Đời sống không Thánh Thể sẽ thế nào?

118

Mùa xuân năm 2020, các Thánh Lễ cộng đồng bị đình chỉ trong giáo phận của chúng tôi, tôi – cũng như nhiều người trên khắp thế giới – cảm thấy lạc lõng khi không dễ dàng đến được với Bí tích Thánh Thể.

Tôi cần phải chứng minh điều đó bằng cách nói rằng tôi là một trong những người may mắn vì vị linh hướng của tôi đã mời vợ chồng tôi thỉnh thoảng phụ giúp ngài trong các Thánh Lễ riêng tư. Khi đến giờ, chúng tôi gặp nhau trong nhà thờ lớn với không gian rộng để giãn cách xã hội – và Nhà Tạm cách đó không xa.

Thật sự mà nói, sống ở Mỹ và có bạn bè là linh mục mà tôi thật hư hỏng. Khi ngồi đây, trong một thành phố lớn hơn ở tiểu bang của tôi, tôi viết bài này vào đêm khuya, tôi có thể nghĩ đến nhiều nhà nguyện có giờ chầu mà tôi có thể đến và cầu nguyện ngay bây giờ. Tôi nhận thức rõ rằng đây không phải là trường hợp của nhiều tín hữu Công giáo, và tôi biết rằng kinh nghiệm của tôi cách đây hai năm chỉ là cảm nhận về thực tế hằng ngày của họ.

Tôi yêu mến Thánh Thể trước khi xảy ra đại dịch Covid. Nhưng khoảng thời gian đó tôi không thể ở với Chúa Giêsu trong Nhà Tạm bất cứ khi nào tôi muốn – điều đó khiến tôi khao khát Ngài hơn bao giờ hết.

GIÁO LÝ THẤM SÂU TRONG MỐI QUAN HỆ

Tôi tốt nghiệp thần học, và tôi có thể vui vẻ giải thích cho bạn về sự phức tạp và vẻ đẹp của thần học về Bí tích Thánh Thể. Nhưng thực tế của Bí tích Thánh Thể không thể được nói gọn bằng lời nói. Trước khi gặp chồng tôi, bất cứ khi nào tôi hẹn hò với một chàng trai, tôi có thể liệt kê tất cả những điều mà tôi thích ở anh ấy. Khi tôi gặp chồng tôi, anh là người đàn ông đầu tiên mà tôi có thể thành thật nói rằng tôi yêu không phải vì những thuộc tính của anh, mà vì anh ấy là chính anh ấy. Tôi yêu anh không phải là ý nghĩ mà là chính anh. Mặc dù tôi rất thích và muốn tiếp tục tìm hiểu về anh. Tình yêu say mê khi hiểu biết sâu sắc hơn về người anh yêu.

Vì vậy, đó là với Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Điều tốt và đúng đắn là chúng ta nên biết và hoàn toàn tin vào Bí tích Thánh Thể. Nhưng việc tiếp thu kiến thức đó lại mang một giai điệu khác khi nó bắt đầu với mối quan hệ. Khi nó bắt nguồn từ lời mời gọi của Đức Kitô đối với chúng ta và sự đáp lại của chúng ta đối với Ngài, bất kỳ kiến thức nào có được đều phù hợp với niềm khao khát đó – Đức Kitô khao khát chúng ta và chúng ta khao khát Ngài.

Ví dụ, với mỗi đứa con nhỏ, tôi đã giới thiệu giáo lý về Bí tích Thánh Thể theo cùng một cách – tôi dạy chúng thổi nụ hôn lên Chúa Giêsu trong Nhà Tạm. Khi chúng lớn lên, chúng ta dành nhiều thời gian hơn để viếng thăm Ngài – chỉ dừng lại ở nhà thờ của chúng ta hoặc một nhà nguyện trong giây phút ngắn ngủi với Chúa Giêsu trong Nhà Tạm. Tôi bái gối khi vào nhà thờ, hoặc tôi “hôn gió” một nhà thờ khi lái xe ngang qua, tôi chuyển cùng một thông điệp: “Đây là Người Yêu Dấu của chúng ta.” Có con gái, tôi nhấn mạnh đến ngôn ngữ này về Bí tích Thánh Thể, đặc biệt dựa trên mẫu gương của rất nhiều thánh nữ. Tôi sử dụng các cụm từ quý mến Chúa Giêsu mà tôi dùng cho chồng và các con – những lời quý mến mà các con gái tôi quen thuộc. Tôi dạy chúng nói với Ngài: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Ngài.” Đôi khi chúng ta có thể gọi Ngài là “Chúa Giêsu bé bỏng” khi chúng ta chiêm ngưỡng và ngạc nhiên trước tình yêu thương vô bờ bến của một Thiên Chúa vĩ đại đến mức vẫn ẩn mình trong Nhà Tạm vì yêu thương chúng ta.

Hai trong ba cô con gái của tôi đã rước lễ lần đầu. Thật tuyệt vời và hấp dẫn khi chứng kiến mối quan hệ của chúng với Ngài phát triển theo cách riêng của chúng. Con nhỏ nhất của tôi 4 tuổi, khi lên 2 tuổi, nó bắt đầu mạnh mẽ đề cập Chúa Giêsu là “anh trai” của nó. Là con nhỏ gia đình, nó biết thế nào là được yêu thương và gắn bó, đồng thời biết rằng Thiên Chúa là Cha nó, Đức Mẹ là Mẹ của nó, và Chúa Giêsu là “Anh Cả” của nó, cho nó cơ hội để nghỉ ngơi trong mối quan hệ đó. Hiện giờ, sự hiệp thông tâm linh của nó có hình thức đẹp đẽ phù hợp với tính cách của nó. Khi tôi trở lại chỗ ngồi sau khi rước lễ, tôi hỏi nó: “Con có muốn ôm chặt lấy Anh Cả của con không?” Còn hơn gấp bội lần, ngay lập tức nó vùi đầu vào ngực tôi, nơi nó biết Anh Cả Giêsu đang ở trong những khoảnh khắc quý giá ngay sau khi rước lễ. Tôi vòng tay ôm nó và thì thầm với nó: “Anh Cả yêu con rất nhiều. Con là em gái nhỏ của Anh Cả đấy!”

Tất cả điều này được thực hiện rất có chủ đích. Các con gái của tôi đều biết giáo lý Công giáo về Bí tích Thánh Thể. Nhưng chúng đang học nhiều hơn là giáo lý – chúng đang học để biết và yêu chính Chúa Giêsu Kitô. Dù chúng là trẻ em, nhưng điều này cũng đúng với cả người lớn. Kinh nghiệm của chúng ta về Bí tích Thánh Thể hoàn toàn thay đổi khi được nhìn trong bối cảnh của mối quan hệ.

Ý tôi không phải là sự hiểu biết này về Bí tích Thánh Thể đem lại cảm giác mạnh mẽ hơn hoặc sự an ủi trong lời cầu nguyện. Đúng hơn là sự hiểu biết của chúng ta về tình yêu, sự thờ phượng và hy sinh sâu sắc hơn một cách triệt để khi chúng ta chiêm ngưỡng Thánh Thể theo cách đó. Như bất kỳ cặp vợ chồng nào cũng có thể nói với bạn, tình yêu thường sâu đậm nhất ở những lúc đau khổ, hy sinh và thiếu thốn cảm xúc. Sự kết hợp thường sâu đậm hơn vào những thời điểm đó trong hôn nhân, và điều này cũng có thể đúng trong đời sống thiêng liêng của chúng ta.

MỤC ĐÍCH CHÚNG TA ĐƯỢC TẠO DỰNG

Thứ Năm Tuần Thánh năm 2022, linh mục đã giảng một bài rất hay về tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể, cầu xin chúng tôi củng cố niềm tin rằng Bí tích Thánh Thể đáng khao khát. Dựa vào đó, điều cần là công nhận rằng Bí tích Thánh Thể – và sự kết hợp với Chúa Kitô qua việc lãnh nhận Ngài, hoặc qua ước muốn mãnh liệt của chúng ta qua việc rước lễ thiêng liêng – là hoàn tất niềm khao khát của linh hồn chúng ta.

Thánh Augustinô nói một cách tài tình: “Trái tim chúng con không yên nghỉ cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa.” Có một sự bồn chồn trong chúng ta. Rất thường xuyên chúng ta cho rằng sự bồn chồn đó là sự buồn chán và chạy đua để lấp đầy cuộc sống bằng sự bận rộn. Quả thật, sự bồn chồn đó giống như sự bồn chồn của người đang yêu chờ đợi người yêu xuất hiện. Một người trong tình trạng đó không thể hoàn toàn ổn định, và không có sự phiền nhiễu nào thỏa mãn theo cách mà sự hiện diện của người được yêu có thể làm được.

Thiên Chúa là Đấng mà chúng ta được tạo ra. Ngài là Đấng mà chúng ta hằng mong ước, mặc dù chúng ta có thể không công nhận. Câu trả lời cho niềm khao khát sâu sắc đó được tìm thấy trong tình trạng chờ đợi – trong Bánh Thánh nhỏ bé, màu trắng, ẩn giấu trong Nhà Tạm vì tình yêu của bạn và tôi. Ở đó, Đức Kitô vẫn chờ đợi, khao khát bạn sâu sắc hơn những gì bạn có thể dành cho Ngài. Và Ngài vẫn luôn chờ đợi bạn.

MICHELE CHRONISTER

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)