vẫn đăm đăm tìm hòa bình tương lai, thì đời thánh hiến cho thấy mục tiêu là hạnh phúc vĩnh viễn ở bên Thiên Chúa (ĐSTH 33).
Dựa trên lời của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, sự thánh thiện của đời thánh hiến nhắc nhớ các tín hữu về sự duy nhất tính giữa việc cử hành phụng vụ và đời sống, giữa bí tích và nỗ lực chu toàn bổn phận luân lý. Cách thức là và làm của những người được thánh hiến nói cho giáo dân về tính duy nhất sâu thẳm : Không thể nói : “ Lạy Chúa, lạy Chúa” rồi chẳng làm theo ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Đời chứng tá của những kẻ được thánh hiến đóng một vai trò quan trọng. Đó là làm cho lương tâm con người ý thức về mình. Đó là nhắc nhở cho giáo dân ý thức rằng họ phải đáp lại lời mời gọi nên thánh bằng cách sống tình yêu của Thiên Chúa. Đời sống chứng tá cũng nhắc cho giáo dân luôn ý thức mình phải hoán cải, để liên tục hướng tới Chúa, Đấng mời gọi mình nên thánh.
Tất cả các con cái của Giáo Hội, được Chúa Cha kêu gọi lắng nghe Đức Kitô, chỉ có thể nhận ra được đòi hỏi sâu xa là phải hoán cải và nên thánh thiện. Điều Thượng Hội Đồng nêu lên : đó là đòi hỏi hoán cải và nên thánh, trước tiên liên hệ đến đời sống thánh hiến. Quả thế, ơn gọi của những người được thánh hiến trước hết là tìm kiếm nước Thiên Chúa, là một tiếng hoán cải hoàn toàn, từ bỏ chính mình để chỉ sống nhờ Đức Chúa, kể Ngài là tất cả nơi mọi người. Vì đã được kêu gọi chiêm ngưỡng gương mặt biến hình của Đức Kitô và làm chứng về điều này, những người được thánh hiến cũng được kêu gọi sống một cuộc sống biến hình.
Những điều được diễn tả trong Bản báo cáo chung kết của phiên họp bất thường lần thứ hai của Thượng Hội Đồng rất gợi ý : “Qua suốt lịch sử của Giáo Hội, các thánh nam nữ luôn luôn là một nguồn mạch, từ đó phát ra bao đổi mới trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Ngày hôm nay, chúng ta cần những vị thánh và chúng ta không ngừng cầu xin Thiên Chúa ban những vị thánh…Giáo Hội luôn luôn thấy việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm là một nẻo đường đặc biệt đưa tới sự thánh thiện. Chính những thuật ngữ Giáo Hội dùng như -trường dạy phụng sự Đức Chúa, trường dạy yêu thương, và sống thánh thiện, nẻo đường hoặc bậc hoàn thiện- ám chỉ việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm, cho thấy tính hữu hiệu và sự phong phú của các lời khuyên Phúc Âm, là những phương tiện đặc thù của một lối sống Tin Mừng, đồng thời cũng cho thấy sự dấn thân đặc biệt của những người sống đời sống này. Không phải vô cớ mà qua các thời đại, một số lớn những người được thánh hiến đã để lại những chứng tá hấp dẫn về sự thánh thiện, những sáng kiến để loan báo Tin Mừng, và gương phục vụ đặc biệt quảng đại dẫn đến những thàng quả tốt đẹp” (ĐSTH 35).
Thực ra, cần phải lưu ý luôn mãi và nhớ rằng các thánh sống đời thánh hiến đã thực thi những việc vĩ đại và anh hùng. Đời sống chứng tá của các vị là nguồn mạch canh tân
xã hội và lịch sử của chúng ta. Nếu chúng ta phải phiền trách về đời sống thế tục quá cam go trong thời đại chúng ta
thì hãy quỳ xuống mà thờ lạy và cầu xin thiên Chúa sai những thánh nhân tới mới giải quyết được. Đối với chúng ta, những người thánh hiến, các vị thánh mà chúng ta xin Thiên Chúa gửi tới phải chính là bản thân chúng ta. Cần xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn nên thánh, vì đó là điều thế gian cần để canh tân trái đất. Lịch sử loài người thay đổi rất ít, nhưng công việc ta làm đổi thay rất nhiều nhờ sự thánh thiện.
Gợi ý :
Đời chứng tá của những người được thánh hiến đóng một vai trò rất quan trọng, đó là gây ý thức cho người giáo dân đáp lại lời mời gọi nên thánh. Vậy, chị em chúng ta cần xem xét lại vai trò chứng tá của chúng ta trong thời đại hôm nay.
Sr. Anna Hoàng Mai