Đời sống mai sau

75

Con người ai cũng một lần sinh ra và chết đi, thật đặc biệt khi người Công Giáo luôn dành riêng tháng 11 để kính nhớ ông bà tổ tiên và các linh hồn đã qua đời. Nhưng không chỉ tháng 11 mà trong suốt thời gian trong năm phụng vụ người Kitô hữu luôn đọc kinh, cầu nguyện, làm những việc hy sinh, bác ái hoặc là xin lễ để cầu nguyện cách đặc biệt cho các linh hồn đã ra đi trước họ.

Đối với người không có đức tin, “chết là hết” là chấm dứt tất cả, cái chết sẽ không tha cho một ai dù giàu sang hay nghèo hèn, dù thông minh hay kém cỏi, dù thành công hay thất bại… Con người phải đối diện với quy luật sinh lão bệnh tử như một điều tất yếu. Giữa một xã mải miết đi tìm của cải vật chất, danh vọng, quyền lực, nhưng thời gian vốn mong manh mà ước vọng của con người luôn đầy ứ. Vì vậy, biết đến bao giơ mới lấp đầy tham vọng lòng người? Rồi cái chết như là một mối đe dọa và sự sợ hãi của toàn thể nhân loại cứ thường trực bất cứ lúc nào. Vậy phải sống sao đây? Để cuộc đời có ý nghĩa có lẽ ai cũng nên khắc ghi những giá trị vĩnh cửu như: tình yêu thương, sự tử tế, lòng chân thành, sự thật, lẽ phải… Đó là những giá trị cần ưu tiên, đó là thứ “của lễ” đẹp lòng Chúa hơn mọi sự. Thánh Gioan đã nói “Thiên Chúa là Tình yêu”, quả đúng như vậy chính Đức Kitô cũng đã sống và chết cho tình yêu và Ngài mời gọi mỗi người chúng ta yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Chúng ta hãy thử hỏi mình rằng: Tôi đã thực sự tìm thấy ý nghĩa và cùng đích của cuộc đời mình hay chưa? Nếu còn mơ hồ, chúng ta hãy nhìn lên gương Chúa Giêsu và lắng nghe lời Ngài hướng dẫn. Chỉ vì chữ yêu mà chính Đức Giêsu đã sống cho nhân loại chúng ta, một tình yêu không so đo tính toán, một tình yêu vô vị lợi đến nỗi Ngài đã hy sinh cả mạng sống của mình vì loài người chúng ta. Người đời thường nói cuộc đời là “bể khổ” mà hết khổ là hết đời, nhưng thử hỏi rằng lúc nào mới thực sự hết khổ? Chạy trốn hay tìm cách thoát khổ không phải là môt giải pháp tối ưu. Nhưng chính trong thử thách, con người được thanh luyện khi biết kiên nhẫn, hy vọng và tin tưởng nơi Chúa. Thánh Phaolô nói: “Đức tin có trải qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn” và “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa.Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Kitô đã chết và sống lại là để làm Chúa kẻ sống và kẻ chết.”(Rm 14:7-9).

Vì vậy, hãy dành ra chút ít thời gian để suy nghĩ về sự chết và cả những gì mình đang trải qua trong hiện tại hôm nay. Hãy sống một cách có ý nghĩa vì cuộc sống này tựa như hoa cỏ, như kiếp phù vân mau qua, còn Nước Trời mai sau mới chính là hạnh phúc viên mãn đích thực mà chúng ta cần hướng tới.

Maria Kiều, Thanh tuyển sinh MTG Thủ Đức